“Vào công chức để làm giàu là rất sai lầm!”
“ Công chức có cuộc sống ổn định nhưng lương thì không thể như ở doanh nghiệp. Bởi lẽ người dân đóng thuế, trả lương cho anh thì anh phải phục vụ trở lại nhân dân. Còn vào công chức mà để làm giàu thì rất sai lầm!”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói.
Ngày 12/10, bên lề Hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương”, ông Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã chia sẻ với báo chí những vấn đề liên quan chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.
- Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, mức thu nhập hiện nay của cán bộ, công chức chưa phản ánh đúng giá trị công sức lao động, điều đó dễ dẫn đến tình trạng quan liêu, tiêu cực. Vậy chính sách tiền lương trong thời gian tới sẽ được cải cách như thế nào để công chức không còn phải lo “cơm áo gạo tiền” hàng ngày?
- Công chức có cuộc sống ổn định, nhưng lương thì không thể như ở doanh nghiệp. Bởi lẽ người dân đóng thuế, trả lương cho anh, thì anh phải phục vụ trở lại nhân dân. Còn vào công chức mà để làm giàu thì rất sai lầm. Nếu muốn làm giàu thì sang doanh nghiệp, mức thu nhập phụ thuộc vào việc anh làm ăn có lãi, hiệu quả được lương cao, ngược lại anh làm ăn thất bát thì thôi.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, muốn làm giàu thì sang doanh nghiệp, lời ăn lỗ chịu.
- Nếu muốn làm giàu thì phải sang doanh nghiệp – điều đó liệu có ảnh hưởng đến việc thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy nhà nước phục vụ nhân dân hay không?
- Những người có tài năng thực sự họ không đặt vấn đề tiền lương đầu tiên, đối với họ tiền lương cũng không phải là điều kiện để làm việc. Cái chính người ta cần môi trường làm việc để được cống hiến nhiều hơn. Còn những người vào công chức chỉ nghĩ đến tiền lương không thôi thì chưa chắc đã là những người giỏi. Tuy nhiên, việc cải cách tiền lương cũng phải đưa ra chính sách thu hút người có đủ năng lực, có thực tài vào nền công vụ, phục vụ nhân dân.
Video đang HOT
- Nhưng thực tế tiền lương phải đảm bảo cuộc sống cho gia đình và bản thân thì cán bộ, công chức mới yên tâm cống hiến cho nền công vụ, phục vụ nhân dân?
- Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo tiền lương, để công chức sống bằng tiền lương của mình. Vì vậy mới có Hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương”, để bàn những giải pháp phù hợp. Hội thảo để lấy kinh nghiệm, trí tuệ của chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp vào đề án cải cách tiền lương để Bộ Nội vụ xây dựng, hoàn thành, trình Chính phủ xem xét, đưa ra cấp có thẩm quyền quyết định.
- Tại hội thảo, đại biểu phản ánh khoản tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức thì rất dễ nhận thấy, nhưng những vấn đề bên “dưới gầm bàn” thì rất khó kiểm soát. Vậy làm cách nào để ngăn chặn các khoản thu không minh bạch đó, thưa ông?
- Ngoài việc bảo đảm tiền lương cho công chức đủ sống, yên tâm làm việc thì đi cùng với nó là những giải pháp phòng chống tiêu cực, tham nhũng, phòng chống những biểu hiện vi phạm pháp luật để vụ lợi.
- Vậy Bộ Nội vụ sẽ tham mưu như thế nào để cải cách chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới?
- Nhiệm vụ đầu tiên là phải tìm cách thay đổi nhận thức: làm công chức mà muốn lương cao. Bởi nhà nước có trách nhiệm đảm bảo tiền lương để công chức yên tâm làm việc, yên tâm phục vụ nhân dân. Ngoài ra, muốn cải cách tiền lương thì cơ chế cũng phải thay đổi để đảm bảo được người làm việc tận tuỵ, hiệu quả phải khác với người làm việc lười biếng, không đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó là thu hút những người đủ trình độ, năng lực vào trong cơ quan nhà nước và sẵn sàng làm việc với nguyện vọng phục vụ nhân dân. Còn vào công chức mà để làm giàu thì dễ phạm tội.
Xuất phát từ những nhận thức trên thì mới cải cách được chế độ tiền lương phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước, phù hợp với khả năng của ngân sách. Vì vậy mới có thể đảm bảo tiền lương cho công chức sống bằng tiền lương của mình, không phải lo nghĩ về “cơm áo gạo tiền”.
Quang Phong (ghi)
Theo Dantri
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Lương thấp dễ dẫn tới quan liêu, tham nhũng
"Các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất để tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển, trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước. Vì vậy, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay", ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Sáng ngày 12/10, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo khoa học "Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương". Hội thảo với mục đích lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của cải cách tiền lương từ năm 2004 đến nay...
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, cải cách chính sách tiền lương là một trong những chương trình trọng tâm cải cách hành chính. Dù được quan tâm, giải quyết nhưng chính sách tiền lương là câu chuyện rất khó, liên quan tới rất nhiều cải cách hành chính, công vụ, công chức.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo
Theo ông Tuấn, chính sách tiền lương, chế độ tiền lương đã trải qua 4 cải cách. Và qua mỗi lần như vậy, chế độ tiền lương được cải thiện, đổi mới lên một bước nhưng đều gắn liền với cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ công chức.
Tham luận tại Hội thảo, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động. Ông Phúc cho rằng, đó là một loại "lao động đặc biệt - lao động quyền lực".
Do đó, các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất để tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển, đã trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước. Vì vậy, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay.
Một vấn đề được nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đưa ra tại hội thảo để dẫn chứng cho vấn đề tiền lương công chức không phản ánh đúng giá trị sức lao động đó là lương của Thứ trưởng về hưu hiện nay không bằng lương của một ông Trung tá.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp.
Bài tham luận của PGS. TS Trần Đình Thảo - Trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân lực (Đại học Nội vụ Hà Nội) nhìn nhận việc tăng lương tối thiểu không dựa vào năng suất, cùng việc ràng buộc lương tối thiểu với hệ thống an sinh tạo nên sức ép lên cả doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước, đồng thời thu nhập của người lao động không thực sự được cải thiện.
Cụ thể, cách xác định mức lương tối thiểu chung bị phụ thuộc ngân sách Nhà nước, chưa gắn với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Hệ số trung bình quá thấp nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức và người lao động có hệ số lương thấp.
Chính những vấn đề trên dẫn đến hệ quả tiêu cực là người hưởng lương không sống được bằng lương, thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều ngành, nghề, vị trí công tác, chức vụ ngày một cao, phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước.
Vì vậy, theo PGS. TS Trần Đình Thảo, tiền lương thấp cũng là lý do dẫn đến hiện tượng "chảy máu chất xám" từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh, đồng thời là nguyên nhân khó thu hút nhân tài và gây nên các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, tạo lực cản trong cải cách hành chính ở nước ta.
Quang Phong
Theo Dantri
Tuổi nghỉ hưu nữ có thể tăng lên 58 hoặc 60 Bộ Lao động đang cân nhắc phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62, nữ từ 55 lên 58 hoặc 60. Ngày 11/10, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết cơ quan này đang cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, trước khi...