Vai trò mới của Kevin De Bruyne
Trong những năm gần đây, diễn biến thực tế thường tạo nên cảm giác như thể Kevin De Bruyne đã phát minh ra, định nghĩa và trở thành kẻ thống trị tuyệt đối tại vị trí thi đấu của mình.
Tự coi mình là một “số 8 tự do” trong hệ thống 4-3-3 của Manchester City dưới thời Pep Guardiola, De Bruyne đã “tuần tra” một khu vực rất cụ thể khi đảm nhận một vị trí nằm ở phía bên trong của cánh phải. Anh không phải là một tiền vệ trung tâm, cũng không phải một tiền vệ cánh; không phải một tiền vệ, cũng chẳng phải một tiền đạo.
Khi chiếm lĩnh “half-space” (hành lang trong) đó – các đối thủ đã tỏ ra cực kỳ chật vật trong việc kiểm soát anh tại khu vực này – De Bruyne đã trở thành một trong những tiền vệ sáng tạo tuyệt vời nhất từng xuất hiện trong lịch sử Premier League, được chứng minh qua chiến tích cân bằng kỷ lục của Thierry Henry về số pha kiến tạo trong một mùa giải duy nhất, với 20 đường chuyền “dọn cỗ” cho đồng đội lập công.
De Bruyne đã thực hiện rất nhiều pha kiến tạo từ vị trí đó bởi vì anh thường có được nhiều “điểm nhận bóng” tuyệt vời trong vòng cấm đối phương. Sergio Aguero hoặc Gabriel Jesus thường đảm nhận vai trò tiền đạo trung tâm, Raheem Sterling và Leroy Sane (vào các mùa giải trước) thường thực hiện những pha lao đến cột xa.
Nhưng không một cái tên nào trong số đó góp mặt trong chiến thắng 2-1 mà Manchester City giành được trước Dortmund vừa qua. Aguero không thể tham gia vào trận đấu này vì chấn thương, Jesus và Sterling chỉ ngồi trên băng ghế dự bị (Sterling chỉ chơi vỏn vẹn 2 phút sau khi được đưa vào sân), và Sane giờ đây là một cầu thủ của Bayern Munich. Man City không chỉ đơn thuần là thi đấu mà không có một trung phong thực thụ, họ còn không có sự phục vụ của hai cầu thủ đá cánh mà khi Guardiola giành được 2 chức vô địch Premier League đầu tiên, đã ghi được rất nhiều bàn thắng từ những cú đệm bóng cận thành đơn giản sau các pha lao đến cột xa.
Và do đó, vai trò của De Bruyne đã thay đổi đáng kể. Anh không còn có thể trông mong rằng những đường chuyền của mình sẽ được kết thúc bởi các chân sút đáng tin cậy. Anh đã không còn hoạt động chủ yếu như một cầu thủ kiến tạo nữa. Vào thứ Năm, De Bruyne đã nhập cuộc ở vị trí tiền đạo trung tâm. Ngôi sao người Bỉ đã có những lần được triển khai như vậy trước đây, đặc biệt là một phần của “dàn cast” luân phiên nhau đảm nhận vai trò tiền đạo trung tâm, nhưng anh rõ ràng thực sự là cầu thủ chơi cao nhất của Man City trước Dortmund.
Tất nhiên, De Bruyne đã dạt ra cánh. Nhưng anh hầu như không hề di chuyển đến vị trí cũ, quen thuộc hơn của mình ở phía bên trong của cánh phải. Anh gần như chỉ di chuyển sang cánh trái, chơi như thể một “inside-left” (thuật ngữ dùng để chỉ những tiền đạo cánh trái có khuynh hướng di chuyển cắt vào trung lộ) trong một hệ thống 4-2-4 không có một trung phong thực thụ. Từ đó, vai trò của De Bruyne – cầu thủ gần với một tiền đạo trung tâm nhất mà Man City có trong hệ thống này – chắc chắn thiên về hướng một cầu thủ săn bàn hơn, có thể di chuyển cắt vào phía trong và dứt điểm.
Ilkay Gundogan đã nhận được rất nhiều lời ca ngợi vì phong độ ghi bàn đáng kinh ngạc mà anh thể hiện ở giai đoạn giữa của mùa giải (11 bàn trong 15 trận), nhưng tiền vệ người Đức đã chững lại trong những tuần gần đây. Thành tích hiện tại của anh là 3 bàn sau 11 lần ra sân gần nhất và trong chiến thắng trước Dortmund vừa qua, anh đã được đưa vào sân trong một vai trò lùi sâu, thiên về kiểm soát trận đấu, bên cạnh Rodri, thay vì được chỉ đạo tiếp tục thực hiện những tình huống lao lên phía trước để gây sát thương cho đối phương.
