Vân Dung sốc khi bị nữ chủ tịch tập đoàn mắng ‘rẻ tiền’ giữa quán ăn
Vân Dung chia sẻ chị sốc khi đang ngồi trong quán ăn cùng gia đình thì bất ngờ bị một khán giả là chủ tịch một tập đoàn tiến tới bàn chị mắng là rẻ tiền.
Họ đồn tôi giàu từ mấy chục năm nay rồi
Vân Dung tại sự kiện ra mắt phim ‘Người một nhà’. Ảnh: NVCC
- Vai bà Thư chị đảm nhiệm trong phim ‘Người một nhà’ được mô tả là một người rất ham tiền, có giống với lời đồn Vân Dung giàu và mê tiền lắm không?
Họ đồn mấy chục năm nay rồi, từ hồi tôi chưa có gì cơ! Từ trước đến nay làm cát sê là Vân Dung, đi đòi tiền cũng là Vân Dung, tổ chức show cũng là Vân Dung, các bầu sô bớt hay thêm tiền toàn làm việc với Vân Dung. Đòi được tiền cũng là Vân Dung, không đòi được tiền lại vẫn là Vân Dung. Tôi phải nhận cát sê và chia cho mọi người chứ có cho vào riêng túi mình đâu. Thế mới đau chứ, nên thành ra bây giờ lại mang tiếng tham tiền.
- Chị nổi tiếng mấy chục năm qua ở ‘Gặp nhau cuối tuần’ và ‘Táo Quân’, nếu Vân Dung có giàu cũng là chuyện rất bình thường bởi danh tiếng từ những chương trình đó giúp chị kiếm tiền tốt?
Nói đến Táo Quân, Gala Cười đừng nói đến tiền. Bởi những gì Táo Quân và Gala Cười mang lại cho tôi là không thể đong đếm được. Từ những chương trình này tôi mới có thương hiệu như ngày hôm nay và được khán giả yêu quý như bây giờ. Cái lớn hơn tiền bạc là tình cảm của khán giả.
Vai bà Thư của Vân Dung trong ‘Người một nhà’ lên sóng VTV3 ngày 28/3 tới dự báo ăn nhiều gạch đá.
Tôi chấp nhận bị mắng, bị ăn gạch đá
- Sắp tới khán giả sẽ gặp Vân Dung trong ‘Người một nhà’ với một vai diễn nghe nói còn bị ghét hơn nhân vật Diễm Loan ở ‘Hướng dương ngược nắng’. Chắc chị cũng dự đoán trước được phản ứng của khán giả với vai bà mẹ cay nghiệt nhiều khả năng bị ném đá dữ dội?
Vai bà Thư trong Người một nhà không dài, không nhiều đất diễn và không hài hước như Diễm Loan Hướng dương ngược nắng nhưng lại có chiều sâu. Bà Thư bên trong suy nghĩ khác nhưng bên ngoài đối lập, đó là con người đa nhân cách. Khán giả khi xem phim ban đầu sẽ ghét lắm, đúng như bạn biên kịch dùng từ “ghê tởm” .
Tuy nhiên, trong sâu thẳm bà Thư lại là con người khác, yêu con không giống những bà mẹ khác. Bản thân tôi khi diễn cũng chẳng thể lý giải được vì sao bà Thư lại như thế, chỉ biết diễn đúng với hoàn cảnh và cảm xúc của nhân vật. Nhiều lúc diễn xong tôi tự hỏi vì sao một người mẹ lại có thể đối xử với con mình như thế.
- Chị nói vai mới này khéo còn bị ghét hơn vai trước, vậy chắc chị còn gặp nhiều phản ứng tiêu cực từ khán giả?
Nếu xem phim xong mà khán giả phân biệt được giữa phim và đời thì chưa chắc bạn đã thành công. Còn người xem quá nhập tâm, không phân biệt được giữa diễn và không diễn nghĩa bạn đã thành công. Tôi chịu bị mắng, ăn gạch đá, chấp nhận mọi thứ nhưng chỉ tâm niệm mình phải làm tất cả để đưa khán giả lên đỉnh điểm của cảm xúc.
