Vai trò của Nhật trong chiến lược vây trói Trung Quốc của Mỹ
Chuyến công du đến Mỹ của thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa qua được xem là chuyến công du lịch sử. Nó sẽ nâng cao hơn nữa mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, trong đó Mỹ sẽ chính thức bật đèn xanh để Nhật Bản quay trở lại vị thế cường quốc chính trị quân sự tại khu vực.
Đây cũng được xem là điểm nút cuối cùng để hình thành một mối liên minh vững chắc để đối phó với Trung Quốc trong tương lai, hàng loạt vấn đề quan trọng nhất sẽ được ông Abe và Obama giải quyết. Nhưng, để đạt được những kết quả đó, người Nhật cần phải vượt qua được cái bóng của chính mình.
Nếu như mục đích chuyến công du Mỹ này của thủ tướng Nhật Shinzo Abe đúng như những gì giới phân tích bình luận, thì có lẽ đây sẽ là một chuyến công du lịch sử, không chỉ ảnh hưởng quan trọng đến lịch sử quan hệ Nhật – Mỹ, mà còn đến lịch sử thế giới. Hai vấn đề quan trọng nhất giữa Mỹ và Nhật ở thời điểm hiện tại, đó là định hình cụ thể mối quan hệ đồng minh giữa hai nước trong tương lai trong chiến lược đối phó với Trung Quốc khi Mỹ sẽ xoay trục về phía châu Á Thái Bình Dương từ năm tới.
Vấn đề thứ hai, là sự thỏa thuận cụ thể giữa hai nước để đạt được sự định hình đó. Vấn đề không chỉ đơn giản là một liên minh quân sự, mà còn là một liên minh chính trị kinh tế vây quanh Trung Quốc mà tổng thống Barack Obama đang tích cực triển khai trong giai đoạn cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Video đang HOT
Những động thái gần nhất của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương dễ gây cho thế giới suy nghĩ đến một liên minh thuần túy quân sự vây quanh Trung Quốc. Lần lượt Mỹ tuyên bố sẵn sàng bán cho Ấn Độ những thiết bị trang bị trên các tàu sân bay tối tân nhất – vốn là động thái trực tiếp giúp hải quân Ấn Độ thách thức hải quân Trung Quốc. Rồi đến cuộc tập trận chung với Philippines và Australia trên biển Đông.
Cùng lúc đó là hội nghị cao cấp Mỹ – Nhật – Hàn Quốc tại Washington như một động thái gắn kết hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Bắc Á. Những thỏa thuận đạt được tại hội nghị chưa được công bố hết, nhưng trong đó Nhật và Hàn Quốc chấp nhận gạt sang một bên phần nào những xích mích giữa hai nước để hợp tác trong một số lĩnh vực, như an ninh tình báo và trao đổi thông tin quốc phòng. Dệt một mạng lưới các quốc gia vây quanh Trung Quốc về quân sự và an ninh đang là ưu tiên hàng đầu của Nhà Trắng ở thời điểm hiện tại.
Nhưng quy mô vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Một mạng lưới an ninh và quân sự là ưu tiên hàng đầu, nhưng nó chỉ mang ý nghĩa là một sự đảm bảo an toàn. Vấn đề quan trọng hàng đầu trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ nằm ở lĩnh vực kinh tế. Trong đó quan trọng hơn hết là tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực, một nguy cơ đang gia tăng sau khi Trung Quốc thành lập ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á AIIB.
Trước việc Trung Quốc thành lập AIIB, phản ứng của Mỹ chỉ đơn giản là đứng nhìn, vì phương án đáp trả duy nhất khả dĩ của Mỹ là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP vẫn chưa hoàn tất. Một khi hiệp ước kinh tế chiếm tới 1/3 thương mại toàn cầu đi vào hoạt động, đó sẽ là ngón đòn tủ để Mỹ kiềm chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.
Chính vì thế, việc xúc tiến hoàn tất đàm phán TPP được xem là quan trọng không kém so với việc thành lập mạng lưới an ninh và quốc phòng quanh Trung Quốc. Thậm chí là còn quan trọng hơn với Mỹ. Hệ thống an ninh quốc phòng vây quanh Trung Quốc của Mỹ đã có sẵn nền tảng từ trước với các mối quan hệ liên minh quân sự truyền thống. Nhưng một khu vực kinh tế giữa hai bờ Thái Bình Dương thì chưa có tiền lệ trong quá khứ.
Và khúc mắc lớn nhất ngăn chặn Mỹ hoàn tất thỏa thuận kinh tế có vai trò như một đòn trí mạng giáng vào Trung Quốc này, là sự bất đồng với Nhật Bản. Mâu thuẫn lớn nhất, là việc Mỹ muốn Nhật nới lỏng thị trường nông sản béo bở và đầy tiềm năng của Nhật, nhưng Nhật lại không muốn.
Nhật vẫn đang là một trong những nước bảo hộ nền nông nghiệp nội địa mạnh nhất trên thế giới. Điều này có nguyên nhân riêng của nó. Trên thực tế, dù số lượng nông dân Nhật chỉ chiếm khoảng 2,5% dân số nhưng nó cũng đạt xấp xỉ 3,3 triệu người – một con số không nhỏ. Một khi mở cửa thị trường nông sản vốn được bảo hộ trong suốt hàng chục năm qua, không khó để đoán được rằng những người nông dân Nhật sẽ bị thất thế do giá nông sản trên thế giới rẻ hơn rất nhiều.
Và sắp xếp công ăn việc làm cho hơn 3 triệu người này hòa nhập vào nền kinh tế là không dễ chút nào. Điều quan trọng hơn là nông dân Nhật lại là một trong những lực lượng ủng hộ đảng LDP của ông Abe mạnh mẽ nhất. Mất đi sự ủng hộ và lá phiếu của nông dân Nhật là một rủi ro chính trị rất lớn. Đặc biệt là người Nhật luôn rất nhạy cảm với vấn đề tự túc lương thực.
Nước Nhật đã phải nhập khẩu đủ mọi nguyên liệu, từ dầu lửa đến kim loại, và giờ đây phải nhập khẩu thêm lương thực là điều khó có thể chấp nhận. Thuyết phục được người Nhật giao phó vấn đề quan trọng nhất với sự tồn tại của họ cho nước ngoài, là điều có lẽ là khó hơn lên trời.
Chính vì cái giá của việc mở cửa thị trường nông sản lớn đến thế, nên điều Nhật Bản nhận được cũng không phải là nhỏ. Một khi Nhật mở cửa thị trường nông sản và TPP hoàn tất, Mỹ sẽ bật đèn xanh để Nhật quay trở lại vị trí cường quốc chính trị và quân sự ở khu vực. Không chỉ tái vũ trang quân đội, mà Nhật còn có thể nắm lại những quyền hạn lớn hơn rất nhiều. Một số nhà phân tích đánh giá, mở cửa thị trường nông sản cũng không phải là một ý tồi.
Đúng là về ngắn hạn Nhật sẽ phải chịu áp lực lớn về vấn đề lương thực và áp lực từ sự thất thế của nông dân Nhật. Nhưng về lâu dài, kinh tế Nhật sẽ có thêm gần 3 triệu người lao động tham gia vào các hoạt động của nền kinh tế, đó sẽ là một lực đẩy không nhỏ. Vấn đề là người Nhật có thể vượt qua được nỗi ám ảnh truyền thống về vấn đề lương thực hay không mà thôi.
Theo Một Thế Giới