Vắc-xin HPV: Cách ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả
Để phòng và giảm nguy cơ mắc bệnh, phụ nữ cần tiêm đủ 3 mũi vắc-xin ngừa HPV trong vòng 6 tháng.
GS. Nguyễn Trần Hiển – CT Hội Y học Dự phòng VN, nguyên viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW khẳng định như trên tại buổi trao đổi công tác phòng chống ung thư cổ tử cung (UTCTC).
- Hội đang triển khai một chương trình rất ý nghĩa mang tên ‘Phòng chống HPV, Phòng chống ung thư cổ tử cung – lan tỏa hy vọng’. Giáo sư có thể chia sẻ đôi nét về chương trình này?
- Đây là chương trình được phối hợp giữa Hội Y học Dự phòng Việt Nam, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và fanpage HPV Việt Nam. Mục đích nhằm tăng nhận thức và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay để giảm tỷ lệ UTCTC, vì tương lai của phụ nữ Việt Nam.
Chúng tôi thực hiện tuyên truyền dưới nhiều hình thức: video clip, bài viết… trên Internet, báo in. Bên cạnh đó chương trình có các bác sĩ nhiều kinh nghiệm túc trực qua tổng đài 1800545459 để tư vấn, giải đáp thắc mắc việc phòng ngừa UTCTC.
- Những thành viên muốn tham gia có thể dùng cách gì để lan tỏa thông điệp ý nghĩa của chương trình?
- Chúng tôi khuyến khích sự chung tay của cộng đồng. Theo đó mọi người có thể góp phần đưa thông điệp đến với nhiều người hơn qua website lantoahyvong.vn.
Ngày 20/12, khi chương trình đạt 120.000 người đăng ký, chúng tôi đã đem 360 liều vắc-xin ngừa UTCTC miễn phí đến với 120 trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo tại Sa Pa.
Chương trình giúp tuyên truyền kiến thức phòng chống UTCTC. Ảnh: Mladi.
Video đang HOT
- Thực trạng của căn bệnh này tại Việt Nam như thế nào?
- UTCTC là bệnh ung thư phụ khoa phổ biến thứ 2 ở phụ nữ, sau ung thư vú. Theo thống kê mỗi năm trên thế giới có khoảng 490.000 phụ nữ mắc căn bệnh này, số lượng tử vong lên đến 270.000 trường hợp. Riêng tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5.300 ca mắc và 2.500 ca tử vong mỗi năm, tương đương với trung bình 7 ca tử vong mỗi ngày.
Bệnh để lại những hệ lụy rất lớn, nếu không được điều trị kịp thời có thể phải cắt bỏ toàn bộ tử cung, gây ảnh hưởng nặng nề đến việc sinh sản. Đặc biệt, UCTCT còn có khả năng lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
- Chương trình có ý nghĩa gì đối với xã hội?
- Trước thực trạng trên, Hội Y học Dự phòng Việt Nam mong muốn tổ chức thực hiện chương trình để nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc phòng chống HPV và các căn bệnh do HPV gây ra. Loại bỏ mối nguy này sẽ góp phần mang lại tương lai tươi sáng, hạnh phúc hơn cho những người phụ nữ Việt Nam.
- Giáo sư có thể chia sẻ thêm về các biện pháp được xem là hiệu quả trong việc phòng ngừa UTCTC hiện nay?
- HPV (HumanPapillomaVirus) được xác nhận là nguyên nhân hàng đầu của UTCTC. Để phòng và giảm nguy cơ mắc bệnh, phụ nữ cần tiêm đủ 3 mũi vắc-xin ngừa HPV trong vòng 6 tháng. Nữ giới trong độ tuổi 9-26 tuổi, chưa hoặc đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm ngừa.
Ngoài việc tiêm ngừa, chị em cũng cần khám phụ khoa định kỳ hàng năm, để phát hiện sớm các bệnh phụ nữ thường gặp. Nên thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường nhằm điều trị kịp thời, giảm nguy cơ các bất thường này tiến triển thành UTCTC.
- Đây có phải là biện pháp an toàn nhất để phòng căn bệnh này?
- Theo thông báo Dịch tễ học hàng tuần của Tổ chức Y tế Thế giới đăng ngày 22/1 năm nay, Ủy ban Cố vấn Toàn cầu về An toàn vắc-xin của WHO đã khẳng định tính an toàn của vắc-xin ngừa HPV và khuyến cáo sử dụng rộng rãi.
Tại Việt Nam, vắc-xin ngừa HPV đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng từ năm 2008. Hiện có 2 loại vắc-xin được lưu hành: vắc-xin nhị giá và vắc-xin tứ giá. vắc-xin tứ giá ngừa HPV phòng nhiễm các chủng HPV 6,11,16,18 (có trong thành phần vắc-xin). Trong đó các chủng HPV 16,18 gây hơn 70% các trường hợp UTCTC.