Khi Gundogan trở nên kém bùng nổ hơn, De Bruyne đã trở thành người thay thế, đây là một tình huống hoàn toàn khác so với giai đoạn 2/3 ban đầu của mùa giải này. Cho đến giữa tháng Ba, De Bruyne chỉ ghi được 1 bàn từ bóng sống cho Man City, trong chiến thắng 3-1 trước Chelsea, bên cạnh 2 bàn được ghi trên chấm penalty. Nhưng anh đã bước vào lượt trận thứ hai với Dortmund ở vòng tứ kết Champions League với thành tích 5 pha lập công trong 6 lần ra sân gần nhất, một trong số đó được ghi trong 10 phút góp mặt ngắn ngủi trong cuộc chạm trán Everton ở FA Cup. Không một bàn nào trong số đó được ghi từ penalty cả.
De Bruyne không nổ súng vào thứ Năm, nhưng anh chính là cầu thủ săn bàn chủ chốt của Man City.
Trong hiệp một, ngôi sao người Bỉ nhận bóng tại một vị trí nằm ở phía trong của cánh trái, cố thực hiện một pha chọc khe nhưng không thành công, sau đó ngay lập tức “counter-pressing” (pressing chống phản công), đoạt lại bóng và tung ra một cú sút trúng xà ngang.
Trong hiệp hai, anh đã có một tình huống đi bóng dũng mãnh xuyên phá hàng thủ Dortmund, cắt vào trong và tung ra một cú sút khiến thủ môn đối phương phải vất vả cản phá, mang về cho Man City một pha phạt góc. Chính pha phạt góc đó đã dẫn đến cú sút sấm sét nâng tỷ số lên thành 2-1 cho Man City của Phil Foden.
Đây không phải là những tình huống cá biệt – De Bruyne đã thực sự dành phần lớn thời gian của mình trong trận đấu này ở cánh trái.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên cầu thủ người Bỉ chiếm lĩnh những vị trí đó, nhưng thật đáng chú ý chuyện chúng ta đã gần như coi đây là điều hiển nhiên – có lẽ cầu thủ xuất sắc nhất Premier League trong hai mùa giải gần nhất đã rời xa đáng kể vị trí mà tất cả chúng ta đều nhìn nhận là lý tưởng nhất dành cho anh.
Bản đồ nhiệt về màn trình diễn của De Bruyne trước Dortmund vừa qua sẽ minh họa mức độ thời gian mà anh dành cho cánh trái …
… đặc biệt là khi so sánh với bản đồ nhiệt được ghi nhận ở cầu thủ người Bỉ trong chiến thắng 2-1 của Man City trước Real Madrid ở lượt trận thứ hai của vòng 16 đội của Champions League mùa giải trước.
Tuy nhiên, đối với vai trò mới này của De Bruyne, có một vài điều cần lưu ý.
Đầu tiên, có một nguy cơ rằng, trong một vai trò thiên về dứt điểm hơn là kiến tạo cơ hội, De Bruyne có thể trở nên quá “chủ nghĩa cá nhân”, quá tập trung vào mục tiêu tự mình ghi bàn.
Thật đáng để nhắc lại sự sa sút của Wesley Sneijder vào một thập kỷ trước, người đã được tận hưởng mùa giải tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của mình trong tư cách một cầu thủ kiến tạo thuần túy cho Inter Milan vào mùa giải 2009/2010, sau đó thi đấu trong vai trò một cây săn bàn khi Hà Lan lọt vào đến trận chung kết World Cup 2010, và rồi không bao giờ có thể khôi phục được phong độ trước đây của mình, vì đã trở nên có khuynh hướng tung ra những cú sút hết sức “lãng phí” từ các vị trí dứt điểm không thuận lợi. Bạn có thể sẽ lập luận rằng De Bruyne là một cầu thủ rất “vị tha” nên sẽ không đời nào phải hứng chịu một số phận tương tự, nhưng Sneijder cũng từng được nhận định như vậy đấy.
Thứ hai, vị trí của De Bruyne bên cánh trái kém hấp dẫn về mặt chiến thuật hơn so với vai trò mà anh đảm nhận ở cánh phải.
Mặc dù bên phải của sân đấu – theo truyền thống – rõ ràng từng là vị trí chủ yếu dành cho một cầu thủ sáng tạo thuận chân phải, nhưng người ta đã quen với chuyện những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới được triển khai ở một vị trí nằm bên cánh ngược với chân thận, qua đó họ có thể di chuyển cắt vào trong và dứt điểm. Những cầu thủ thuận chân phải như Cristiano Ronaldo, Kylian Mbappe và Neymar thích chơi ở cánh trái, và những cầu thủ thuận chân trái như Lionel Messi và Mohamed Salah thích chơi ở cánh phải. Trong số những cầu thủ tấn công thực sự ưu tú trên thế giới, thật khó để nghĩ ra nhiều trường hợp ngoại lệ. De Bruyne nằm trong số những trường hợp hiếm hoi đó, đây là lý do tại sao được theo dõi anh tỏa sáng ở hành lang trong của cánh phải là một việc rất thú vị.
Chúng ta vẫn còn phải chờ xem De Bruyne – cầu thủ vừa gia hạn hợp đồng với đội chủ sân Etihad – sẽ được Man City triển khai ở đâu trong những mùa giải tới.
