Vạn vật kết nối mang lại vô vàn lợi ích cho ngành ngân hàng trong CMCN 4.0, đó là gì?
Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT) là một phần cấu tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. IoT đang phát triển nhanh chóng với sự kết nối bởi hàng loạt thiết bị số và cảm biến khắp thế giới. IoT đang dần hiện diện ở mọi khía cạnh của cuộc sống con người nhằm tạo ra sự tiện nghi vượt trội.
Không những vậy, các doanh nghiệp ứng dụng IoT còn thay đổi cuộc chơi trong cạnh tranh và có xu hướng dẫn dắt thị trường vì tính gắn kết tốt hơn lòng trung thành của khách hàng qua sự thấu hiểu hành vi lẫn cảm xúc người dùng. Theo đó, có lẽ ngành ngân hàng cũng không là ngoại lệ.
Vậy vạn vật kết nối (IoT) là gì? Vạn vật kết nối (IoT) đã sẵn sàng cho ngành ngân hàng chưa? Và những lợi ích do vạn vật kết nối (IoT) đem lại cho ngành ngân hàng là gì?
Vạn vật kết nối (IoT) là gì?
Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT) là cách kết nối các thiết bị giao tiếp để chia sẻ thông tin, dự đoán nhu cầu, giải quyết vấn đề và nâng cao hiệu quả. Về cơ bản, IoT kết nối mạng các thiết bị vật lý, phương tiện di chuyển, tòa nhà, các vật thể khác,…và được nhúng với các thiết bị điện tử, phần mềm, cảm biến, sau đó kết nối mạng cho phép các thiết bị thông minh này thu thập trao đổi dữ liệu.
Có thể lấy ví dụ: tủ lạnh trong nhà bếp có thể gởi cho bạn một thông báo trên điện thoại thông minh khi nào bạn sắp hết sữa, hoặc trứng; hay chiếc đồng hồ có thể cảnh báo về nhịp tim hoặc sự cố nhịp tim của bạn; hay ví điện tử gởi cảnh báo giới hạn chi tiêu trong tháng… Ngoài ra, tất cả các thông tin này được ghi lại. Sau đó, phần mềm sau khi xem dữ liệu có thể đề xuất cho bạn các thông tin như: bạn có khả năng phải mua sữa và trứng vào thứ 6, hoặc có khả năng đau tim trong 3 tuần tới, hoặc tiết giảm các khoản chi tiêu được đề xuất…
Vạn vật kết nối (IoT) đã sẵn sàng cho ngành ngân hàng chưa?
Theo Gartner, hiện nay trên thế giới có xấp xỉ 6,5 tỷ thiết bị số được kết nối vạn vận và sẽ gần 20 tỷ thiết bị đến năm 2020. Khi hàng tỷ thiết bị được kết nối với nhau thì sẽ trở thành một hệ thống thông minh của hệ thống. Lúc này, những thiết bị và hệ thống thông minh sẽ chia sẻ dữ liệu trên đám mây, bắt đầu phân tích và đưa ra những thông tin hữu ích cho người dùng. Với những kết quả phân tích và đề xuất thông minh, IoT có thể biến đổi mọi công việc kinh doanh của doanh nghiêp và cuộc sống của người dùng, trong đó có ngành ngân hàng.
Một khi khách hàng sử dụng thiết bị thông minh để truy cập dữ liệu, thì các ngân hàng có thể thực hiện phác họa một cái nhìn toàn diện về tài chính của khách hàng trong thời gian thực. Các ngân hàng có thể dự đoán được nhu cầu tài chính của khách hàng thông qua thu thập dữ liệu và đề xuất giải pháp hoặc lời khuyên nhằm giúp khách hàng đưa ra quyết định tài chính hợp lý và thông minh. Bằng cách này, IoT trong ngân hàng sẽ là người hỗ trợ đáng tin cậy về tài chính cho khách hàng, cũng từ đó gia tăng gắn kết hơn lòng trung thành của khách hàng. Như vậy, sự phát triển của các thiết bị số, sự sẵn sàng của người dùng, tính kết nối vạn vật của hệ thống, lợi nhuận gia tăng do lòng trung thành của khách hàng…sẽ hỗ trợ rất nhiều cho IoT ứng dụng trong ngành ngân hàng.
