Vai trò đặc biệt của cử tri gốc Á trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ
Chỉ chiếm một phần nhỏ dân số, cộng đồng người Mỹ gốc Á không thể tạo nên những thay đổi bước ngoặt trong nền chính trị quốc gia. Tuy nhiên, họ có thể tạo nên sự khác biệt quan trọng trong các cuộc bầu cử ở địa phương trong khuôn khổ cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tháng tháng 11 này.
(Ảnh minh họa: SCMP)
Theo SCMP, hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đang bước vào một trong những cuộc bầu cử giữa kỳ đặc biệt nhất trong hàng chục năm qua và việc kêu gọi các cử tri đi bầu cử sẽ là nhiệm vụ rất quan trọng.
Chiếm 6% dân số Mỹ, cộng đồng gốc châu Á khó lòng tạo nên sự thay đổi lớn trong cục diện nền chính trị vào thời điểm hiện tại, nhưng họ lại có thể tạo nên sự khác biệt tại các cuộc bầu cử cấp địa phương.
Đơn cử như cuộc bầu cử tại Hạt 39 ở Nam California. Khu vực này trải dài qua một phần địa phận của các hạt Los Angeles, Orange và San Bernadino, với 30% dân số tại đây là người gốc Á. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa tại khu vực, Ed Royce, sắp về hưu. Ứng viên cho ghế nghị sĩ bỏ trống là Gil Cisneros, đảng Dân chủ, cựu quân nhân Hải quân, người trở thành nhà từ thiện sau khi trúng số 266 triệu USD. Đối thủ của ông Cisneros là Young Kim, một nhà lập pháp cấp bang gốc Hàn, từng làm việc cho ông Royce.
Từng được coi là địa phương ủng hộ đảng Cộng hòa, nhưng hạt này đã bầu cho bà Hillary Clinton, ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, hai ứng viên Cisneros và Kim đang có tỷ lệ ủng hộ ngang ngửa nhau với chênh lệch chỉ khoảng 1%.
Các cử tri Mỹ gốc Á trong lịch sử thường có xu hướng đi bầu nhằm ủng hộ các ứng viên Mỹ gốc Á, động thái được cho là góp phần làm gia tăng tiếng nói của cộng đồng trong bối cảnh họ không có nhiều lợi thế về nhân khẩu học. Chính vì vậy, ứng viên Cisneros đã thường xuyên tham gia vận động tranh cử với Hạ nghị sĩ Judy Chu của Hạt 27 ở California, một người Mỹ gốc Trung Quốc.
Cả hai ứng viên đều rất nỗ lực để thúc đẩy cử tri gốc Á đi bầu. Một trong những phương án họ sử dụng là vận động thông qua nền tảng nhắn tin Wechat, mạng xã hội bằng tiếng Trung.
Ông Allen Chen, phó giám đốc chính trị và giám đốc tiếp cận cử tri gốc châu Á-Thái Bình Dương của chiến dịch vận động của ông Cisneros cho biết, họ cử hai nhân viện vận động tham gia vào các nhóm WeChat thay mặt cho ông Cisneros. “Thay vì buộc người Mỹ gốc Hoa thích nghi với các hệ thống nhắn tin mà chúng tôi sử dụng trước đây, lần này chúng tôi tiếp cận với họ thông qua kênh của họ,” ông nói.
Thêm vào đó, ông Chen cho biết nhóm vận động tranh cử đã tài trợ cho các bài đăng trên WeChat thông qua một trang blog do World Journal, một tờ báo Hoa ngữ được di dân gốc Trung Quốc ở Bắc Mỹ ưa chuộng.
Ông Patrick Mocete, giám đốc chiến dịch vận động của bà Young Kim, cho biết ban vận động của bà Kim cũng rất tích cực trên Wechat với các nhân viên nói tiếng Trung và các tình nguyên viên ủng hộ bà Kim, người đang nhắm tới mục tiêu trở thành phụ nữ gốc Hàn đầu tiên vào Quốc hội Mỹ.
“Một phần ba dân số của hạt là người gốc Á và phần đông trong số đó là người gốc Hoa và bà Kim có lý khi muốn tác động vào cộng đồng này”, ông Mocete nói.
Video đang HOT
Thêm vào đó, chiến dịch của ông Cisneros nhận được sự hỗ trợ của một tổ chức người Mỹ gốc Á có quan điểm đối ngược với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổ chức này giúp ông Cisneros tiếp cận các cử tri gốc Trung, Hàn Quốc với vốn tiếng Anh hạn chế bằng việc đặt các biển quảng cáo bằng tiếng mẹ đẻ của họ trên các phương tiện truyền thông nhằm lôi kéo nhóm cử tri này đi bỏ phiếu.
