Vàng nhẫn “cháy hàng” khi giá lập kỷ lục, mua thêm 1 chỉ phải chờ cả tiếng
Hàng loạt hệ thống kinh doanh vàng lớn nhiều thời điểm thông báo hết vàng nhẫn trơn, nơi còn thì hạn chế lượng bán khi giá tăng vọt.
Người mua phải xếp hàng chờ đợi có khi cả tiếng đồng hồ.
Giá vàng nhẫn chứng kiến đà tăng phi mã suốt một tuần nay, vọt lên 83 triệu/lượng, lập kỷ lục. Ghi nhận của phóng viên Dân trí cho thấy người dân tiếp tục đổ xô mua vào, giao dịch sôi động khiến không ít nơi “cháy hàng”.
Lùng sục mua vàng nhẫn khi giá tăng dựng đứng
Nguyễn Ngọc Hiền, nhân viên văn phòng ( quận 7, TPHCM), kể mấy ngày nay thấy giá vàng nhẫn liên tục lập kỷ lục, nghe người quen nói mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng nữa nên cô ghé cửa hàng SJC tại quận 3 để tìm mua vàng nhẫn trơn.
Tuy nhiên, khi đến nơi, cửa hàng này thông báo chỉ cho phép mỗi người mua tối đa 0,5 chỉ cho mỗi giao dịch. “Nếu muốn mua thêm 0,5 chỉ nữa thì phải chờ xếp hàng thêm ít nhất 30 phút nữa. Như vậy mua 1 chỉ vàng là tốn cả tiếng đồng hồ rồi”, Hiền nói.
Ngày hôm sau đó, cô cũng tiếp tục tới cửa hàng SJC để mua thêm vàng thì cửa hàng đã tăng hạn mức lên mỗi người một chỉ, nhưng ai đến sớm thì mới có hàng, còn không thì phải chờ ngày tiếp theo mới có thể mua được.
Theo khảo sát, chiều ngày 27/9, nhiều người mua vàng nhẫn trơn thương hiệu lớn nhưng không có. Chỉ một số tiệm vàng thương hiệu nhỏ có nhẫn trơn để bán, nhưng số lượng không nhiều.
Tại các cửa hàng PNJ, DOJI ở quận 5, quận 10… ở TPHCM đều không có vàng nhẫn trơn để bán. Theo nhân viên bán hàng ở đây, nguồn cung vàng nhẫn khan hiếm từ nhiều tháng qua. Các cửa hàng cũng có số lượng vàng nhẫn khác nhau tùy thuộc theo lượng người đến bán ra. Tuy nhiên, lượng người bán ra cũng tương đối ít so với lượng người tới mua vào.
Phóng viên Dân trí liên hệ số điện thoại tổng đài của một số thương hiệu lớn thì được thông báo vàng miếng SJC, nhẫn trơn đều hết hàng trên toàn hệ thống và chỉ còn vàng trang sức.
Vàng nhẫn “cháy hàng” khi giá lập kỷ lục (Ảnh: Tiến Tuấn).
Video đang HOT
Trong khi đó, một số cửa hàng vàng thương hiệu nhỏ lẻ thì vẫn có vàng nhẫn trơn để bán với thương hiệu của mình. Tại một số cửa hàng nhỏ ở đường Nguyễn Duy Dương – chợ An Đông (quận 5), chợ Thiếc, chợ Tân Định (quận 1), vàng nhẫn trơn có giá bán thấp hơn so với các thương hiệu lớn khoảng 300.000-700.000 đồng/lượng – quanh mốc 82,5-83 triệu đồng/lượng.
Ở Hà Nội, việc vàng nhẫn có dấu hiệu khan hàng cũng diễn ra. Tại một cửa hàng vàng lớn trên phố Cầu Giấy, khách hàng được hướng dẫn ngồi chờ theo số thứ tự mà tiệm vàng này phát. “2 hôm nay tôi đi mua vàng thì mỗi ngày đều có khoảng 30-40 phiếu. Chậm một bước là phải đợi đến nhiều tiếng sau, có khi sang hôm sau họ mới mở bán lại vàng nhẫn”, anh Đình Tùng chia sẻ.
Các cửa hàng lớn hầu như không có vàng nhẫn để bán ra nếu người dân đi mua vào buổi chiều. Chỉ số ít khách hàng kịp mua trong phiên sáng, còn lại các cửa tiệm chỉ thu mua lại chứ không bán ra. “Nhiều cửa hàng phải giới hạn số lượng người mua theo từng ngày. Có đơn vị giới hạn chỉ được mua tối đa 5 chỉ vàng nhẫn”, chị Ngọc Hiền thông tin sau 2 ngày liên tiếp đi mua vàng nhẫn.
