Vaccine Nga ‘phủ sóng’ sân sau của Mỹ
Nga đang trở thành nhà cung cấp vaccine Covid-19 chủ yếu cho Mỹ Latinh, điều có thể tạo tác động lâu dài đến định hình thế giới sau đại dịch.
Trong khi Nga đối mặt các cuộc biểu tình trong nước và bị nhiều nước phương Tây chỉ trích về vấn đề nhân quyền, những lùm xùm đó ít được chú ý ở Mỹ Latinh. Tại đây, đánh giá bình duyệt trên tạp chí y khoa Lancet rằng vaccine Sputnik V hiệu quả 91,6% đã được hoan nghênh nhiệt liệt.
Eduardo Valdes, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Argentina, nói rằng có ranh giới rõ ràng giữa đàm phán vaccine và các yếu tố khác. “Giờ không phải là lúc tập trung vào ý thức hệ. Mục tiêu của chúng tôi là Tây bán cầu có được vaccine và không can thiệp vào công việc nội bộ của bên khác”.
Các lô Sputnik V được đưa đến Buenos Aires, Argentina ngày 12/2. Ảnh: AFP .
Dù vốn được coi là “sân sau” địa chính trị của Washington, Mỹ Latinh đang quay sang Moskva để được giúp đỡ trong nỗ lực đối phó đại dịch. 6 quốc gia trong khu vực gồm Argentina, Bolivia, Mexico, Nicaragua, Paraguay và Venezuela đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V. Những nước khác đang xem xét làm theo, khi việc cấp phép ngày càng cấp thiết do tình trạng thiếu vaccine trên toàn cầu.
Colombia, đồng minh khu vực thân cận nhất của Mỹ, cũng dự kiến cấp phép Sputnik V, một quyết định khiến nhiều người ngạc nhiên do mối quan hệ chặt chẽ giữa một số quan chức trong chính phủ Colombia và đảng Cộng hòa Mỹ. Trước đây, các thành viên cực hữu trong đảng Centro Democrático của Tổng thống Iván Duque Márquez đã công khai chỉ trích sự can dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Mỹ Latinh.
Nhưng khi Colombia nhận thấy mình chưa có vaccine nào trong tay vào cuối tháng một, Duque dường như đã quyết định gạt vấn đề ý thức hệ sang một bên. Một ngày sau khi Lancet công bố báo cáo, Colombia thông báo họ sẽ đàm phán với Nga.
Chưa đầy ba tháng trước đó, Bogotá đã trục xuất hai quan chức Nga mà không nêu cụ thể lý do. Nhưng việc trục xuất “không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán để đưa vaccine tới đây”, Leonid Sboiko, quan chức Đại sứ quán Nga ở Bogotá, nói. Bộ Y tế Colombia từ chối bình luận về tình trạng của các cuộc đàm phán.
Thỏa thuận vaccine có thể giúp xoa dịu quan hệ hai bên. “Cả hai nước đều muốn ‘lật sang trang mới’”, Sboiko nói. “Hợp tác vaccine là vấn đề cấp bách nhất hiện nay và sẽ ảnh hưởng tích cực đến mối quan hệ song phương Nga – Colombia”.
Sboiko cho biết Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), nơi đảm nhận việc thương mại hóa vaccine Sputnik V, tuần trước đã trình yêu cầu cấp phép khẩn cấp lên cơ quan y tế Colombia INVIMA. Họ tuyên bố sẵn sàng cung cấp 100.000 liều trong vòng 14 ngày sau khi mua. Colombia sẽ bắt đầu tiêm vaccine trong tuần này, sau khi nhận được 50.000 liều từ Pfizer.
“Tôi nghĩ rằng họ phải ‘cắn răng’ mua vaccine bất kể bên cung cấp là ai. Và người Nga đã hành động rất thực dụng”, Juan Carlos Ruiz, giáo sư về quan hệ đối ngoại tại Đại học Bogota, nói.
Nhu cầu đặt mua thêm vaccine ở Mỹ Latinh là rất cấp thiết. Các nước Mỹ Latinh nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi đại dịch, nhưng hầu hết chưa bắt đầu chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn.
Theo Đại học Oxford, các quốc gia Nam Mỹ trung bình đã tiêm chưa đến hai liều trên 100 người, so với gần 5 liều trên 100 người ở EU và hơn 14 liều trên 100 người ở Mỹ.
Theo Danil Bochkov, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, cho rằng việc Nga sẵn sàng ký kết thỏa thuận là yếu tố quan trọng trong việc phổ biến vaccine trên khắp Mỹ Latinh.