Ở mỗi địa hạt tại California, người Mỹ gốc Á chiếm một bộ phận đáng kể trong dân số. “Mỗi lá phiếu của họ đều quan trọng, và thắng hay thua những hạt này có thể được quyết định chỉ bởi vài trăm phiếu,” Vincent Pan, một thành viên của AAAT nói.
Chiến lược vận động
Hai ứng viên Gil Cisneros và Young Kim (Ảnh: ABC)
Trên khắp nước Mỹ, các nhóm dân sự và cộng đồng tương tự như AAAT, đang nỗ lực trong nhiều năm qua nhằm kêu gọi sự tham gia của nhóm cử tri gốc Á vào chính trường Mỹ. Một ví dụ có thể kể tới là Câu lạc bộ Dân chủ người Mỹ gốc Á (AADC) bao gồm chủ yếu là người gốc Hoa tham gia do bà Ling Luo, một nữ doanh nhân gốc Hoa ở Texas, thành lập vào năm 2016. AADC có nhiệm điều phối các hoạt động của các cử tri đảng Dân chủ gốc Hoa.
Monica Chen, một thành viên phụ trách hoạt động của AADC ở California, nói rằng tổ chức này đang làm việc với chiến dịch tranh cử của ông Cisneros. Họ chọn ra 10.000 cử tri nói tiếng Hoa và tiếp cận, thuyết phục họ bầu cho ông Cisneros.
AADC hiện có 2.000 thành viên. Ngoài các thông điệp chính phát ra trên các nhóm Wechat, họ cũng tổ chức các hoạt động bên ngoài như vận động gây quỹ cho các ứng viên Dân chủ và gọi điện để thúc đẩy cử tri gốc Hoa đi bầu.
Bà Lou cho biết AADC luôn muốn kéo mọi người ra khỏi WeChat vì lo ngại rằng chiến lược vận động của họ sẽ bị những người ủng hộ ông Trump “trà trộn” trong các nhóm trò chuyện thu thập được.
Người Mỹ gốc Á là nhóm thiểu số tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ, theo các dữ liệu thống kê. Tuy nhiên, quyền lực chính trị tiềm năng của cộng đồng này khá thấp do truyền thống ít đi bầu cử. Trong cuộc bầu cử năm 2016, chỉ có 49% người Mỹ gốc Á đi bầu cử, trong khi 65,3% người da trắng không phải gốc Mỹ Latinh và 59,6% cử tri Mỹ gốc Phi đã đi bỏ phiếu.
Theo giáo sư Janelle Wong tại đại học Maryland, tỉ lệ đi bầu thấp đồng nghĩa với việc người gốc Á không được đại diện đầy đủ trong cơ quan quyền lực Mỹ và các đảng phái chính trị dường như cũng bỏ quên cộng đồng này khi đi vận động bầu cử.
Theo dữ liệu của tổ chức thống kê AAPI Data (Mỹ), có 27 quận hạt bầu cử trên khắp nước Mỹ mà người gốc Á chiếm hơn 8% dân số. Trong một cuộc đua gay cấn, số phiếu từ nhóm cử tri này đủ để thay đổi kết quả bầu cử.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ SCMP
"Động đất" ở bang Hesse và dư chấn với nền chính trị Đức
Sau cuộc bầu cử ở bang Hesse (ngày 28/10), sáng 29/10 tôi đi xuống Frankfurt để chia tay những người bạn Hessen đã gắn bó thân thiết hơn chục năm qua.
Lúc xe mới vừa ra khỏi Berlin và đi vào xa lộ trực chỉ Frankfurt, dòng tin tức xuất hiện liên tục trên điện thoại di động, báo tin về trận "động đất" ở Hesse hôm qua gây những dư chấn nặng nề cho nền chính trị của Đức vốn từ nhiều tháng nay vốn không thiếu ồn ào.
Vậy là nền chính trị Đức đang đứng trước ngưỡng cửa chia tay "thời đại Merkel" và tương lai của Chính phủ Đại liên minh CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội Đức SPD, còn gọi là "Merkel 4.0".
Các hãng thông tấn, báo chí, mạng xã hội của Đức đồng loạt đưa tin nóng từ cuộc họp báo Chính phủ và tuyên bố của bà Angela Merkel sẽ không ra ứng cử chức vụ Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) vào đại hội tháng 12 tới tại thành phố Hamburg.
