VAMC có 7.000 khoản nợ muốn bán theo giá thị trường
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC) hiện có khoảng 7.000 khoản nợ dưới chuẩn đã mua về từ các tổ chức tín dụng Việt Nam và sẵn sàng bán theo giá thị trường cho các nhà đầu tư
Thành công của việc bán nợ theo giá thị trường của VAMC phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản. Trong ảnh là một dự án bất động sản đang hoàn thiện tại Quận 4, TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc
Một nguồn tin có thẩm quyền nói với báo rằng những khoản nợ này đã và đang được công ty rà soát, đánh giá thực trạng; và phân loại các khoản nợ, chủ nợ cũng như tài sản đảm bảo của các khoản nợ thành các nhóm khác nhau để xử lý. 7.000 khoản nợ này có thể nói đã tương đối “gọn gàng”, không dính líu đến tranh chấp hay các vấn đề mù mờ về pháp lý và có thể giới thiệu ngay cho nhà đầu tư mua nợ.
Số nợ này chiếm gần một phần ba tổng số các khoản nợ VAMC đã gom về từ khi hoạt động năm 2013 đến nay – nằm trong tổng số hơn 24.500 khoản nợ, tương đương gần 245.000 tỉ đồng dư nợ gốc trên sổ sách.
Xử lý các khoản nợ đã gom về trong ba năm qua là nhiệm vụ chính của VAMC trong năm nay. Theo kế hoạch hoạt động năm 2016 của công ty đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, trong năm nay VAMC sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để mua khoảng 40.000 tỉ đồng nợ dưới chuẩn bằng trái phiếu đặc biệt. Tức là nếu VAMC mua đủ số nợ này trong năm thì đến cuối năm 2016 họ sẽ nắm tổng trị giá gần 300.000 tỉ đồng nợ xấu trên sổ sách từ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, công việc quan trọng là rà soát lại, đánh giá thực trạng và phân loại các khoản nợ cùng tài sản đảm bảo của các khoản nợ đã mua để chia thành các nhóm nợ và tìm ra giải pháp xử lý các nhóm nợ này.
Video đang HOT
Các khoản nợ tại VAMC sẽ được phân chia theo các nhóm: Nhóm khoản nợ có khả năng tái cơ cấu; nhóm khoản nợ có khả năng thu hồi; nhóm khoản nợ cần phải tiến hành khởi kiện và các khoản nợ phải bán tài sản đảm bảo hay bán nợ để thu hồi.
Liên quan đến diễn biến này, tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vừa ký ban hành Quyết định số 618/QĐ-NHNN phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC ngay trong tuần đầu ông nhậm chức.
Đây là một quyết định được mong chờ. Nội dung cụ thể của quyết định chưa được công khai song theo website của Ngân hàng Nhà nước, nó quy định cụ thể, chi tiết phạm vi, đối tượng, điều kiện đối với các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường; các nguyên tắc, trình tự thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường, nguyên tắc xác định giá mua nợ, nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường, cách thức xử lý các khoản nợ xấu đã mua… Quyết định 618 hiệu lực từ ngày 12-4-2016.
Tuy nhiên, theo giới ngân hàng, điều này không có nghĩa là nếu tháo được nút thắt cơ chế này thì VAMC có thể mua, bán nợ xấu theo giá thị trường trơn tru được ngay, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác đến từ VAMC, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng, chủ tài sản cầm cố cho khoản nợ, các tầng nấc cơ quan thi hành pháp luật và tình hình thực tế trên thị trường bất động sản.
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
ACB đối mặt với thách thức gì?
Tính đến ngày 31/3/2016, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 6%, lợi nhuận gần 400 tỷ đồng và kế hoạch đề ra 1.503 tỷ đồng sẽ đạt trong tầm tay, nếu xử lý tốt nhóm nợ gần 6000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của ACB hiện nay chính là việc chia tay đối tác ngoại Standard Chartered Bank và những từ khoản nợ từ Bầu Kiên để lại....
Theo báo cáo của Ban lãnh đạo ACB, trong năm 2015, quy mô tổng tài sản của ngân hàng đạt 201.457 tỷ đồng, tăng 12% so cuối năm 2014. ACB đã nâng vốn huy động lên 175.000 tỷ theo kế hoạch đầu năm, mức tăng trưởng 13%.
Tăng vốn để áp dụng chuẩn mực Basel II
Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay tại ACB đạt 134.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng đạt tối đa 15% theo hạn mức phân bổ của NHNN, trong đó tín dụng khách hàng cá nhân tăng 25%. Tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,32% so với mức 2,17% tại thời điểm cuối năm 2014. Lợi nhuận trước thuế 2015 đạt 1.314 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014 và đạt 100% kế hoạch. ACB dự kiến chia cổ tức 2015 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:1, theo đó lợi nhuận giữ lại là 708 tỷ đồng.
Năm 2016, ACB đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng 18%, đạt 237.000 tỷ đồng. Tín dụng của ACB sẽ tăng trưởng tối đa hạn mức NHNN cho phép, dự kiến khoảng 18%, vốn huy động từ tiền gửi khách hàng cũng tăng trưởng ở mức 18%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế của ACB trong năm 2016 dự kiến 1.503 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Cũng trong năm nay, ACB dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông cho các cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2015 với tỷ lệ 10%.
