Vaccine Covid-19 đang ở đâu?
Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Australia đang có 160 “ứng viên” tiềm năng ngừa nCoV, trong đó 20 loại đến giai đoạn thử nghiệm trên người.
Gần 140 loại khác được đánh giá tiền lâm sàng, theo báo cáo ngày 6/7 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cuộc đua toàn cầu đến giai đoạn nước rút, Nga trở thành quốc gia đầu tiên hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng, có thể phân phối những liều vaccine đầu tiên giữa tháng 8. Anh cũng dự kiến cung cấp vaccine cho công dân vào nửa đầu năm tới. Trong khi đó, Australia vừa bắt đầu quá trình thử nghiệm trên người hôm 13/7.
Nga
Thử nghiệm lâm sàng của Nga diễn ra tại Đại học Y khoa Sechenov. Theo Elena Smolyarchuk, người đứng đầu dự án, vaccine chứng minh được tính hiệu quả nhất định.
“Nghiên cứu đã hoàn thành. Kết quả cho thấy vaccine đủ an toàn. Các tình nguyện viên sẽ xuất viện ngày 15 và 20/7″, bà Smolyarchuk nói. Người tham gia thử nghiệm vẫn được giám sát y tế như một bệnh nhân ngoại trú.
Alexander Gintsburg, Viện trưởng Viện Dịch tễ học và Vi sinh Gamalei, nơi phát triển vaccine, kỳ vọng liều đầu tiên được chấp thuận ngày 12 đến 14/8. Các công ty công nghệ sinh học có thể sản xuất đại trà kể từ tháng 9.
Phòng thí nghiệm điều chế vaccine Covid-19 của Đại học Y Sechenov cũng từng tiến hành nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa Ebola và Mers.
Australia
Vaccine của Australia tiến đến thử nghiệm lâm sàng ngày 13/7 vừa qua, tại Đại học Queensland. Sản phẩm có sự hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu Khoa học & Công nghiệp Khối thịnh vượng chung, Công ty Công nghệ sinh học CSL và Cytiva. Giai đoạn đầu của nghiên cứu có 120 tình nguyện viên tham gia, độ tuổi từ 18 đến 55. Họ được chia làm hai nhóm, tiêm vaccine và sử dụng giả dược.
Video đang HOT
Các chuyên gia tại Đại học Queensland nghiên cứu phát triển vaccine tại phòng thí nghiệm, tháng 5/2020. Ảnh: ABC
Phó giáo sư Paul Griffin, Đại học Queensland, xác nhận nhóm dùng vaccine sẽ được theo dõi trong vòng 12 tháng. Giáo sư Paul Young, đồng trưởng nhóm của dự án cho biết: “Chúng tôi hy vọng có kết quả sơ bộ sau ba tháng. Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng tôi sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn tiếp theo, quy mô lớn hơn, trên các tình nguyện viên ở nhiều độ tuổi, để chắc chắn rằng vaccine hiệu quả toàn cầu”.
Anh
Hiện có hai “ứng viên” tiềm năng được nghiên cứu ở Anh. Một trong số đó do Đại học Hoàng gia London phát triển, dự kiến đưa vào sử dụng nửa đầu năm 2021, theo Giáo sư Robin Shattock.
Liều thử nghiệm đầu tiên đã được tiêm cho 15 người vào đầu tháng này. Giai đoạn tiếp theo có sự tham gia của 300 tình nguyện viên. Nếu vaccine an toàn và hiệu quả, nghiên cứu sâu rộng hơn, trên 6.000 người, sẽ được khởi động vào tháng 10.
Tháng trước, công ty dược phẩm AstraZeneca, đơn vị phát triển thứ hai tại Anh, cũng tuyên bố sẽ phân phối 400 triệu liều vaccine của hãng cho các nước thuộc Liên minh châu Âu. Sản phẩm được điều chế tại Viện Jenner, trực thuộc Đại học Oxford, vừa bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba hôm 3/6 tại thành phố São Paulo và Rio de Janeiro, Brazil.
Trước đó, 4.000 tình nguyện viên Anh đã tham gia thử nghiệm lâm sàng, diễn ra ở nước này. Nhóm nghiên cứu Oxford-AstraZeneca cũng tiếp tục tìm thêm 10.000 người khác cho các giai đoạn sau.
Mỹ
Ngày 8/7, công ty công nghệ sinh học Moderna đã hoàn tất đăng ký thử nghiệm giai đoạn hai cho vaccine mRNA-1273. Cùng ngày, nghiên cứu độc lập khác, được thực hiện bởi Viện Y tế Quốc gia trên sản phẩm này, cũng tiến vào giai đoạn một.
Các thử nghiệm trước đó của hãng bắt đầu hồi tháng 3, tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Kaiser Permanente Washington.
