Văn hóa… bắt tay
Có người bạn ở nước ngoài bảo tôi: “Người Việt Nam rất chủ động đeo khẩu trang phòng chống virus nhưng vẫn vô tư bắt tay khi gặp nhau, không biết rằng đó là con đường dễ gây bệnh truyền nhiễm…”.
Ngược lại, có người bạn trong giới khoa học còn bảo virus corona có gì mà phải sợ, nó tồn tại trong cuộc chiến sinh tồn của hệ sinh thái ở thời đại 4.0 như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Thực tế, diễn biến của dịch bệnh virus corona thay đổi từng giờ rất phức tạp, không chỉ đơn thuần lây qua đường hô hấp, tiếp xúc với bệnh nhân. Nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng virus corona mới có thể lây qua cả đường tiêu hóa.
Trong lúc Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống lây nhiễm phải rửa tay nhiều lần hằng ngày bằng nước rửa tay tiệt trùng, xà phòng hay dung dịch rửa tay có chất cồn thì hành vi bắt tay có lẽ cần được coi lại trong văn hóa ứng xử ở Việt Nam. Thời xưa, các cụ nhà ta gặp nhau thường vái để tỏ lòng tôn trọng lẫn nhau, còn trẻ em thường khoanh tay lễ phép chào hỏi người lớn.
Và trong những ngày chúng ta đang gồng mình đối phó với dịch corona, nghe ngành y tế khuyến nghị một số biện pháp phòng ngừa tối thiểu là khi giao tiếp nên đứng cách xa nhau một chút (để tránh nước bọt hay hơi thở không sạch phát tán) và thường xuyên phải rửa kỹ bàn tay của mình thì phải chăng đây là “cơ hội đã chín muồi” để đưa ra một khuyến nghị liên quan đến một cách hành xử rất phổ biến và tưởng như rất tự nhiên trong giao tiếp xã hội đương đại: Cần phải điều chỉnh lại hành vi… bắt tay!?
Trong thực tế, bàn tay với chức năng hàng đầu là công cụ tiếp xúc nên đó cũng là bộ phận cơ thể dễ bẩn nhất, chứa chất nhiều nguồn bệnh nhất; vì vậy mà ngành y tế khuyến nghị ngay trong cuộc sống đời thường (chứ không chỉ khi có dịch) phải rửa tay thường xuyên.
Video đang HOT
Hãy hạn chế việc bắt tay, ít nhất là trong thời điểm dịch bệnh này. Nên trở lại với cách thể hiện truyền thống của ông cha ta trước khi ta học (hay bắt chước) người phương Tây từ thời tiếp xúc đầu tiên, đặc biệt là thời thuộc địa với lối sống được coi là “tân thời”. Đó là cách chào khá phổ biến ở phương Đông, đứng đối diện ở khoảng cách thích hợp và cúi chào nhau theo những mức độ, động tác phù hợp với mối quan hệ giữa hai hay nhiều người (như góc độ cúi đầu, tư thế và động tác của 2 bàn tay…).
Ở nhiều nước (như Nhật, Hàn, Thái, Lào…), thời nay, người ta vẫn chào theo cách này. Đương nhiên việc bắt tay vẫn duy trì nhất là trong đối ngoại nhưng nên cần “chuyên nghiệp” hơn, hạn chế những kiểu bắt tay tùy tiện, không đúng lúc và phải đúng quy ước (đàn ông chỉ bắt tay phụ nữ khi phụ nữ đưa tay ra trước, người nhỏ tuổi hơn chỉ bắt tay người lớn tuổi khi người lớn tuổi đưa tay ra trước…).
Tóm lại, nhân dịp ứng phó với đại dịch corona này, ta nên khởi động một tiến trình điều chỉnh từng bước nhằm hạn chế việc bắt tay nếu không cần thiết và tin rằng vấn đề “bàn tay sạch” theo nghĩa đen vẫn là một nhu cầu càng ngày càng phải quan tâm để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.
TS Tô Văn Trường
Theo nguoilaodong
Các chuyên gia chỉ ra một số thói quen người Việt làm lây lan dịch bệnh
Các chuyên gia cho rằng, người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp như thường xuyên rửa tay, hạn chế bắt tay... Tuy nhiên một số thói quen của người dân đang vô tình làm lây lan dịch bệnh.
Một số thói quen làm lây lan dịch bệnh
Các chuyên gia cho biết, virus nCoV lây lan trực tiếp qua giọt bắn, tiếp xúc gần với người bị bệnh, do đó phương pháp tốt nhất để hạn chế lây lan dịch bệnh là tránh tụ tập đông người, và hạn chế các thói quen hằng ngày như khạc nhổ, nhả kẹo cao su, hạt ô mai, bắt tay, ôm, vuốt ve, hò hét...
Theo ThS. BSCKII. Nguyễn Hồng Hà, nguyên PGĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, người Việt có khá nhiều thói quen có thể lây lan dịch bệnh. Đơn giản nhất là giấu dịch, không khai báo mình từ vùng dịch trở về vì đôi khi chủ quan là mình không bị bệnh hoặc vì sợ cách ly, điều này cho thấy ý thức cộng đồng chưa cao.