Theo lãnh đạo ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết do ACB là 1 trong 10 ngân hàng được lựa chọn để áp dụng chuẩn mực Basel II đợt đầu tiên, dự kiến từ tháng 2/2017. Hơn nữa, việc tăng vốn điều lệ/vốn chủ sở hữu sẽ giúp tăng các giới hạn liên quan tới cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung, dài hạn để tài trợ cho các chương trình cấp tín dụng. Ngoài ra, việc tăng vốn giúp ACB nâng cao năng lực tài chính, ứng phó biến động thị trường. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ACB có đạt được tham vọng này không khi những thách thức từ khoản nợ Bầu Kiên và đối tác ngoại là Standard Chartered Bank chia tay sau nhiều năm gắn bó 2.000 tỷ đồng là mục tiêu mà ACB đặt ra cho việc thu hồi nợ từ nhóm 6 Cty của Bầu Kiên trong năm nay.
Khoản nợ "Bầu Kiên"
Tại ĐHCĐ thường niên 2016, nhiều vấn đề tồn đọng liên quan đến 6 Cty của "bầu" Kiên hiện được xử lý tới đâu đang được giới cổ đông rất quan tâm.
Theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, khoản nợ liên quan đến nhóm 6 Cty của bầu Kiên hiện còn 5.767 tỷ đồng. Để xử lý khoản nợ này dứt điểm, ACB đã lên kế hoạch xử lý các khoản nợ và đã được NHNN phê chuẩn. ACB tiếp tục kế hoạch để xử lý các khoản nợ này trong năm 2016, với mục tiêu thu hồi nợ khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết ACB đã tiên liệu kế hoạch xấu nhất và dự kiến trích lập dự phòng 1.000 tỷ cho nợ của nhóm 6 Cty này, trong đó trích lập 200 tỷ đồng trong quý I/2016. Như vậy với khoản tiền trích lập dự phòng rủi ro từ những khoản nợ của bầu Kiên sẽ ăn mòn lợi nhuận của ngân hàng, hệ quả sinh lời sẽ không cao. Theo báo cáo kiểm toán, dù tăng trưởng cao nhưng lợi nhuận của ACB giảm mạnh tới hơn 70% so với năm 2014 do trích lập dự phòng.
Cho đến nay ACB đã bán thêm 752 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm và thực hiện trích lập dự phòng trong vòng 5 năm. Theo ông Nguyễn Đức Hùng - Cty Kiểm toán AVA VN, tham vọng đạt lợi nhuận trước thuế 1.503 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.202 tỉ đồng trong năm 2016 của ACB khó thành hiện thực cho dù tín dụng tăng trưởng tối đa hạn mức NHNN cho phép.
Chia tay đối tác ngoại
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên ACB đã trình cổ đông xem xét việc xin từ chức của ông Julian Fong Loong Choon, thành viên HĐQT, đại diện cho 15% vốn của Standard Chartered Bank.
Theo các chuyên gia, động thái của ông Julian Fong Loong Choon không mang tính riêng lẻ, nó là sự tiếp nối trước ông Vijay Maheshwari, cũng đại diện cho Standard Chartered Bank, từ nhiệm khỏi vị trí giám đốc tài chính. Standard Chartered Bank trở thành cổ đông chiến lược của ACB từ tháng 7/2005, thời điểm cổ phiếu ngân hàng đang ở đỉnh cao. Nếu tính theo giá gần nhất ngày 13/4/2016 là 18.100 đồng/cổ phiếu, 15% cổ phần của StandardChartered Bank trị giá 2.600 tỉ đồng, tức 116 triệu USD, thấp hơn số tiền mà Standard Chartered Bank bỏ ra mua lại số cổ phần ACB mà IFC sở hữu năm 2008. Với việc những đối tác chiến lược cũ đang rút các khoản đầu tư là thách thức không nhỏ đối với ACB trong giai đoạn tăng trưởng tới khi mà dịch vụ tài chính ngân hàng ngày càng cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Theo TS. Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, sau cuộc khủng hoảng tài chính, rất nhiều ngân hàng ngoại phải thu hẹp quy mô hoạt động trên toàn cầu, trong đó có VN. Nhiều nhà đầu tư ngoại trước đó cũng rút dần các khoản đầu tư do điều kiện kinh doanh đã thay đổi, mục tiêu đầu tư đã đạt được. Đây cũng là việc bình thường bởi dù đầu tư chiến lược, nhưng không có nghĩa là đầu tư &'trọn đời', thỏa thuận dài nhất thường cũng chỉ 5 năm . Do vậy, việc cho phép các ngân hàng ngoại hiện diện đầy đủ tại VN theo hình thức lập ngân hàng con 100% vốn tại VN chắc chắn sẽ khiến các đối tác ngoại phải xem xét lại kế hoạch góp vốn của mình nhằm tránh mâu thuẫn lợi ích, tránh những rắc rối liên quan tới cụm từ "sở hữu chéo" mà NHNN đang tăng cường kiểm soát và đây không chỉ là riêng trường hợp của Standard Chartered Bank rút khỏi ACB.
Tuy nhiên đứng trước những thay đổi về mất nhân sự cấp cao này cùng với gánh nợ từ bầu Kiên sẽ là những khó khăn thách thức lớn với con thuyền ACB trong thời gian tới...
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Đằng sau báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng Kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, 9 ngân hàng niêm yết đều báo cáo lãi mạnh. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là những khoản nợ có khả năng mất vốn lại chiếm tới hơn một nửa (57%) cùng mức tổng nợ xấu tại các ngân hàng niêm yết lên tới 19.992 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình...