Vai diễn “thành công” nhất
Bị can Phạm Ngọc Liên (SN 1959, ảnh) từng là diễn viên Đoàn Kịch nói Hà Tây (cũ), năm 1988-1989 Liên xin nghỉ việc, không có nơi ở và việc làm ổn định. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình nuôi 5 người và một mẹ già, năm 2003-2004, Liên chuyển cả gia đình ra Hà Nội, thuê nhà ở phố Mai Hắc Đế để bán nước, lấy tiền sinh hoạt hàng ngày.
Do quen biết với bà Trần Thị Chín ở K9 Đại học Bách khoa Hà Nội, khoảng tháng 10-2004, Liên đi cùng bà Chín đến nhà chị Nguyễn Thị Ly chơi. Kể từ khi biết nhà, Liên thường qua lại chơi để làm quen với chị Ly, mời chị Ly đến nhà ở số 21, ngõ 79, phố Thụy Khuê, Tây Hồ ăn cơm. Tại đây, một vài lần chị Ly gặp Đỗ Thị Thùy Linh (con gái Liên) đi cùng một người nước ngoài. Liên giới thiệu là bạn trai của con gái, quốc tịch Đức và sắp kết hôn. Liên còn “khoe” con gái đang làm ở khách sạn Sofitel, hiện đang buôn bán rượu ngoại, có quầy rượu ngoại trong khách sạn, là chủ sàn nhảy Thần Vệ nữ, chủ quán cà phê Valentine ở Cung Hữu nghị Hà Nội… hiện đang cần vốn đầu tư cho sàn nhảy, mở quán bia hơi, cơm bình dân.
Trên thực tế, nhà số 21, ngõ 79 phố Thụy Khuê là nhà của người khác cho thuê, Liên không buôn bán rượu ngoại và con gái cũng không làm ở Sofitel, càng không có việc con gái sắp kết hôn với người nước ngoài. Vào thời điểm tháng 10-2004, Liên không phải là chủ sàn nhảy và cũng không kinh doanh bất cứ loại hàng hóa nào. Ngoài việc giới thiệu khả năng kinh doanh của mình và con gái, khi đặt vấn đề vay tiền, Liên đã chủ động đưa ra các hình thức vay với lãi suất cao để đánh vào tâm lý người cho vay như: Trong giấy biên nhận ghi vay 10 đồng nhưng chỉ được nhận 8 đồng, trong thời gian từ 30-50 ngày sẽ trả hết số tiền vay… Tài ăn nói của Liên đã thuyết phục được chị Ly nên chị đã cho Liên vay tiền. Để vay được nhiều tiền, trong 12 lần đầu vay với số lượng ít, Liên trả sòng phẳng cả gốc và lãi nên chị Ly càng tin tưởng và tiếp tục cho vay. Mỗi lần nhận tiền, Liên đều viết giấy biên nhận.
Những lần tiếp theo, liên vay tiền với số lượng lớn hơn, đến kỳ hạn Liên thường trả ít hơn lấy lý do khách quan để khất nợ. Tính từ ngày 8-10-2004 đến ngày 25-5-2005, với thủ đoạn trên, Liên đã vay của chị Ly 23 lần với tổng số tiền 8,817 tỷ đồng. Với số tiền này, Liên không đầu tư vào bất kỳ một hình thức kinh doanh nào mà chủ yếu dùng vào việc chi tiêu gia đình hay đập vào những khoản nợ khác. Trong số tiền đã vay, Liên mới trả chị Ly được 609 triệu đồng tiền lãi rồi sau đó khất lần, không trả, chị Ly nghi ngờ vào khả năng thanh toán nên ngày 22-6-2006 đã điện cho Liên xuống văn phòng Công ty Sỹ Ly – Bách Khoa để chốt nợ. Thấy chị Ly có biểu hiện bất thường, do muốn vay tiếp để chi tiêu cá nhân và trả nợ nên Liên đã dễ dàng thống nhất với chị Ly ghi số nợ 8,817 tỷ đồng làm tròn là 9 tỷ đồng.
Sau khi viết giấy biên nhận số tiền trên, Liên tiếp tục đặt vấn đề với chị Ly để vay tiền, mỗi lần vay đều đưa ra các lý do khác nhau như: Đang cần tiền để giải tỏa một container rượu ngoại đang bị giữ tại Hải Phòng; vay tiền để mua xe, mua nhà cho con gái chuẩn bị kết hôn với người nước ngoài; đầu tư thêm vào vốn kinh doanh sàn nhảy; mở quán bia hơi, cơm bình dân… Đây là các lý do nại ra, không có thật. Quá tin tưởng vào khả năng kinh doanh và thanh toán của Liên, mặt khác để tạo điều kiện cho Liên đầu tư vào kinh doanh thu lợi khắc phục khó khăn và trả nợ, nếu không Công ty Sỹ Ly cũng phá sản theo vì đã cho Liên vay quá nhiều tiền nên chị Ly tiếp tục cho Liên vay 11 lần nữa với tổng số tiền là 3,885 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, đến thời hạn thanh toán trả gốc và lãi, chị Ly đã nhiều lần đến gặp Liên để đòi nợ nhưng Liên nói thẳng là không có khả năng thanh toán rồi bỏ trốn vào Lâm Đồng.
Biết không có khả năng thanh toán nhưng do không có tiền chi tiêu cá nhân và trả nợ những người khác, tháng 8-2007, Liên đã nhờ ông Bình ở phố Bà Triệu, phường Hàng Bài, Hà Nội cùng đến doanh nghiệp tư nhân thương mại và dịch vụ Tân Thủy ký tiếp hợp đồng thuê xe ôtô Matiz BKS 29U-5236 để thế chấp lấy số tiền 80 triệu đồng rồi bỏ trốn. Như vậy, toàn bộ số tiền mà Liên đã chiếm đoạt của các bị hại lên tới hơn 13 tỷ đồng. Đến ngày 11-8-2008 bị bắt giữ.
Ngoài hành vi lừa đảo trên, Liên còn có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt chiếc xe ôtô Misubishi trị giá 409 triệu đồng của Công ty CP Sỹ Ly – Bách Khoa. Do chiếc xe đã thu hồi trả cho chủ sở hữu nên buộc bị can phải trả cho Công ty CP Sỹ Ly số tiền chênh lệch khấu hao do quá trình sử dụng là 59 triệu đồng.
Toàn bộ vụ án với những tình tiết trên cho thấy, trong vai trò diễn viên ở đoàn kịch, bị can Phạm Ngọc Liên không hề nổi tiếng và thành công ở vai diễn nào. Nhưng trong đời thường, Liên đã thật sự thành công với vai một người đàn bà thành đạt, năng động, biết nhìn xa trông rộng để nhiều người tin tưởng rồi lừa đảo của họ với số tiền rất lớn. Không chịu lao động lương thiện mà chỉ muốn kiếm nhiều tiền hưởng thụ và đập vào những khoản nợ trước, kẻ lừa đảo đã phải trả giá.
Phạm Ngọc Liên bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Phiên tòa sơ thẩm vụ án trên sẽ diễn ra tại TAND TP Hà Nội vào tháng 4-2010.
Theo ANTD