Vân Trang nhạt nhòa, Minh Triệu hời hợt trong ‘Tìm chồng cho mẹ’
Dàn diễn viên “trai xinh, gái đẹp” không thể cứu vãn phần kịch bản lê thê và có phần vô lý của “Tìm chồng cho mẹ”.
Trailer bộ phim ‘Tìm chồng cho mẹ’ Vân Trang vào vai bà mẹ đơn thân được con gái tích cực tìm cho bến đỗ mới.
Thể loại: Tâm lý, lãng mạn
Đạo diễn: Thủy Trần
Diễn viên chính: Vân Trang, Hà Việt Dũng, Khánh Như, Hồng Đào, Minh Triệu
Zing.vn đánh giá: 4/10
Tìm chồng cho mẹ gây chú ý khi có sự góp mặt của Vân Trang và Hà Việt Dũng.
Chuyện phim Tìm chồng cho mẹ bắt đầu khi Thụy Miên (Khánh Như) tìm đến dịch vụ cho thuê cha trên mạng Internet vì đã quá ngán ngẩm cảnh bà mẹ đơn thân Thụy Du (Vân Trang) của mình luôn về nhà trong trạng thái say mèm.
Cô bé thuê Lâm Phong (Hà Việt Dũng) làm cha cho đến hết ngày hội gia đình ở trường học.
Nhưng ngoài Thụy Miên, “người cha hờ” này còn ký hợp đồng với hai bà mẹ khác là Diệp Anh (Hồng Đào) và Rose (Minh Triệu).
Từ đây, Lâm Phong buộc phải chia đều thời gian cho cả ba cô bé, cậu bé vốn thiếu vắng tình cảm của cha mẹ. Hàng loạt tình huống dở khóc dở cười bắt đầu nảy sinh từ đây.
Yếu tố cảm xúc gia đình nhạt nhòa
Không khó để nhận ra đạo diễn Thủy Trần muốn lồng ghép yếu tố tình cảm gia đình, đặc biệt là tình phụ tử, vào Tìm chồng cho mẹ.
Những bà mẹ trong phim buộc phải tìm đến dịch vụ cho thuê cha vì người chồng không thể dành thời gian chăm sóc con cái. Phim cũng có vài phân cảnh tôn vinh những giá trị tình thân đắt giá.
Song, phần kịch bản nhạt nhòa và phi lý đã khiến yếu tố cảm xúc trong phim chẳng thể đẩy lên cao trào. Thật khó hiểu khi các bà mẹ lại bắt Lâm Phong chỉ được chăm sóc con mình, dù đây là dịch vụ cho thuê cha giả.
Tình thân là yếu tố chủ đạo mà bộ phim muốn hướng tới.
Thay vì xây dựng mối quan hệ cảm xúc, bộ phim cứ thế xoay quanh việc anh chàng quay cuồng chia sẻ thời gian với nhóm nhân vật nhí, để rồi năm lần bảy lượt… xin lỗi khách hàng vì không thể hoàn thành hợp đồng.
Đến cuối cùng, khán giả cũng chẳng thể hiểu nổi dịch vụ của chàng giám đốc điển trai có gì hay ho khi cả Michael lẫn bé Heo cũng bị “cha hờ” bỏ rơi không khác cha ruột là bao. Bộ phim còn đặt ra nhiều mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình của Diệp Anh, Rose và Thụy Du. Nhưng sau cùng, tất cả chỉ được giải quyết chóng vánh bằng vài câu thoại đơn giản đến khó tin.
Câu chuyện tình cảm giữa Lâm Phong với Thụy Du cũng nhạt nhòa không kém khi cả hai đột ngột yêu nhau chỉ sau một lần cãi vã. Số câu thoại chung của họ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và gần như chẳng có bất cứ cảm xúc gì xuyên suốt thời lượng tác phẩm.
Cốt truyện chắp vá, diễn xuất hời hợt
Ngay từ những phút đầu tiên, Tìm chồng cho mẹ khiến người xem thấy khó chịu bởi khâu lồng tiếng tệ hại. Ngoài phần lời thoại nhân vật, bộ phim hoàn toàn bỏ qua mọi âm thanh đến từ môi trường xung quanh. Không những thế, tình trạng khẩu hình một đằng – tiếng một nẻo, thường xuyên diễn ra.
Sự hời hợt trong quá trình sản xuất còn hiện rõ thông qua phần cốt truyện chắp vá. Tổng thể bộ phim như được ghép lại từ hàng loạt tình huống không đầu không cuối. Cách chuyển cảnh kém càng làm cho tác phẩm trở nên rời rạc khi các tình tiết trước và sau gần như chẳng có liên kết.
Cách đạo diễn Thủy Trần xây dựng tính cách nhân vật mâu thuẫn đến khó tin. Quyết định làm mẹ đơn thân, nhưng Thụy Du vẫn sống vô trách nhiệm và suốt ngày về nhà trong tình trạng say xỉn. Không hiểu cô nàng có suy nghĩ và mục đích gì khi sinh con từ ống nghiệm dù chưa sẵn sàng làm một người mẹ đúng nghĩa.
