Vaccine Pfizer hiệu quả như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia dịch tễ, giải thích vaccine hiệu quả 90% không có nghĩa 10 người tiêm thì 9 người sẽ không nhiễm nCoV.
Sau khi hãng Pfizer công bố vaccine có hiệu quả 90%, nhiều chuyên gia về dịch tễ đã phân tích về chỉ số này.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia dịch tễ thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan và Đại học New South Wales, Australia, giải thích chỉ số hiệu quả Vaccine Efficacy (VE) được tính toán theo công thức VE = 1 – (Rx/R0). Trong đó Rx là xác suất nhiễm trong nhóm được tiêm vaccine và R0 là xác suất nhiễm trong nhóm tiêm giả dược (gọi là nhóm chứng).
Nếu Rx = R0 thì VE = 0 (vaccine không hiệu quả). Nếu Rx 0 thì vaccine có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm. Vaccine Pfizer hiệu quả 90%, tức VE = 90%.
“VE = 90%, được hiểu là giảm nguy cơ nhiễm bệnh tới 90% ở nhóm được tiêm vaccine so với nhóm không được tiêm vaccine, chứ không phải ngăn ngừa 90% số ca nhiễm”, giáo sư Tuấn cho biết.
Thử nghiệm giai đoạn ba vaccine của Pfizer tiến hành trên 43.538 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm theo tỷ lệ 50:50, tức là khoảng 21.770 người được tiêm vaccine và khoảng 21.770 người trong nhóm chứng. Trong thời gian theo dõi, các nhà khoa học ghi nhận 94 ca Covid-19. Từ đây, có thể đoán rằng số ca nhiễm trong nhóm vaccine là 8 người, trong nhóm chứng là 86 người. Nguy cơ (hay xác suất) nhiễm trong nhóm vaccine là 0,037% và nhóm chứng là 0,395%, tức là nếu 10.000 người tiêm vaccine thì sẽ có khoảng 4 người bị nhiễm, còn 10.000 người trên không tiêm vaccine thì số ca nhiễm là khoảng 40. Đó chính là nguồn gốc của con số “hiệu quả 90%”.
Giáo sư David Spiegelhalter, chuyên gia thống kê của Đại học Cambridge, nói thêm “hiệu quả 90%” có thể ước đoán là khoảng 8 người trong số 94 ca nhiễm được tiêm vaccine, còn lại dùng giả dược.
Video đang HOT
“Nói một cách đại khái, trong số 94 người bị nhiễm có 8 người đã dùng vaccine và 86 người tiêm giả dược. Bạn không cần những phân tích thống kê một cách cầu kỳ để thấy điều này thực sự ấn tượng. Kết quả đập vào mắt bạn”, David Spiegelhalter nói.
Còn giáo sư Tuấn giải thích: “Cần nhấn mạnh rằng ‘hiệu quả 90%’ không có nghĩa là cứ 100 người được tiêm thì 90 người sẽ không bị nhiễm, mà là giúp giảm 90% nguy cơ nhiễm bệnh ở một quần thể”.
Nhóm nghiên cứu Pfizer đang tính toán số tình nguyện viên để chắc chắn hiệu quả là do vaccine, không phải do yếu tố ngẫu nhiên. Nhóm nghiên cứu cũng tính toán xem cần quan sát bao nhiêu ca nhiễm trong nhóm vaccine và bao nhiêu ca nhiễm trong nhóm chứng để đạt được quy định của Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) về VE tối thiểu là 50%.
Trong thực tế số ca nhiễm trong cộng đồng thường thấp hay rất thấp và dao động rất lớn giữa các quốc gia. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc và Malaysia, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng được ước tính là 4 trên 1.000 người. Vậy nên, đơn vị tính toán của hiệu quả vaccine là tỷ lệ, chứ không phải số ca nhiễm.
Theo giáo sư Tuấn, cần thận trọng với kết quả nghiên cứu này do Pfizer chưa kết thúc thử nghiệm lâm sàng. Công ty sử dụng mô hình thử nghiệm thích ứng (adaptive clinical trial) là mô hình cho phép đánh giá kết quả nghiên cứu nhiều lần. Mỗi lần đánh giá, nhà nghiên cứu có thể ngừng thử nghiệm khi kết quả nghiên cứu không khả quan. Nhóm nghiên cứu dự tính đánh giá 5 lần, hiện còn hai lần nữa khi số ca nhiễm trong các tình nguyện viên lên đến 120, 164. Bên cạnh đó, công ty không công bố tổng số ca nhiễm mà chỉ công bố các ca nhiễm có triệu chứng đã được xác nhận. Do đó, con số hiệu quả 90% chưa phải là con số sau cùng.