Anh Tuấn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tìm mua vàng nhẫn trên phố Trần Nhân Tông. Anh chia sẻ, đến một cửa hàng lớn được bảo vệ ra hỏi mua hay bán vàng nhẫn, nếu bán thì có thể thao tác được ngay còn nếu mua thì sẽ phải đợi.
Bảng giá vàng cách đây 9 tháng, giá vàng nhẫn đã tăng 30% (Ảnh: Mạnh Quân).
Trước đó, đại diện Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) cũng có chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng định hướng chiến lược của PNJ vẫn là bán lẻ, bán sỉ trang sức. Về cơ bản, hoạt động kinh doanh sỉ, lẻ trang sức vẫn là nguồn doanh thu chính của công ty. Do đó, công ty này không quá chú trọng trong việc trữ vàng miếng, vàng nhẫn để đáp ứng đủ, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường.
“Thị trường vàng như một quả bong bóng”
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết thị trường vàng đang được chia làm 2 phân khúc là vàng nhẫn và vàng miếng SJC. Thị trường vàng miếng đang được cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ, Ngân hàng Nhà nước giao việc bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại… các đơn vị bán “nhỏ giọt”, ít người có thể mua được.
Ông Hiếu nói, thị trường vàng như một quả bong bóng “bóp đầu này thì phình đầu kia”, khi thị trường vàng miếng bị kiểm soát, thì thị trường vàng nhẫn trở nên sôi động và bị đẩy giá lên mức cao. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng của người dân Việt Nam hiện rất lớn, người dân xem vàng như tài sản tích trữ, tài sản tiết kiệm.
Ngoài các yếu tố trong nước, giá vàng quốc tế trong những phiên gần đây cũng liên tục lập đỉnh, có thời điểm tiệm cận mốc 2.700 USD/ounce, quy đổi sang 1 lượng vàng miếng SJC chưa bao gồm thuế phí cũng hơn 80 triệu đồng/lượng. Giá kim loại quý bị tác động sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm 0,5% lãi suất, từ đó làm giảm giá trị của đồng bạc xanh, mà vàng tính bằng USD sẽ làm tăng giá vàng.
Hiện tượng khan hiếm vàng miếng, vàng nhẫn có thể xuất phát từ việc nhiều người vẫn đang găm giữ vàng chưa bán ra, nhiều nhà đầu tư vẫn đang đợi giá vàng lên cao hơn để bán.
“Nếu thị trường vàng nhẫn vẫn tiếp tục tạo nên cơn sốt, ông Hiếu cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp can thiệp. Trong trường hợp người dân đổ tiền vào vàng nhẫn như đã từng với vàng miếng hồi tháng 5, tháng 6 vừa qua, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, tạo áp lực lên tỷ giá, lạm phát”, ông Hiếu nêu.
Bên trong một tiệm vàng (Ảnh: Mạnh Quân).
Hiện tại, giá vàng nhẫn và giá vàng miếng chiều thu mua được Công ty SJC niêm yết ở mức 81,5 triệu đồng/lượng. Với chiều bán, giá vàng nhẫn là 83 triệu đồng/lượng còn vàng miếng là 83,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, không ít nhà vàng vẫn thu mua cao hơn vàng miếng SJC vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng mỗi lượng.
So với đầu năm, mỗi lượng nhẫn trơn đã tăng hơn 20 triệu đồng, tương đương mức sinh lời trên 31%. Trong khi đó, vàng miếng ghi nhận mức tăng chỉ khoảng 13%.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc giá vàng nhẫn cao sát với giá vàng miếng là khá bất thường. Thực tế, không thể so sánh vàng miếng với vàng nhẫn, bởi một loại được kiểm soát, một loại thì chưa. Tuy nhiên, vàng miếng vốn có tính thanh khoản cao hơn, lại có thương hiệu vàng quốc gia SJC, tính ưu việt rất nổi trội. Còn vàng nhẫn thì các thương hiệu đồng đều và cạnh tranh nhau.
Thực tế, đây không phải lần đầu thị trường ghi nhận tình trạng vàng nhẫn “cháy hàng”. Tình trạng này xuất phát từ lực cầu mạnh, nhưng nguồn cung hạn chế, từng diễn ra vào dịp sau Tết Nguyên đán và vía Thần Tài.
