Vắng bóng cây cổ thụ, đạo diễn trẻ sẽ lên ngôi
Không còn cảnh một tay che cả bầu trời của những vị đạo diễn gạo cội, Liên hoan Sân khấu Kịch 2012 tại Huế tới đây hứa hẹn nhiều điều mới khi sân chơi đã được nhường cho các đạo diễn trẻ.
Theo NSƯT Đỗ Kỷ, phó phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) thì năm nay số lượng đơn vị đăng ký tham gia khá xôm tụ, có 26 vở diễn của 20 đơn vị đăng ký tham dự Liên hoan. Trong đó, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Kịch Hà Nội, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu kịch Phước Sang mang 2 vở đi thi thố. Lực lượng xã hội hóa năm nay cũng đăng ký khá đông, phía Bắc có 3 đơn vị và miền Nam có 5 đơn vị.
Vở diễn kinh điển hợp tác với sân khấu Mỹ là “T ất cả đều là con tôi” của Nhà hát Tuổi trẻ được ban tổ chức chọn làm vở khai mạc Liên hoan. Liên hoan sẽ kéo dài 14 ngày, từ 14 đến 28/7 tại Thành phố Huế.
“ Mùa hạ cay đắng” do NSƯT Anh Tú đạo diễn
Năm nay, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang cũng chỉ đứng tên 1 vở “ Những gương mặt thấp thoáng” của Nhà hát Kịch Hà Nội và NSND Xuân Huyền phục dựng “ Cái chết chẳng dễ dàng” cho Nhà hát Quân đội.
Khác với cảnh một mình một chiếu khi đứng tên quá nhiều vở dự Hội diễn Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc hàng năm, năm 2012, NSND Lê Hùng rút vào ở ẩn và không đứng tên bất kỳ một vở diễn nào. Sự lạ lẫm này, có lẽ cũng bởi quá nhiều chuyện lùm xùm khiến ông không còn hứng thú với chuyện phô trương thanh thế và tài năng như những năm trước.
Chỉ cần nhìn vào danh sách 4 vở diễn ở nơi mà NSND Lê Hùng vẫn đang làm Giám đốc, thì đã thấy, đạo diễn trẻ năm nay có cơ hội chứng minh tài năng sau nhiều năm bị lép vế.
Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục gửi gắm vào tay hai đạo diễn tài năng và vẫn được coi là trẻ, là NSƯT Anh Tú với “ Nhà có 5 anh em trai” (kịch bản Nguyễn Thu Phương dựa theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) và NSƯTChí Trung với “ Đàn ông cũng khóc” (Kịch bản: Lê Chí Trung – Tuấn Hải).
Đạo diễn trẻ, NSƯT Anh Tú cũng đắt sô khi đứng tên hai vở diễn nữa là “ Cầu vồng lục sắc” (vở diễn về đề tài đồng tính) của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội và “ Mùa hạ cay đắng” (Tác giả Nguyễn Quang Lập) – vở kịch hợp tác của Đoàn Kịch 1 với Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
Video đang HOT
Phía Nhà hát Kịch Việt Nam năm nay gửi đi hai vở diễn cũng đều được hai đạo diễn trẻ dàn dựng là NSƯT Đỗ Kỷ với “ Đi tìm điều không thể mất” (Tác giả Lê Quý Hải) và đạo diễn Tuấn Hải với “ Chia tay hoàng hôn” (Tác giả Sĩ Hanh). Dù hai vở không mới, một được dựng 2003, một dựng 2007, nhưng ở tình thế quá gấp gáp và khi vị thuyền trưởng NSND Lê Hùng không tái xuất, thì việc dùng lại vở cũ, âu cũng là điều rất dễ cảm thông.
Đạo diễn trẻ Tuấn Hải cũng sẽ đứng tên hai vở nữa gồm “ Biển và bờ” (tác giả Đăng Chương) của Câu lạc bộ Hội Nghệ sĩ SKVN thuộc Trung tâm Bảo tồn và phát triển sân khấu.
