Vàng tăng sốc, NHNN khẳng định thị trường giao dịch yếu ớt
Trước diễn biến bất thường của giá vàng diễn ra ngày hôm nay, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ( NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng, trong tuần từ 17-22/02/2020, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm. NHNN cũng khẳng định đủ nguồn lực can thiệp thị trường nếu cần thiết.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM
Hôm nay (24/2), giá vàng trong nước tăng tới 3 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng một ngày, chạm gần 50 triệu đồng/lượng, cao kỷ lục từ trước đến nay. Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, giá vàng trong nước biến động tăng theo giá vàng thế giới, nguyên nhân là do lo ngại về dịch viêm phổi Covid-19 gây sức ép đến nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng cho hay, mặc dù giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng giao dịch ngoài thị trường hiện vẫn khá trầm lắng.
“Chênh lệch giữa giá mua và giá bán giao động trong khoảng từ 300 – 500 nghìn đồng/lượng trong những ngày qua cho thấy sức mua, bán vàng của thị trường vàng đã yếu và người dân không còn mặn mà với vàng. Theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng, trong tuần từ 17-22/02/2020, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm. Ghi nhận mua bán ngoài thị trường chỉ ở mức thấp và nhỏ lẻ. Trên thị trường trong nước, giao dịch mua, bán vàng miếng vẫn diễn ra bình thường. Giá vàng trong nước bám sát và nhiều thời điểm thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi”, ông Minh cho hay.
Theo NHNN, với việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian qua, thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát.
NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết.
Hôm nay, giá vàng lúc mở cửa được bán với giá 46,6 – 46,8 triệu đồng/lượng nhưng sau đó đã nhảy lên gần 50 triệu đồng/lượng. Cùng với giá tăng, khoảng cách mua – bán cũng được nhà vàng doãng rộng lên 1,2-1,7 triệu đồng/lượng, dồn rủi ro về phía người mua.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá vàng quốc tế gần 2 triệu đồng/lượng. Đồng thời, ông Trúc cũng khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua vàng lúc sốt giá. Việc giá vàng trong nước đột ngột tăng giá tới 3 triệu đồng, theo ông Trúc, có thể là do doanh nghiệp khan hàng nên đẩy giá lên cao.
Giá vàng tăng mạnh do dịch bệnh SARS-CoV-2 leo thang tại nhiều nước ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh hưởng của dịch bệnh quá lớn khiến kinh tế nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ suy giảm, hàng loạt đồng tiền mất giá. Các đồng nội tệ của Trung Quốc, Australia, New Zealand, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) đều có chiều hướng giảm giá, trong đó đồng AUD (Australia) ghi nhận mức thấp mới trong vòng 11 năm qua. Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm gần 1%, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.
Video đang HOT
Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới liên tục tăng khi nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu. Trên thế giới, giá vàng đang tiến sát ngưỡng 1.700 USD/oz, đứng ở mốc 1.672 USD/ounc. Nhiều dự báo cho rằng, giá vàng sẽ vượt 2.000 USD/oz trong năm nay song giới chuyên gia đều khuyến cáo, nguy cơ vàng đảo chiều trong ngắn hạn là rất lớn.
Như Loan
Theo baodautu.vn
Chính sách tiền tệ thời Covid-19: Dư địa cung tiền không còn nhiều
Nhận định mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra "rất nghiêm trọng", Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 đều thấp xa so với mục tiêu 6,8% được Chính phủ và Quốc hội đề ra. Chính sách tiền tệ, tài khóa nên ra sao vào thời điểm này? ĐTTC trao đổi với ông NGUYỄN ĐỨC HÙNG LINH, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khối khách hàng cá nhân (Công ty Chứng khoán SSI), về vấn đề này.
Covid-19 là lý do để Chính phủ và NHNN tiếp tục thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống NH. Ảnh: V.CHUNG
PHÓNG VIÊN: - Một số ý kiến cho rằng thời điểm này cần tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ. Theo ông, "linh hoạt" ở đây nên được hiểu như thế nào?
Ông NGUYỄN ĐỨC HÙNG LINH: - Ở thời điểm hiện tại dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ là có, đặc biệt là dư địa tài khóa. Trong năm 2019, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất lớn, có lúc tới gần 500.000 tỷ đồng, tương đương 8% GDP.
Đây là nghịch lý bởi Việt Nam đang trong giai đoạn cần đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho các thành phần kinh tế phát triển. Những rào cản về thủ tục pháp lý, các quy định pháp luật và có cả sự chậm trễ ở các cơ quan quản lý, là nguyên nhân khiến đầu tư công trong 2 năm qua chỉ đạt 50% so với kế hoạch.
Chính phủ và các cơ quan liên quan thời gian qua đã rất nỗ lực để khơi thông các vướng mắc này, nên khi Covid-19 nổ ra càng là lý do để thúc đẩy đầu tư công trong năm 2020. Bên cạnh giải ngân nhanh, chúng ta cũng cần sự minh bạch trong sử dụng vốn ngân sách để đảm bảo tăng hiệu quả và chống thất thoát.
Với chính sách tiền tệ, tôi cho rằng cần rất tỉnh táo để tiếp tục duy trì định hướng đã hình thành trong những năm qua. Đó là giữ tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải, hướng tín dụng đến các ngành nghề ưu tiên. Chính sách tiền tệ cần tập trung giảm lãi suất, vốn đã khởi động từ cuối năm 2019.
- Trong bối cảnh nền kinh tế chậm lại do ảnh hưởng của Covid-19, một số nước khu vực Đông Nam Á đã có động thái cắt giảm lãi suất. Theo ông Việt Nam nên làm gì?