Vân Dung sốc trước phản ứng tiêu cực của khán giả.
- Tôi muốn chị kể kỹ hơn về câu chuyện từng bị nữ chủ tịch một tập đoàn mắng là rẻ tiền giữa quán ăn?
Lúc đầu tôi rất sốc và cứ ngồi nghe. Chị ấy nói to và hùng hồn, những người có mặt trong nhà hàng đều nghe thấy hết và nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích, chị lại ôm chầm lấy tôi và nói: ‘Vân Dung ơi em thiệt thòi quá! Bây giờ chị mới hiểu điều đó’. Tôi rất cần và yêu những khán giả như thế vì họ xem phim với tâm thế hết lòng, chú ý từng tiểu tiết. Với những người đó mắng thế mắng nữa tôi vẫn yêu.
- Chị chia sẻ là xưa nay trên phim toàn đi đánh người, thậm chí ở ‘Người phán xử ngoại truyện’ còn hét vào mặt Phan Hải không chớp mắt vậy mà tới ‘Người một nhà’ chị lại run sợ vì bị đánh?
Đây là lần đầu tiên tôi bị đánh và rất mệt. Mình bị đánh và cũng xông vào đánh lại nhưng sợ người ta đau nên cứ phải kiềm chế. Anh Quốc Trọng túm tóc tôi nhẹ lắm, tôi tự ăn vạ là chủ yếu.
Nghề này không có khái niệm xin xỏ, tất cả phải do nỗ lực
- Con trai chị giờ cũng làm diễn viên, đã trở thành đồng nghiệp với Vân Dung. Nghĩa là chị có thêm một khán giả khó tính bởi bạn ấy rất có thể sẽ nhận xét vai diễn của mẹ?
Con trai lại chưa bao giờ khen và rất ít xem vai diễn của mẹ, chỉ xem người khác đóng, hâm mộ diễn viên khác thôi. Tất cả những lời mẹ nói không bao giờ nghe, chỉ nghe thầy và các anh chị. Khi bạn ấy đi làm phim, mọi người hỏi: “Thế mẹ không dạy cái gì à? Sao diễn thế?”. Về nhà con hỏi tôi vì sao mọi người lại nói như thế.
Vân Dung và con trai Long Vũ.
Tôi đáp: “Mẹ không biết vì trước nay mẹ dạy rất nhiều nhưng con không nghe. Không nghe thì nó như thế đấy. Tất cả những gì mẹ đã dạy con bây giờ mẹ không nói nữa”. Thế là từ đó có phân đoạn nào không diễn được là cậu ấy về nhà hỏi. Và tôi phải phân tích nhân vật, chỉ cách vào vai sao cho ngọt nhất. Tôi nói điều quan trọng là con không được diễn, không được lấy cảm xúc từ bên ngoài như chuyện buồn của bản thân để diễn nỗi buồn của nhân vật.
- Long Vũ có bao giờ tâm sự chịu áp lực khi là con trai của chị không? Bởi điều đó đồng nghĩa bạn ấy cũng bị soi xét nhiều hơn các diễn viên khác?
Có chứ! Bạn ấy nói: “Mẹ! Hay vì mẹ đẻ con xấu quá mà con đi casting không ai nhận. Mẹ! Hay vì mẹ đẻ con xấu giống bố nên 4 năm đi học không ai mời con. Mẹ! Hay là vì mẹ nổi tiếng quá nên các cô các chú luôn nghĩ con đã có mẹ rồi nên sau này mẹ sẽ chăm lo, không cần mời con nữa mà nhường cơ hội cho các bạn khác”.
Tôi trả lời: “Con nhầm! Đấy là vì con chưa nỗ lực, diễn chưa thuyết phục được đạo diễn, vì con làm chưa tốt. Nghề này không ai xin được cho ai. Mẹ nếu có thì chỉ xin cho con 1 lần thôi, xin để con có vai diễn, còn ra ngoài đời khán giả chấp nhận và yêu quý không do con chứ không thể do mẹ.
