Văn Quyến cưới vợ trong lúc ‘tạm thất nghiệp’
Chưa tìm được đội bóng mới để thi đấu, nhưng lúc này Văn Quyến đã tính đến chuyện lập gia đình. Và đến tháng Giêng sang năm, thần đồng một thời của bóng đá xứ Nghệ sẽ chính thức “đưa nàng về dinh”.
Chấm dứt cuộc đời độc thân
Bên cạnh tiếng tăm trên sân cỏ, Văn Quyến còn là gương mặt gây chú ý bởi đời tư. Năm 2008, báo chí từng tốn nhiều giấy mực về chuyện tiền đạo này bị mẹ… ép lấy vợ. Số là trong khoảng thời gian Văn Quyến rơi vào vòng lao lý sau sự cố tại SEA Games 2005, thì ở nhà, có một cô gái đã tình nguyện đến phụng dưỡng mẹ anh. Đến khi chuẩn bị trở lại sân cỏ thì Quyến bị mẹ ép lấy cô gái nói trên. Tuy nhiên, Văn Quyến đã không thực hiện ý muốn của mẹ.
Văn Quyến cùng mẹ sẽ rất bận rộn để chuẩn bị cho lễ cưới của anh
Bẵng đi một thời gian dài, câu hỏi Quyến “béo” yêu ai và sắp lấy vợ hay chưa vẫn không có câu trả lời. Nhưng gần đây, tiền đạo này đã tìm được tình yêu đích thực. Người “đánh cắp trái tim” anh là cô gái tên Thúy Hằng. Xinh xắn lại giỏi kinh doanh, Thúy Hằng khiến Văn Quyến phải thay đổi cách sống, biết lo cho bản thân cũng như tạo dựng được những kế hoạch khi hai người “góp gạo thổi cơm chung”. Hiện Quyến và Hằng đã lên lịch đi chụp ảnh cưới trước khi tổ chức hôn lễ vào tháng 1/2013.
Vẫn mơ được thi đấu
Thanh lý hợp đồng trước 1 năm với SLNA là việc rất khó khăn với Văn Quyến, vì ở đó tiền đạo này có những người bạn thân thiết, luôn sát cánh và tạo điều kiện tốt nhất để anh tìm lại phong độ đỉnh cao. Tuy nhiên, khi SLNA quá khó khăn về tài chính, những người làm bóng đá xứ Nghệ muốn để Quyến ra đi, thì anh mới có hy vọng vào khoản tiền lót tay từ đội bóng mới. Kể từ khi trở thành cầu thủ tự do, Quyến rất tích cực liên hệ với một số đội bóng tại giải hạng Nhất nhưng vẫn chưa có kết quả.
Mới đây, Văn Quyến đã liên hệ với một đội bóng ở vùng Đông Bắc. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đội bóng này yêu cầu anh đợi thêm một thời gian nữa mới ra quyết định cho thử việc! Đã gần bước sang tuổi 29, mong muốn lúc này của Văn Quyến là sớm tìm được bến đỗ để ổn định cuộc sống và chăm lo cho tổ ấm mới của mình.
Ước muốn đó có thành hiện thực với Quyến “béo” hay không, có lẽ chỉ thời gian mới trả lời được!
Báo bóng đá
Siêu cò làng bóng Việt
Các thượng vụ chuyển nhượng đình đám đều qua tay, "siêu cò" Trần Tiến Đại trở thành người kiếm tiền giỏi nhất làng bóng Việt.
Trần Tiến Đại khởi sự bóng banh có xuất phát điểm khá thấp, từ một cầu thủ ăn tập ở trường Năng khiếu Nghiệp vụ thể thao TP.HCM, và chuyển qua thi đấu trong mầu áo Công an TP.HCM ở xuất dự bị. Vậy nên, trong những năm đầu 90, dù khoác áo đội bóng giàu thành tích bậc nhất Sài Gòn, ít ai biết đến cái tên Trần Tiến Đại.
Đá bóng không giỏi nhưng ông Đại có mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp. Ông còn được xem là người cầu tiến nhất và biết làm ăn, nắm bắt thời cơ tốt nhất trong giới cầu thủ Việt Nam.
Biết nắm bắt thời cơ ông Đại trở thành siêu cò làng bóng Việt
Treo giầy, ông chuyển sang đi học Đại học ngoại ngữ và tập tành nghề HLV nhưng ý tưởng này không thành. Thời V.League mới khai sinh, nghề môi giới cầu thủ còn xa lạ và hầu như chưa ai biết đến khái niệm này.
Năm 2006, lần đầu tiên Liên đoàn bóng đá Việt Nam mở cuộc thi chứng nhận Đại lý cầu thủ FIFA. Ông Đại và Nguyễn Hoàng Nguyên là hai người dự thi nhưng cùng trượt.
Chưa có giấy phép hành nghề, ông Đại lập Công ty Đại Nguyên (với chức danh Giám đốc thuộc về người anh em ruột) để hợp thức hóa công việc, từ thời điểm đó, ông Đại đã là người đại diện của hầu hết các ngoại binh đến Việt Nam.
Để rồi từ hai bàn tay trắng, ông Đài trở thành nhà môi giới cho hầu hết các cầu thủ ngoại đang chơi bóng ở V.League, hạng Nhất, ông còn là đại diện cho nhiều cầu thủ nội, là đạo diễn của hàng loạt những thương vụ chuyển nhượng bạc tỷ ở Việt Nam.