Họ có thể sẽ ký hợp đồng với một tiền đạo trung tâm mới – một trong các ứng cử viên hàng đầu đã góp mặt trong trận đấu giữa Man City và Dortmund mới đây – và De Bruyne có thể sẽ được quay trở về với vai trò lý tưởng nhất của anh ở cánh phải. Nhưng hệ thống không có tiền đạo thực thụ dường như đã trở thành cách tiếp cận mặc định của Guardiola, với rất ít dấu hiệu về những sự điều chỉnh hệ thống đáng kể và các sự lựa chọn bất ngờ đã ảnh hưởng tiêu cực đến những chiến dịch Champions League trước của đội bóng này.
Trên thực tế, việc De Bruyne rời xa nơi mà trước đây được nhận định là vị trí thi đấu tối ưu của anh chính xác là kiểu động thái sẽ được đánh giá là “nghĩ nhiều quá mức cần thiết” của Guardiola khi Man City không có được kết quả như mong muốn, nhưng đã hầu như không được chú ý đến sau khi họ giành chiến thắng.
Nguồn: Lược dịch từ bài phân tích “Kevin De Bruyne’s new position” của Michael Cox, đăng tải trên The Athletic.
De Bruyne vào top 10 vua kiến tạo trong lịch sử Premier League
Sau khi được HLV Pep Guardiola cho nghỉ ngơi hoàn toàn ở trận Man City đánh bại M'Gladbach 2-0 hồi giữa tuần, tiền vệ Kevin De Bruyne đã có sự trở lại đầy ấn tượng với đường chuyền giúp Ruben Dias đánh đầu tung lưới West Ham. Pha kiến tạo nói trên giúp ngôi sao người Bỉ lọt vào top 10 chuyên gia làm bóng vĩ đại nhất lịch sử Premier League.
Trong 30 phút đầu trận đấu giữa Man City vs West Ham, The Citizens chỉ chơi với nhịp độ trung bình và họ không tạo được nhiều tình huống đáng chú ý trước khung thành đối phương. Trong thế trận có phần bế tắc, đội chủ nhà đã nhờ đến khoảnh khắc lóe sáng của De Bruyne để có được bàn thắng mở tỷ số.
Trong tình huống này, De Bruyne bất ngờ dạt sang cánh phải và thực hiện pha treo bóng điểm rơi rất vừa tầm loại bỏ toàn bộ các hậu vệ đối phương. Nhờ vậy, trung vệ Ruben Dias trong pha lên tham gia tấn công mới có cơ hội đánh đầu tung lưới thủ môn Randolph từ cự ly gần để đưa Man City vượt lên.
Với đường chuyền quyết định giúp Dias lập công, De Bruyne đã có 11 pha kiến tạo tại Premier League mùa này. Cùng với tiền đạo Harry Kane của Tottenham, anh là 1 trong 2 cầu thủ có nhiều đường chuyền thành bàn nhất ở giải đấu số 1 xứ sở sương mù kể từ đầu giải. Trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, De Bruyne và Kane cũng đang không có đối thủ tính riêng ở tiêu chí kiến tạo.
Đáng chú ý, đường chuyền mang về bàn thắng khai thông thế bế tắc của De Bruyne đã là pha kiến tạo thứ 77 của cựu tiền vệ Chelsea kể từ khi anh tới thử sức ở Premier League. Qua đó, De Bruyne đã vượt qua Teddy Sheringham để lọt vào top 10 trong danh sách các cầu thủ kiến tạo nhiều nhất trong lịch sử giải Ngoại hạng Anh.
Dẫn đầu danh sách này là Ryan Giggs (cựu tiền vệ MU), 1 trong 8 cầu thủ đã giải nghệ hoặc không còn chơi bóng tại Premier League. Trong khi đó James Milner và De Bruyne là 2 cầu thủ hiếm hoi trong top 10 vẫn có thể cải thiện thành tích kiến tạo).
Những cầu thủ có nhiều đường kiến tạo nhất ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa này
Kevin De Bruyne (11)
Harry Kane (11)
Bruno Fernandes (10)
Jack Grealish (10)
Joshua Kimmich (10)
Thomas Muller (10)
10 cầu thủ kiến tạo nhiều nhất lịch sử Premier League
162 - Ryan Giggs
111 - Cesc Fàbregas
103 - Wayne Rooney
102 - Frank Lampard
94 - Dennis Bergkamp
92 - Steven Gerrard
90 - David Silva
84 - James Milner
80 - David Beckham
77 - Kevin De Bruyne
Man City và Pep giờ đã khác Sự thay đổi của Pep Guardiola và Man City ở thời khắc quan trọng nhất cuối cùng cũng tạo ra thành quả ngọt ngào tại Champions League. Sau 5 năm kể từ khi tới Etihad với sứ mệnh nâng tầm đội bóng, Pep Guardiola cuối cùng cũng thành công trong việc đưa Man City vào bán kết Champions League. Ở những giây phút...