Một số nhà khoa học phê bình “cách Pfizer tuyên bố về hiệu quả vaccine là không đúng quy trình”. Quy trình chuẩn là tất cả kết quả phải qua bình duyệt độc lập của các chuyên gia và công bố trên một tập san y khoa trước khi công bố trước công chúng. Trong khi đó, Pfizer tuyên bố hiệu quả 90% dù dữ liệu chưa qua bình duyệt, chưa công bố trên bất cứ tập san khoa học nào.
“Con số đánh giá sau cùng có thể cao hoặc thấp hơn 90%. Dù kết quả như thế nào, vaccine có hiệu quả cao vẫn là đột phá quan trọng”, giáo sư Tuấn cho biết.
Viện Gamaleya của Nga cũng công bố vaccine Sputnik V đạt hiệu quả sơ bộ 92%, sau khi 20 trong số 16.000 tình nguyện viên mắc Covid-19. Cơ quan này đặt mục tiêu thử nghiệm trên 40.000 người. Thông tin chi tiết về thử nghiệm ở Nga không rõ ràng. Các nhà khoa học cũng không thông báo phương pháp nghiên cứu mà họ sử dụng. Người ta không biết con số 92% đến từ đâu và có ý nghĩa thống kê hay không.
Tổ chức Y tế Thế giới kỳ vọng vaccine Covid-19 đạt hiệu quả 70%, trong khi yêu cầu của FDA là ít nhất 50%. Con số 90-92% mà Nga và Pfizer đưa ra vượt xa tiêu chuẩn FDA, cao hơn các loại vaccine cúm thông thường.
Đại diện Pfizer cho biết độ hiệu quả của vaccine có thể thay đổi trong những phân tích cuối cùng. Ông Spiegelhalter cho rằng tình hình “nhìn chung có vẻ ổn”, dựa trên việc 94 tình nguyện viên mắc Covid-19.
“Trong trường hợp này, tác dụng của vaccine rất lớn, kể cả độ hiệu quả có giảm dần theo thời gian”, giáo sư David Spiegelhalter nói.
Người Việt tại Nga tham gia chương trình vaccine ngừa COVID-19
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, từ đầu tháng 9 vừa qua, chính quyền thủ đô Moskva của Nga đã triển khai chương trình phổ biến vaccine vì mục đích kinh tế dành cho mọi người dân có nhu cầu tự nguyện tiêm chủng vaccine Sputnik V ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, sau hơn 1 tháng triển khai, đã có hơn 6.000 người được tiêm chủng loại vaccine này, trong đó có 11 người Việt Nam làm việc tại Moskva tình nguyện tham gia chương trình.
Anh Hồ Anh Tuấn (quê Nghệ An) tự nguyện tham gia chương trình Vaccine vì mục đích kinh tế tại bệnh viện số 220 ở trung tâm Moskva. Ảnh: Trần Hiếu/Pv TTXVN tại Nga
Anh Hồ Anh Tuấn (quê Nghệ An) là một trong những người Việt Nam đầu tiên tại Moskva tình nguyện tham gia chương trình do chính quyền thành phố Moskva triển khai. Anh Tuấn sang Nga làm việc được hơn 10 năm, công việc chính là kinh doanh quần áo tại các chợ ở Moskva. Do điều kiện làm việc trong không gian chật hẹp, thường xuyên tiếp xúc đông người nên anh Tuấn rất lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Khi biết đến chương trình phổ biến vaccine của chính quyền thành phố Moskva, anh Tuấn và gần 20 người Việt Nam cùng làm việc tại các chợ ở Moskva đã tình nguyện đăng ký tham gia.
Anh Tuấn cho biết sau khi nộp đơn đăng ký, anh và cả nhóm được mời đến bệnh viện số 220 ở trung tâm thành phố Moskva để tiến hành các xét nghiệm sàng lọc. Theo quy định của bệnh viện, trước khi tiêm vaccine, các tình nguyện viên được xét nghiệm máu, nước tiểu và dịch mũi họng. Trong số gần 20 người Việt Nam đăng ký làm xét nghiệm, có 11 người đủ điều kiện và đã được tiêm vaccine Sputnik V ngừa COVID-19.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva, anh Hồ Anh Tuấn cho biết sau khi tiêm vaccine, sức khỏe của anh ổn định, buổi tối đầu tiên có sốt nhẹ và ngày hôm sau trở lại bình thường. Theo anh, người tham gia chương trình tiêm vaccine được các bác sĩ Nga khám và tư vấn tận tình, được làm các xét nghiệm và cung cấp bảo hiểm sức khỏe.
Hoàng Kiều Loan (quê Quảng Bình) tình nguyện tham gia chương trình Vaccine vì mục đích kinh tế của thành phố Moskva. Ảnh: Trần Hiếu/Pv TTXVN tại Nga
Cùng tham gia tiêm vaccine trong đợt này có chị Hoàng Kiều Loan, sinh năm 1999, quê Quảng Bình. Sang Nga làm việc được hơn 2 năm tại một tiệm làm tóc ở gần khu vực chợ Sadavod, cô gái quê Quảng Bình không khỏi lo lắng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sau khi biết thông tin chính quyền Moskva mở rộng diện chương trình tiêm chủng vaccine ngừa CVID-19, Loan đã đăng ký online và trải qua các xét nghiệm cần thiết trước khi được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại Moskva cũng đã liên hệ với bác sĩ Angela Viktorovna hỗ trợ nhóm những người Việt vừa được tiêm vaccine và được biết tất cả những người được tiêm thử nghiệm đều có sức khỏe ổn định, một số người đã có phản ứng ban đầu với vaccine như hắt hơi, sốt nhẹ. Bác sĩ này cho biết, những người tham gia chương trình vaccine vì mục đích kinh tế của thành phố Moskva sẽ được theo dõi và kiểm tra sức khỏe trong vòng 180 ngày kể từ sau khi tiêm chủng.
Bác sĩ Angela Viktorovna khẳng định vaccine Sputnik V đã trải qua hai chu trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện trước khi được cấp phép đăng ký chính thức. Các kết quả thử nghiệm cho thấy loại vaccine do Nga sản xuất an toàn với sức khỏe. Vaccine Sputnik V không chứa bất kỳ thuộc tính virus nào và vì vậy khả năng người được tiêm vaccine bị ốm hay lây truyền bệnh cho những người khác đã được loại trừ. Ngoài ra, tất cả những người tham gia đều được cung cấp bảo hiểm sức khỏe miễn phí cùng với cam kết được bồi thường trong các trường hợp bị tổn hại sức khỏe do việc tiêm vaccine gây ra.
Bác sĩ Maria Skabrovna, người trực tiếp thăm khám cho những người Việt Nam, cho biết quá trình tiêm chủng vaccine sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn với 2 lần tiêm cách nhau 21 ngày. Cơ thể những người được tiêm vaccine sẽ hình thành cơ chế kháng virus gây bệnh COVID-19 nhờ kháng thể được tạo ra từ vaccine.
Theo bác sĩ Skabrovna, các tình nguyện viên tham gia chương trình được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, được cung cấp phần mềm ứng dụng theo dõi sức khỏe và tư vấn trực tuyến trên điện thoại di động. Các bác sĩ luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi lúc đối với tình nguyện viên nếu có diễn biến bất thường về tình trạng sức khỏe sau khi tiêm vaccine.
Chương trình tiêm chủng vaccine vì mục đích kinh tế được chính quyền thành phố Moskva phát động từ đầu tháng 9 tại gần 20 cơ sở y tế, được xem là một trong những biện pháp giúp chính quyền địa phương nhanh chóng ổn định tình hình lây lan COVID-19. Chương trình này nằm trong tiến trình nghiên cứu thử nghiệm bổ sung vaccine Sputnik V trên diện rộng tại Nga sau khi được cấp phép đăng ký từ tháng 8/2020. Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin cho biết đã có hơn 6.000 người dân thành phố và công dân nhiều quốc gia đã tham gia tiêm chủng, tất cả những người tham gia tiêm vaccine đều có sức khỏe ổn định. Theo lãnh đạo thành phố Moskva, chương trình góp phần phổ biến vaccine Sputnik V do Nga sản xuất và mở rộng đối tượng được tiêm chủng ngừa COVID-19, bao gồm người cao tuổi và trẻ em. Dự kiến, việc sản xuất hàng loạt theo quy mô công nghiệp đối với vaccine Sputnik V sẽ diễn ra vào tháng 1/2020.
Tính đến ngày 12/10, LB Nga có thêm 13.592 ca mắc mới tại 85 chủ thể trên cả nước, thủ đô Moskva có 4.395 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Nga đã vượt qua mốc 1,3 triệu người, trong đó hơn 1 triệu người đã được chữa khỏi bệnh, hơn 22.000 trường hợp tử vong do COVID-19.
Chuyên gia Nga bảo vệ cách sản xuất vaccine Covid-19 như 'thời chiến' Nga lên kế hoạch công bố kết quả sơ bộ của thử nghiệm vaccine Sputnik V sau 6 tuần theo dõi, đẩy nhanh tốc độ trong cuộc chạy đua toàn cầu. Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya, phụ trách điều chế vaccine ngừa Covid-19 của Nga, nói với Reuters rằng tốc độ phát triển vaccine là rất quan trọng trong điều kiện...