Vàng loạn, chứng khoán sôi sục: Yên tâm ôm USD?
Thị trường tài chính trong nước, từ vàng cho tới chứng khoán, đang diễn biến khó lường trước những biến động bất thường trên thế giới cũng như chuyển động khá nhanh chóng của dòng tiền trong nước. Trong khi đó, thị trường ngoại tệ dường như đang rất bình yên.
Sau nhiều năm trầm lắng kéo dài thị trường vàng từ tuần cuối tháng 6/2016 bất ngờ nổi sóng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, vàng liên tục đánh bật các mốc giá mới: từ mức 35,5 triệu đồng/lượng bất ngờ vượt 36 triệu rồi bay qua 37 triệu, vượt 38 triệu đồng/lượng.
Trong tuần đầu tháng 7/2016, thị trường vàng sốt xình xịch, người dân lại chen chân nhau chờ mua vàng và đã có hiện tượng nhận giấy hẹn mua bán. Giá vàng có lúc lên tới sát 40 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới được kéo lên 700 ngàn đồng/lượng.
Tuy nhiên, tình trạng trên nhanh chóng đảo chiều. Sau phiên tăng điên cuồng tới 3 triệu đồng/ngày, giá vàng đã quay đầu giảm tới 2 triệu đồng/lượng chỉ trong một buổi sáng. Số lượng người mua vào từ áp đảo chuyển sang lép vế so với người bán.
Giá vàng trong nước biến động bất thường, tăng lên đỉnh cao rồi nhanh chóng lao dốc cũng đã khiến không ít người mừng hụt lãi lớn còn số người lỗ thật 200 triệu chỉ sau một đêm ngủ dậy cũng không ít.
Thị trường vàng trong nước hiện chuyển động chậm chạp với phần lớn là các giao dịch nhỏ lẻ. Các NĐT dường như đã khép lại trạng thái, sau những đợt sóng vàng dâng cao ở những phiên trước. Sự vắng bóng các NĐT trong hai phiên trở lại đây được ví như trạng thái tạm thời nghỉ ngơi sau một tuần phải “cân não”.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giới đầu tư bất ngờ chứng kiến những phiên tăng điểm thăng hoa sau nhiều năm vắng bóng. Riêng trong phiên giao dịch 13/7, TTCK thực sự bùng nổ. VN-Index mức tăng 10 điểm buổi sáng tới giữa giờ chiều, VN-Index đã tăng gần 17 điểm lên 675,77 điểm, trước khi chốt phiên tăng 16,22 điểm đứng trên 675 điểm.
Đây là một đợt tăng điểm ấn tượng của thị trường bởi trong gần một thập kỷ trước đó, phần lớn thời gian VN-Index loanh quanh trong phạm vi 400-500 điểm, có lúc còn xuống tới 235 điểm (đầu 2009).
Video đang HOT
Dòng tiền đổ vào thị trường dồn dập cho dù rất nhiều cổ phiếu có giá vượt đỉnh mọi thời đại. Một số cổ phiếu thậm chí tăng tới hàng chục lần như cổ phiếu. Hàng loạt các cổ phiếu đã lên mức “10 chấm” (hơn 100 ngàn đồng).
Ngoại tệ: Bình yên đáng nể?
Tăng mạnh là vậy, dòng tiền cũng khá vững nhưng cũng không ít người lo ngại TTCK có thể mất trụ và sụp nhanh chóng. Khi các cổ phiếu lớn bị xả, thị trường có thể sập.
Cuối phiên giao dịch 14/7, VN-Index đã gây bất ngờ khi chuyển từ tăng sang giảm hơn 8 điểm, và đánh mất ngưỡng 670 điểm vào những phút cuối cùng của phiên giao dịch. Thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm trong phiên 15/7.
Trái ngược với vàng và chứng khoán, thị trường ngoại tệ dường như khá bình yên.
Theo NHNN, trên thị trường ngoại hối trong tuần vừa qua, tỷ giá mua bán USD/VND ở một số thời điểm lên mức 22.290/22.380 VND/USD, tuy nhiên tỷ giá nhanh chóng ổn định và niêm yết cuối ngày chủ yếu ở mức 22.260/22.330 VND/USD, giảm 10 VND/USD cả hai chiều mua và bán so với ngày cuối tuần trước đó.
Trả lời báo chí vào thời điểm thị trường sốt nóng nhất, lãnh đạo NHNN cho rằng, thị trường ngoại tệ không bị ảnh hưởng bởi biến động vàng. NHNN vẫn thu mua được USD. NHNN cho biết, sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Trên thực tế, tỷ USD/VND trong những ngày gần đây dao động không đáng kể, quanh ngưỡng 22.260-22.280 đồng/USD (mua vào) và 22.330-22.340 đồng/US (bán ra). Giới đầu tư đều cảm nhận được điều này. Một số người thậm chí còn tính chuyện bán USD để tìm cơ hội ở chứng khoán và vàng, cả BĐS.
