VAMC nhọc nhằn đòi nợ
Mua lại khoản nợ xấu có giá trị 40 tỷ đồng từ Sacombank từ năm 2013, nhưng đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC) vẫn chưa xử lý được tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, dù khởi kiện từ lâu.
Mua lại khoản nợ xấu có giá trị 40 tỷ đồng từ Sacombank từ năm 2013, nhưng đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn chưa xử lý được tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, dù khởi kiện từ lâu.
VAMC chưa được bán đất để thu hồi 51 tỷ đồng
Mới đây, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ kiện đòi nợ giữa VAMC – Công ty TNHH Xây dựng thương mại Tiến Đạt và yêu cầu giải quyết lại theo thủ tục chung. Như vậy, quá trình đòi nợ của VAMC sẽ còn kéo dài.
Được biết, năm 2010, Sacombank Chi nhánh Hà Nội cấp hạn mức tín dụng 40 tỷ đồng cho Công ty Tiến Đạt để bổ sung vốn lưu động, lãi suất theo từng khế ước nhận nợ và được điều chỉnh 3 tháng một lần. Thực hiện hợp đồng này, Công ty Tiến Đạt đã ký 14 giấy nhận nợ với Sacombank, tổng giá trị các khoản nợ là hơn 400.000 USD và hơn 30 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho các khoản vay này bao gồm một số nhà đất của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Tiến Đạt; nhà đất của ông Phạm Tuấn Anh, nhà đất của ông Nguyễn Xuân Kỳ, ông Nguyễn Văn Lũy… Đến hạn, Công ty Tiến Đạt không trả được nợ.
Đến năm 2013, VAMC mua lại khoản nợ này từ Sacombank và khởi kiện đề nghị tòa án buộc Công ty Tiến Đạt phải trả nợ. Ở cấp xét xử sơ thẩm, đại diện Công ty Tiến Đạt trình bày trước tòa rằng, do Công ty gặp nhiều khó khăn nên không có nguồn tiền thanh toán khoản vay và đề nghị, trong thời gian Công ty huy động vốn để trả nợ, phía ngân hàng hãy xử lý dần tài sản thế chấp.
Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VAMC, buộc Công ty Tiến Đạt phải thanh toán 51 tỷ đồng nợ gốc và lãi, trường hợp Công ty Tiến Đạt không trả được nợ, VAMC được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Rắc rối tài sản bảo đảm
Sau phiên tòa sơ thẩm, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có quyết định kháng nghị, cho rằng cấp sơ thẩm đã có vi phạm tố tụng, xác định thiếu người tham gia tố tụng. Đơn cử như trường hợp nhà đất thế chấp của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), tài liệu thể hiện hiện trạng trên đất có nhà 3 tầng 1 tum và cho thuê tầng 1, nhưng không làm rõ có những ai đang sinh sống để đưa vào tham gia tố tụng.
Video đang HOT
Với trường hợp nhà đất của vợ chồng ông Phạm Tuấn Anh, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, nghĩa vụ bảo đảm tối đa là 5,8 tỷ đồng, trên đất có nhà cấp 4, nhưng tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ những người đang sinh sống và xác định giá trị bảo đảm không vượt quá 10 tỷ đồng, như vậy là vượt quá phạm vi thỏa thuận của hợp đồng thế chấp. Không chỉ thế, Văn phòng đăng ký nhà đất quận Hoàng Mai (Hà Nội) có văn bản xác nhận thửa đất trên có một phần nằm trong quy hoạch xây dựng nhà cao tầng tỷ lệ 1/500 và đã có quyết định thu hồi đất, nhưng tòa án không xác minh việc thu hồi đất cũng có phương án bồi thường hay chưa mà đã chấp nhận hợp đồng thế chấp là không phù hợp.
Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội cũng cho rằng, án sơ thẩm bỏ sót yêu cầu khởi kiện của VAMC. VAMC yêu cầu nếu xử lý tài sản bảo đảm không đủ để trả nợ thì Công ty Tiến Đạt phải có nghĩa vụ tiếp tục trả nợ, nhưng bản án sơ thẩm không đề cập đến yêu cầu này.
Hợp đồng thế chấp giả tạo, lừa dối
Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ chồng ông Nguyễn Quốc Trung, người có nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị tòa tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp nhà đất ở số 62 Lê Trọng Tấn (Hà Nội).
Đại diện vợ chồng ông Trung trình bày, nhà đất này do vợ chồng ông Trung mua lại từ chủ cũ. Sau này, do có nhu cầu vay tiền (10 tỷ đồng) nên ông Trung đã nhờ ông Nguyễn Văn Thành đứng lên vay giúp. Do ông Thành yêu cầu phải để ông Thành đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất tại số 62 Lê Trọng Tấn thì mới đi vay giúp, vợ chồng ông Trung đã nhờ chủ cũ ký lại hợp đồng, thay vì bán cho vợ chồng ông Thành thì ký bán cho vợ chồng ông Trung. Sau đó, ông Nguyễn Văn Thành đã làm thủ tục sang tên sổ đỏ và thế chấp vay Sacombank 13 tỷ đồng.