Cuối năm ngoái, Hiệp hội Kinh doanh vàng từng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép 3 doanh nghiệp hàng đầu là SJC, DOJI, PNJ, mỗi đơn vị nhập khẩu 500kg vàng để chế tác nữ trang. Nhưng tới nay, kiến nghị này vẫn chưa được chấp thuận.
Giá vàng vượt 2.600 USD, phá vỡ mọi kỷ lục
Lần đầu tiên giá vàng nhẫn chạm mốc 80 triệu đồng/lượng. Đà tăng "phi mã" của vàng nhẫn trong nước cùng diễn biến đi lên của thế giới.
Kim loại quý trên thị trường quốc tế đã vượt 2.600 USD.
Giá vàng liên tục lập đỉnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết tại 80-82 triệu đồng/lượng (mua - bán), giữ nguyên giá. Trong phiên hôm qua, vàng miếng tăng 200.000 đồng mỗi chiều.
Giá vàng nhẫn được niêm yết tại 78,7-80 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng trong phiên hôm qua. Đây là lần đầu tiên vàng nhẫn chạm mốc 80 triệu đồng chiều bán. Loại vàng 0,3-0,5 chỉ được bán ra với giá 80,1 triệu đồng/lượng, cũng là mức kỷ lục của mặt hàng này.
So với đầu năm, mỗi lượng vàng nhẫn cao hơn khoảng 17 triệu đồng một lượng, tương đương mức tăng 27%. Mức sinh lời của vàng nhẫn trơn năm nay vượt trội so với vàng miếng SJC (8%), sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp chính sách vào mặt hàng độc quyền vàng miếng.
Giá vàng trong nước đi lên theo đà tăng mạnh của kim loại quý trên thị trường quốc tế. Trên thế giới, giá vàng hôm nay đạt , gần 2.620 USD/ounce, tăng 34 USD.
Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, giá vàng thế giới tương thấp hơn gần 5 triệu đồng so với giá vàng miếng trong nước và kém vàng nhẫn 2,5 triệu đồng.
Năm nay, chính sách nới lỏng tiền tệ và mua vàng của các ngân hàng trung ương lớn, cùng căng thẳng địa chính trị đã nhiều lần kéo giá kim loại quý lên đỉnh. Từ đầu năm, giá vàng quốc tế đã tăng 25%.
Kim loại quý này được coi là công cụ an toàn trong thời kỳ biến động kinh tế - chính trị. Lãi suất thấp càng giúp vàng càng hấp dẫn, do công cụ này không trả lãi cố định. UBS thậm chí dự báo giá vàng có thể lên 2.700 USD/ounce vào giữa năm sau, do nhu cầu của các quỹ đầu tư tăng vài tháng tới.
Giá vàng tăng không ngừng (Ảnh: Tiến Tuấn).
USD ngược chiều vàng
USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 100,7 điểm, tăng 0,01% so với trước đó và hiện ở vùng giá thấp nhất kể từ tháng 9/2023.
Đồng USD vốn có mức độ nhạy cảm lớn với các kỳ vọng lãi suất cũng như những dự báo về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Sau quyết định của Fed, hầu hết chuyên gia đều cho rằng đồng USD sẽ tiếp tục suy giảm, trái ngược với vàng.
Trong nước, Ngân hàng Nhà nước kết phiên hôm qua công bố tỷ giá trung tâm tại 24.167 đồng/USD, tăng 16 đồng. Với biên độ 5%, tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 22.959 đồng đến 25.375 đồng/USD.
Ngân hàng quy mô lớn giao dịch ngoại tệ lớn niêm yết tỷ giá ở mức 24.380-24.750 đồng/USD, giảm 50 đồng ở cả chiều mua và bán. Ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng cho phép giao dịch USD tại 24.430-24.810 đồng, giảm 10 đồng ở cả 2 chiều giao dịch.
Trên thị trường tự do, giá bán USD tự do lấy lại mốc 25.000 đồng, hiện được các điểm thu mua ngoại tệ giao dịch tại 24.965 đồng/USD ở chiều mua và 26.065 đồng/USD ở chiều bán, tăng 65 đồng so với trước đó.
Vì sao nhiều tiệm vàng ở Cần Thơ tạm ngưng kinh doanh? TP Cần Thơ có khoảng 220 công ty, cửa hàng kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ. Những ngày gần đây, nhiều tiệm vàng bất ngờ đóng cửa tạm ngừng kinh doanh. Trả lời về hiện tượng nói trên, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, qua trao đổi với Giám đốc Ngân hàng Nhà...