Có rất nhiều vấn đề trong khâu kịch bản và diễn xuất của bộ phim.
Trong khi đó, Thụy Miên, Michael (Tùng Lâm) hay bé Heo (Chu Diệp Anh) lại dễ dàng thân thiết và xem Lâm Phong như cha ruột chỉ sau một lần gặp mặt. Chúng tỏ ra buồn bã khi anh không đến thăm, nhưng lại chẳng có cảm xúc gì khi nhắc đến cha đẻ. Các bà mẹ trong phim cũng dễ dàng giao phó đứa bé cho một người đàn ông lạ mặt trên mạng Internet mà không có gì bảo đảm.
Có lẽ bởi thế mà dàn diễn viên không biết phải thể hiện sao cho trọn vẹn tâm lý nhân vật. Cả Vân Trang lẫn Hà Việt Dũng đều có màn trình diễn dưới sức khi không mang lại bất cứ điểm nhấn cảm xúc nào cho người xem.
Vai Rose như được “đo ni đóng giày” cho Minh Triệu với hình tượng một siêu mẫu xinh đẹp và giàu có. Song, cô cũng chỉ làm tốt phần nhìn, chứ chưa lột tả cảm xúc nội tâm thành công.
Quang Minh và Hồng Đào là điểm sáng hiếm hoi trong khâu diễn xuất khi có câu chuyện trong phim gần tương đồng với đời thực. Bộ ba diễn viên nhí tương đối tròn vai, đặc biệt là Khánh Như khi thể hiện thuyết phục nét lém lỉnh của một cô bé buộc phải trưởng thành sớm để chăm lo ngược cho mẹ.
Nhìn chung, Tìm chồng cho mẹ tiếp tục là một tác phẩm đáng quên nữa của điện ảnh Việt trong năm 2019. Bộ phim thể hiện rõ sự cẩu thả trong khâu sản xuất lẫn kịch bản và chắc chắn sẽ sớm chìm trong quên lãng.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo zing.vn
REVIEW Tìm Chồng Cho Mẹ
Tìm Chồng Cho Mẹ - Thảm họa điện ảnh Việt tháng 7.
Tìm Chồng Cho Mẹ - bộ phim gây hoang mang khi tung trailer với những thước phim lộn xộn không đầu không đuôi và càng lúc càng làm khán giả hoang mang hơn khi phim thực sự bắt đầu trình chiếu trên màn ảnh.
Tìm Chồng Cho Mẹ giới thiệu cuộc sống gia đình thời hiện đại thông qua ba bà mẹ đơn thân là Thuỵ Du (Vân Trang), Diệp Anh (Hồng Đào) và Rose (Minh Triệu); hé lộ những lỗ hổng hạnh phúc và góc khuất hôn nhân trong mỗi gia đình. Từ đó hình thành trong lòng mỗi đứa trẻ chân dung lý tưởng về một người cha hoàn hảo. 3 gia đình này thuê dịch vụ Người Cha Hoàn Hảo của Lâm Phong (Hà Việt Dũng) để chăm sóc cho 3 đứa trẻ của 3 gia đình là Thuỵ Miên (Khánh Như), bé Heo (Chu Diệp Anh) và Michael (Tùng Lâm). Lâm Phong từ đấy vô tình bị cuốn vào đủ thứ chiêu trò của các bé, đồng thời rơi vào mối quan hệ tình cảm với bà mẹ "sửu nhi" Thuỵ Du.
Điều đầu tiên có thể nói về Tìm Chồng Cho Mẹ là Phim gần như không có một điểm sáng nào để nhắc đến ngoài các khoảnh khắc hiếm hoi tự nhiên và (hơi) hài hước của cặp đôi Quang Minh - Hồng Đào. Đáng tiếc, những giây phút này quá ngắn ngủi và không đủ sức che lấp cho một bộ phim tệ hại từ đầu đến cuối, từ kịch bản, quay phim, lồng tiếng cho đến cắt cảnh, dựng nhạc...
Ý tưởng của Tìm Chồng Cho Mẹ mặc dù khá tốt và có tính thời sự, nhưng cách triển khai lại quá tồi. Các nhân vật không có "backstory" (quá khứ, lai lịch...) rõ ràng và hành động của họ chẳng hiểu động cơ và mục tiêu ở đâu ra, tình tiết phim nhập nhằng, lộn xộn và không có liên kết gì từ đầu đến cuối. Tìm Chồng Cho Mẹ đáng lẽ đã có thể trở thành một bộ phim truyền hình khá thú vị với đầy đủ chi tiết, đầu đuôi và phát triển nhân vật rõ ràng, nhưng các nhà làm phim lại muốn biến ý tưởng này thành phim điện ảnh với thời lượng 90 phút, thế là các nhân vật phải chạy đua với thời gian, cố gắng kể câu chuyện của bộ phim nhưng khiến khán giả ngáp ngán ngáp dài vì không đủ thú vị hoặc thu hút.