Biến động lớn nhất trong vài tháng qua có lẽ là thời điểm sau sự kiện người dân nước Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu EU ( Brexit). Chính NHNN khi đó cũng đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 21 đồng so với trước đó lên 21.866 đồng. Tỷ giá USD/VND tại các NH khi đó tăng lên 22.380 đồng/USD. Tuy nhiên, tỷ giá ngay sau đó ổn định trở lại. Tỷ giá trung tâm hiện ở mức 21.864 đồng.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng đưa ra nhận định cho rằng tỷ giá USD/VND ổn định trong 6 tháng đầu năm.
Trên thế giới, gần đây đồng USD có xu hướng giảm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn tăng lãi suất. Mặc dù vậy, nhìn trong vài năm qua, USD vẫn đang có xu hướng đi lên. Điều này cũng được phản ánh trong diễn biến tỷ giá USD/VND.
Ở chiều ngược lại, một số dự báo trong đó có dự báo của CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, sự kiện Brexit sẽ tác động đáng kể đến tỷ giá. Triển vọng tăng trưởng của EU có thể trở nên tiêu cực khi Anh rời EU. Trước đó, trong năm 2015, đồng euro đã từng giảm mạnh so với USD.
Hiện tượng đồng yên Nhật tăng mạnh hay đồng NDT giảm xuống mức thấp nhất 5 năm… cũng là các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối cũng như ảnh hưởng tới các khoản vay của DN, chính phủ Việt Nam.
Từ đầu 2016, NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá mới: tỷ giá trung tâm, công bố hàng ngày. Tỷ giá này được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam (bao gồm USD, EUR, CNY, JPY, SGD, Won Hàn Quốc), Bath Thái, đô la Đài Loan), các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Theo_VietNamNet
Biến động tỷ giá nhất thời?
Tỷ giá hối đoái tiền đồng/đô la Mỹ niêm yết của các ngân hàng đã tăng đáng kể từ cuối tuần trước, từ mức 22.300 đồng lên 22.450 đồng/đô la Mỹ vào ngày 31-5-2016. Trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, tỷ giá được chào mua/bán cao nhất ở mức 22.425-22.430 đồng/đô la Mỹ, trong khi tỷ giá niêm yết của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn không thay đổi: mua 22.300 và bán ra kịch trần 22.585 đồng/đô la Mỹ.
Nói sự biến động trên là đáng kể bởi vì suốt thời gian khá dài tỷ giá luôn ổn định quanh 22.300 đồng/đô la Mỹ, cung ngoại tệ lấn lướt cầu và NHNN mua được không ít đô la để tăng quỹ dự trữ ngoại hối. Vậy sự "nhảy nhót" trên là bất thường, mang tính nhất thời hay khởi đầu cho một chu trình biến động mới?
Theo một số ngân hàng, cầu trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng vài ngày qua tăng nhờ nhu cầu mua vào của một tập đoàn ngoại lớn để chuyển ngoại tệ về nước ở mức vài trăm triệu đô la Mỹ. Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để trả nợ hoặc chuyển lợi nhuận về nước cũng bình thường. Sau khi được đáp ứng, nhu cầu dạng đơn lẻ này "chìm" xuống, thị trường cân bằng trở lại.
Ngoài ra, thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng đang có dấu hiệu dư thừa. Nhà điều hành đang sử dụng công cụ thanh khoản nhằm ép lãi suất đồng nội tệ giảm. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã dưới 1,5%/năm (mức thấp nhất của lãi suất này trong năm năm gần đây là 1%/năm). Lãi suất trái phiếu chính phủ cũng tụt. Lãi suất trái phiếu năm năm, vốn là kỳ hạn được ưa chuộng của thị trường, chỉ còn 6,22%/năm thay vì 6,4%/năm vài tuần trước. Một khi lãi suất tiền đồng thấp, bộ phận ngân quỹ của các tổ chức tín dụng thường tận dụng chúng bằng cách kinh doanh ngoại tệ để tối đa hóa lợi nhuận. Cầu ngoại tệ ngắn hạn có thể xuất phát từ đây. Xin nhấn mạnh sự "ngắn hạn".
Tuy nhiên, nhìn rộng ra thời điểm hiện tại đang hội tụ những yếu tố tâm lý ủng hộ sức cầu. Thứ nhất đồng nhân dân tệ đã rớt giá nhanh gần đây từ 6,47 tệ/đô la Mỹ xuống 6,58 tệ/đô la Mỹ ngày 31-5-2016. Các ngoại tệ mạnh trên thế giới cũng có diễn biến tương tự sau khi người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nói bóng gió về khả năng đã đến lúc FED hành động trong cuộc họp giữa tháng 6-2016, tức nâng lãi suất đồng đô la, điều mà thị trường tài chính quốc tế chờ đợi đã lâu.
