Vẫn giữ nguyên 3 mức đánh giá tín nhiệm tại Quốc hội
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn thay đổi về thời hạn lấy phiếu so với quy định cũ và giữ nguyên một số nội dung còn tranh cãi trước đó, như mức tín nhiệm, đối tượng lấy phiếu.
Ảnh minh họa
Giữ nguyên đối tượng lấy phiếu tín nhiệm
Đọc tờ trình tại phiên họp sáng nay 6.6, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho hay, sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội (QH), đã có nhiều ý kiến phản hồi, góp ý cả mặt tích cực và hạn chế của việc lấy phiếu tín nhiệm.
Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng lấy phiếu quy định tại Nghị quyết số 35 là phù hợp. Cũng có ý kiến đề nghị mở rộng diện lấy phiếu tín nhiệm, trong đó, ở trung ương có Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và người đứng đầu cơ quan khác do QH thành lập theo quy định tại Điều 70 của Hiến pháp. Ở địa phương có Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện…
Theo bà Nương, đối với đề nghị mở rộng diện lấy phiếu là Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và người đứng đầu cơ quan khác do QH thành lập, Ủy ban TVQH đề nghị trước mắt chưa quy định lấy phiếu tín nhiệm, vì Hội đồng bầu cử quốc gia là một thiết chế mới được quy định trong Hiến pháp và chưa xác định rõ mô hình tổ chức, tính chất hoạt động.
Ủy ban TVQH cũng đề nghị không bổ sung diện lấy phiếu đối với Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh, cấp huyện vì các cơ quan này được tổ chức theo hệ thống từ trung ương đến địa phương và theo phân cấp quản lý thì các chức danh này đều do cấp trên xem xét đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm và được lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 165 ngày 18.2.2013 của Trung ương.
Đối với Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Ủy ban TVQH, dẫn chiếu luật Tổ chức HĐND và UBND, và cho rằng, nếu bổ sung những người giữ chức vụ này vào diện lấy phiếu thì không đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), không phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị quyết 35.
Từ các phân tích trên, Ủy ban TVQH đề nghị đối tượng lấy phiếu tín nhiệm được giữ như quy định của Nghị quyết số 35.
Video đang HOT
Chỉ lấy một lần trong nhiệm kỳ
Với nội dung về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm vốn còn nhiều ý kiến khác nhau, bà Nương cho biết, ưu điểm của quy định hiện hành (lấy phiếu tại kỳ họp QH đầu tiên hàng năm) là thực hiện được việc giám sát, đánh giá cán bộ thường xuyên, gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm. Tuy nhiên, mặt hạn chế là thời gian giữa các lần lấy phiếu quá ngắn, một năm là chưa đủ thời gian để người được lấy phiếu điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Vì vậy, Ủy ban TVQH đã thảo luận, cân nhắc nhiều mặt và đề nghị chọn phương án mỗi nhiệm kỳ của QH, HĐND tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3). Theo bà Nương, ưu điểm của phương án này là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ. Đồng thời, tạo được cơ chế giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian, điều kiện để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác; tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị, theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI).
Riêng đối với thời gian còn lại của nhiệm kỳ QH khóa XIII và nhiệm kỳ HĐND 2011-2016, QH và HĐND tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.
Giữ 3 mức tín nhiệm khi lấy phiếu
Qua lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên theo Nghị quyết 35 vào năm 2013, nhiều ý kiến cho rằng nếu để 3 mức tín nhiệm trong lấy phiếu (Tín nhiệm cao, Tín nhiệm và Tín nhiệm thấp) sẽ khó dẫn tới hệ quả bỏ phiếu tín nhiệm, mà nên để 2 mức Tín nhiệm và Không tín nhiệm. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi lần này, Ủy ban TVQH nhắc lại mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm “là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, giúp người đó tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót…”, và vẫn đề nghị quy định 3 mức tín nhiệm.
“Quy định như vậy phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ. Nếu chỉ quy định 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm khi xem xét trách nhiệm cán bộ”, bà Nương lý giải.
Về hệ quả đối với người được QH, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp”, bà Nương cho hay dự thảo sửa đổi quy định: đối với người được lấy phiếu, khi có quá nửa tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa nhưng chưa đến hai phần ba tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH trình QH, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo.
Người có từ hai phần ba tổng số ĐBQH, ĐB HĐND trở lên đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH trình QH, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.
Theo nghị trình, chiều nay QH sẽ thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi; thảo luận tại Hội trường vào cuối tuần tới và sẽ biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này.
Theo TNO
Đề xuất lấy phiếu tín nhiệm theo hai mức
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (12/9), nhiều đại biểu nói rằng, chỉ nên quy định 2 loại phiếu "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp", thay vì 3 mức như hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu rõ, dư luận cho rằng, lấy 3 mức phiếu là cách làm có tính chất dung hòa, khó đạt kết quả thực chất. Với cách chia phiếu thành 3 mức, sẽ rất ít người bị nhận số phiếu thấp tới 2/3.
Do vậy, chỉ nên lấy tín nhiệm các chức danh ở 2 mức phiếu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện kiến nghị, "nên quy định 2 mức phiếu tín nhiệm, còn để 3 loại phiếu như hiện nay, người dân thấy rất khó hiểu...".