“Giao dịch với nhà nước luôn dễ dàng hơn so với công ty tư nhân, vốn phải đề phòng rủi ro có thể xảy ra vì sợ thiệt hại lớn. Dễ thương lượng với các công ty nhà nước hơn, đặc biệt khi họ đang theo đuổi các mục tiêu chính trị”, Bochkov nói.
Eduardo Valdes, nhà lập pháp Argentina, nói rằng các cuộc đàm phán với Moskva dễ dàng hơn với Pfizer, bên chính phủ Argentina ban đầu dự định mua vaccine. “Chúng tôi đánh giá rằng những hợp đồng của Pfizer không phù hợp các giao thức pháp lý mà chúng tôi mong đợi”, Valdes nói. “Chúng tôi đã liên hệ với người Nga và Tổng thống Fernandez đã liên hệ trực tiếp với Putin, điều giúp đẩy nhanh tiến độ”.
Video đang HOT
Argentina đã đặt mua tới 25 triệu liều vaccine Sputnik V và đã triển khai tiêm hơn 600.000 liều. Trong khi đó, họ vẫn đang chờ Pfizer bàn giao lô hàng đầu tiên. Pfizer cho biết công ty vẫn cam kết làm việc với chính phủ Argentina nhưng từ chối bình luận về tình trạng của các cuộc đàm phán bí mật.
Các nước láng giềng trong khu vực như Peru và Brazil cũng gặp một số vấn đề trong đàm phán với Pfizer, được cho là do một số điều khoản về trách nhiệm mà công ty yêu cầu. Cuối cùng, họ chuyển sang các loại vaccine khác. Peru chọn vaccine của tập đoàn Trung Quốc Sinopharm, trong khi Brazil chọn Coronavac của Trung Quốc và AstraZeneca của Anh – Thụy Điển.
Ngoài việc đàm phán dễ dàng, có hai yếu tố khác tạo ra lợi thế cho Sputnik V ở Mỹ Latinh: giá thành rẻ và tương đối dễ bảo quản.
Ngay cả trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu, RDIF đã niêm yết giá của Sputnik V vào khoảng 10 USD cho mỗi liều – gần một nửa so với vaccine Pfizer. Các nền kinh tế Mỹ Latinh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và việc tiết kiệm luôn được các nhà quản trị và chính trị gia hoan nghênh.
Vaccine của Nga cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, trong khi vaccine Pfizer đòi hỏi mức nhiệt bảo quản -70 độ C. Phần lớn Mỹ Latinh thiếu cơ sở hạ tầng để duy trì mức nhiệt độ siêu thấp đó, đặc biệt là ở các vùng nông thôn với giao thông hạn chế.
Các loại vaccine tư nhân khác, như của AstraZeneca và Moderna, vẫn chưa được bàn giao số lượng lớn ở Mỹ Latinh, trong khi các nước như Brazil, Chile và Mexico đã đầu tư vào vaccine do Trung Quốc sản xuất. Trên thế giới, 26 quốc gia đã phê duyệt vaccine Sputnik V.
Các cựu quan chức ngoại giao và nhà phân tích đánh giá Tổng thống Nga Putin có thể thu được lợi ích từ sự “phủ sóng” của vaccine, có khả năng sử dụng nó như một tấm danh thiếp toàn cầu để bắt đầu các mối quan hệ hòa nhã hơn.
Lợi ích của Nga ở Mỹ Latinh vừa mang tính chính trị (cạnh tranh sức ảnh hưởng của Mỹ ở Tây bán cầu) và vừa mang tính thương mại (mở rộng thị trường cho các công ty Nga). Bán vaccine phục vụ cả hai mục tiêu này, theo Andres Serbin, chủ tịch Điều phối viên Khu vực Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (CRIES), tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại ở Buenos Aires.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang tìm cách nâng cao hình ảnh sau nhiều năm đối đầu với Mỹ và EU. Vai trò nhà cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển là cơ hội hoàn hảo cho một chiến dịch PR tích cực. “Nga đã sử dụng Sputnik V như một công cụ ngoại giao”, Bochkov nói.
Về mặt thương mại, việc bán hàng triệu liều vaccine cũng đồng nghĩa thu về lợi nhuận hàng triệu USD – điều quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế Nga, vốn chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong khi đó, phương Tây chủ yếu chỉ tập trung phân phối vaccine trong nước hoặc khu vực của mình . Hồi tháng một, Anh và EU đã tranh cãi về việc phân phối vaccine, trong khi Nhà Trắng đặt mua số lượng vaccine nhiều đến mức đủ để mỗi người Mỹ tiêm 7 liều, theo dữ liệu do Đại học Duke thu thập.