Thứ hai việc NHNN ban hành Thông tư 07, cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ được vay ngoại tệ trở lại, sau hai tháng ngưng, từ ngày 1-6-2016, dường như phát đi tín hiệu để các chủ thể trên thị trường diễn giải về khả năng bãi bỏ việc áp dụng lãi suất tiết kiệm đô la Mỹ 0%. Nếu các ngân hàng cho vay thêm ngoại tệ, tức là cần thêm nguồn huy động, mà để huy động được thì phải thay đổi lãi suất. Điều này củng cố tâm lý cho những người đang nắm giữ ngoại tệ thay vì tiền đồng và những người không có ngoại tệ có xu hướng nhìn về đồng đô la.
Tỷ giá thị trường tự do đã tăng tới 22.410 (mua vào) và 22.430 đồng/đô la Mỹ (bán ra) trong những ngày gần đây một phần nhờ khả năng trên, phần khác có thể do việc gom ngoại tệ mặt nhập vàng lậu. Giá vàng thế giới trong vòng một tháng qua đã giảm mạnh từ gần 1.300 đô la Mỹ xuống sát 1.200 đô la Mỹ/ounce. Giá vàng trong nước sau khi vượt qua mốc 34, thậm chí có ngày 34,5 triệu đồng/lượng, đang tiệm cận 33 triệu đồng/lượng. Câu chuyện của vàng chính là biến động giá. Nếu giá vàng cứ mãi quanh quẩn ở một điểm, người ta rất dễ quên nó. Nhưng mới đây với việc huy động 500 tấn vàng trong dân được nhắc lại, và giá lên xuống cả triệu đồng/lượng, vàng không thể không được chú ý.
Tóm lại biến động tỷ giá là nhất thời hay đang ẩn chứa "mầm mống" manh nha của sự thay đổi?
Một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp và cả người dân nên tập làm quen với sự biến động tỷ giá ngoại tệ và lãi suất mới là điểm nhấn, còn tỷ giá nay lên mai xuống là bình thường. Ở các nước mặt bằng lãi suất có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế, không phải tỷ giá. Do đó mới có chuyện các ngoại tệ mạnh tăng giảm có khi một vài phần trăm/ngày. Bên cạnh đó, một bộ phận chủ thể thị trường nhìn xa hơn về chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và không để tăng trưởng GDP có khoảng cách với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Nếu chấp nhận lạm phát ở mức 5% hay cao hơn thế để tháo gỡ vấn đề thu ngân sách vốn đang căng thẳng, nợ công và nợ xấu, thì không loại trừ diễn biến tỷ giá sẽ không chỉ dừng lại ở mức nhất thời.
Dù nhìn ở góc độ nào, cũng có một dấu cộng cho tỷ giá cần tính đến, đó là cung ngoại tệ qua kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối và thương mại đang tốt. Cán cân xuất nhập khẩu tiếp tục thặng dư nghiêng về xuất siêu trong năm tháng đầu năm ở mức 1,76 tỉ đô la Mỹ. Nhìn trên cán cân thương mại giá trị tiền đồng đang ở vị thế được củng cố.
Đã nhiều lần trong vòng 1-2 năm qua yếu tố tâm lý gây tác động lên tỷ giá, nhưng một sự điều hành nhất quán, cộng với nguồn cung thuận lợi đã giúp tỷ giá ổn định. Nay sự thuận lợi về nguồn cung đang tiếp diễn. Ngay cả khi FED nâng lãi suất đô la Mỹ, chính sách đồng tiền yếu và lãi suất thấp vẫn chưa rời bỏ khu vực đồng tiền chung euro hay Nhật Bản, Anh, và nhiều quốc gia khác. Tiền rẻ sẽ vẫn tìm nơi cư ngụ ở những địa điểm có tăng trưởng GDP cao. Mức tăng trưởng GDP trên 5%/năm là hấp dẫn và Việt Nam nằm trong nhóm này của thế giới.
Theo Thơi bao kinh tê Sai Gon
Vàng giảm mạnh, mất gần 150.000 đồng phiên đầu tuần Mở phiên giao dịch đầu tuần, sáng nay (30/5), giá vàng trong nước tiếp tục đà giảm theo vàng thế giới, mở phiên đầu tuần đã mất gần 150.000 đồng mỗi lượng khi giá USD tiếp tục tăng. Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD tiếp tục đà tăng. Mở phiên đầu tuần, giá vàng mất gần 150.000 đồng mỗi lượng Thời...