Tháng trước, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, Tiến sĩ Anthony Fauci, nhận định quá trình phát triển vaccine đang diễn ra “rất nhanh chóng”. Ông “lạc quan một cách thận trọng”, rằng Mỹ có thể phân phối liều đầu tiên vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Tình nguyện viên được tiêm thử vaccine Covid-19 tại Viện Nghiên cứu Kaiser Permanente Washington, tháng 3/2020. Ảnh: NY Times
Moderna cho biết: “Hãng đã sản xuất đủ số lượng vaccine cần thiết cho thử nghiệm giai đoạn ba. Liều lượng ở mức 100 g. Công ty vẫn đi đúng hướng để có thể cung cấp khoảng 500 triệu liều mỗi năm, dự kiến lên tới một tỷ liều, bắt đầu từ năm 2021″.
Công ty công nghệ sinh học Novavax, trụ sở tại Maryland bắt đầu thử nghiệm giai đoạn một đối với vaccine NVX-CoV2373 hồi tháng 5. Kết quả sơ bộ có thể được công bố trong tháng 7. Chính phủ Mỹ cũng mạnh tay tài trợ 1,6 tỷ USD cho sản phẩm của Novavax. Đổi lại, hãng sẽ ưu tiên 100 triệu liều đầu tiên cho công dân Mỹ.
Tháng 6, hãng dược Inovio tuyên bố 94% trong số 40 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn một “phát triển phản ứng miễn dịch tổng thể 6 tuần sau khi tiêm hai liều”.
Trung Quốc
Hãng dược phẩm CanSino Biologics đã khởi động thử nghiệm trên người loại vaccine có tên gọi Ad5-nCoV hồi tháng 5 năm nay. Các chuyên gia được cho là đang đàm phán với Nga, Brazil, Chile và Arab Saudi để bắt đầu nghiên cứu giai đoạn ba.
Ông Qiu Dongxu, giám đốc điều hành, kiêm người sáng lập công ty, lưu ý thử nghiệm giai đoạn hai cho kết quả “tốt hơn nhiều” so với trước đó, xét trên yếu tố an toàn và hiệu quả kích thích cơ thể sinh phản ứng miễn dịch. Các bước tiếp theo có thể bắt đầu khá sớm, với 40.000 tình nguyện viên.
Hãng cũng xây dựng một nhà máy mới, đủ năng lực sản xuất 100 đến 200 triệu liều vaccine mỗi năm, kể từ 2021.
Hai “ứng viên” khác, được phát triển bởi Công ty công nghệ sinh học Sinovac, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) đã được phê duyệt thử nghiệm giai đoạn cuối cùng.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan khắp toàn cầu
Người dân ở Mỹ, Australia và châu Âu ngày 6/6 tổ chức các cuộc biểu tình lớn lên án nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát.
Tại Anh, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường Quốc hội ở trung tâm London và những con phố xung quanh, bất chấp thời tiết lạnh và mưa như trút nước. Hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang để ngăn nCoV và liên tục hô vang "George Floyd", "Mạng sống người da màu cũng quan trọng", "Không công lý, không hòa bình".
Không khí im lặng sau đó bao trùm quảng trường trong khoảng một phút, khi mọi người đồng loạt quỳ xuống nền đất ẩm ướt và giơ nắm đấm lên trời, biểu tượng cho phong trào chống phân biệt chủng tộc.
Người dân biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở London hôm nay. Ảnh: NY Times.
Tại Paris, Pháp, chính quyền đã cấm mọi người tụ tập trước Đại sứ quán Mỹ, song hàng nghìn người dự kiến vẫn biểu tình tại đó và khu vực gần tháp Eiffel. Điều này lặp lại một cuộc biểu tình hôm 3/6 thu hút gần 20.000 người tham gia, tưởng nhớ đến Adama Traoré, một người Pháp đã chết sau khi bị cảnh sát bắt giam vào năm 2016.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói cái chết của George Floyd "thật khủng khiếp" và "phân biệt chủng tộc". "Chúng tôi biết một vài điều về phân biệt chủng tộc ở đây và có rất nhiều điều phải làm liên quan tới nó. Đó là những điều tôi muốn nói rõ ràng", bà Merkel cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Đức Deutsche Welle.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cho biết bà tin rằng "với sức mạnh dân chủ ở Mỹ, họ sẽ có thể vượt qua tình huống khó khăn này".
Cùng ngày, hàng chục nghìn người dân trên khắp các thị trấn và thành phố ở Australia cũng xuống đường biểu tình ủng hộ cho phong trào "Mạng sống người da màu cũng quan trọng", bất chấp cảnh báo của Thủ tướng Scott Morrison rằng các cuộc tụ tập lớn có thể gây ảnh hưởng tới nỗ lực kiểm soát Covid-19.
Các cuộc biểu tình ở Mỹ đã lan khắp 50 bang sau khi George Floyd, một người đàn ông da màu, bị cảnh sát ghì chết hôm 25/5.Biểu tình nâng lên thành đấu tranh chống phân biệt chủng tộc khi ký ức về những cái chết thương tâm và bất công của người da màu được khơi dậy.
Australia cân nhắc yếu tố Trung Quốc trước khi trở thành thành viên G7 Hiện vẫn chưa rõ, Australia sẽ dự thượng đỉnh G7 vào tháng 9 tới với tư cách khách mời hay đã được đề nghị làm thành viên chính thức của cơ chế này. Truyền thông Australia vừa cho biết, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Scott Morrison về việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh...