Vai trò của BĐBP ngày càng được khẳng định ở địa bàn biên giới
Cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, chủ trì duy trì an ninh trật tự tại khu vực biên giới, BĐBP còn tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ở những địa bàn khó khăn, vai trò của BĐBP ngày càng được khẳng định. Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn ông Vi Hòe, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để làm rõ hơn những đóng góp của BĐBP đối với địa phương.
- Kỳ Sơn được biết đến là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn. Ông có thể cho biết những thách thức mà hệ thống chính trị và nhân dân huyện nhà gặp phải trong thời gian qua, nhất là nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh?
- Kỳ Sơn là huyện biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có 21 đơn vị hành chính, trong đó có 11 xã biên giới với diện tích tự nhiên trên 209.484ha, là địa bàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh. Phía Tây, phía Bắc, phía Nam tiếp giáp với 4 huyện, thuộc 3 tỉnh (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay) của nước bạn Lào có đường biên giới dài trên 203km; với 36 mốc quốc giới, có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, cửa khẩu phụ Ta Đo và gần 30 đường tiểu mạch qua lại hai bên biên giới, tổng dân số khoảng 80 nghìn người, có 5 dân tộc cùng sinh sống (trong đó, trên 95% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số). Điều kiện tự nhiên trên địa bàn huyện rất khắc nghiệt, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí còn hạn chế.
Tình hình an ninh trên tuyến biên giới luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Đặc biệt là hoạt động các loại tội phạm có tính tổ chức xuyên quốc gia về buôn bán ma túy, các loại tội phạm có sử dụng công nghệ cao, mua bán phụ nữ, trẻ em, di cư tự do, vi phạm quy chế biên giới vẫn còn diễn ra khá phức tạp… Những yếu tố trên đã tác động, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
- Vậy vai trò BĐBP trong củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới huyện Kỳ Sơn, thưa ông?
- Với đặc thù là huyện vùng cao, biên giới nên quá trình phát triển toàn diện của huyện Kỳ Sơn có vai trò đóng góp rất rõ nét, đặc biệt quan trọng của lực lượng vũ trang, trong đó có BĐBP, đặc biệt là trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, duy trì an ninh trật tự địa bàn, công tác đối ngoại với các địa phương nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có chung đường biên giới, tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân xóa đói giảm nghèo.
Video đang HOT
BĐBP là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; phối hợp tham mưu cho huyện tổ chức kết nghĩa cho 16 cặp bản – bản (của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An với các cụm bản, bản giáp ranh của địa phương nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), thường xuyên duy trì các kỳ giao ban thường niên, trao đổi thông tin chuyên đề, đột xuất liên quan đến thông tin an ninh biên giới quốc gia, tội phạm xuyên quốc gia. BĐBP Nghệ An đã điều động 11 cán bộ Biên phòng tăng cường tham gia Đảng ủy cơ sở, được cấp ủy huyện chuẩn y giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy tại 11 xã biên giới, 24 đồng chí đảng viên BĐBP về sinh hoạt Đảng tại các chi bộ thôn, bản và 199 cán bộ BĐBP nhận đỡ đầu 1.012 hộ gia đình khó khăn ở khu vực biên giới của huyện.
Bên cạnh đó, BĐBP Nghệ An cũng nhận đỡ đầu, hỗ trợ xã biên giới Bắc Lý phát triển kinh tế, xã hội. Các đồn Biên phòng tại huyện Kỳ Sơn chủ trì phụ trách thực hiện một số đề án cụ thể nhằm hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, chăn nuôi (Đề án phát triển chăn nuôi lợn đen sinh sản). Hoạt động của lực lượng vũ trang nói chung và BĐBP nói riêng trên địa bàn có vai trò quan trọng trong đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh.
- Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam nêu rõ BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Có thể nói, Luật Biên phòng Việt Nam ra đời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý thiết thực cho lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo vững chắc, toàn diện về quốc phòng, an ninh trong khu vực biên giới. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, BĐBP đã phối hợp tốt với các lực lượng, cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới… Vì vậy, khi Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua sẽ tăng cường tính pháp lý để BĐBP thực hiện nhiệm vụ theo quyền hạn và trách nhiệm được giao.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Diễn Thành, BĐBP Nghệ An giúp dân thu hoạch lạc. Ảnh: CTV
Là lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh, trật tự trên tuyến biên giới có tính chất đặc thù và BĐBP thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn do pháp luật quy định. Khu vực biên giới bao gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia; khu vực cửa khẩu gắn với đường biên giới quốc gia, bao gồm các khu chức năng để đảm bảo cho các hoạt động quản lý Nhà nước và hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu.
Đây là những địa bàn có tính chất đặc thù, có quy chế pháp lý điều chỉnh về các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu và ra, vào, hoạt động tại đây; đồng thời, công tác bảo đảm an ninh, trật tự có mối liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, đặc biệt là ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hoạt động của BĐBP có cả tính chất quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ nói chung, nhiệm vụ chủ trì, nòng cốt bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng, thẩm quyền nói riêng, BĐBP phải kết hợp chặt chẽ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo đảm an ninh, trật tự với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt bảo vệ biên giới, cửa khẩu
Chiều 21-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên thảo luận.
Khẳng định vai trò của lực lượng Bộ đội Biên phòng
Thảo luận về dự thảo Luật, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định, Bộ đội Biên phòng là lực lượng thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Đoàn Hà Giang), đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) và đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, quy định này phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời qua thực tiễn, lực lượng Bộ đội Biên phòng từ trước đến nay luôn làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an ninh quốc gia tại khu vực biên giới, điều này cũng phù hợp với chủ trương "một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì".
Lo ngại quy định của dự thảo Luật sẽ có sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, thực thi pháp luật tại khu vực biên giới, đại biểu Nguyễn Văn Chương (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, những quy định để lực lượng Bộ đội Biên phòng thực thi nhiệm vụ có sự khác biệt so với nhiệm vụ bảo đảm an ninh nội địa của lực lượng công an. "Trong trường hợp cần phối hợp thì chắc chắn Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp sao cho việc thực thi pháp luật của hai lực lượng không dẫm chân lên nhau", đại biểu nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) nêu ý kiến, Điều 35 Luật Quốc phòng không có quy định giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì việc bảo đảm an ninh, trật tự biên giới. Với quy định, giao Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, cần phải đánh giá tác động của vấn đề này.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị bổ sung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới song song với nhiệm vụ tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh, đối ngoại để phù hợp với Nghị quyết số 16-NQ/TƯ ngày 10-10-2017 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới, đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh đối ngoại".
Phù hợp với lý luận và thực tiễn
Quang cảnh phiên họp.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến làm rõ hơn một số quy định tại dự thảo Luật. Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) nêu ý kiến, tại quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật cần bổ sung hành vi "Xúc phạm danh dự nhân phẩm của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng", bởi thực tế đã xảy ra tình trạng này, do đó cần đưa vào quy định trong Luật để có cơ sở pháp lý áp dụng các biện pháp xử lý. "Ngoài ra, tôi cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cần làm rõ và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng nhằm nâng cao hiệu quả công tác", đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị.
Ngoài ra, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cũng cho rằng, quy định hợp tác quốc tế về biên phòng có nhiều vấn đề rộng lớn, việc giao toàn bộ nội dung hợp tác quốc tế cho lực lượng Bộ đội Biên phòng thì chưa phù hợp, bởi một số nội dung hợp tác phải có chủ thể khác mới có đủ tính pháp lý, chức năng để thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị chỉ quy định là thực hiện đối ngoại biên phòng và giải quyết các sự kiện tại biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, quy định chức năng của Bộ đội Biên phòng được nêu trong dự thảo Luật xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn. Đồng thời đây không phải vấn đề mới mà đã thể chế hóa nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. "Quy định vị trí, chức năng của lực lượng Bộ đội Biên phòng chỉ trong phạm vi biên giới, cửa khẩu theo quy định, hoàn toàn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng khác", Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu ý kiến, 3 đại biểu phát biểu tranh luận. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội nhằm bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Tân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp là ai? Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã công bố kết quả bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, Chủ Nhiệm Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy. Sau 3 ngày làm việc, sáng...