Văn hóa “chuyện ấy” thời @
Một trong những nguyên nhân chính khiến cho vợ chồng không êm ấm là có sự so le trong… “chuyện ấy”.
Hiện nay, tivi, Internet đã đến từng gia đình, những hiểu biết chốn phòng the của người dân ngày càng phong phú và nhu cầu “thỏa mãn” cũng tăng lên. Đã có nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc hơn nhưng cũng không ít đôi “sợ” phải… ở bên nhau!
Những chuyện dở khóc dở cười
Tại Phòng Tư vấn hôn nhân (Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM), trong bộ mặt u sầu trĩu nặng tâm tư, chị T. ở Q.Tân Bình đã trút hết tâm sự với chuyên viên tư vấn.
Chồng chị thường lên mạng xem truyện và phim sex rồi bắt chị thực hành theo những gì đã “học” được. Lúc đầu, chị cố “học hỏi” cho kịp quan niệm của anh ấy để vợ chồng không nhàm chán nhau. Nhưng rồi anh bắt chị làm cả những hành động mà chị ghê sợ.
Chị T. thấy mình không được tôn trọng, chỉ như là món đồ chơi để chồng thử mọi kiểu. Những cảm nhận đó khiến chị rất ức chế trong “chuyện ấy” và muốn được tư vấn ly hôn.
Còn chị Q. (Q. Bình Thạnh) thì có nỗi khổ khác. Chị là nhân viên văn phòng, có nhiều thời gian rảnh lên mạng. Qua đó, chị thấy cuộc sống vợ chồng của mình quá đơn điệu và mất lửa nên có nhu cầu tìm hiểu “chuyện ấy” và cách hâm nóng tình cảm vợ chồng…
Chị háo hức với những “kiến thức” mênh mông và hấp dẫn đã thu nhận được. Chị thủ thỉ rồi gửi tài liệu cho chồng đọc nhưng anh chỉ đáp lại bằng sự thờ ơ.
Chị càng muốn thay đổi, anh càng phản ứng rồi chọn phương án… ngủ riêng mà chị chẳng hiểu vì sao chồng lại khó chịu với ý muốn vun đắp của mình.
Thật ra, chồng chị Q. là công nhân, làm việc vất vả, ít thời gian đọc báo, lại chẳng quan tâm đến internet. Anh thấy vợ, chứ không phải là mình, hiểu biết hơn và chủ động hơn trong “chuyện ấy”! Chính trở ngại tâm lý này đã khiến anh không chấp nhận sự làm mới của vợ và “xù lông” với chị.
Video đang HOT
Cái chung của sự “lỗi nhịp”
Đó chỉ là hai trong khá nhiều trường hợp đã đến tư vấn tại Nhà Văn hóa Phụ Nữ TPHCM. Mỗi ca mỗi vẻ khác nhau nhưng lại có điểm chung là “quan hệ” vợ chồng lỗi nhịp trong xã hội thừa thông tin, thiếu hiểu biết về vấn đề tình dục.
Ngày xưa, chuyện phòng the được xem là nhạy cảm và sẽ… tự khắc biết bởi bản năng sẽ dạy cho con người khi họ yêu và cưới. Nếu hiểu nhau, biết chiều nhau, chịu khó tự mày mò… thì có thể sớm tìm được sự hòa hợp; nhưng nếu cặp đôi nào mạnh ai nấy “làm”, không tìm hiểu nhu cầu người kia để đáp ứng và cùng “lên đỉnh” thì sẽ gặp trục trặc, bất hòa, dẫn đến ly thân, ly hôn…
Hầu hết các vụ ly hôn đều có nguyên nhân sâu xa từ sự không thỏa mãn đời sống chăn gối. Ly hôn không chỉ gây bất hạnh cho người trong cuộc, con cái và gia đình hai bên mà xã hội còn phải gánh chịu bao hệ lụy như: quan hệ tình dục bừa bãi, mại dâm, trẻ em hư, xung đột…
Hậu quả thì lớn nhưng chúng ta vẫn đang né tránh nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Các lớp tiền hôn nhân cũng chưa có bài học riêng về quan hệ tình dục, chương trình giáo dục giới tính ở các cấp học thì còn đang được bàn xem có nên dạy không?
Vậy khi nào con người sẽ được chỉ dạy cho cách biết “cùng” hạnh phúc, niềm hạnh phúc lớn lao mà tạo hóa ban cho con người? Khi vấn đề này chưa được nhìn nhận đúng thì vẫn còn rất nhiều sự lỗi nhịp trong đời sống vợ chồng.
