‘Ván bài lớn’ của ông Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thực hiện một “bài kiểm tra” lớn nhất từ trước tới nay đối với những lãnh đạo cấp cao của nước này.
SCMP cho biết, trong nhiều thế kỷ qua, khi nhắc tới tham nhũng, người Trung Quốc thường nhớ tới một câu tục ngữ đại ý là “nếu những tia sáng bên trên không thẳng thì ánh sáng phía dưới sẽ xiên”.
25 thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc cũng phải đối mặt với những “bài kiểm tra”. (Ảnh: Reuters)
Câu tục ngữ trên vẫn đúng trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục mạnh tay thực hiện chiến dịch chống tham nhũng lớn chưa từng có nhằm củng cố quyền lực và tính chính thống của Đảng Cộng sản bằng cách nhắm vào cả “hổ” và “ruồi”, cách nói ám chỉ những quan tham cấp cao và thấp trong chính quyền nhà nước Trung Quốc.
Từ khi chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” bắt đầu từ gần 4 năm trước, hàng ngàn quan chức, cán bộ Trung Quốc đã “sa lưới”, trong đó có nhiều “hổ tướng”. Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, là một điển hình. Ông Chu đã trở thành lãnh đạo cao cấp nhất rơi vào vòng lao lý.
Video đang HOT
Dù nhiều người dân Trung Quốc hoan nghênh những nỗ lực trên của chính quyền nhưng số khác vẫn tỏ ra hoài nghi, cho rằng những quan chức đã bị điều tra, kết án đều đã về hưu hoặc không còn nắm quyền. Họ bị coi là những “con hổ đã chết một nửa”.
Ông Tập đã cam kết sẽ đưa ra những quy định rõ ràng về việc “đả hổ” nên nhiệm vụ trọng yếu là phải có một cơ chế quản lý để theo dõi, quản lý hành vi và quá trình lãnh đạo của những quan chức cấp cao. Những quan chức cấp cao đó bao gồm gần 380 Ủy viên Trung ương đảng, đặc biệt là 25 thành viên của Bộ Chính trị, trong số đó có 7 thành viên thuộc Ban Thường vụ Bộ Chính trị với quyền lực tối cao.
Trong số 87 triệu đảng viên, nhóm nhỏ quan chức này nắm giữ quyền lực tối cao và có thể kiểm soát “quyền lực thép” đối với đất nước, từ chính phủ tới quân đội, cơ quan lập pháp và hành pháp.
Đầu năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập tới vấn đề làm thế nào để quản lý hiệu quả “nhóm thiểu số quan trọng” trên. Ông cho rằng quản lý tốt nhóm này chính là chìa khóa thành công cho chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc và tiếp tục sự lãnh đạo của Đảng.
Tại phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương Đảng Trung Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới, lãnh đạo đảng sẽ xem xét sửa đổi bộ quy tắc ứng xử đối với 380 thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, truyền thông Trung Quốc cho hay.
Bộ quy tắc ứng xử nhằm đảm bảo việc các cán bộ sẽ “tuân thủ điều lệ đảng và kỷ luật đảng” và “làm gương cho các đảng viên khác”.
Từ tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc đã chọn Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Đông, Trung Khánh và Tân Cương làm 5 địa phương thí điểm áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn nhằm kiểm soát tham nhũng. Theo đó, vợ hoặc chồng các cán bộ cấp cao của các tỉnh, thành phố nêu trên không được phép sở hữu các doanh nghiệp. Không những thế, con ruột hoặc con dâu, con rể họ cũng không được phép tham gia vào những hoạt động kinh doanh.
Từ những năm 1980, chính quyền Trung Quốc đã ra hơn 20 sắc lệnh nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh của người nhà các cán bộ cấp cao nhưng không mấy hiệu quả. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới kết quả trên là những quy định này áp dụng chủ yếu với những quan chức cấp tỉnh và đô thị tự trị, không có quy định rõ ràng đối với 25 thành viên của Bộ Chính trị, gồm cả 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Thật vậy, trong những năm gần đây, truyền thông nước ngoài liên tục đưa tin về những khối tài sản khổng lồ thuộc về các thành viên gia đình của các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012, người thân của các Ủy viên Bộ Chính trị phải chịu áp lực tăng lên với các hoạt động kinh doanh, phần lớn trong số họ rút lui vào hậu trường và bổ nhiệm một người khác thay mình quản lý các khoản đầu tư.
Quy định quản lý chặt chẽ 25 thành viên của Bộ Chính trị và người thân của họ sẽ là một trong những “bài kiểm tra” lớn nhất mà quan chức Trung Quốc phải đối mặt.
Theo Người Đưa Tin
Trung Quốc tiếp tục khai trừ đảng và truy tố các quan chức cấp cao
Theo Tân hoa xã/Reuters, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) ngày 26/7 thông báo ông Dương Chấn Siêu - nguyên Phó Tỉnh trưởng An Huy, miền Đông nước này, đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).
Trong một thông cáo, CCDI khẳng định ông Dương "đã vi phạm kỷ luật chính trị và chống lại cuộc điều tra của CPC." Ông Dương bị điều tra từ hồi tháng Năm.
Nguyên Phó Tỉnh trưởng An Huy Dương Chấn Siêu. (Nguồn: Vision China)
Cùng ngày, CCDI cũng ra thông cáo cho biết Trung Quốc sẽ truy tố nguyên Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên Lý Thành Vân với cáo buộc tham nhũng và lạm quyền. Ông này bị điều tra từ tháng 4/2016 và hồ sơ vụ việc đã được chuyển đến các cơ quan pháp lý.
Trong năm 2015, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trừng phạt gần 300.000 đảng viên vì tội tham nhũng.
Trong một thông cáo được đăng tải trên trang web riêng ngày 6/3, CCDI cho biết 200.000 cán bộ nòng cốt đã bị "đưa ra ánh sáng" vì tội danh tham nhũng, trong khi 82.000 đối tượng khác phải chịu sự "trừng phạt nghiêm khắc".
Theo Vietnam
Cu-ba: Thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống kinh tế - xã hội chủ nghĩa Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Cu-ba Ra-un Ca-xtrô khẳng định, Cu-ba sẽ tiếp tục thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa của đất nước thông qua những gói cải cách kinh tế đã được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ VI. Đồng...