“Khác biệt là Mỹ đang chủ yếu nỗ lực để công dân Mỹ được tiêm vaccine, trong khi những nước khác như Nga và Trung Quốc tìm cách xây dựng nhiều mối quan hệ”, Pablo Solon, cựu đại sứ Bolivia tại Liên Hợp Quốc, nói.
Amadeo Gandolfo, học giả người Argentina về truyền thông chính trị tại Đại học Humboldt của Berlin, nói rằng các cường quốc phương Tây lẽ ra có thể đã giành được lợi thế về chính trị và thậm chí là đạo đức, nhưng đã bỏ lỡ cơ hội quan trọng để khẳng định chiến thắng về mặt đạo đức khi cho phép các công ty đăng ký bằng sáng chế vaccine.
“Khi toàn thế giới đều rất cần vaccine, việc để các công ty dược phẩm định đoạt và không cho phép tự do hóa công thức vaccine đã đẩy một số khu vực của Mỹ Latinh ra xa”, Gandolfo nói.
Giờ đây, giống như bất kỳ sản phẩm mới được cấp bằng sáng chế nào, vaccine do tư nhân phát triển được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ và không thể bị các công ty hoặc quốc gia khác sao chép. Vì vậy, trong khi các công ty tư nhân như Pfizer và AstraZeneca đang phải chật vật đáp ứng đơn đặt hàng, các phòng thí nghiệm khác không thể nhập cuộc sản xuất các loại vaccine tương tự để tăng nguồn cung.
Thay vào đó, nhiều quốc gia phương Tây đã đầu tư vào cơ chế Covax , khuôn khổ do Tổ chức Y tế Thế giới thúc đẩy để phân phối vaccine với số lượng lớn và đảm bảo hàng cho các nước đang phát triển không có khả năng tự mua vaccine.
Nhưng trong khi Covax hứa hẹn sẽ tiêm chủng cho 20% dân số các nước đang phát triển và cho biết họ sẽ ưu tiên 4 quốc gia Mỹ Latinh, họ vẫn chưa bàn giao bất kỳ liều nào.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, đã có những tranh luận xoay quanh việc liệu nỗ lực tiêm chủng có bình đẳng hơn nếu các công ty dược phẩm phương Tây không được phép cấp bằng sáng chế và thương mại hóa vaccine hay không. Nam Phi và Ấn Độ đã thúc giục Tổ chức Thương mại Thế giới đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Covid-19 nhưng không thành công.
Solon, nhà ngoại giao Bolivia, lập luận rằng điều này sẽ khiến các chính phủ phương Tây phải trả giá đắt về địa chính trị thời hậu đại dịch. “Thế giới đã đa cực trong một thời gian. Nhưng trong thế giới đa cực này, Nga và Trung Quốc đang tiến rất nhanh. Tình hình hiện giờ ngày càng củng cố xu hướng đó”.
5 trường điều dưỡng tốt nhất tại Mỹ
Mỹ là quốc gia có nhiều trường đào tạo về điều dưỡng tốt nhất và cũng là một trong những nghề mang lại thu nhập cao.
Dưới đây là 5 trường điều dưỡng tốt nhất tại Mỹ:
1. Trường Điều dưỡng Đại học Johns Hopkins
Trường điều dưỡng Johns Hopkins đã được xếp số 1 trong danh sách 100 trường điều dưỡng tốt nhất tại Mỹ thông qua đánh giá của các trung tâm nghiên cứu và các nhà nghiên cứu y khoa chuyên nghiệp, các giáo sư hàng trong nước và trên toàn thế giới.
Đại học Johns Hoplins được thành lập vào năm 1889. Đây cũng là một trong những trường đào tạo điều dưỡng lâu đời nhất tại Mỹ.
Sứ mệnh của nó là cải thiện sức khỏe của các cá nhân và cộng đồng đa dạng tại địa phương và toàn cầu, thông qua sự lãnh đạo và xuất sắc trong giáo dục điều dưỡng, nghiên cứu, thực hành và dịch vụ.
Trường điều dưỡng Johns Hopkins đã được xếp hạng số 1 trong danh sách 100 trường điều dưỡng tốt nhất tại Mỹ (Ảnh: website trường).
Việc nhập học tại Johns Hopkins có tính chọn lọc cao, với hàng nghìn ứng viên từ khắp nơi trên thế giới cạnh tranh cho một vị trí. Nếu đăng ký với tư cách là sinh viên quốc tế, bạn sẽ cần cung cấp bằng chứng về trình độ tiếng Anh của mình bằng cách nộp điểm TOEFL.