Cần đổi mới phù hợp và văn hóa
Chị T đã thụ động theo ý chồng mà không cùng chồng “học” có chọn lọc. Đổi mới là cần thiết nhưng phải phù hợp với nhu cầu, cảm xúc của nhau.
Quý ông nào cũng muốn được thỏa mãn, được nhìn thấy vợ đáp ứng vui vẻ và thỏa mãn. Nếu chỉ là sự chịu đựng, gượng ép, họ sẽ chán nản, mất cảm hứng để làm cho nhau hạnh phúc; có trường hợp còn lấn lướt, ép buộc…
Với chồng chị Q., tự ti là nguyên nhân chính của sự bất hợp tác. Nếu nhạy cảm nhận ra cảm xúc trong đời sống chăn gối liên quan rất mật thiết với những chi tiết của đời sống thường ngày thì chị Q. sẽ tìm ra cách giúp chồng chủ động hơn trong sự thay đổi. Khi cảm thấy tự tin hơn trước vợ vào ban ngày thì người chồng mới tự tin trước vợ vào ban đêm.
Cách cư xử trong “quan hệ” chính là sự thể hiện văn hóa tình dục của cá nhân. Đã bao giờ bạn tự hỏi mình có tôn trọng bạn đời và hiểu nhu cầu của người ấy không; đã nỗ lực tìm cách hòa hợp nhu cầu của cả hai; hoặc đã học cách để cùng nhau thỏa mãn…?
Để trả lời “có” cho những câu hỏi này quả thật không đơn giản; nhưng với tình yêu thương, sự hiểu biết về chuyện gối chăn và cách ứng xử có văn hóa… tin rằng các cặp vợ chồng sẽ có được cuộc hôn nhân hạnh phúc!
Theo NLĐ
Con hư tại... bố mẹ
Không ít "cậu ấm, cô chiêu" ngã đau dưới "vực sâu" của cuộc đời... (Ảnh minh họa)
Được "bọc gấm" từ khi còn đỏ hỏn, nhiều "cậu ấm, cô chiêu" bước vào đời không vẹn toàn về nhân cách, nặng thì trở thành kẻ hư hỏng, nhẹ thì cũng là những con "gà gô" không biết làm gì...
Thậm chí, chỉ đến khi vấp phải những cú ngã đau dưới "vực sâu" của cuộc đời, không gượng dậy được, nhiều bậc phụ huynh đại gia mới ngã ngửa, ngậm ngùi: "Tại mình chiều nó quá"...
Tiêu chuẩn... "3G"
"Tiêu chuẩn chọn bạn trai "hót" nhất bây giờ phải đáp ứng "3G", nghĩa là "giỏi, giàu, già". Tuy "ông bô" tôi chẳng thiếu tiền, nhưng đấy là mốt chọn bạn trai thời @, bà hiểu chưa? - Tố Mai, cô bạn thời sinh viên của tôi đã "ném" vào mặt tôi những lời lẽ đầy thực dụng đó sau khi nhận được lời khuyên "hãy tỉnh ngộ trước khi quá muộn". Điều đó đã khiến tôi bị "sốc" nặng, không kịp phản ứng gì thì Tố Mai đã lên xe, rồ ga chạy thẳng.
Với cái "mác" đại gia trong làng bất động sản của bố mẹ, ngay từ nhỏ, tiểu thư Tố Mai đã quen được chiều chuộng đủ thứ. Trong nhà, những yêu cầu của con gái cưng chẳng khác gì mệnh lệnh đối với mọi người, thích giày đẹp có giày đẹp, thích váy mốt có váy mốt, thích nghỉ học được nghỉ học... Thành tích trong sổ học bạ là "học lực trung bình, 3 lần đánh nhau với bạn, nhiều lần bỏ học đi chơi...". Ây thế mà, không hiểu sao Mai vẫn chễm chệ ngồi đàng hoàng vào cái ghế đại học. Ối người xuýt xoa: "Công nhận bố mẹ Mai "tài" thật!".
