Văn Phong – đập nước trăm tuổi đắp bằng cây rừng
Vốn được cụ Văn Phong dùng cây rừng đắp để lấy nước tưới tiêu, hiện đập làm bằng bêtông dài gần 550 m và được xem là một trong những đập dâng lớn nhất nước.
Đập dâng Văn Phong ( thôn Phú Lạc), xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) vừa được Nhà nước đầu tư nâng cấp hợp phần chứa nước, trở thành một trong những công trình thủy lợi lớn nhất nước. Đứng trên cao trình đập dâng cao 25 m, sông Kôn khoác một chiếc áo mới với màu xanh trong của nước, màu trời và bao quanh bởi núi.
Hợp phần khu tưới Văn Phong chính thức đi vào hoạt động hồi cuối tháng 4, bao gồm đập dâng Văn Phong dài 542 m, hệ thống kênh tưới dài 247 km và hơn 3.350 công trình trên kênh. Đập hoàn thiện như một chiếc cầu nối hai bờ vui. Tên gọi đập Văn Phong gắn liền với tên của cụ Văn Phong, người có công đắp đập dẫn nước cho dân trong vùng.
Đập Văn Phong (Bình Định), công trình cung cấp nước tưới cho 13.000 ha đất. Ảnh:Phương Thảo
Ông Trần Trước (79 tuổi), người cuối cùng trong ban Yểng (Ban quản lý hệ thống kênh mương, thủy lợi ngày xưa của đập dâng Văn Phong) cho biết, cụ Văn Phong, người xã Tây An (huyện Tây Sơn) vốn giàu có trong vùng. Cụ đã bỏ tiền, công sức ngăn dòng sông Kôn lấy nước tưới tiêu cho cư dân.
Con đập được đắp bằng cây rừng (người địa phương gọi là bổi) cùng hệ thống kênh mương kéo dài hơn 7 km phục vụ tưới tiêu cho 7 xã phía đông huyện Tây Sơn và một phần xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn).
“Ngày đó máy móc chưa có, cụ Văn Phong đi ngược lên thượng nguồn nghiên cứu dòng chảy. Sau đó, cụ chọn đoạn chảy qua thôn Phú Lạc (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) dựng đập. Khúc sông này có độ dốc vừa phải, ngăn dòng đưa nước về các nơi”, cụ Trước kể.
Video đang HOT
Không chỉ có công thiết kế đập, cụ Văn Phong còn thiết lập hệ thống quản lý đê đập, kênh mương và thu chi tài chính gọi là ban yểng mà đến nay trong ngành thủy lợi vẫn còn áp dụng.
Tiến sỹ Đinh Bá Hòa – Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định – lý giải,yểng là tổ chức dẫn nước vào ruộng theo các đập nước. Mỗi yểng có một ban do những người làm ruộng bầu ra, được tri huyện quản lý rất chặt về mặt hành chính. Nếu việc chia nước không công bằng, xảy ra kiện tụng thì quan tri huyện phải trực tiếp xuống xử lý, chia nước ngay tại đập. Mỗi banyểng có 4 người làm việc tự nguyện, không nhận thù lao, mỗi năm bán 4 giờ nước lấy chi phí…
Sau ngày giỗ cụ Văn Phong (1/11), các ban cử người đi khảo sát đập, kênh mương ghi nhận hư hỏng nhằm tính toán ra ngày công tu sửa. Ngày công đó quy ra lúa, lấy số lúa ấy chia trên đầu mẫu ruộng ăn nước, thu tiền nước của nông dân.
“Việc cắt bổ đắp đập, khai mương tùy từng điều kiện cụ thể mà có sự phân công rõ ràng. Ai không đi làm phải nộp tiền. Trường hợp không đi, không nộp tiền bị ban yểng xiết nợ, tịch thu tài sản về phát mãi, lấy kinh phí tu sửa đê đập”, tiến sĩ Hòa cho biết.
Nhà thờ cụ Văn Phong, người đắp nên con đập ở Bình Định. Ảnh: Phương Thảo
Tại làng Mỹ Đức (xã Tây An) hiện có đền thờ cụ Văn Phong. Hàng năm, đến ngày 1/4 (giỗ bà) và 1/11 (giỗ ông), dân làng Mỹ Đức và các làng khác tập trung về đền thờ tưởng nhớ vị tiền hiền có công với ngành nông nghiệp của vùng. Đến thờ cụ Văn Phong đã được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích vào năm 2012.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Phòng Văn hóa thông tin huyện Tây Sơn – khâm phục cụ Văn Phong khi dùng mắt thường mà nghiên cứu được con nước, đắp đập. “Có đoạn kênh dẫn nước gặp núi đá, cụ Văn Phong cho đục dẫn nước vượt qua. Đấy mới thấy quy mô, cái tài tình của cụ Văn Phong trong việc đắp đập, lấy nước cho dân”, ông Hòa nói.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” thời nhà Nguyễn có nói đến nhiều đập nước xây dựng trong thời kỳ này. “Đập Văn Phong có tên khác là đập Kiên Mỹ, ở thôn Trinh Tường, huyện Tuy Viễn, xưa gọi đập Văn Phong, họp người 7 thôn để đắp. Năm hạn hán, khi đảo vũ người làm cho nước vọt lên như hình mở đập thì được mưa ngay”.
Sách “Đại Nam thực lục” cũng chép: “Vùng hạ lưu sông Kôn, từ Kiên Mỹ đến Thị Nại có hơn 30 đập lớn nhỏ. Hiện, vùng này vẫn còn một số di tích miếu thờ các bậc tiền hiền có công đắp đập, khai thông mương máng”.
Hạ lưu sông Kôn, bên dưới đập Văn Phong. Ảnh: Phương Thảo
Đập dâng Văn Phong hiện nay được xây dựng trên dấu tích của đập bổi sơ khai, được Nhà nước đầu tư trên 2.000 tỷ đồng xây dựng hợp phần khu tưới, trở thành công trình thủy lợi lớn nhất nước. Hệ thống kênh mương dựa trên hệ thống cũ và được tôn tạo, phát triển thêm.
Công trình Đập dâng Văn Phong hoạt động cơ bản giải quyết phục vụ nước dân sinh và tưới tiêu cho hơn 13.000 ha đất sản xuất các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định.
Phương Thảo
Theo VNE
Nhiều hồ, đập thủy lợi ở Đác Lắc vẫn "khát nước" trong mùa mưa
Ngày 9-11, Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đác Lắc Lê Gia Dậu cho biết: Do thời tiết diễn biến phức tạp, trong mùa mưa năm nay, trên địa bàn tỉnh mưa ít nắng nhiều, lượng mưa tại các vùng trên địa bàn rất thấp, chỉ đạt khoảng 83% so với lượng mưa cùng kỳ trung bình nhiều năm. Mùa mưa lại có khả năng kết thúc sớm nên hiện nay, nguồn nước ở nhiều hồ chứa, sông suối vẫn còn rất thấp, thậm chí nhiều hồ, đập thủy lợi vẫn cạn.
Nhiều hồ, đập thủy lợi ở huyện Krông Pắc vẫn tích chưa đủ nước trong mùa mưa năm nay.
Cụ thể, Công ty đang quản lý hơn 554 công trình thủy lợi, gồm 432 hồ chứa, 107 đập dâng, 15 trạm bơm. Trong số 423 hồ chứa, chỉ có 264 hồ đã đạt mực nước dâng bình thường, 143 hồ cột nước chỉ đạt 50 - 80% công suất thiết kế, 18 hồ chỉ đạt 20 - 50% công suất thiết kế và có bảy hồ đang ở mực nước chết.
Dự kiến trong vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn tỉnh sẽ có 25 hồ thiếu nước ngay từ đầu vụ, 143 hồ sẽ thiếu nước về cuối vụ với tổng diện tích lúa dự kiến sẽ phải cắt giảm tưới là 1.092 ha, diện tích cần chống hạn về cuối vụ lên đến 10.649 ha, trong đó 4.767 ha lúa nước, 5.746 ha cà phê và 135 ha hoa màu...
Theo dự báo của ngành nông nghiệp, trong mùa khô 2015-2016, tình hình khô hạn trên địa bàn tỉnh Đác Lắc sẽ diễn biến phức tạp và hết sức khốc liệt. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, đặc biệt là những diện tích lúa nước thường thiếu nước tưới vào cuối vụ không nên trồng lúa mà chuyển sang trồng các loại cây khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc cũng đã yêu cầu Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đác Lắc triển khai nạo vét hồ chứa, đập thủy lợi, kênh dẫn... để tăng khả năng chứa nước của hồ và bơm chuyền từ các hồ dư nước xuống các suối cung cấp nước cho đập dâng và trạm bơm để chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng trong mùa khô 2015-2016.
Đồng thời, Công ty cũng chủ động thống kê những diện tích cây trồng không có nguồn nước tưới trong mùa khô sắp tới để lên kế hoạch hỗ trợ dầu cho người dân bơm nước từ các giếng khoan tưới cho cây trồng nhằm giảm thiểu những thiệt hại do hạn hán gây ra.
NGUYỄN CÔNG LÝ
Theo_Báo Nhân Dân
Khánh Hòa 'đào' đâu ra 4.300 tỉ đồng xây Khu đô thị hành chính? Sáng nay, 3.11, ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho biết tổng vốn đầu tư dự án Khu đô thị hành chính Khánh Hòa khoảng 4.300 tỉ đồng được huy động từ nguồn vốn các nhà đầu tư, không sử dụng ngân sách tỉnh. Phối cảnh khu đô thị hành chính mới...