Tài sản của ông Đại lúc này (ngay cả khi đã thất thoát sau những vụ làm ăn đổ bể) có thể tính bằng nhiều triệu đô chứ không đùa! Trần Tiến Đại hẳn phải là người hiểu thời cuộc và sống cũng rất tình nghĩa.
Khi giá một cầu thủ chỉ thuộc hàng vài trăm triệu/mùa được đẩy lên đến cả tỷ đồng. Tiến Đại thậm chí đã ký vài bản hợp đồng độc quyền với cầu thủ đang thất thế, để cất trong "kho" và không chắc lúc nào mới được sử dụng.
Với rất nhiều những ngoại binh thân cô thế cô được giới thiệu sang Việt Nam và chưa rõ năng lực chơi bóng thế nào, Trần Tiến Đại thầu hết. Phần lớn các cầu thủ và cả giới chức bóng đá đều quý ông Đại. Hoặc ngay cả khi họ không quý, thì cũng sẵn sàng hợp tác.
Vì lẽ đó, họ tìm tới "cò" Đại. Bằng tài ăn nói, ông Đại dễ dàng thổi giá cầu thủ từ vài trăm triệu đồng một năm lên tới hàng tỷ đồng. Tới nay, hầu hết các vụ chuyển nhượng cầu thủ nội đình đám nhất đều qua tay "cò" Đại. Bộ đôi Như Thành - Việt Thắng đến Ninh Bình với giá 8 tỷ đồng mỗi người, Phước Tứ đến Sài Gòn Xuân Thanh với giá 12 tỷ đồng... đều một tay "cò" Đại dàn xếp.
Có tài thổi giá cầu thủ lên hàng tỷ đồng, có tài lôi người từ bất cứ đội bóng nào, ông Đại cũng nổi tiếng là cắt "phế" cao. Giới cầu thủ vẫn kháo nhau rằng, chỉ qua tay "cò" Đại mới được giá.
Vì thế ngay cả khi phải mất ít nhất 1/3 khoản tiền "lót tay" nhận được cho tay cò này, các cầu thủ vẫn tấp nập "nhờ anh Đại". Có thông tin cho rằng, Phước Tứ sau khi đến Xuân Thành, chỉ nhận được 8 tỷ đồng dù hợp đồng mà trung vệ này ký có giá trị lên tới 12 tỷ đồng...
Không chỉ làm "cò", sắc sảo trong kinh doanh, ông Đài còn lần lượt trở thành GĐĐH của V.Ninh Binh và Sài Gòn Xuân Thành, vào hiện tại là chức vụ HLV trưởng của đội bóng TP.HCM một vị trí rất đáng nể.
Với vai trò này, ông có thể tham gia trực tiếp vào việc tư vấn cho ông bầu, chuyện tuyển quân - lấy người và soạn thảo các bản hợp đồng. Người ta tính rằng, chỉ hơn 3 năm nắm cương vị này ở các đội bóng khác nhau, Tiến Đại đã là nhà môi giới số một Việt Nam.
Nghe đâu, ông Đại còn có cung cấp cả nguồn hàng qua Tây Á, Trung Á và Trung Đông, những môi trường bóng đá cao hơn nhiều Việt Nam và giá chuyển nhượng cũng ngất ngưởng.
Tung hoành từ Nam chí Bắc, lăn lộn từ nghề "cò" cầu thủ rồi đến GĐĐH, HLV trưởng ở một đội bóng, trong nhiều năm nay.
Vừa qua, ông Đại đã thực hiện một vụ áp phe "kinh điển", dưới bàn tay đạo diễn tài ba của mình, ông đã thực hiện việc "sang tay" N.Sài Gòn cho Công ty CP đầu tư và phát triển Xuân Thủy (Ninh Bình) với giá 21 tỷ đồng. Và chính ông Đại là đại diện của bên mua trong quá trình đàm phán của thương vụ này.
Sau khi sở hữu N.Sài Gòn với toàn bộ lực lượng còn hợp đồng hiện tại, những cầu thủ tốt nhất bao gồm Quang Hải, Việt Cường, Tài Em, Được Em, Long Giang... sẽ được "chuyển nhượng" cho Sài Gòn Xuân Thành. Số cầu thủ còn lại cùng với suất V.League sẽ tiếp tục được chuyển giao cho một đối tác khác để kiếm lời.
Là "cầu nối" gần như những bản hợp đồng "bom tấn" từ nội binh cho tới ngoại binh, hay những phi vụ mua bán các đội bóng. Thử hỏi ông Đại có phải là người kiếm tiền nhiều vào giỏi nhất làng bóng Việt không?
Theo Bongda
Khi 'cò' Đại làm HLV Dưới thời HLV Trần Tiến Đại, Sài Gòn Xuân Thành giành được nhiều điểm nhất ở lượt về (27 điểm) và thua ít nhất (1 trận). HLV Trần Tiến Đại để lại dấu ấn tại Sài Gòn Xuân Thành. Ảnh: BĐP. Việc ông Đại bất đắc dĩ phải chuyển sang cầm sa bàn để thay thế HLV Lư Đình Tuấn trong bối cảnh...