Những lợi ích do IoT đem lại cho ngành ngân hàng
Thông thường, khi chúng ta bắt tay vào thực hiện một cái gì đó mới thì cần phải thấy những lý do mạnh mẽ “tại sao cần chúng ta phải làm?”. Những lý do đó sẽ được cụ thể hóa qua những lợi ích mà IoT đem lại cho ngành ngân hàng, cụ thể:
Một là, thu thập tất cả dữ liệu trong chế độ thời gian thực. Ngành ngân hàng cần nắm bắt cơ hội thu thập dữ liệu quý giá của khách hàng thông qua mọi thiết bị thông minh và cảm biến (sensor devices). Với những thông tin được thu thập sẽ giúp ngân hàng hiểu rõ hành vi của người dùng và từ đó hỗ trợ khách hàng trong mọi quyết định tài chính, cũng như đạt được kết quả kinh doanh tốt hơn.
Video đang HOT
Hai là, quản lý toàn diện các sản phẩm – dịch vụ. Với công nghệ IoT, các ngân hàng có thể tung ra những dịch vụ tài chính phù hợp các hành vi và sở thích của khách hàng. Đồng thời, IoT sẽ giúp ngân hàng hiểu được dịch vụ nào sắp ra mắt và thời điểm thích hợp để tung dịch vụ ra thị trường.
Ba là, Marketing hướng cá nhân hóa. Đây là cách tốt nhất để giữ chân khách hàng trong một môi trường ngày càng cạnh tranh vì tính nắm bắt dữ liệu và cung cấp sản phẩm tài chính theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, các chương trình marketing với công nghệ IoT còn giúp các thông điệp truyền thông một đối một và mang tính trải nghiệm nhiều hơn.
Bốn là, tăng cường quá trình ra quyết định. Nếu ngân hàng biết thêm thông tin về khách hàng của họ mà được nhận từ các thiết bị IoT và các thông tin theo lịch sử giao dịch tài chính sẽ giúp cải thiện các quy trình ra quyết định về: thẩm định tín dụng, đánh giá rủi ro tài chính, chiến lược sản phẩm, hoạch định dịch vụ khách hàng…
Năm là, giao tiếp giữa các thiết bị số khác nhau. Sự kết hợp của cảm biến và phần mềm sẽ giúp tự động thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt mà không chạm vào điện thoại hoặc thẻ ngân hàng của người dùng. Ví dụ: người dùng đi đến quầy tính tiền trong siêu thị, và có một bộ cảm biến được cài đặt để phát hiện số lượng và phân loại các sản phẩm trong giỏ hàng. Sau đó, hệ thống tính toán tổng số tiền cho tất cả các sản phẩm và kết nối với ví di động của người dùng. Việc thanh toán này được thực hiện hoàn toàn tự động.
Sáu là, khách hàng tương tác thông minh với ngân hàng qua IoT. Nghĩa là, tài khoản ngân hàng của khách hàng sẽ được kết nối với hàng loạt thiết bị thông minh và từ đó giao tiếp đa kênh với ngân hàng cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn, sự kết nối với đồng hồ thông minh, ti vi thông minh…sẽ cung cấp cho người dùng một tín hiệu khi họ vượt quá giới hạn chi tiêu hoặc đánh giá nhanh các rủi ro tài chính sắp tới…
Những ứng dụng có thể áp dụng ngay trong ngành ngân hàng tại Việt Nam
Các lợi ích của IoT đến ngành ngân hàng là đáng kể và cũng là lý do phải thay đổi để đón đầu xu hướng cạnh tranh. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ IoT không thể “một sớm một chiều” mà cần kế hoạch dài hơi bài bản. Nhưng ngân hàng Việt Nam có thể từng bước ứng dụng IoT như:
Thứ nhất, ứng dụng trong phân tích dữ liệu để cung cấp các dịch vụ phù hợp, bổ ích, dễ truy cập cho các khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Bên cạnh đó, một tính năng nổi bật khi ứng dụng IoT còn giúp ngân hàng dự đoán gian lận và gởi cảnh báo trong các giao dịch thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ khi khách hàng thao tác quẹt thẻ và có thể đưa ra các phê duyệt chấp nhận hoặc từ chối giao dịch.
Thứ hai, ứng dụng IoT hướng đến phân tích hoạt động sử dụng ATM ở các khu vực cụ thể và tăng/giảm việc lắp đặt các máy ATM tùy thuộc khối lượng sử dụng. Ngoài ra, IoT cùng giúp ngân hàng tăng khả năng tiếp cận khách hàng và cung cấp các ATM gần hơn với khách hàng mục tiêu.
Thứ ba, dữ liệu khách hàng có sẵn qua IoT như máy POS, internet banking, mobile banking, hệ thống thanh toán trong ngân hàng…sẽ giúp ngân hàng xác định nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng của họ như: nhà cung cấp, nhà phân phối sỉ, nhà bán lẻ, người dùng cuối. Các thông tin trên sẽ giúp ngân hàng Việt Nam cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, hỗ trợ tài chính, và các sản phẩm tùy chỉnh hướng đến lợi ích của cả hai bên.
Thứ tư, các ngân hàng có thể lắp đặt các thiết bị cảm biến thông minh tại kho của người vay nhằm theo dõi nguyên liệu thô và hàng tồn kho từ đó đối sánh với các thông tin tài chính đang có của người vay. Hoạt động này giúp ngân hàng kiểm soát và ngăn ngừa gian lận, cũng như tình hình tài chính theo thời gian thực của người vay.
Thứ năm, kết hợp dữ liệu từ IoT và lịch sử giao dịch tín dụng ở CIC để phân tích và xác định điểm tín dụng, hành vi tài chính, khả năng chi trả trong cuộc sống thường ngày…Từ đó, IoT đánh giá được mức độ rủi ro tài chính và đưa ra các đề xuất tài chính cụ thể cho từng khách hàng.
Tóm lại, việc sử dụng thiết bị số của người dùng ngày càng gia tăng đã dẫn đến sự ra đời của dữ liệu lớn và công nghệ IoT. Các lợi ích khi ứng dụng IoT đã làm biến đổi cuộc sống của từng người dùng cũng như doanh nghiệp cung cấp sản phẩm – dịch vụ. Điều còn lại, các doanh nghiệp nói chung, ngân hàng nói riêng phải chuyển đổi dữ liệu từ IoT thành các thông tin hữu ích có giá trị đối với khách hàng để gia tăng thị phần, tạo lợi thế cạnh tranh và gắn kết lòng trung thành của khách hàng.
TS. Châu Đình Linh
Theo Trí thức trẻ
Ngành Ngân hàng trước áp lực của Chỉ thị 04 về siết tín dụng
Chỉ thị 04/CT-NHNN (Chỉ thị 04) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết tăng trưởng tín dụng có thể ảnh hưởng nhiều mặt tới các ngân hàng xong ở bình diện vĩ mô, điều này là cần thiết. Lợi nhuận chung toàn ngành được dự báo vẫn tiếp tục tăng 32,28% trong năm nay và 22,52% năm 2019.
Kế hoạch HDBank sáp nhập PGBank đang dành được nhiều quan tâm với cơ hội không bị siết tín dụng theo Chỉ thị 04. Ảnh: TM
Kiểm soát tăng trưởng tín dụng
Mới đây, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN về kiểm soát chặt hơn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay và sẽ không nâng hạn mức tín dụng dành cho từng ngân hàng thương mại (NHTM), ngoại trừ các trường hợp đặc biệt. Chỉ những NHTM đang hỗ trợ các NHTM yếu kém hơn thực hiện tái cơ cấu mới được xem là đủ điều kiện được nâng hạn mức tăng trưởng.
NHNN cũng sẽ thanh tra những NHTM có tỷ trọng cho vay lớn đối với ngành bất động sản, kinh doanh chứng khoán và cho vay tiêu dùng, cho vay dự án BOT và BT. Đồng thời, khuyến khích các NHTM tập trung cho vay ngành sản xuất và các ngành ưu tiên chẳng hạn như nông nghiệp, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp công nghệ cao, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo nhiều chuyên gia, Chỉ thị này sẽ được áp dụng trong thực tế phụ thuộc vào tăng trưởng GDP trong quý III. Nếu GDP tăng trưởng tốt, NHNN có thể triển khai Chỉ thị một cách chặt chẽ hơn. Ngược lại nếu GDP giảm tốc, NHNN sẽ vận dụng linh hoạt hơn, phải nới hạn mức tăng trưởng tín dụng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm (6,7%).
Về phía các NHTM, tín dụng nhìn chung sẽ không tăng trưởng nhiều trong nửa cuối năm trừ khi NHNN nới hạn mức lên trên 14%. Do đó các NHTM sẽ xem xét các kế hoạch phụ trợ trong trường hợp không được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ được xem xét như các ngân hàng đang hỗ trợ các ngân hàng nhỏ/yếu kém khác trong quá trình tái cơ cấu trong năm 2018, ví dụ HDBank nhận sáp nhập PGBank.
Việc không thể tăng tín dụng có thể cũng sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng ở quý cao điểm cuối năm, khi đây vừa là nguồn thu vừa là động lực tăng trưởng lợi nhuận.
Tình hình thực tế tại các ngân hàng
Theo báo cáo tổng hợp từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng tăng trưởng vừa phải, phù hợp với chỉ tiêu đặt ra và hạn mức được giao, nhưng cũng có không ít ngân hàng đẩy tín dụng lên rất cao, trên 10%. Thậm chí, có trường hợp chạm trần, dẫn đến tăng trưởng còn dư cho 6 tháng cuối năm khá hạn hẹp.