Về mặt pháp lý, khi Chính phủ công bố dịch thì đây chính là mệnh lệnh và mọi công dân phải chấp hành. Nếu người dân không chấp hành mà lây truyền, gây ra dịch có thể còn bị truy tố trước pháp luật.
Bắt tay là giao tiếp xã giao nhưng đôi khi bị lạm dụng và là nguồn lây lan dịch bệnh
Ngoài ra, một số người sốt, ho chưa có ý thức đeo khẩu trang, đây là hành vi tốt, quan trọng để giúp cho cộng đồng không bị ảnh hưởng, lây bệnh vì khi ho, giọt bắn sẽ văng ra mang theo virus gây bệnh. Bên cạnh đó là ý thức về rửa tay thường xuyên, chấp hành quy định cách ly của nhân viên y tế; nhiều trường hợp dù bị cách ly rồi nhưng vẫn cố tình vượt vào để gặp gỡ, tiếp xúc.
Liên quan đến thói quen bắt tay của người Việt, nguyên PGĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng đây chính là cách truyền mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là trong lúc dịch bệnh đang lan tràn. Bắt tay là giao tiếp xã giao, nhưng đôi khi lại bị lạm dụng ví dụ như một số người sau khi chúc tụng rượu đều bắt tay lần lượt từng người trong bàn ăn, sang mâm khác tại tiếp tục như vậy. "Bàn tay thường tiếp xúc với nhiều thứ, nhiều vật, chạm chỗ này chỗ kia nên mức độ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ khuyến cáo để hạn chế chứ không thể cấm được. Do đó, việc rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần là điều quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh, không chỉ với nCoV mà với nhiều dịch bệnh khác", bác sĩ Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.
"Lá chắn" nào để phòng chống dịch bệnh
Lo sợ nhiễm nCoV, người dân kháo nhau và đổ xô đi mua vitamin C với mục đích tăng cường sức đề kháng. Bác sĩ CKII Lại Thanh Hà, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho rằng, việc người dân mua và tự bổ sung vitamin C sẽ rất nguy hiểm mà cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu uống quá vitamin C thì nguy cơ tạo sỏi thận, sỏi thận khá cao. Vitamin C khi thừa có thể gây ra hội chứng chảy máu, rối loạn tiêu hoá. Chế độ ăn hàng ngày có rau xanh và hoa quả hàng ngày cũng có thể đủ nhu cầu vitamin C. Ví dụ, 100g rau ngót 185mg vitamin C, 100g bưởi 70mg vitamin C. Khi sử dụng vitamin C bác sĩ sẽ cân đối lại chế độ ăn để sử dụng thuốc đúng liều lượng.
Bác sĩ Hà cũng lưu ý, hiện nay trên mạng xã hội bán rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo giúp ngăn ngừa, chống lại nCoV. Tuy nhiên đây là một chủng virus mới vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu, khó có thể khẳng định thực phẩm chức năng có thể ngăn ngừa bệnh. Tới nay chưa có thuốc và vắc xin ngừa nCoV. Người dân không nên nghe theo những lời quảng cáo sử dụng các sản phẩm chưa được chứng minh tác dụng dẫn tới tiền mất tật mang mà khi bổ sung vi chất cần phải có sự tư vấn của bác sĩ.
Theo PGS.TS Nguyễn Trung Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, để phòng, chống dịch bệnh, người dân cần giữ ấm thân thể, cổ họng để tránh tổn thương đường hô hấp, virus dễ xâm nhập. Sử dụng phòng vệ cá nhân như khẩu trang, rửa tay thường xuyên là "lá chắn" cơ học khá hữu hiệu.
Vì nCoV lây qua đường giọt bắn, khi ho thì khẩu trang sẽ ngăn ngừa các giọt bắn này ra cộng đồng, đồng thời người tiếp xúc đeo khẩu trang sẽ ngăn chặn những giọt bắn này vào cơ thể vong. Người dân cũng nên hạn chế tiếp xúc gần với người khác trong vòng 1 - 2m. "Nếu không có khẩu trang thì khi ho, người bệnh nên dùng tay ngăn lại rồi đi rửa tay, hoặc che chắn bằng khuỷu tay để tránh giọt bắn ra ngoài.
Bất cứ khẩu trang nào cũng có thể ngăn chặn cơ học, nếu không có khẩu trang y tế, có thể dùng khẩu trang vải giặt hàng ngày. Không nên dùng khẩu trang N95 vừa đắt tiền vừa bí hơi dành cho nhân viên y tế tiếp xúc rất gần với bệnh nhân, và trong khoảng 15 phút. Trong phòng nên có ánh sáng mặt trời, tia cực tím, nhiệt độ cao sẽ làm giảm lượng virus...", nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, trong tuần sau, có thể học sinh, sinh viên nhập học trở lại thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ tăng lên, do đó, để hạn chế tốt nhất thì các em tránh tiếp xúc gần, không hò hét vào mặt nhau, tránh ăn uống, tụ tập đông người...
Theo baovanhoa
Phòng chống dịch virus corona: Minh bạch để dân không hoang mang PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp Bộ Y tế nhận định, dịch virus corona mới diễn biến quá nhanh, những hiểu biết của y học về virus này còn hạn chế nhưng những kinh nghiệm trong việc dập đại dịch SARS năm 2003 sẽ được áp dụng rất tốt đối với dịch...