Nếu con làm không tốt thì dù mẹ có chơi thân mấy với đạo diễn thì lần sau họ cũng không mời con vì tất cả phải dựa trên hiệu quả công việc. Mẹ cũng thế, có thể chơi rất thân với người này nhưng phim của người ta chưa chắc đã mời mẹ và mẹ phải chấp nhận điều đó.
Con cứ đi casting đi, 10 phim đến 100 phim mẹ khẳng định con sẽ được nhận. Giờ con chỉ là hạt cát mà chờ mọi người mời không bao giờ. Cỡ như mẹ mà còn phải đi casting nữa là con. Đừng chờ cơ hội đến mà mình phải đi tìm cơ hội”.
Thế là, cậu ấy cứ nhiệt tình đi casting, trượt về mặt lại thượt ra và đổ cho mình xấu. Nghề này đừng nói đẹp trai xinh gái mà nổi tiếng, quan trọng là phải giỏi, phải có cái độc lạ của riêng mình.
- Chị đã chuẩn bị tâm lý cho việc sẽ đóng phim cùng con trai? Khi đó sẽ thế nào nhỉ?
Long Vũ tự hỏi các đạo diễn về khả năng này và các chú nói: “Cứ làm đi rồi sẽ có”. Còn tôi nói nếu có chuyện đó hai mẹ con phải diễn ở hai chiến tuyến để đấu với nhau mới hay, chúng ta không thể về một phe được.
Vân Dung trong phim ‘Người một nhà’
Nghệ sĩ Vân Dung U50: Dàn Táo quân đều NSƯT và NSND, chỉ tôi là không có gì
Tuổi 48, nghệ sĩ Vân Dung nói dù không có bất cứ danh hiệu nào nhưng chị vui vì vẫn giữ được lửa nghề, cuộc sống an nhàn, thảnh thơi.
Dàn Táo Quân đều là NSND, NSƯT, trừ Vân Dung
- Cảm xúc chị thế nào khi có vai diễn điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp với 'Quỷ cẩu'?
Thú thật, lúc này tôi sướng khủng khiếp vì ước mơ có một vai diễn điện ảnh cuối cùng đã thành hiện thực. Bao nhiêu năm tôi làm khán giả cười rồi. Giờ tôi muốn đổi mới một tý, đóng kinh dị xem mọi người có sợ không.
Ban đầu tôi lo lắng, sợ là gánh nặng cho phim. Nhưng khi làm việc, mọi người gắn kết, có sự hòa quyện, hiểu nhau hơn. Ngày đoàn phim đóng máy, tôi đã bật khóc vì xúc động. Có lẽ, lâu rồi tôi mới được sống trong không khí một gia đình nghệ thuật như thế.
Phim ra rạp và tất nhiên sẽ có luồng ý kiến khác nhau. Tôi và các đồng nghiệp đã cố gắng hết sức, còn khen chê hay dở thế nào phải đón nhận.
Vân Dung chạm ngõ điện ảnh với 'Quỷ cẩu'.
- Vai Thúy - người đàn bà chanh chua được nhận xét giống với hình tượng của chị mấy chục năm qua. Chị áp lực làm mới, tránh rập khuôn ra sao?
Nhân vật của tôi là một bà cô ế chồng, xấu, hình ảnh này khán giả đã quá quen thuộc rồi. Tất nhiên từ sân khấu lên màn ảnh rộng, tôi có sự thay đổi ít nhiều để phù hợp.
Tôi sợ ma nên vài phân đoạn dù chỉ tưởng tượng cũng gây hoảng sợ. Mỗi khi đóng xong tôi thấy rất mệt, tim đập nhanh. Đây là lần thứ 2 tôi bị ăn tát từ bạn diễn trên màn ảnh. Da tôi nhạy cảm, dễ tổn thương bầm tím nên nếu đánh đi đánh lại như cảnh chị Kim Xuân với Nam Thư chắc chắn không chịu nổi.
Do đó, tôi nói với đạo diễn chỉ nên quay 1 đến 2 lần vì nếu nhiều lần sẽ mất cảm xúc. Phần nữa tôi muốn mang cảm giác thật nhất của nhân vật vào phim. So với các diễn viên khác, tôi thấy phần việc bản thân không quá nặng nề.
- Làm nghề hơn 30 năm, tâm thế của chị với những lời chê bai lúc này thế nào?
Tôi chấp nhận mọi điều khán giả dành cho mình. Tôi diễn hay họ khen, diễn dở họ chê, điều đó dễ hiểu. Mọi người có yêu quý mới dõi theo và đưa ra nhận xét. Nếu không thích, chẳng ai rỗi hơi quan tâm bạn làm gì.
Chỉ một điều tôi lo sợ khán giả chán, không muốn xem Vân Dung. Mở tivi thấy phim hay hài có tôi, họ chịu bỏ thời gian ngồi thưởng thức đã vui lắm rồi.
Tôi là con người, có lúc làm đúng, làm sai chứ không bao giờ hoàn hảo. Người nghệ sĩ mà trọn vẹn, tỉnh táo quá thì chán lắm. Tôi không e dè hay sợ hãi vì biết bản thân đã nỗ lực, làm việc hết sức trong nghề.
Vân Dung không buồn khi thua kém các đồng nghiệp về danh hiệu.
- Khi thiên hạ rộn ràng chuyện xét duyệt NSƯT - NSND, Vân Dung như nằm ngoài lề. Thật lòng chị không quan tâm tới danh hiệu sao?
Nhiều người hỏi han tôi chuyện này nhiều lắm. Vài fan sốt ruột, bảo tôi sao không nộp hồ sơ xin xét duyệt để có danh hiệu cho bằng bạn bằng bè. Tôi bảo: "Ơ kìa! Tôi có đi thi đâu mà được". Muốn được công nhận bạn phải đi thi và đạt huy chương, còn tôi thì không. Từ bé, tôi không có duyên học hành, thi cử, cứ thi là trượt. Nghĩ phần số chỉ thế nên tôi an phận, không trèo cao.
Trong dàn Táo quân hiện nay đều NSƯT, NSND, chỉ có mỗi tôi không có gì cả. Tôi không buồn, trái lại tự tin khi được giới thiệu vì Vân Dung một kiểu riêng, khác với mọi người. Tôi hay nói đùa trong một nhóm làm việc phải có giám đốc, trưởng phòng, nhân viên, ai cũng đòi làm sếp biết bảo nhau thế nào. Tôi là nhân viên quèn để dễ sống. (cười)
- Mỗi năm cận Tết lại xôn xao Táo quân, cảm xúc trong chị sau 20 năm gắn bó với chương trình là gì?
Với tôi Táo quân như một gia đình, là nơi đã giúp chúng tôi có được tình thương, sự quý mến từ công chúng. Không chỉ khán giả đâu mà bản thân chúng tôi háo hức được xuất hiện trước hàng triệu người mỗi dịp Tết đến.
Tôi và các đồng nghiệp vui vì ngần ấy năm được cống hiến, lăn xả hết mình. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ dừng sân chơi này. Tất cả luôn mong được đóng đến khi không còn khả năng mới nghỉ.
Tất nhiên đấy chỉ là ước muốn, còn đi được bao xa là chuyện khác. Đến giờ tôi vẫn chưa nghe cấp trên thông tin lịch quay hình chương trình. Tôi hy vọng sớm được báo tin vui đến mọi người.
Không giàu có, chỉ đủ sống
- Vân Dung náo nhiệt trên sân khấu còn đời tư lại rất kín tiếng, vì điều gì một nghệ sĩ hài lại lựa chọn cách sống này?
