Vaccine tăng cường phòng Omicron giúp giảm 84% nguy cơ nhập viện ở người cao tuổi mắc COVID-19
Cuối tuần qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố một nghiên cứu cho thấy các vaccine tăng cường mới phòng ngừa biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đạt hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nguy cơ người cao tuổi phải nhập viện do mắc COVID-19.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Worcester, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nghiên cứu của CDC, các vaccine tăng cường mới phòng ngừa Omicron giúp giảm tới 84% nguy cơ phải nhập viện vì COVID-19 ở người từ 65 tuổi trở lên so với nhóm không tiêm phòng. Những người cao tuổi tiêm mũi vaccine này hạn chế được 73% nguy cơ nhập viện so với những người chỉ tiêm 2 mũi hoặc nhiều hơn 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 gốc – những vaccine chưa được phát triển để nhắm mục tiêu vào biến thể Omicron.
Nghiên cứu của CDC được thực hiện từ tháng 9 – 11 năm nay khi dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron và các dòng phụ BQ.1, BQ.1.1 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn đang lây lan mạnh. Khoảng 800 người có độ tuổi trung bình 76 tuổi đã tham gia nghiên cứu này.
Video đang HOT
Trong một nghiên cứu quy mô lớn hơn đối với trên 15.000 người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, vaccine tăng cường phòng Omicron giúp giảm 57% nguy cơ nhập viện khi mắc COVID-19. Những người tiêm mũi vaccine tăng cường này cũng củng cố 38% khả năng miễn dịch so với những người chỉ tiêm các vaccine ngừa COVID-19 ban đầu.
Cả hai nghiên cứu đều không xét tới tác dụng của vaccine tăng cường đối với những người khỏe mạnh hoặc những người đã có miễn dịch tự nhiên từ lần mắc COVID-19 trước đó.
Một nghiên cứu trước đây của CDC chỉ ra rằng vaccine tăng cường phòng Omicron giúp giảm gần 50% nguy cơ mắc bệnh mức độ nhẹ ở hầu hết các nhóm tuổi. Các quan chức y tế Mỹ đã nhiều lần kêu gọi tất cả những người đủ điều kiện tiêm vaccine này trước các kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, chính quyền sở tại đặc biệt chú trọng việc đảm bảo các nhóm dân số dễ tổn thương, như người cao tuổi, cập nhật thông tin mới nhất về các loại vaccine ngừa COVID-19.
Bác sĩ Ashish Jha, Trưởng nhóm đặc trách ứng phó dịch COVID-19 của Nhà Trắng, cho biết hầu hết các ca tử vong vì COVID-19 hiện nay là những người cao tuổi chưa tiêm mũi tăng cường hoặc không được điều trị khi họ lây nhiễm đột phá (mắc COVID-19 sau khi đã tiêm phòng đầy đủ).
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang triển khai chiến dịch nhằm đẩy mạnh tiêm phòng tại các viện dưỡng lão – nơi những người sinh sống tại đây thuộc diện dễ gặp biến chứng nặng nhất khi mắc COVID-19. Theo CDC, mới có chưa đầy 50% người sinh sống tại các viện dưỡng lão tiêm vaccine tăng cường phòng Omicron. Nhìn chung, khoảng 35% người cao tuổi đã tiêm một mũi vaccine tăng cường này, trong khi tỷ lệ tiêm ở nhóm từ 5 tuổi trở lên hiện chỉ đạt 14%.
Italy: Tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều tăng cường cho người trên 60 tuổi
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 14/9, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Italy (AIFA) đã phê duyệt những vaccine sửa đổi chống lại các biến thể mới Omicron 4 và 5 sẽ ưu tiên các trường hợp có nguy cơ và những người trên 60 tuổi.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Turin, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một thông báo, AIFA cho biết vaccine ngừa COVID-19 liều tăng cường sẽ ưu tiên những trường hợp có nguy cơ phát triển những bệnh nghiêm trọng, tuy nhiên, tất cả người dân đều có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều nhắc lại theo chỉ định của bác sĩ hoặc tự lựa chọn.
Theo AIFA, tại thời điểm hiện tại, không có yếu tố nào cho thấy đánh giá ưu biệt đối với mỗi loại vaccine mới chống biến thể phụ BA.1 và BA.4 và BA.5. AIFA khẳng định: "Tất cả đều tăng khả năng bảo vệ chống lại các biến thể khác nhau và giúp duy trì sự bảo vệ tối ưu chống lại COVID-19". Theo đó, AIFA khuyến cáo vaccine chống biến thể BA.1 và BA.4 và BA.5 được khuyến khích ưu tiên cho những trường hợp trên 60 tuổi và những người có nguy cơ.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế, tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu đại dịch là 22.096.450 trường hợp, và ngày 14/9 vẫn ghi nhận 18.854 ca mắc mới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc, trước đó, ngày 9/9, Bộ Y tế cũng đã ban hành chiến dịch tiêm chủng mới bắt đầu triển khai vào mùa Thu Đông, với việc sử dụng các loại vaccine mới của Pfizer và Moderna được điều chỉnh chống lại các biến thể mới.
Dự kiến khoảng 19 triệu liều vaccine mới sẽ được triển khai trong tháng 9, trong đó đối tượng được phép tiêm chủng ở độ tuổi 12 tuổi và việc tiêm vaccine trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khuyến cáo đối tượng ưu tiên là những trường hợp trên 60 tuổi, người già yếu, nhân viên y tế, và phụ nữ mang thai.
Hiệu quả của mũi vaccine tăng cường thứ hai ngừa COVID-19 ở người cao tuổi Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Israel được đăng tải trên Tạp chí Y khoa New England số ra ngày 5/4, mũi tiêm vaccine thứ 4 (tức là mũi tăng cường thứ hai) ngừa COVID-19 bằng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh ở những người cao tuổi, nhưng khả năng bảo vệ dường như...