Các bằng được cung cấp: Thạc sĩ Khoa học về điều dưỡng, Tiến sĩ thực hành điều dưỡng.
2. Khoa điều dưỡng Đại học Duke
Tọa lạc tại Durham, Đại học Duke là một trong những trường đại học điều dưỡng hàng đầu tại Mỹ (đứng thứ 2 trong danh sách), cung cấp nhiều chương trình, trong đó phổ biến nhất là Cử nhân Khoa học cấp tốc về Điều dưỡng.
Duke tập trung nhiều vào sự kết hợp của giáo dục xuất sắc, đa dạng, đóng góp cho sức khỏe cộng đồng, tác động toàn cầu, thực hành lâm sàng và gắn kết với trường đại học sau khi tốt nghiệp.
Ngoài chương trình học kết hợp với môi trường thực hành lâm sàng hiện đại, trường còn có các trung tâm nghiên cứu nổi tiếng như: Trung tâm Điều dưỡng Lão khoa hoặc Viện Giáo dục.
Các bằng được cung cấp: Cử nhân khoa học điều dưỡng, Thạc sĩ khoa học điều dưỡng, Tiến sĩ thực hành điều dưỡng.
3. Đại học Bắc Carolina
Đại học Bắc Carolina cung cấp toàn bộ các chương trình điều dưỡng, sinh viên tốt nghiệp nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí có thể trở thành giảng viên của trường.
Đây cũng là đại học có tên trong danh sách các trường có ngành điều dưỡng tốt nhất tại Mỹ.
Trường Đại học Bắc Carolina cung cấp nhiều chương trình điều dưỡng khác nhau. (Ảnh: Website trường).
Ngoài ra, trường cũng rất chuyên tâm vào nghiên cứu và họ nổi tiếng với các nghiên cứu về phòng ngừa bệnh mãn tính. Họ là một trong số ít trường học ở Mỹ có phòng thí nghiệm hành vi sinh học, nơi nghiên cứu các biện pháp hành vi sinh học và các thông số sinh lý.
Trường cấp các bằng: Cử nhân khoa học điều dưỡng, Thạc sĩ khoa học điều dưỡng, Tiến sĩ thực hành điều dưỡng.
4. Trường Điều dưỡng Đại học Pennsylvania
Trường điều dưỡng nằm ở Philadelphia và là một phần của mạng lưới Đại học Pennsylvania. Đây là một trường điều dưỡng được đánh giá cao và được tài trợ tốt cung cấp các chương trình đại học cũng như các cơ hội nghiên cứu Thạc sĩ và Tiến sĩ khác nhau.
Các y tá tương lai có thể học chương trình cử nhân khoa học điều dưỡng theo phương pháp thông thường hoặc theo chương trình cấp tốc. Ngoài ra còn có 15 chương trình thạc sĩ và sinh viên có thể lấy bằng liên kết trên toàn Đại học Pennsylvania.
Đây là một cơ hội tuyệt vời để tận dụng lợi thế của việc gần các trường đại học đẳng cấp thế giới khác như Trường Wharton, cùng với đó bạn có thể lấy bằng Cử nhân Khoa học Kinh tế.
Các bằng được cung cấp: Cử nhân khoa học điều dưỡng, thạc sĩ khoa học điều dưỡng.
5. Trường Điều dưỡng Nell Hodgson Woodruff - Đại học Emory
Trường có trụ sở tại Atlanta, Georgia và nổi tiếng về các chuyên ngành nhi khoa và hộ sinh.
Đại học Emory cung cấp nhiều chương trình học cấp tốc phù hợp với nhiều nền tảng nghề nghiệp khác nhau. Bạn có thể học cử nhân khoa học điều dưỡng cấp tốc từ xa chỉ kéo dài 52 tuần hoặc theo học Thạc sĩ Điều dưỡng trong 15 tháng.
Các bằng được trường cấp gồm: Cử nhân điều dưỡng, Thạc sĩ điều dưỡng, Tiến sĩ điều dưỡng.
Phổi nhân tạo đột phá trong nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 Những lá phổi nhân tạo tí hon, được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm từ các tế bào gốc trưởng thành, cho phép các nhà khoa học theo dõi cách thức virus SARS-CoV-2 lây nhiễm vào phổi. Phổi nhân tạo được coi là bước đột phá trong nghiên cứu về virus SARS-CoV-2. Ảnh: AP Các nhà nghiên cứu từ Đại học Duke và...