Có lần, Tố Mai nói thẳng với tôi: "Cần gì phải học giỏi, kiếm tiền cho mệt xác. Tiền của bố mẹ có tiêu 3 đời cũng không hết, mà nhà chỉ độc nhất một mụn con, không phá thì ai tiêu tiền cho? Để tiền rồi cũng mốc, chết có mang theo được đâu. Thế nên tốt nhất là thụ hưởng cho sướng. Đẳng cấp phải ra đẳng cấp". Quả thật, những bộ cánh Mai khoác trên người toàn là đồ "độc", cả năm đi học không mặc trùng một bộ quần áo nào, khiến nhiều bạn gái trong lớp phải ghen tỵ, còn các chàng trai thì lác mắt mỗi khi thấy bóng hồng đi ngang qua với các kiểu áo nửa hở, nửa kín và làn da trắng hồng. Mỗi lần thấy con ăn diện, làm dáng, nổi bật trong đám bạn bè là mẹ Mai lại thấy tự hào lắm, bà bảo: "Không chiều con thì chiều ai, con cái hãnh diện với bạn bè thì bố mẹ cũng mát mặt".
Có lẽ cũng tại cái cách nghĩ "ý con là ý trời" của phụ huynh đã vô tình gieo vào đầu Tố Mai suy nghĩ mình thuộc hàng đẳng cấp, sinh ra là sống trên đống tiền, giải quyết mọi việc cũng bằng tiền, và rồi Tố Mai càng ngày càng lấn sâu vào các cuộc ăn chơi thác loạn mà bố mẹ không hề hay biết. Đến 1 ngày, công an mời phụ huynh lên bảo lãnh cho con vì có dính dáng đến một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì bố mẹ Tố Mai mới ngã ngửa: "Giá như mình đừng chiều nó quá".
Trong số những thanh niên này, có bao nhiêu "cậu ấm, cô chiêu"? (Ảnh minh họa)
Đến đây, tôi chợt nhớ ra câu chuyện của Nguyễn Hữu Dương ở Từ Liêm, Hà Nội. "Cậu ấm" này cũng là con một trong gia đình khá giả. Đang học năm thứ nhất Đại học Luật, Dương được bố mẹ cho đi du học tự túc tại Anh. Đầu năm 2009, trong lần về Việt Nam ăn Tết, Dương đi sinh nhật bạn, gặp và có tình cảm với một cô bé SN 1994, quê Phú Thọ. Để thể hiện sự "ga - lăng" với người đẹp, Dương đã bỏ tiền thuê nhà trọ cho cô bạn gái tại thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình và chung sống như vợ chồng. Thiếu gia này cũng không tiếc tiền mua sắm cho cô gái điện thoại đắt tiền, chu cấp tiền sinh hoạt hàng tháng. Đến tháng 10/2009, Dương lại cả gan giấu gia đình trốn về Việt Nam. Lần này, Dương mua lại một cửa hàng thời trang tóc với giá 80 triệu đồng cho cô gái làm ăn. Trong thời gian ở Việt Nam, Dương liên lạc với nhóm bạn bè cũ để tham gia nhiều cuộc ăn chơi lêu lổng. Một lần, Dương rủ đám bạn thân đi Quảng Ninh chơi và nói dối người yêu là về thăm gia đình. Mấy ngày sau không thấy Dương liên lạc, cô gái đã gọi điện thoại đến nhà Dương thì gia đình Dương mới ngã ngửa chuyện cậu ấm trốn về Việt Nam mà cả nhà không hay, trong khi chỉ còn hơn 1 năm nữa là Dương tốt nghiệp đại học bên Tây...
Đánh đổi
Chị bạn đồng nghiệp của tôi kể, ở lớp con chị học "lớp 8" có những trường hợp học sinh "trấn" đồ của bạn. Thì ra, ở lớp cháu học có một bạn nam con nhà giàu, thay điện thoại như thay áo mà toàn là đời mới nhất, cả lớp chỉ có mình cậu ta là dám chơi đôi dép quai hậu giá mấy triệu bạc, tiền trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh để bao bạn bè. Chính vì thế mà nhóm "đàn anh" lớp 9 trong trường đã tìm cách hăm doạ, bắt cậu bé phải nộp tiền cho chúng mỗi ngày 50 nghìn đồng với lý do "lấy của nhà giàu chia cho người nghèo", còn nếu không sẽ bị đánh và cấm nói lại với người lớn. Thế là, hàng ngày bố mẹ cậu bé vẫn dúi vào cặp cậu con trai quý tử cả trăm nghìn đồng để con tiêu xài và ăn sáng. Chỉ đến khi cô giáo phát hiện và báo cho gia đình thì họ mới tá hoả, hoá ra lắm tiền không phải lúc nào cũng tốt mà đôi khi nó lại là "cái hoạ" cho con mình.