Năm nay, một đạo diễn trẻ cũng chính thức tranh tài là NSƯT Trung Hiếu – Trưởng Đoàn kịch 1 Nhà hát Kịch Hà Nội với vở diễn “ Giếng thơi trong lòng thành phố” (Tác giả Chu Thơm) của Nhà hát Kịch Quảng Ninh. Và theo tác giả Chu Thơm, ông đánh giá rất cao tài năng trẻ của Trung Hiếu khi dựng vở này.
Phía Nam, năm nay các đạo diễn trẻ ra quân bớt phần rầm rộ. Đặc biệt nhất là NSND Hồng Vân với một phong vị làm kịch miền Bắc qua vở “ Làm…” (Tác giả Chu Thơm – chuyển thể từ “Làm đĩ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng). Hai đạo diễn từng được vinh danh ở Hội diễn năm 2009 là Đức Thịnh và Hạnh Thúy năm nay rất tiếc không tham gia vở diễn nào.
Sự vắng bóng của các cây cổ thụ ít nhiều sẽ mang lại sự đa dạng cho Liên hoan khi không còn phải nhìn thấy những mảng tiếng, chiêu trò na ná nhau ở các vở diễn của mỗi đơn vị.
Vui mừng trước sự vươn lên của lớp trẻ, thì kèm với đó là nỗi buồn cho vấn đề kịch bản sân khấu. Quá nhiều vở diễn cũ, (trên cả chục năm) và cả những vở được phục dựng như “ Cái chết chẳng dễ dàng” của NSND Xuân Huyền cho thấy sự yếu kém của vấn đề kịch bản trước những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội hiện đại. Nhất là khi, Liên hoan năm nay hướng tới đề tài hiện đại với những câu chuyện từ năm 1903 trở lại đây, đặc biệt ban tổ chức khuyến khích những vở hưởng ứng Nghị quyết TW4 của Đảng về vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.
Đạo diễn NSND Hồng Vân dựng vở “Làm…”
Theo VnMedia
Liên hoan kịch: nồng nhiệt lẫn thờ ơ
Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc sẽ diễn ra trong một thời gian khá dài: đúng 14 ngày, từ 14-7 đến 28-7, ở một địa điểm rất... trung gian: thành phố Huế.
Cảnh trong vở Nước mắt người điên - một trong hai vở dự thi của sân khấu kịch Hồng Vân - Ảnh: G.Tiến
Nói trung gian bởi vì Huế - địa phương đăng cai - không có đơn vị nghệ thuật kịch nói nào nên không thể đăng ký dự thi. Các buổi diễn đều không bán vé và mở rộng cửa cho đông đảo khán giả đến xem.
Nhà nước tổ chức, nghệ sĩ tự lo
Những thông tin rất chính thống từ nhà tổ chức - NSƯT Đỗ Kỷ, phó phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), chỉ đơn giản là những con số thống kê: có 26 vở diễn của 20 đơn vị sân khấu kịch nói, chủ yếu từ Hà Nội và TP.HCM sẽ dự liên hoan có sáu đơn vị sẽ dự thi với hai vở diễn: Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ, sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu kịch Phước Sang. Cũng theo ban tổ chức, các buổi diễn sẽ kéo dài liên tục tại Trung tâm Văn hóa thành phố Huế trong các ngày từ 14 đến sáng 28-7, với hai vở dự thi một ngày vào sáng và tối (các buổi chiều dành cho việc chuẩn bị sân khấu và cho ban giám khảo họp) giải thưởng liên hoan không lớn do tổ chức bằng ngân sách, và cũng không huy động mạnh thường quân tài trợ giải thưởng...
