Văng tục vì phải nhường ghế cho người già
Bị nhân viên y tế mắng vì ngồi tranh ghế của người già và phụ nữ có thai, cậu thanh niên đứng dậy nhưng mặt hằm hằm: “Muốn ngồi thì mở miệng mà hỏi một câu chứ không thì ai biết ngứa chỗ nào mà gãi?”.
Thích là nói, thích là chửi?
Nhà chị Linh ở khu tập thể Bách Khoa (Hai Bà Trưng – Hà Nội), ngay dưới sân là một loạt các quán trà đá, cà phê… Theo chị Linh, khu này tập trung nhiều trường, từ bậc tiểu học, trung học cơ sở đến bậc đại học nên học sinh, sinh viên nhiều. Sau giờ tan trường, ở các quán trà đá, học sinh ngồi đông nghịt.
Vừa “bắn” thuốc lào, vừa nói bậy chửi tục.
Chị Linh vốn là dân gốc ở đây, nhưng mỗi lần đi qua “khu trà đá”, chị vẫn thấy hơi “rợn rợn” vì hôm nào mấy nhóm học sinh, sinh viên cũng tụ tập để hút thuốc lào, thuốc lá rồi nói bậy, chửi tục ầm ĩ. Đã vậy, lại còn thêm cái khoản thấy cô gái nào đi qua là trêu chọc, rồi nhận xét đánh giá …
“Có lần, một cô gái mặc váy ngắn lại mang đôi giầy cao gót đi bộ qua, không may bị trẹo chân nên ngã xuống đường. Thế mà cả nhóm học sinh, không có ai ra đỡ cô gái lại vỗ tay ầm ĩ rồi đồng thanh cười khoái trá khiến cho cô gái kia ngượng chín mặt” – chị Linh kể.
Video đang HOT
“Lần khác, cũng có một chị khoảng 35 – 40 tuổi mặc váy đi bộ ngang qua. Chị ấy chưa kịp đi khuất thì cả nhóm học sinh độ 13, 14 tuổi đã xúm lại chê bai, dè bỉu, nào là già rồi mà còn đú, chân thì như cái com – pa, bụng cũng đến một rổ mỡ, tưởng ngon lắm hay sao mà còn mặc váy ngắn… khiến mình đứng gần đó vừa bực vừa thấy thương cho chị kia. Không những thế, nhóm học sinh này còn vô duyên đến mức, thấy một chị trang điểm khá đậm đi vào quán hỏi mua thẻ điện thoại (vì quán có bán kèm dịch vụ này) thì hét lớn : “…( văng tục) cứ tưởng là cái mông con khỉ”, rồi cười nghiêng ngả với nhau” – chị Linh bức xúc.
Văng tục vì phải nhường ghế
Là một giáo viên, gắn bó mấy chục năm với nghề, nhưng đến khi về hưu, cô Nhân (Thanh Xuân – Hà Nội) vẫn còn trăn trở với lứa tuổi học trò ngày nay.
Cô Nhân bảo: “Bọn trẻ bây giờ, cái gì cũng giỏi giang, và năng động hơn thời ngày trước rất nhiều. Duy chỉ có một điều mà cô băn khoăn đó là vấn đề đạo đức. Nhiều em bây giờ, cứ thích nói là nói, thích chửi là chửi cho sướng mồm, chẳng cần biết trên dưới, phải trái ra sao”.
Nhiều bạn trẻ còn làm ngơ với văn hóa nhường chỗ.
“Còn nhớ, cách đây chừng một tháng, cô đi cùng con gái đến khám bệnh ở một phòng khám tư nhân trên phố Thái Hà. Lúc đó, con gái cô mới có thai được 5 tháng. Khi cô đến thì ghế chờ thì đã chật kín người, thế là 2 mẹ con cô đứng sát vào một góc tường.
Lúc này, một nhân viên y tế đi ra, nhìn thấy vậy nên quát thẳng vào mặt một bạn nam và yêu cầu cậu ta nhường chỗ. Cậu ấy đứng dậy, nhưng mặt hằm hằm, miệng lẩm bẩm: “Muốn ngồi thì mở miệng mà nói một câu. Ai biết ngứa chỗ nào mà gãi hộ?”. “Thế anh không nhìn thấy một người già và một bà bầu đang đứng à? Đàn ông con trai khỏe mạnh, ngồi như vậy mà cũng trông được sao?” – chị nhân viên y tế đáp lại. “Khỏe mạnh thì vào đây làm gì ?” – anh thanh niên cãi cố.
“Rồi cuộc tranh luận còn kéo dài thêm vào câu nữa, và cậu thanh niên không kiềm chế được nóng nảy nên đã văng tục. Thế là tôi quyết định trả lại ghế cho cậu ta. Sau đó tôi ra ngồi ở chỗ ghế mà mấy bạn trẻ khác đã đứng lên để nhường” – cô Nhân thở dài.