Bà Angela Merkel tuyên bố sẽ rời chính trường Đức sau khi mãn nhiệm Thủ tướng năm 2021. (Nguồn: Getty)
Những đợt "sóng thần" chính trị trong lòng xã hội Đức
Những người am hiểu chính trường Đức thường hay đặt câu hỏi, vì sao một đất nước kinh tế liên tục tăng trưởng dương, lương và thu nhập của người lao động tăng trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm; là đầu tầu kinh tế, chính trị không chỉ trong Liên minh châu Âu (EU) mà cả ở châu Âu và trên thế giới, nhưng sự tín nhiệm của người dân vào Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ lại ngày càng giảm sút nghiêm trọng? Trong thế giới bất an như hiện nay với xu thế cực hữu gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng thắng thế với tranh chấp thương mại mang tính toàn cầu đang nhãn tiền ở khắp nơi trên thế giới, và khi "Brexit cứng" đang đến rất gần, lại xảy ra câu chuyện này ở Đức, khiến "người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" một thời Angela Merkel phải ngậm ngùi nói lời chia tay.
Thực ra câu chuyện bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái khi đảng CDU của bà cùng "đảng chị em" CSU và đảng SPD trong "Đại liên minh" bị cử tri cho một bài học bằng sự thất cử ở rất nhiều bang trong cuộc bầu cử Liên bang. Với tỷ lệ quá bán mong manh, bà Merkel nỗ lực tìm mọi cách để có thể lập chính phủ liên minh nhiệm kỳ mới 2017-2021. Rồi bà cũng thất bại khi muốn có liên minh với đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do FDP trong việc lập chính phủ "Jamaica". Khi FDP "rút ván giữa đường", bà lại quay lại phương án cũ, an toàn hơn, đó là duy trì chính phủ đại liên minh. Tổng thống Steinmaier khi đó không muốn hủy bỏ kết quả bỏ phiếu và tổ chức bầu cử mới nên đã yêu cầu các đảng phải ngồi với nhau tìm mọi cách để lập được chính phủ, không cho phép nước lớn nhất trong EU nửa năm trời không có chính phủ ổn định.
Hơn nửa năm sau bầu cử chính phủ, "Merkel 4.0" mới được thành lập. Nhưng ngôi sao chiếu mệnh cho chính phủ mới đã không tỏa sáng khiến cho nội bộ chính phủ cứ lủng củng từ đầu cho tới gần đây. Mở đầu cho những cuộc cãi cọ mà dư luận cho là vô tận là giữa CDU và Chủ tịch CSU, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Horst Seehofer về cái gọi là "lộ trình" giải quyết vấn đề người tỵ nạn. Ông Seehofer từng bất tuân ý kiến của Thủ tướng, công khai bày tỏ bất đồng và thái độ bất hợp tác với Chủ tịch đảng chị em và là Thủ tướng của mình. Lúc đó dư luận đã kêu gọi bà Merkel dùng quyền Thủ tướng để phế truất chức bộ trưởng của ông này, tuy nhiên bà Merkel đã im lặng.
Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch CSU Horst Seehofer. (Nguồn: AP)
Những cuộc tranh cãi triền miên giữa các đảng trong Liên minh cầm quyền khiến dư luận người dân bức xúc, cho là các đảng chính trị chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ mà không quan tâm đến lo lắng, trăn trở của người dân. Không chỉ người dân mà trong nội bộ SPD cũng nhiều tiếng nói phản đối và đề nghị rút ra khỏi liên minh với CDU/CSU. Trong khi đó, lực lượng thiên hữu và cực hữu trong Đảng Giải pháp cho nước Đức (AfD) liên tục thắng cử trong các cuộc bầu cử cấp bang và có mặt ở tất cả nghị viện 16 bang. Ở Quốc hội Liên bang và một số nghị viện bang, thậm chí họ còn đứng đầu phe đối lập hay có tỷ lệ phiếu ngang bằng với SPD.
Còn đối với người dân Đức thì dù kinh tế có phát triển, thu nhập bình quân đầu người về lý thuyết có tăng, nhưng mức sống không vì thế mà được cải thiện nhiều, thậm chí còn thụt lùi. Người dân quan tâm đến vấn đề như lương hưu và vấn đề bần cùng hóa của người về hưu, khi 8,6 triệu người về hưu chỉ nhận được khoản tiền dưới 800-900 Euro/tháng, không đủ trả tiền nhà và sống ở mức tối thiểu. Tỷ lệ nghèo khổ của người về hưu năm 2006 là 10,3% thì nay là 15,6% (tăng 51%). Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hộ lý, điều dưỡng viên tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão đã đến mức báo động khiến chính phủ đang phải tính đến những giải pháp căn cơ và lâu dài hơn. Xã hội mất an ninh, an toàn. Hệ quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng người tỵ nạn những năm 2015, 2016 đã để lại không ít dấu vết trong lòng xã hội. Đảng thiên hữu AfD đã đổ thêm dầu vảo lửa tại các cuộc mít tinh, tuần hành lớn của các thế lực cực đoan ở Dresden, Chemnitz. Bên cạnh những khẩu hiệu miệt thị người nước ngoài, người tỵ nạn, khẩu hiệu mà họ giương lên tại những cuộc này là "Merkel biến đi" ("Merkel muss weg").