Giữa vợ chồng ông Trung và ông Thành đã ký cam kết, theo đó, ông Thành nhận đứng tên hộ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay hộ tiền, vợ chồng ông Trung có nghĩa vụ trả lãi cho ông Thành để ông Thành trả lãi cho Sacombank.
Phía vợ chồng ông Trung cho rằng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất số 62 Lê Trọng Tấn giữa chủ cũ với ông Thành chỉ là giả tạo, nhằm che giấu quan hệ vay mượn giữa ông Thành và vợ chồng ông Trung. Thực tế, ông Thành không có quan hệ mua bán nhà, cũng không trả tiền, không sử dụng nhà. Vợ chồng ông Trung đã trả tiền cho chủ cũ và nhận nhà, ở đó đến nay. Do đó, hợp đồng thế chấp cũng bị vô hiệu do bị lừa dối.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội nhận định, chưa có đủ căn cứ xác định số nợ lãi của Công ty Tiến Đạt. Theo hợp đồng hạn mức thì lãi suất sẽ được điều chỉnh theo từng thời kỳ và phù hợp với pháp luật. Công ty Tiến Đạt có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, thuộc diện doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo quy định về áp lãi suất trần đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lãi suất Công ty phải chịu sẽ không quá 13%/năm. Nếu lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ thì nợ lãi không đến mức 22 tỷ đồng như ngân hàng yêu cầu, tổng số nợ gốc và lãi chỉ khoảng hơn 42 tỷ đồng, không lên tới hơn 51 tỷ đồng như bản án sơ thẩm đã tuyên. Vấn đề này không thể khắc phục được tại cấp phúc thẩm do hồ sơ vụ án không có tài liệu để xác định lãi suất qua các thời kỳ có được điều chỉnh hay không.
Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, Tòa cấp sơ thẩm đã xác định thiếu người tham gia tố tụng, không xác định thực tế cá nhân, tổ chức đang sinh sống, thuê trụ sở tại địa điểm liên quan tài sản bảo đảm và bỏ sót yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Về số tiền gốc và lãi, hợp đồng tín dụng có điều khoản điều chỉnh lãi suất theo từng thời kỳ, nhưng tòa án cấp sơ thẩm không thu thập đầy đủ chứng cứ, không xem xét và cũng không có tài liệu biểu tính lãi, mức lãi mà ngân hàng áp dụng từng thời kỳ để làm cơ sở tính lãi phát sinh. Cấp sơ thẩm cũng không phân định lãi trong hạn, lãi quá hạn, thậm chí chấp nhận cả lãi phạt chậm trả, lãi chồng lãi dẫn đến số liệu khác nhau, nhưng không có cơ sở để làm rõ.
Xét thấy vấn đề xác định thiếu người tham gia tố tụng, không thu thập đủ chứng cứ, bỏ sót yêu cầu khởi kiện, tòa án cấp phúc thẩm không khắc phục được nên Hội đồng xét xử đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao về cấp sơ thẩm giải quyết lại. Đối với yêu cầu của ông Nguyễn Quốc Trung (cho rằng hợp đồng thế chấp vô hiệu do lừa dối giả tạo), nội dung này sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án.
Thời hạn xét xử đối với vụ án dân sự
Theo quy định tại Điều 203, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án dân sự là từ 2 – 4 tháng , kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy thuộc loại vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì chánh án toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 1 – 2 tháng tùy thuộc loại vụ án.
Nếu toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.
Đương sự có quyền xin hoãn phiên tòa 1 lần. Khi phiên tòa được mở lại mà vẫn vắng mặt thì tòa án xét xử vắng mặt.
Theo quy định tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP về những vụ án có tính chất phức tạp là những vụ án có nhiều đương sự, có liên quan đến nhiều lĩnh vực; vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn…
Tuy nhiên, đối với trường hợp cần phải chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cần phải chờ kết quả giám định kỹ thuật phức tạp hoặc cần phải chờ kết quả uỷ thác tư pháp mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả thời gian gia hạn), thì thẩm phán có thể đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Xử lý nợ xấu: Nhà băng cần "hy sinh" nhiều hơn
Mặc dù đã nỗ lực làm "sạch" báo cáo tài chính, song gánh nặng nợ xấu vẫn đang đè nặng lên các nhà băng khi quá trình xử lý nợ vẫn còn nhiều gian nan. Vì thế, để có thể giải quyết được bài toán này, đòi hỏi sự hy sinh của cả khách hàng và ngân hàng.
Cả ngân hàng và khách hàng đều cần phải nắm bắt được cơ hội mua-bán nợ
Sau khi đẩy mạnh việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, các ngân hàng đã ra sức xử lý, với kỳ vọng thu hồi được nợ, nhưng thực tế cho thấy, nợ xấu vẫn là "bóng ma" ám ảnh nhiều nhà băng. Báo cáo tài chính quý II/2016 của các ngân hàng cho thấy, tình trạng nợ xấu tăng xuất hiện ở hầu hết các nhà băng.