Những thông tin đơn thuần ấy rất có thể làm... nản lòng người hâm mộ kịch nói, vốn đã rơi rụng khá nhiều do sự thoái trào của sân khấu, nhất là sân khấu Hà Nội mấy mùa hội diễn gần đây và nhất là khi nó làm người xem liên tưởng đến những hội diễn kiểu bao cấp: một ông đạo diễn dựng đến... chín vở cho chín đoàn khác nhau, một ông nhạc sĩ làm nhạc cho sáu, bảy đoàn. Rồi một cơn mưa huy chương, ra về ai cũng ẵm giải để có cái cớ xin kinh phí nhà nước dựng vở đi hội diễn lần sau.
Nhưng nếu đi sâu một chút vào cái tên của những đơn vị đăng ký dự liên hoan sẽ thấy màu sắc của liên hoan kịch nói lần này không u ám đến thế.
Bên cạnh sự tham gia khá nồng nhiệt của sân khấu TP.HCM, sân khấu "xã hội hóa" vốn im ắng của Hà Nội nay cũng khá rộn ràng với những cái tên lạ lẫm (tuy thành lập khá lâu nhưng ít có điều kiện diễn do... không có kinh phí dựng vở mới): Câu lạc bộ (CLB) kịch nói Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội, CLB kịch nói Hội Sân khấu Hà Nội, CLB kịch nói Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu VN. Khác với các nhà hát "chính thống" như Nhà hát Kịch quân đội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Tuổi Trẻ dự liên hoan bằng ngân sách, các CLB này đều do các nghệ sĩ tự đóng góp với nhau hoặc do mạnh thường quân yêu sân khấu, do các quỹ văn hóa tài trợ phần nào.
Với những chuyển động tự thân từ các nghệ sĩ, với tình yêu nghề vẫn nung nấu một cách đáng phục dù sân khấu Hà Nội đang xế chiều, có thể hi vọng chút màu hồng nào sẽ hé ra từ liên hoan?
Cảnh trong vở Nhà có năm anh em trai - vở dự thi của Nhà hát Tuổi Trẻ - Ảnh: H.O.
Liệu vẫn là "cơn mưa huy chương"?
Tại TP.HCM - nơi có hoạt động xã hội hóa sân khấu sôi nổi nhất nước, Nhà hát Kịch TP.HCM - đơn vị được coi là "gần gũi" với Hội Nghệ sĩ sân khấu - lại bất ngờ vắng mặt trong liên hoan sân khấu kịch nói năm nay. Nghệ sĩ Khánh Hoàng - giám đốc nhà hát - cho biết lúc đầu anh cũng tính đưa vở Tả quân Lê Văn Duyệt đi thi. Tuy nhiên, với quy định vở diễn dự thi phải là những câu chuyện xảy ra từ đầu thế kỷ 20 đến nay thì Tả quân Lê Văn Duyệt có lý do để... ở nhà!
Ở sân khấu IDECAF, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng "xin phép" được đứng ngoài hội diễn, mặc dù tháng 7 này họ sẽ ra mắt vở diễn lịch sử được đầu tư khá công phu là Vua thánh triều Lê. Có lẽ ký ức không mấy vui vẻ gì về "cơn mưa huy chương" của kỳ liên hoan năm 2009 tại TP.HCM là một trong những lý do khiến IDECAF cảm thấy không còn niềm tin vào những từ "liên hoan sân khấu".
Ngoài Nhà hát Kịch thành phố, sân khấu kịch IDECAF thì sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng vắng mặt. Khi hỏi lý do, đạo diễn Ái Như đơn giản trả lời: "Tôi không nhận được giấy mời nào của ban tổ chức". Một sân khấu đã nỗ lực sáng đèn với nhiều tác phẩm có chất lượng, sau hơn hai năm hoạt động (thành lập tháng 2 - 2010) lại "lọt sổ" chỉ vì một sơ suất. "Chúng tôi gửi văn bản thông báo cho các đơn vị sân khấu trong toàn quốc theo danh sách có sẵn từ lâu nay. Chính vì vậy mà thông báo gửi đi không có tên sân khấu Hoàng Thái Thanh, lúc phát hiện thiếu sót thì đã quá muộn" - NSƯT Đỗ Kỷ giải thích.