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, nếu ĐBQH chú ý sâu hơn tới từng lĩnh vực bỏ phiếu, chắc chắn kết quả bỏ phiếu sẽ sát thực hơn. Vừa qua, có ngành bị kêu nhiều, nhưng phiếu vẫn cao, có lẽ ĐB mới chỉ tập trung lĩnh vực kinh tế, nên chưa thấy hết trách nhiệm của một số bộ, ngành khác. Ở các địa phương, có lĩnh vực tình hình rất phức tạp, thậm chí diễn biến xấu, nhưng phiếu tín nhiệm vẫn cao. Cho nên, để đánh giá kết quả lấy phiếu đã sát thực chưa, phải mổ xẻ từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng cụ thể.
"Nên quy định chỉ lấy 2 mức phiếu "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp", không nên quy định 3 mức như hiện nay, vì vừa hình thức vừa tốn kém. Chúng ta cứ bàn đi bàn lại, cứ nghĩ đây là công trình vĩ đại, nhưng xong rồi thấy cũng bình thường. Việc lấy phiếu cần phải đơn giản hơn, đơn giản như cách nghĩ của chính người dân vậy. Cử tri, người dân họ chú ý đến số phiếu thấp chứ còn phiếu tín nhiệm cao hay tín nhiệm, đến tôi cũng không thể nhớ hết", ông Phước phát biểu.
Sáng 12/9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 21 để cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND các cấp và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.
Nên lấy phiếu giám đốc sở - ngành
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói rằng cử tri, dư luận đặt câu hỏi có nên lấy phiếu đối với các ĐB dân cử hay không? Đây là vấn đề Thường vụ đã nêu ra trước khi có nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm. "Trên thế giới, người ta cũng chỉ bỏ phiếu đối với các vị trí thuộc cơ quan hành pháp, chứ không bỏ phiếu đại biểu dân cử", ông Hiển nói.
Ông Phước cho rằng "lấy phiếu đối với ĐB dân cử không cần thiết". Vừa qua, lấy phiếu các chức danh ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND đều có số phiếu cao, nhưng bên Chính phủ, UBND thì số phiếu cao không nhiều. "Khi chấm điểm thì anh không va chạm thường có phiếu cao hơn. Vì vậy, nên thôi không lấy phiếu đối ĐB dân cử. Còn khi ĐB dân cử vi phạm, có thể lấy phiếu bất tín nhiệm luôn. Sát sườn với dân là ĐB cơ quan hành pháp cho nên cần bổ sung lấy phiếu đối với các trưởng ngành, giám đốc các sở - ngành", ông Phước đề xuất.
"Vừa qua có những giám đốc sở là đại biểu HĐND đi bỏ phiếu các ĐB dân cử khác, nhưng chính bản thân họ là một chức danh quan trọng lại không được đưa ra lấy phiếu", ông Hiển băn khoăn.
Trên cao, dưới thấp
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, bên cạnh việc đánh giá trách nhiệm người bỏ phiếu, cần phân tích kết quả xem phiếu cao hay thấp là do đâu. Kết quả vừa qua cho thấy, càng xuống dưới cơ sở, số người bị phiếu thấp càng nhiều: Cấp tỉnh có 2 người, huyện có 12 người, còn xã thì mấy trăm người phiếu tín nhiệm thấp trên 50%. Phải chăng do cán bộ cấp xã yếu kém hơn, dễ thấy, càng lên cao vì càng xa nên khó đánh giá? "Cần đánh giá cả những mặt khác như xem họ có liên quan đến tham nhũng không, phẩm chất ra sao, nguyên nhân do đâu mà phiếu thấp", ông Hiện nói.
Về thời gian lấy phiếu, ông Phùng Quốc Hiển đề xuất: "Cần tạo điều kiện cho cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đưa ra những quyết định quyết liệt, hoặc có thời gian để khắc phục sai sót, nên tổ chức lấy phiếu 2 năm một lần".
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chốt lại, cần khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua thực hiện rất nghiêm túc, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, kết quả lấy phiếu cũng được công khai. Kết quả lấy phiếu đã tác động, khích lệ, động viên cán bộ, đồng thời cũng là dịp nhắc nhở, răn đe để cán bộ làm hết trách nhiệm của mình.
Theo báo cáo của Ban công tác ĐB, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua đối với 47 người ở trung ương, không người nào có số phiếu thấp trên 50%. Số người có phiếu tín nhiệm thấp trên 50% ở cấp tỉnh: 2 người (0,3%); cấp huyện: 12 người (0,2%), cấp xã: 396 người (0,8%).
Theo Nguyễn Tuấn (Tiền Phong)
Lo ngại tình trạng 'công chức hóa' đại biểu Cần làm rõ tiêu chuẩn đại biểu QH chuyên trách, tránh tình trạng "công chức hóa" là ý kiến của nhiều đại biểu trong thảo luận tổ về dự luật Tổ chức QH (sửa đổi) sáng qua. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phát biểu thảo luận ngày 3.6 - Ảnh: Ngọc Thắng Dự thảo nâng tỷ lệ đại biểu (ĐB) chuyên trách của...