Bản thân người viết cảm thấy đã không thể chịu nổi bộ phim sau khoảng 40 phút với các sự kiện chắp nối lộn xộn, nhưng thiết nghĩ cũng cần theo dõi hết để biết đâu được từ giữa đến cuối phim, Tìm Chồng Cho Mẹ có lẽ sẽ khá hơn. Đáng tiếc, bộ phim trượt dài với những khoảnh khắc chán chường, chemistry gượng gạo giữa các nhân vật và câu chuyện sến sủa vừa muốn nói chuyện gia đình, vừa muốn nói chuyện ước mơ hoài bão, vừa cố gắng lồng ghếp yếu tố yêu đương sặc mùi ngôn tình ba xu khiến bộ phim tệ hơn một nồi lẩu thập cẩm. Phim chèn vào một số khoảnh khắc hài khiến người xem cười không nổi, những khoảnh khắc tình cảm khiến người xem cảm động không nổi và những màn tán tỉnh nhạt nhẽo giữa Lâm Phong và Thụy Du.
Một điểm trừ cực kỳ lớn nữa của bộ phim là khâu lồng tiếng còn tệ hơn phim truyền hình. Khẩu hình miệng và thoại chả ăn nhập gì với nhau. Đôi ba lần thì còn tạm cho qua nhưng suốt cả bộ phim cảnh nào cũng thế thì thật chào thua với các nhà làm phim. Làm phim chắc chắn là công việc khó nhằn, nhưng với Tìm Chồng Cho Mẹ thì hẳn ekip làm phim nghĩ moi tiền khán giả qua rạp chắc là dễ như bỡn nên mới trình diễn một bộ phim đáng thất vọng như vậy?
Diễn xuất của các diễn viên máy móc của các diễn viên và cách xây dựng nhân vật thì thật sự làm người xem muốn than trời. Vân Trang kể từ sau thời Thiên Mệnh Anh Hùng và Scandal thì hình như các phim cô chọn hoặc là không nổi bật, hoặc là đáng được liệt vào hàng thảm họa (trước đó là Táo Quậy). Vào vai một bà mẹ "sửu nhi" không tin tưởng đàn ông (mặc dù chả ai biết tại sao), suốt ngày đi bar, chè chén rồi về nhà khóc lóc sinh hận (chả biết hận ai), để cô con gái tầm 10 tuổi phải chăm sóc, nấu nướng, dọn dẹp cho mình. Vai Thụy Du của cô chính là hình mẫu của các bà mẹ "nếu không chăm được cho con mình thì làm hơn đừng sanh con."
Lâm Phong của Hà Việt Dũng thì lập công ty nhưng lại vi phạm hợp đồng trắng trợn, mải chăm sóc đứa này, bỏ bê đứa khác rồi cuối cùng lý lẽ anh ta đưa ra là vì yêu tất cả những đứa trẻ đó và không muốn rời xa chúng?! Đám bạn cùng ban nhạc của anh thì chẳng làm được gì ngoài làm nền, làm trò hề và nói những câu thoại vô thưởng vô phạt, mình anh gánh hết vai trò từ giám đốc thành lập công ty cho đến nhân viên vì anh đẹp trai nhất và là nam chính?!
Minh Triệu vai Rose thì đúng nghĩa nhân vật bị làm lố nhất phim. Nhân vật này làm người mẫu nhưng được giới thiệu trong phim không khác gì... mafia, xã hội đen với "người hầu" luôn mực gọi Rose là... "quý cô" ?! Không thấy hình mà chỉ nghe tiếng thì chắc khán giả tưởng đang xem phim gangster thế kỷ 20.
Cắt cảnh tồi, hành động nhân vật thì không thống nhất, nhạc phim thì lộn xộn chẳng chủ đề gì rõ ràng. Cảnh phim là về khoảnh khắc cha con nhưng nhạc thì về chuyện... tình yêu đôi lứa tan vỡ không đến được với nhau?!
Trailer Tìm Chồng Cho Mẹ
Tìm Chồng Cho Mẹ tóm lại là bộ phim phí thời gian, tệ hại, là tổ hợp của những lựa chọn sai lầm từ khâu viết kịch bản, đạo diễn, quay phim cho đến âm nhạc.
Theo moveek.com
Những nhóc tì bá đạo nhất mùa hè 2019 chính là dàn cast nhí của "Tìm chồng cho mẹ" chứ còn ai nữa! Với câu nói "Con muốn tìm chồng" của Thụy Miên (bé Khánh Như), "Tìm chồng cho mẹ" đã ít nhiều khiến khán giả tò mò và hào hứng. Theo nhà sản xuất, ngoài Khánh Như, dàn cast nhí còn có Chu Diệp Anh và Tùng Lâm hứa hẹn về biệt đội nhóc tì "cool ngầu" trên màn ảnh mùa hè 2019. "Tìm Chồng...