Hiệu quả sau khi tiêm: bảo vệ 99% chống nhiễm virus HPV đường sinh dục, 98% phòng tổn thương tiền UTCTC vừa-nặng gây ra bởi 2 chủng HPV 16, 18. Ngoài ra vắc-xin còn phòng mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục (ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn).
Theo Giang Hoàng Nhơn/News.zing.vn
Cô gái mắc ung thư vùng kín dù chưa từng làm 'chuyện ấy'
Suốt 28 năm, Linh chưa từng yêu và quan hệ với người đàn ông nào. Đó là lý do khiến cô nghĩ mình không thể mắc ung thư phụ khoa.
Tại Bệnh viện K (Hà Nội), chị Nguyễn Kiều Linh (28 tuổi, ở Phú Thọ) rất bất ngờ khi kết quả bản thân bị ung thư cổ tử cung. Cô vốn là người kín đáo, cổ điển và chưa quan hệ với ai.
Do đó, mỗi kỳ kiểm tra sức khỏe, Linh không khám phụ khoa. Bản thân hay bị ngứa vùng kín nhưng tâm lý e ngại và muốn giữ 'cái ngàn vàng' khiến cô không tìm đến bác sĩ hay điều trị.
Cô chọn cách dân gian như nấu nước muối để rửa, dùng lá trầu không. Gần đây, tình trạng ngứa không dứt sau khi dùng nhiều biện pháp, cộng thêm biểu hiện chảy máu phần phụ khiến Linh hốt hoảng và quyết định đi khám. Kết quả cho thấy cô đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn nặng.
Ung thư phụ khoa có thể gặp ở bất kỳ đối tượng phụ nữ nào, dù họ đã kết hôn hoặc có quan hệ tình dục hay chưa. Ảnh: Steptohealth
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Diệu Hà, Phó khoa Ung thư phụ khoa, Bệnh viện K (Hà Nội), khuyến cáo chị em không được xem thường khi bị viêm nhiễm vùng kín. Trong nhiều năm công tác, bác sĩ thường gặp các bệnh nhân đến khám và được kết luận bị bệnh lý lộ tuyến với các biểu hiện như ra nhiều khí hư, chảy máu phần phụ, đau rát...
Theo bác sĩ Hà, lộ tuyến là một tổn thương lành tính và chữa khỏi nhờ đốt điện diệt tuyến. Nhưng trong nhiều trường hợp, đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, việc chủ quan không khám phụ khoa đã khiến những dấu hiệu bất thường bị bỏ qua. Người bệnh không được chữa trị ở giai đoạn sớm.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec - ung thư phụ khoa hay các bệnh phụ khoa khác có thể gặp ở bất kỳ đối tượng phụ nữ nào, bất kể việc đã kết hôn hoặc có quan hệ tình dục hay chưa.
Ngoài nguyên nhân quan hệ nhiều, có nhiều bạn tình, ung thư cổ tử cung còn có thể gặp ở những người sinh đẻ nhiều lần, phụ nữ hút thuốc lá, dùng thuốc ức chế, giảm miễn dịch...
Bệnh thường không có triệu chứng cụ thể và rõ ràng ban đầu nên rất khó phát hiện hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm khác. Do đó, khi phát hiện chính xác, bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng và việc điều trị gặp khó khăn hơn, xác suất khỏi bệnh không cao.
Triệu chứng điển hình của ung thư cổ tử cung là chảy máu âm đạo ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là sau khi giao hợp.
PGS Luật nhấn mạnh ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở phái nữ. Nếu được phát hiện sớm, 92% người mắc bệnh này có thể được chữa khỏi.
Do đó, chị em nên tầm soát định kỳ căn bệnh này bằng cách lấy tế bào âm đạo cổ tử cung. Ngoài ra, nếu có nghi ngờ, chị em phụ nữ có thể làm xét nghiệm để kiểm tra khả năng nhiễm các virus hàng đầu gây ung thư cổ tử cung như HPV 16 và 18.
Việc khám phụ khoa nên được tiến hành định kỳ 6 tháng/lần. Chị em cần siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm đầu dò âm đạo, nội soi cổ tử cung, xét nghiệm...
* Tên bệnh nhân đã thay đổi
Theo Hà Quyên/News.zing.vn
Sàng lọc, tiêm phòng HPV giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, sàng lọc và tiêm phòng có thể giúp phụ nữ giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Theo Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, năm 2016 gần 13.000 phụ nữ ở Mỹ có chẩn đoán ung thư cổ tử cung và hơn 4.100 người tử vong do bệnh...