Cô nói tiếp: “Từ khi còn đứng trên bục giảng, tôi vẫn luôn nói với học sinh của tôi rằng, dù các em có học nhiều đến đâu, giỏi giang đến đâu thì những bài học về đạo đức, về văn hóa ứng xử, rồi phép lịch sự tối thiểu … các em cũng không bao giờ được xem nhẹ. Bởi vì, có như vậy, các em mới có thể thành công, và không bao giờ bị người đời khinh rẻ”.
Theo Vietnamnet
Nữ sinh văng tục: Thứ rác khó dọn
Hà Nội có hai thứ rác không đáng có và không thể chấp nhận được, đó là rác hoa (mỗi dịp qua tết) và rác ngôn ngữ - chính là việc văng tục, chửi thề. Rác hoa thì có thể dọn đi nhưng rác ngôn ngữ thì không.
Hai nữ sinh Hà Nội trong một vụ cãi vã to tiếng với nhau ngoài đường - Ảnh: Nguyễn Khánh
Văng tục, chửi thề ngày nay đã lây lan rất nhiều trong giới trẻ, trong đó có không ít nữ sinh. Họ cho mình sở hữu đặc quyền riêng đó và hân hoan sử dụng nó bất cứ lúc nào thích. Thật nguy hiểm vì việc đó đã trở thành một xu hướng, càng ghê gớm hơn khi xu hướng đó được giới trẻ thừa nhận và coi là điều bình thường. Nhiều nữ sinh lấy làm sung sướng dùng nó như câu cửa miệng hằng ngày.
Thật ra chửi thề xem ra cũng là một cách để giải tỏa bức xúc, tuy nhiên cần phải được xem xét và sử dụng trong bối cảnh, tình huống và không gian thích hợp. Tôi cũng đã có lần chửi thề, nhưng là chửi cái... ổ khóa, trong bối cảnh cũng chỉ có mình tôi với cái ổ khóa đó. Đó là lần tôi mệt mỏi kinh khủng nhưng lại bất lực trước cái ổ khóa cửa bị kẹt, câu chửi thề khiến tôi nhẹ nhõm hơn lúc đó. Nhưng với giới trẻ hiện nay thì hoàn toàn khác, họ sẵn sàng phun ra ở những chốn đông người đàng hoàng, ở những môi trường được gọi là văn hóa.
Tiếng Việt đa dạng, biết chơi chữ, sáng tạo ngôn ngữ một cách hồn nhiên là điều tốt, nhưng phải được chế ngự bằng một ý thức và tình yêu ngôn ngữ trong sáng của tiếng Việt. Tiếng Việt phải phát triển tiến lên theo căn cơ của nó chứ không phải là sự bóp méo, lệch lạc.
Văng tục là chuyện "đầu môi chót lưỡi", ý thức riêng của một người và có vẻ như vô hại, nhưng khi ở trong một đám đông, lại là đám đông thân thiết sẽ vô tình hợp thành ý thức chung, ý chí chung từ đó mặc nhiên thừa nhận đó là điều nguy hiểm. Trong một thế giới IT thịnh hành, xã hội phát triển, sự giao lưu với phương Tây nhiều hơn... khiến lối ăn nói cởi mở hơn, tuy nhiên không phải vin vào đó để bao biện cho chính mình.
Theo tôi, lý do lớn nhất khiến văng tục trở thành vấn nạn chính là việc giới trẻ quá buông thả về ngôn ngữ, thiếu ý thức giữ gìn vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt và truyền thống văn hóa dân tộc. Trong lúc đó, do hoàn toàn không bị pháp luật cấm, không hề bị cản trở bởi một chế định hữu hình nào đó nó càng có cơ hội lan rộng ra.
"Chữa trị" nạn văng tục, chửi bậy xem ra chưa có được lời giải bởi lấy cái gì để chữa khi nó là một thứ mông lung nằm sâu trong giao tiếp đời sống hằng ngày. Rõ ràng không thể áp dụng biện pháp tình thế nào để khắc phục. Xã hội buộc phải sống chung với nó nhưng là sống ở thế chủ động, tẩy chay khi nó vượt quá mức độ cho phép, chứ không phải là a dua, tán đồng.
Tuy chữa khó nhưng ngăn ngừa và triệt tiêu từ khi còn mầm mống là điều hoàn toàn có thể. Đó là việc quay về sự căn cơ của ngôn ngữ, giáo dục từ cách "ăn, nói, gói, mở". Trong gia đình hãy bắt đầu từ những bài học sơ đẳng nhất, như: tránh nói trống không, xưng hô với người hơn tuổi phải đi kèm từ "ạ!"... Về lâu dài phải có giải pháp chiến lược về giáo dục ngôn ngữ từ cấp mẫu giáo cho đến đại học.
Theo Tuổi Trẻ
Nữ sinh văng tục - Kỳ 1: Ở đâu cũng nghe Là phái yếu và là biểu tượng của dịu dàng, thùy mị, nết na, nhưng thời gian gần đây nhiều nữ sinh Hà thành khiến nhiều người thảng thốt vì nạn... văng tục. Đáng ngại hơn, nhiều nữ sinh nghiện... văng tục và xem đó là "mốt"! Câu chuyện của nhóm bạn trẻ này tại quán nước trên phố Nhà Chung (Hà Nội)...