Tôi tách bạch con người trên sân khấu và ngoài đời. Tính tôi vốn ít nói, ngại giao lưu và không hài hước tưng tửng như các vai diễn đâu. Nói đúng hơn, tôi ý thức trách nhiệm hình ảnh bản thân, gia đình và xã hội.
Cuộc sống mà, nghệ sĩ lại "làm dâu trăm họ" nên có nhiều chuyện trái khoáy. Tôi không để tâm, ngó nghiêng xem ai nói gì về mình. Tôi càng không tò mò về cuộc sống của người khác. Tính tôi hào sảng, sống tự do, thoải mái, quan niệm cứ cho đi rồi nhận lại. Tôi tin rằng nếu sống chân thành sẽ được đền đáp xứng đáng.
Vân Dung và con trai - diễn viên trẻ Long Vũ.
- Con trai chị - diễn viên Long Vũ có thành tích bước đầu trong nghệ thuật. Chị chia sẻ với con ra sao?
Tôi tự hào, hãnh diện lắm chứ! Con tôi đã thực sự chăm chỉ để được ghi nhận, nỗ lực vượt ra cái bóng của mẹ. Ngày đầu khi con quyết định theo đuổi nghệ thuật, tôi bảo con rằng: "Đã chấp nhận theo nghề này phải thật chăm và giỏi, nếu không sẽ rất vất vả và nghèo lắm".
Với tôi nghề này không xin xỏ hay dựa dẫm được, phải có tài năng và sự cố gắng. Tôi có thể giúp đỡ 1-2 lần tuy nhiên không thể cả đời đi xin khán giả yêu thương con được. Tôi rất mong bạn ấy trưởng thành, vững vàng làm nghề và đạt được thành công hơn mẹ.
- Vài đồng nghiệp bảo Vân Dung tích góp, "cày" không thua cánh đàn ông nên giờ chị sống rất thảnh thơi?
Cơ bản lúc này tôi được thoải mái làm điều bản thân thích. Giàu có dư dả thì không nhưng đủ để không lo về kinh tế hay cơm áo gạo tiền. Tôi chỉ sống nhờ nghệ thuật nên so với nhiều người còn kém xa lắm.
Niềm vui của tôi đơn giản là một ngày ngủ dậy thấy vẫn còn năng lượng, được làm nghề, khán giả ghi nhận, dành tình yêu thương. Nghệ sĩ bên cạnh thu nhập, danh tiếng tình cảm của khán giả vẫn là thứ quan trọng nhất, điều này có tiền không mua được.
- Chị trông luôn lạc quan và vô tư, lúc gặp nỗi buồn giải tỏa thế nào?
Kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi tự thấy mình khác biệt, cá tính và nóng tính hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Khi may mắn nổi tiếng, tôi càng bàng quan, tự do trong nghệ thuật và cuộc sống. Đời con người ai chẳng có chuyện buồn, bất trắc, tôi không muốn phải đi kể lể hay khóc lóc. Tôi thích làm bạn với người có năng lượng tích cực. Tôi sợ sự ủ ê, than thở và chán chường lắm.
Ngày rảnh, tôi dành thời gian cho bản thân: tập thể thao, cùng bạn bè ăn uống, mua sắm, xem phim, nghe nhạc... và đặc biệt thích xem thời sự 19h. Tôi hay dặn mọi người xung quanh làm việc chầm chậm thôi để còn tận hưởng cuộc sống.
Trailer phim 'Quỷ cẩu'
Nghệ sĩ Vân Dung nói gì về việc dàn Táo quân toàn NSƯT, NSND trừ mình Nghệ sĩ Vân Dung cho biết mình không có danh hiệu NSƯT hay NSND vì chưa bao giờ tham gia thi để lấy huy chương. Cô nghĩ rằng chỉ cần khán giả yêu thương mình là được. Nghệ sĩ Vân Dung có vai diễn điện ảnh đầu tiên trong phim Quỷ cẩu. ĐPCC Tôi thi gì cũng trượt * Xin chào nghệ sĩ...