Vai trò ‘bí mật’ của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran
Ngoài lợi ích địa chính trị và kinh tế, Trung Quốc cho Washington thấy rằng họ hiện đóng vai trò quan trọng trong khu vực mà Mỹ đang mất dần ảnh hưởng.
Theo trang tin France24.com ngày 19/1, trong bối cảnh diễn ra các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, Trung Quốc đang tìm cách định vị mình là một bên đóng vai trò quan trọng và vì lý do chính đáng: Bắc Kinh có lợi ích trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2005, với tên chính thức là Thỏa thuận hợp tác chung toàn diện, đang bước vào giai đoạn thảo luận khó khăn. Hãng thông tấn Iran IRNA cho biết các bên đã đạt đến “giai đoạn chi tiết, phần khó khăn nhất của cuộc đàm phán”.
Đặc phái viên của Trung Quốc về Iran Wang Qun. Ảnh: AFP
Sau khi nối lại các cuộc đàm phán vào đầu tuần này, các nhà ngoại giao tham gia đàm phán nói với tờ Wall Street Journal rằng một trong những trở ngại lớn nhất là Tehran yêu cầu Mỹ cam kết họ sẽ không từ bỏ hiệp ước một lần nữa và không áp đặt lại các biện pháp trừng phạt.
Các cuộc đàm phán kéo dài sáu tháng qua tại khách sạn Palais Coburg sang trọng ở Vienna đã được tiến hành theo cách hoán đổi lẫn nhau giữa nhóm P4 1 (Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga và Đức) cùng với Iran (do Mỹ rút lui). Do phía Iran từ chối gặp trực tiếp các nhà đàm phán Mỹ nên những cuộc thảo luận đã được tiến hành gián tiếp thông qua các nhà đàm phán châu Âu, Nga và Trung Quốc. Đặc phái viên hàng đầu của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán này là ông Wang Qun và của Nga là ông Mikhail Ulyanov.
Trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, ông Wang Qun đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò “duy nhất và mang tính xây dựng” của Bắc Kinh trong các cuộc thảo luận với tất cả các bên nhằm khuyến khích nối lại tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran càng sớm càng tốt.
Video đang HOT
Bỏ qua những căng thẳng với Washington về cạnh tranh thương mại hoặc bất đồng quanh vấn đề Đài Loan/Trung Quốc và Biển Đông, ông Wang đã có các cuộc đàm phán kéo dài với đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley tại Vienna, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Dầu mỏ và địa chính trị
Jean-Franois Di Meglio, chuyên gia về Trung Quốc và là Chủ tịch Trung tâm châu Á có trụ sở tại Paris, giải thích: “Trung Quốc có lợi ích trong việc thỏa thuận được khôi phục càng sớm càng tốt để đảm bảo đa dạng hóa nguồn cung dầu của họ và cũng vì Iran là một đối tác địa chính trị”.
Về phần mình, Thierry Coville, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Quốc tế (IRIS) có trụ sở tại Paris, nói: “Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận năm 2015″. Điều này đã được tiết lộ bởi cựu ngoại trưởng và nhà đàm phán hàng đầu của Iran, Mohammad Javad Zarif, trong cuốn sách được xuất bản ngay trước khi Tổng thống mới của Iran Ebrahim Raisi, nhậm chức vào tháng 8/2021.
Trong hồi ký về hậu trường hai năm đàm phán dẫn đến thỏa thuận năm 2015, ông Zarif viết rằng “bất cứ khi nào các bên đi đến bế tắc, phía Trung Quốc sẽ can thiệp, đưa ra sáng kiến mới và tìm cách vực dậy các cuộc đàm phán”.
Nhưng trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Bắc Kinh và Tehran đã có một bước tiến mới với việc hai bên ký kết quan hệ đối tác chiến lược song phương 25 năm lịch sử gồm nhiều lĩnh vực hợp tác đa dạng như năng lượng, an ninh, cơ sở hạ tầng và truyền thông.
Ngoài việc cung cấp dầu giá thấp, thỏa thuận chiến lược – có hiệu lực từ ngày 15/1 – cũng cung cấp hỗ trợ an ninh của Trung Quốc cho Iran, trong đó có việc chuyển giao thiết bị quân sự. “Trung Quốc đã ký rất ít quan hệ đối tác kiểu này. Đây là một liên minh ngoại giao nghiêm túc”, ông Di Meglio nhận xét.