Một chuyên gia tư vấn tâm lý của Viện Môi trường và Các vấn đề xã hội thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết: "Nhiều đứa trẻ sinh ra trong những gia đình giàu có, được bố mẹ cho tiêu tiền ngay khi còn nhỏ nên sớm có thói quen giải quyết mọi chuyện bằng tiền. Vì thế mới có những trường hợp thuê bạn làm bài tập, trả tiền để bạn cho chép bài trong giờ kiểm tra, rồi dùng cả tiền lôi kéo bạn bè về phe mình. Mỗi khi xảy ra sự cố, chính những ông bố, bà mẹ ấy lại đứng ra dùng tiền chạy chữa cho lỗi lầm của con mà không hề nghĩ đến tình trạng đạo đức ngày càng xuống dốc của chúng. Thương con cách ấy bằng mười hại con".
Tống tiền phụ huynh
Nhiều trường hợp vì quá thương con, hễ con có lỗi với ai là cha mẹ lại tìm mọi cách dùng sức mạnh đồng tiền để can thiệp và cũng chính họ lại trúng đòn "gậy ông đập lưng ông". Bố mẹ của Tố Mai cũng đã từng thấu hiểu tình cảnh này khi cô con gái rượu ôm mấy trăm triệu đồng, trốn nhà đi sống với bạn trai và gửi lại lời nhắn: "Tiền đó trước sau gì bố mẹ chả phải cho con. Không tiêu sau thì tiêu trước. Mà khối bí mật của "pa pa", "ma ma" con đều biết tuốt nhưng chưa hề tiết lộ với ai, chả nhẽ ngần đó không xứng với vài trăm triệu sao? Vài trăm chỉ là "muỗi" so với nhà mình. Bố mẹ cứ yên tâm, về già con sẽ nuôi bố mẹ đàng hoàng". Những lời lẽ đó đã khiến cho bà mẹ đau thắt từng khúc ruột, hét lên với ông chồng rằng: "Vợ chồng mình đầu tắt mặt tối kiếm tiền cũng chỉ mong nó sướng, không thua kém đứa nào. Thế mà giờ nó lại ngã giá tiền nong với mình".
Đây là thú vui của nhiều "cậu ấm cô chiêu"... (Ảnh minh họa)
Với Hạnh, hàng xóm nhà tôi lại khác. Trên đời này, chiều con như bố mẹ Hạnh quả là hiếm. Từ nhỏ đến lớn, kể cả khi học đại học, bố cô cứ ô tô đưa đi đón về đều đặn, ngày nắng cũng như ngày mưa. Còn công việc nhà, dù là nhỏ nhất như nhặt rau giúp mẹ, tự gấp quần áo, Hạnh cũng không bao giờ phải sờ vào, vì mẹ Hạnh là người rất đảm đang, hơn nữa lại có thêm người giúp việc gia đình, công việc của Hạnh chỉ là ăn và học. Thậm chí, cả khi bố mẹ ốm, người giúp việc về quê, Hạnh vẫn ngồi chờ bố mẹ phục vụ ăn uống, đưa đón. Các bạn trong lớp thì nhìn Hạnh bĩu môi: "Con nhà giàu, chả thiếu thứ công nghệ hiện đại nào mà người lúc nào cũng như con gà gô. Chả biết gì sự đời". Cho đến lúc Hạnh lấy chồng, do sợ con không biết lo toan nhà cửa, sợ chồng phật ý rồi đi theo người khác, nên mẹ Hạnh ngày nào cũng sang nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho hai đứa. Gần 30 tuổi đầu, Hạnh vẫn chỉ là "búp bê" bé bỏng của mẹ. Tôi tự hỏi, không hiểu sau này, nếu thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ thì cuộc sống của Hạnh sẽ ra sao?
Thế mới biết, sự cung phụng quá mức của các bậc cha mẹ đôi khi lại là con dao hai lưỡi, làm hại chính con mình. Những "cục cưng" của các gia đình giàu có thường được bao bọc bởi nhung gấm, nếu không giáo dục cho con biết trân trọng giá trị của đồng tiền thì rất có thể sẽ khiến cho các cậu ấm cô chiêu có cách sống hưởng thụ và ích kỷ.
Theo ĐSPL
Giới trẻ với ma trận... sex "Thế giới tình ái", khỏa thân chat sex thường nhộn nhịp vào thời điểm từ 1h đến 5h sáng... (Ảnh minh họa) Thời @ với sự hỗ trợ đắc lực của internet, phim ảnh hiện đại, tiểu thuyết đen đang làm bùng nổ căn bệnh nghiện sex, đặc biệt là trong giới trẻ, khiến nhiều người trở nên bệnh hoạn, chết yểu hoặc...