Một số ngân hàng đã chạm trần tín dụng phê duyệt đầu năm như TPBank (15,0%) và HDBank (14,5%). LienVietPostBank cũng đã tăng 13,3%, gần chạm trần 14%. Tăng trưởng tín dụng tại OCB cũng đã đạt 12,2%. Đây là 4 ngân hàng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đầu năm rất cao, phản ánh kỳ vọng có thể xin thêm hạn mức bổ sung vào quý 3 như các năm gần đây.
Do chạm trần tín dụng, LienVietPostBank đã chính thức điều chỉnh giảm 33% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2018, từ 1.800 tỷ đồng còn 1.200 tỷ đồng với lí do không được NHNN nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. Mặc dù vậy cho đến nay, LienVietPostBank là ngân hàng duy nhất phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận do hết 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 37% kế hoạch lợi nhuận.
Một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm khá cao nhưng vẫn còn dư địa so với mục tiêu được NHNN phê duyệt gồm ACB (11,8%), Vietcombank (11,3%), MBBank (10,7%). Báo cáo chỉ ra bản thân các ngân hàng này cũng nhanh chóng có kế hoạch cân đối lại tăng trưởng tín dụng trong hai quý cuối năm.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn còn thừa giới hạn tín dụng như VIB (8,9%), VPBank (7,8%), VietinBank (7,6%) và BIDV (6,9%). Đây là các ngân hàng có thể chủ động cân đối tăng trưởng tín dụng và cũng không phải lo ngại thiếu dư địa vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tín dụng tăng cao. Đại diện của BIDV cũng chia sẻ ngân hàng này đã chủ động tăng trưởng thấp hơn vào nửa đầu năm để dành nhiều room hơn cho hai quý cuối. Vì vậy, nhóm này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do Chỉ thị 04.
Techcombank là ngân hàng có dư nợ tín dụng tăng thấp (2,3%), trong đó cho vay khách hàng tăng 3,6%. Đây là mức thấp hơn đáng kể so với mức tăng bình quân chung của toàn ngành và cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu 18%. Ngoài ra, Techcombank cũng đề ra định hướng giảm dần phụ thuộc vào tín dụng nên việc không nới room gần như không có ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm của ngân hàng này.
Trường hợp cá biệt nhận được nhiều quan tâm nhất thời điểm này chính là HDBank, với kế hoạch sáp nhập PGBank với cơ hội không bị siết tín dụng. Trong trường hợp khả quan nhất, nếu kế hoạch sáp nhập được thông qua trước quý IV, Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) ước tính HDBank có thể được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 30 - 40% (các ngân hàng khác bị siết trần 14%). Và HDBank có 3 tháng để đạt được mức tăng trưởng này.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu NHNN trì hoãn đưa ra phê duyệt chính thức, khi đó HDBank có thể sẽ không có cơ hội để yêu cầu tăng hạn mức kịp thời trong năm 2018. Tuy nhiên, HDBank vẫn có thể hoàn thành kế hoạch bằng cách tăng kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho HDSaison hay tăng trưởng tiền gửi chậm lại, theo HSC.
Bên cạnh trường hợp HDBank, VDSC cho rằng một số ngân hàng tham gia tái cơ cấu như Vietcombank (hỗ trợ VNCB), Vietinbank (hỗ trợ Ocean Bank, GP Bank) cũng có thể nằm trong diện được mở room tín dụng.
Mặc dù Chỉ thị 04 có các tác động khác nhau tới ngành nhưng VDSC vẫn lạc quan nhận định rằng nhiều ngân hàng tự tin hoàn thành chỉ tiêu cả năm và giữ nguyên kế hoạch lợi nhuận ban đầu. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Đa số ngân hàng đã hoàn thành trên 50% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm. ACB, MBB và VCB cũng đã đạt được xấp xỉ 60% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
HSC dự báo lợi nhuận trước thuế chung của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 32,28% trong năm nay và 22,52% năm 2019. Điều này dựa trên 3 yếu tố: đóng góp từ thu hồi nợ xấu và bán tài sản đảm bảo; thoái vốn tại các công ty con và các khoản đầu tư; thu nhập ngoài lãi tăng nhờ doanh thu hoa hồng bán báo hiểm.
Trà My
Theo Thanhtra.com.vn
Thị trường chứng khoán sau mùa KQKD: Chỉ số đã phục hồi từ đáy, song dòng tiền vẫn còn yếu SSI Research cho rằng sự phục hồi của giai đoạn này ngoài lý do giá cổ phiếu giảm sâu kích thích sức mua thì một nguyên nhân khác là mùa công bố KQKD. Theo ghi nhận, tháng 7 đánh dấu thời điểm thị trường chứng khoán chạm đáy và phục hồi. Chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài bao gồm mà...