Những giọt nước tràn ly
Bayern và Hesse nằm ở phía Tây, Tây - Nam Đức, là hai trong những bang mạnh nhất về kinh tế thuộc phía Tây Đức và nhiều năm liên tục độc quyền lãnh đạo của CSU (Bayern) hay lãnh địa của CDU như ở Hesse. Trong đợt bầu cử ở bang Bayern (14/10) và Hesse (28/10), hai đảng CSU và CDU thất bại nặng nề, mất trên dưới 10% số phiếu so với kỳ bầu cử trước; các đảng Xanh và đặc biệt AfD thắng cử ở hầu hết các điểm bầu cử. Dù vẫn đạt số phiếu cao nhất để có quyền đàm phán liên minh lập chính phủ mới nhưng đó cũng là đòn giáng chí tử vào uy tín của hai đảng này.
Sau bầu cử là lúc để mổ xẻ lý do thất bại có tính domino. Một trong những lý do được nhắc đến nhiều nhất là do Chính phủ đại liên minh ở Berlin tranh cãi thường xuyên, cung cấp cho cử tri những bức tranh không mấy tốt đẹp về hoạt động của Chính phủ. Thông qua việc chuyển phiếu bầu cho AfD chưa hẳn cử tri Đức đã hoàn toàn tán thành với những đường lối chính sách mà Đảng này đưa ra, họ chỉ muốn qua đó bầy tỏ sự bất tín nhiệm đối với hoạt động của chính phủ trung ương và với các đảng hiện đang liên minh ở Berlin. Chính vì thế mà gần đây mới xuất hiện khái niệm "Protestwhler" hay "Protestwahl" (bầu cử để phản đối hay cử tri phản đối, bất mãn).
Người dân đi bầu cử ở bang Hessen, ngày 28/10. (Nguồn: Xinhua)
Trước bầu cử ở Hesse, dư luận đã tiên liệu đây có thể là cuộc bầu cử quyết định "số phận" của bà Merkel ("Schicksalswahl"), dù chỉ là một cuộc bầu cử ở cấp bang. Và quả đúng như vậy, một ngày sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, bà Merkel đã ra thông báo sẽ không ứng cử chức Chủ tịch đảng CDU tại đại hội tới. Trong tuyên bố của mình, bà Merkel lấy làm tiếc là hoạt động của Chính phủ đại liên minh thời gian qua không cho thấy một chính phủ hiệu quả mà tập trung quá nhiều vào vấn đề nội bộ và đó là một điều không thể chấp nhận được. Với tư cách Chủ tịch đảng, bà nhận trách nhiệm về mình và mở đường cho sự khởi đầu mới trong đảng tuy vẫn giữ chức Thủ tướng cho đến đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021.
Quyết định của bà Merkel được dư luận trong và ngoài đảng CDU đánh giá cao, coi đó là dũng cảm để tránh cho đảng rơi vào nguy cơ tụt đáy không phanh trong những cuộc bầu cử sắp tới trong năm 2019 (Bremen, Brandenburg, Sachsen và Thringen).
Với sự ra đi được dự đoán trước của bà Angela Merkel, chính trường Đức bước vào một giai đoạn biến động mới. Các ứng viên vào chức chủ tịch CDU đã lần lượt lên tiếng, trong đó có những người tâm huyết với sự nghiệp của bà, nhưng cũng có những người vốn luôn luôn phản đối đường lối lãnh đạo của bà trong suốt 18 năm làm Chủ tịch CDU và 13 năm làm Thủ tướng. Tương lai ai làm Chủ tịch đảng cũng sẽ quyết định hướng đi tới của đảng CDU cho những thập niên tiếp theo.
Câu chuyện sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới khi câu hỏi được đặt ra là liệu bà Merkel có còn giữ được ghế Thủ tướng khi không còn là Chủ tịch đảng cầm quyền? Nước Đức và Liên minh EU sẽ như thế nào khi bước vào giai đoạn "hậu Merkel"?
Nguyễn Hữu Tráng
(từ Berlin, CHLB Đức)
Theo baoquocte
Bầu cử giữa kỳ 2018 tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ Không những được dự đoán sẽ mang lại kết quả bất ngờ nhất hàng chục năm qua, cuộc bầu cử giữa kỳ vào đầu tháng 11 tới ở Mỹ còn được dự đoán là kỳ bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử nước này. (Ảnh minh họa: Financial Times) Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, khoảng một tuần trước...