Thống kê tại 9 ngân hàng niêm yết cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2016, các nhà băng này đang mang hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng của cuối năm 2015. Trong đó, xét về tỷ lệ, Eximbank là nhà băng có nợ xấu tăng cao nhất, từ mức 1,86% cuối năm 2015, lên tới 5,3% cuối quý II/2016 (tương đương hơn 4.200 tỷ đồng). Nợ xấu tăng đã làm xói mòn lợi nhuận các ngân hàng do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. HCM cho biết, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đầu năm 2016 là 4,02%, nhưng đến 30/6/2016 đã giảm nhẹ còn 3,89%, nếu trừ đi 3 ngân hàng "0 đồng" (CB, OceanBank, GPBank), thì nợ xấu chỉ còn 2,01%. Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu tăng nhanh như hiện nay, các ngân hàng sẽ phải báo cáo cụ thể lên NHNN, đồng thời từng bước đẩy mạnh việc xử lý để kéo giảm nợ xấu.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng, để giảm nợ xấu, các nhà băng thường sử dụng 2 cách. Một là, bán nợ xấu cho VAMC và cách này đã được áp dụng trong những năm gần đây. Hai là, tăng mạnh dư nợ tín dụng để giảm tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, thời gian qua, 2 cách này dường như đã dần mất tác dụng, bởi VAMC nửa năm nay có dấu hiệu giảm tốc trong việc mua nợ mới để lo tập trung xử lý số nợ cũ, trong khi các ngân hàng cũng khó tăng mạnh dư nợ tín dụng trong bối cảnh hiện nay.
Chẳng hạn, tại Eximbank, lãnh đạo ngân hàng cho hay, sau khi bán khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong những năm trước đây, thì từ đầu năm 2016 đến nay, Eximbank chưa có chủ trương và cũng chưa bán bất kỳ khoản nợ xấu nào khác cho VAMC. Ngược lại, công tác xử lý và thu hồi nợ trực tiếp, kể cả nợ đã bán cho VAMC, được Eximbank coi là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2016.
Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, 6 tháng đầu năm nay, SCB xử lý được khoảng 1.200 tỷ đồng nợ xấu (trong tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC). Một phần là nhờ kinh tế có dấu hiệu đi lên, cho nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, đầu tư bắt đầu có nhu cầu mua lại các dự án đang trong quá trình xử lý nợ, trong khi phía ngân hàng cũng nhận ra rằng, cần phải hy sinh nhiều hơn trong quá trình xử lý nợ. Tức là, trước đây, khi giá bán nợ của cả phía ngân hàng và khách hàng còn duy trì ở mức cao, nhưng sau một thời gian chờ đợi mà vẫn chưa xử lý được, nên không chỉ ngân hàng, mà cả khách hàng đều thấy cần phải nắm bắt cơ hội bán nợ.
Theo đó, chỉ trong tháng 5 và tháng 6/2016, SCB đã bán được 3 nhà máy chế biến thủy sản, trong khi trước đó đã nằm tồn kho một thời gian dài. Trong 6 tháng cuối năm, SCB kỳ vọng sẽ thu hồi được thêm khoảng 1.500 tỷ đồng nợ xấu, qua đó giảm tổng số nợ xấu bán cho VAMC xuống còn 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì dự phòng rủi ro chưa thể giảm nhanh, nên lợi nhuận của SCB trong năm nay khó kỳ vọng ở mức cao.
Giám đốc khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities, ông Yun Hang Jin đưa ra nhận định, bất động sản Việt Nam ấm lên cũng tạo điều kiện tốt cho các ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, nhất là khi Chính phủ đang "mạnh tay" hơn trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua-bán nợ xấu.
Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài hiện chưa được tham gia mua-bán nợ công khai do Việt Nam chưa hình thành thị trường mua-bán nợ, song không vì thế mà họ "buông tay". Tuy nhiên, khối lượng nợ xấu mà VAMC "gom" về là rất lớn, nên theo ông Yun, để có thể giải quyết bài toán nợ xấu tốt hơn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có lộ trình và phương án xử lý cụ thể.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, những nỗ lực xử lý nợ xấu của các ngân hàng đã mang lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, chặng đường xử lý nợ xấu chỉ mới đi được một nửa. Do đó, nếu muốn nợ xấu được xử lý một cách hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cần phải biết "hy sinh" và từ bỏ lòng tham, nếu không sẽ rất khó để thu hồi được nợ gốc, chứ chưa nói đến có lãi.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Bán nợ: Trăm kẻ bán, vài người mua Hàng chục tổ chức tín dụng tham gia bán nợ xấu, trong khi bên mua nợ hầu như chỉ trông cậy vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cùng Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC). Nợ xấu vẫn tiếp tục giảm dần Những số liệu đáng...