Như vậy danh sách tham dự hội diễn năm nay của sân khấu TP.HCM gồm có Làm..., Nước mắt người điên (sân khấu kịch Hồng Vân - với đăng ký chính thức là Công ty cổ phần sân khấu - điện ảnh Vân Tuấn) Tội ác quyền lực, Hồn ma báo oán (sân khấu kịch Sài Gòn - Công ty cổ phần đầu tư giải trí Phước Sang) Âm binh (Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh), Đời như ý (Công ty cổ phần giải trí Sài Gòn Phẳng) Tình cha (Nụ Cười Mới), Đôi bờ (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần). Về phía Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, lẽ ra họ đến với liên hoan bằng vở Tấm ván phóng dao (chuyển thể từ tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của Mạc Can), nhưng giờ cuối đạo diễn Lý Khắc Linh lại bận... làm phim truyền hình nên vở diễn không kịp ra mắt. Có thể nói đây là một trường hợp đáng tiếc!
Nhìn chung, khi các liên hoan sân khấu ngày càng sa sút uy tín, từ lâu các nghệ sĩ đã mơ đến những mùa hội diễn, festival sân khấu... mà ở đó không có chuyện thi thố dẫn đến tiêu cực. Các sân khấu chỉ đến đó với những vở diễn đặc sắc nhất, đặc trưng phong cách nghệ thuật của mình nhất để giao lưu, học hỏi như một ngày hội của nghề nghiệp. Trước đây, vào những năm 1980, Liên hoan sân khấu mùa thu tại TP.HCM là một sự kiện như vậy, nhưng nay không còn nữa. Ý nghĩa nhiều nhất của những hội diễn hiện nay là thành tích huy chương để xét danh hiệu nghệ sĩ, thăng cấp chức vụ... từ đó dẫn đến những chuyện "thi cử" ganh đua không mấy vui vẻ. Một mùa liên hoan sân khấu nữa lại đến, và dư luận dù muốn hay không cũng gợn lên một câu hỏi: liệu có thoát khỏi "vết xe đổ" của những lần liên hoan trước đây?
NSƯT Anh Tú "đắt sô" Một gương mặt "trẻ" sẽ in dấu ấn khá sâu đậm trong liên hoan lần này không phải vì ôm sô (dựng quá nhiều vở như một vài vị đạo diễn gạo cội trước đây) mà là vì được khá nhiều CLB của các nghệ sĩ "chọn mặt gửi (ít) vàng": NSƯT Anh Tú. Với tư cách trưởng đoàn 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ, anh sẽ dự thi chính thức bằng vở Nhà có năm anh em trai với tư cách hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội, anh sẽ đạo diễn vở Cầu vồng lục sắc - một vở về đồng tính nam đang gây dư luận. Và với tư cách "sinh viên già - thầy trẻ", anh kiêm luôn đạo diễn vở diễn đã rất nổi tiếng từ 20 năm trước: Mùa hạ cay đắng - kịch mục dự thi của CLB kịch nói Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Hỏi kỹ hơn nữa mới biết do quá máu mê được diễn vai Thùy Linh (20 năm trước NSƯT Ngọc Huyền đã cực kỳ thành công), dù đã đầu quân làm BTV văn nghệ cho VTV, nghệ sĩ trẻ Kim Oanh (người nổi danh với vai cô Ló trong loạt phim truyền hình Ma làng) đã tự bỏ tiền túi dành dụm được suốt hơn 10 năm đi diễn để đầu tư cho Anh Tú dựng lại Mùa hạ cay đắng. Và họ sẽ cùng... đi thi.
Theo Tuổi trẻ
Liên hoan vở diễn cũ Theo Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, thiếu hụt kịch bản mới là thực trạng mà Cục đã thấy trước cả khi các đoàn đăng ký dự liên hoan. Danh sách các đơn vị, vở diễn tham gia hội diễn toàn quốc 2012 do Cục Nghệ thuật biểu diễn cung cấp cho thấy có tới 14/26 vở diễn...