Đối với Bắc Kinh, quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran bất chấp nguy cơ bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ về thương mại với Iran sẽ là một lợi ích. Trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu gần 10% lượng dầu từ Iran và đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng để mua lượng dầu lớn hơn. “Trung Quốc rất quan tâm đến dầu thô của Iran vì các nhà máy lọc dầu của họ hợp với việc xử lý loại dầu nặng này, được sử dụng làm nhiên liệu để cung cấp cho các nhà máy điện, hệ thống sưởi và xe tải của Trung Quốc”, ông Di Meglio lưu ý.
Ngoài khía cạnh kinh tế, các chuyên gia nhận định, mối quan hệ hợp tác với Iran cho phép Trung Quốc đối trọng với các hành động của Mỹ và khẳng định sức mạnh ngoại giao ngày càng tăng của nước này trong khu vực.
Chuyên gia Di Meglio nêu rõ: “Trung Đông từng không phải là một yếu tố chính trong ngoại giao của Trung Quốc. Nhưng điều này đã thay đổi trong 5 năm qua với tình hình Iraq như một bước ngoặt. Sau cuộc chiến (ở Iraq), Trung Quốc đã chớp cơ hội để dành lấy việc khai thác các giếng dầu tại Iraq, vốn hiện đang được xây dựng lại”.
Tại LHQ, Trung Quốc cũng đang tập trung cho cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an về các quyết định liên quan đến khu vực, đặc biệt là Iran cũng như Syria, gần giống như việc Nga ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ở Bắc Kinh cũng vậy, trong vài tuần qua, chính sách ngoại giao Trung Quốc đã hoạt động hết công suất. Trong khoảng thời gian từ ngày 10 – 14/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp ít nhất 5 người đồng cấp trong khu vực Trung Đông. Các lãnh đạo giao của Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Bahrain và Iran, cũng như Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), đã lần lượt đến thăm Trung Quốc.
Ngoài các vấn đề song phương, những chuyến thăm này cũng liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran vì chúng là cơ hội để trấn an các nước vùng Vịnh nói riêng về tầm quan trọng của thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây cũng là cơ hội để Trung Quốc cho Washington thấy rằng họ hiện đóng vai trò quan trọng trong khu vực mà Mỹ đang mất dần ảnh hưởng.
Trung Quốc và Iran cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Ngày 14/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Hossein Amir Abdollahian đã tiến hành hội đàm trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: THX/TTXVN
Tại cuộc hội đàm ở thành phố Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), ông Vương Nghị và ông Abdollahian tuyên bố triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược Trung Quốc - Iran kéo dài 25 năm được ký kết tại Tehran (Iran) hồi tháng 3/2021. Hai bên cũng cam kết tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Iran trong triển khai thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, tăng cường liên lạc và phối hợp hành động, không ngừng đa dạng hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Iran và mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của mối quan hệ song phương trong 50 năm tới.
Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Abdollahian cho biết Iran cam kết thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và ủng hộ việc Trung Quốc đăng cai tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022.
Tại các cuộc thảo luận sâu rộng, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác về năng lượng, cơ sở hạ tầng, năng lực sản xuất, khoa học - công nghệ, y tế và chăm sóc sức khỏe, mở rộng hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và an ninh mạng cũng như tăng cường giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa trên các lĩnh vực giáo dục, điện ảnh và đào tạo nhân sự.
Về vấn đề hạt nhân, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc tiếp tục phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran, đồng thời kêu gọi Mỹ "thể hiện trách nhiệm" đối với thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông nhấn mạnh Bắc Kinh ủng hộ mạnh mẽ việc nối lại đàm phán về JCPOA và sẽ tiếp tục tham gia một cách xây dựng vào các cuộc đàm phán tiếp theo.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng các bên tham gia sẽ vượt qua khó khăn và đạt được thỏa hiệp nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị và ngoại giao trong giải quyết vấn đề này. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abdollahian cho biết Iran cam kết sẽ đạt được các thỏa thuận mang tính ổn định thông qua các cuộc đàm phán nghiêm túc và sẵn sàng duy trì liên lạc chặt chẽ với Trung Quốc.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA vẫn đang diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo. Các vòng đàm phán với sự tham gia của Iran và 5 nước còn lại tham gia ký kết JCPOA gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức. Mỹ chỉ tham gia gián tiếp vào các cuộc đàm phán này.
Liên hợp quốc kêu gọi Mỹ và Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA Liên hợp quốc (LHQ) ngày 14/12 đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời hối thúc nước Cộng hòa Hồi giáo trở lại những cam kết về hạn chế chương trình hạt nhân. Phó Tổng Thư ký...