- Chính phủ và NHNN đã phát tín hiệu giảm lãi suất trong năm 2019. Các lãi suất điều hành của NHNN như lãi suất OMO, tín phiếu đều đã giảm nhiều đợt. Lãi suất huy động thực tế ở các NHTM cũng đã bắt đầu giảm kể từ cuối năm 2019 khi Thủ tướng yêu cầu.
Định hướng giảm lãi suất là hoàn toàn hợp lý, khi lạm phát kỳ vọng đang giảm do giá hàng hóa toàn cầu giảm. Tuy nhiên, đà giảm này có thể chững lại trong ngắn hạn do lo ngại Covid-19 sẽ làm giảm xuất khẩu, ảnh hưởng tới nguồn cung ngoại tệ, từ đó ảnh hưởng tới nguồn cung tiền đồng và thanh khoản của hệ thống NH.
Các quy định chặt chẽ hơn của NHNN về các tỷ lệ an toàn vốn, cùng với sự tồn tại của nhóm NH nhỏ - nơi luôn đưa ra các lãi suất cao để cạnh tranh huy động - cũng là những lý do khiến lãi suất khó giảm. Các rào cản này không phải mới xuất hiện, Chính phủ và NHNN đều đã có những phương án xử lý, như điều tiết tăng trưởng tín dụng, kiểm soát các NH nhỏ. Covid-19 là lý do để Chính phủ và NHNN tiếp tục thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống NH, hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm và giữ lãi suất ổn định ở mức thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
- Theo ông, thời điểm này có cần tính đến phương án nới lỏng tiền tệ chưa?
Covid-19 là lý do để Chính phủ và NHNN tiếp tục thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống NH, hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm và giữ lãi suất ổn định ở mức thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
- Điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam rất khác các nước. Các công cụ lãi suất điều hành ít có tác động truyền dẫn đến thị trường. Yếu tố chịu tác động chính là cung tiền thực tế thông qua các kênh như mua bán ngoại tệ, tăng trưởng tín dụng, bơm/hút tiền trên thị trường mở.
Nới lỏng tiền tệ được hiểu là gia tăng cung tiền thông qua các kênh kể trên. Nếu nhìn lại, NHNN đã thực hiện nới lỏng một cách thận trọng trong cả năm 2019, khi mua vào lượng rất lớn ngoại tệ, trong khi chỉ hút ròng lượng khá ít trên thị trường mở.
Ở thời điểm hiện tại, kênh mua/bán ngoại tệ đã kém thuận lợi, đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng cũng khó thực hiện do các NHTM vẫn đang gặp các trở ngại về tỷ lệ an toàn, thanh khoản. Trong khi đó, NHNN thể hiện rõ sự kiên định trong định hướng nâng cao chất lượng hệ thống NH.
Bởi vậy dư địa để nới lỏng tiền tệ bằng cung tiền không còn nhiều, trong khi giảm lãi suất, đặc biệt ở các lĩnh vực ưu tiên là việc cần làm lúc này.
- NHNN đã chỉ đạo các NHTM hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, giảm lãi suất, giãn nợ. Theo ông, biện pháp như vậy đã hiệu quả và đủ mạnh?
- Chúng ta cần phải rất tỉnh táo khi sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Bản thân những khó khăn trên thương trường là cơ hội để thanh lọc doanh nghiệp, nên không phải cứ khó khăn các cơ quan nhà nước phải "giải cứu" đồng loạt.
Ngoài ra, những khó khăn này chỉ là ngắn hạn, sang nửa cuối năm các hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường, thậm chí mạnh mẽ để bù lại thời gian đình đốn trước đó. Việc giãn nợ, nhất là với vốn lưu động là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong ngắn hạn bởi ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19 và thị trường Trung Quốc. Những trường hợp khác cần rà soát kỹ lưỡng để tránh việc lợi dụng chính sách.
- Trong báo cáo thị trường tiền tệ tháng 2 mới đây, ông đánh giá chênh lệch tỷ giá mua vào và bán ra nới rộng, hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, cho thấy tâm lý thận trọng trước rủi ro tỷ giá đang gia tăng. Ông có thể lý giải rõ hơn về điều này và dự báo ra sao về tỷ giá VNĐ/USD năm nay?
- Khi tỷ giá đứng trước khả năng biến động mạnh, các NHTM thường nới rộng khoảng cách giữa tỷ giá mua vào và bán ra, chênh lệch đó được coi là phần bù cho rủi ro tỷ giá gia tăng. Chịu áp lực quốc tế, tỷ giá VNĐ/USD từ đầu năm đến nay đã nhích tăng 0,3%, nhưng cũng chỉ tiệm cận về vùng tỷ giá tại cuối năm 2018.
Tỷ giá về cơ bản chỉ đang hồi lại sau khi giảm trong năm 2019. Dịch bệnh có thể khiến xuất khẩu giảm nhưng việc nhập khẩu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng cũng đang chậm lại, nên cung - cầu ngoại tệ có thể không bị ảnh hưởng nhiều.
Nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ ổn định tỷ giá vẫn còn nhiều dư địa, vì vậy chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của VNĐ. Tôi cho rằng diễn biến tỷ giá năm 2020 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành và tỷ giá nếu có điều chỉnh cũng chỉ dao động quanh mức 1%.
- Xin cảm ơn ông.
Ngọc Quang (thực hiện)
Theo saigondautu.vn
NHNN triển khai loạt giải pháp hỗ trợ khách bị ảnh hưởng bởi Covid-19 Ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản số 1117/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo nội dung của văn bản trên, hiện nay dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản...