Và cơn bão lòng ta thổi mãi
Khi cùng nhau làm mọi việc để chống đỡ thiên tai, ta thêm một dịp thương yêu người vợ bé nhỏ tảo tần, ta thêm một lần dặn dò con cái những việc cần thiết của một người đàn ông trụ cột gia đình.
Bão số 9 thổi từ Vũng Tàu vào Sài Gòn.
Nhưng khi Vũng Tàu mưa tung, gió giật thì Sài Gòn chỉ mới mưa gió dặt dìu, chỉ khác là nhìn lên bầu trời thấy một màu hoang lạnh. Rồi bão cũng vào đến Sài Gòn. Thật ra thì bão đã suy yếu thành áp thấp, chỉ có mưa to mà không kèm gió giật. Sài Gòn may mắn không dính bão “chính hiệu”. Nhưng có lẽ chưa bao giờ Sài Gòn… gần bão đến vậy.
Chưa bao giờ những người bạn của tôi, từ quê nhà phải gọi giật vào hỏi thăm “nhà cửa mi trong đó có làm sao không, có bề gì không?”. Chỉ biết nói là tạm thời yên bình, vì mưa bão diễn biến phức tạp, cũng chưa biết đâu mà lường.
Thế rồi, trong khi ngồi ở nhà, bên bình trà nóng, nghe mưa xối xuống mái nhà, chợt nghĩ về những cơn bão đã qua cuộc đời.
Khi cùng nhau làm mọi việc để chống đỡ thiên tai, ta thêm một dịp thương yêu người vợ bé nhỏ tảo tần, ta thêm một lần dặn dò con cái những việc cần thiết của một người đàn ông trụ cột gia đình. Ảnh minh họa
Quê tôi ở miền Trung nên chẳng lạ gì cảnh mưa bão hằng năm. Mỗi khi nghe tin bão đến thì đang ở đâu cũng mau trở về nhà. Tôi là con trai lớn trong nhà nên phải lo phụ ba che chắn, giằng néo nhà cửa. Đóng kín các cánh cửa trên gác. Gia cố kỹ lưỡng khu vực nóc nhà. Lấy rơm rạ hoặc bao cát chèn kín các ngạch cửa. Tóm lại đừng để gió luồn vào trong nhà. Gió luồn vào trong nhà là có thể thổi bay cả ngôi nhà. Ngoài vườn thì chặt bớt các cành cây, chống đỡ các cây đang lớn.
Nhiều trận bão lớn khiến xóm làng tan hoang, thổi bay mái tôn, bay cả trâu bò. Nhưng tôi lớn lên thì xa dần làng quê, cũng xa dần những cơn bão.
Bây giờ, khi mưa gió đang vây phủ quanh nhà, tôi lại thêm một lần nhớ lại những cơn bão cuộc đời. Ai cũng biết là trước khi cơn bão tới, bầu trời rất đẹp, bình yên đến không ngờ, lộng lẫy như bất khả. Khi bão tới thì mưa gió tả tơi, với bao bất trắc khôn lường. Ai từng đi trong giông bão mới nhận thấy sức mạnh kinh hoàng của thiên nhiên và sự nhỏ bé vô vọng của con người.
Video đang HOT
Nhưng con người, nói cho cùng cũng phải biết cảm ơn bão. Bão là cơ hội để con người nhận ra sự nhỏ bé, yếu đuối của mình. Bão là cơ hội để chúng ta trở về nhà, lo che chắn, giằng néo, trú ẩn. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại toàn bộ cấu trúc ngôi nhà mình, theo mọi nghĩa.
Trong mưa bão, mình thu gối ngồi lại với mình, một bình trà, một chén rượu; để thêm một lần chiêm nghiệm cuộc đời. Mái nhà tuềnh toàng thì gió bay dễ tốc. Nhưng nhà lầu cao ngất thì cũng run rẩy không yên. Bão cho ta nghĩ về sự trung dung. Như cây dừa cao to, nhưng thân không cành lá, mềm uốn được; nên bão tố cũng chẳng hề chi. Cỏ lau ngã rạp rồi, nhưng nắng lên là ngẩng dậy phơ phất múa lượn. Cây cao to nhưng không được trồng từ bé, mà chỉ bứng từ nơi khác về trồng lấy điểm thì ngã đổ nhanh.
Nhưng nghĩ về bão, tôi lại mường tượng đến giông bão cuộc đời. Phải chăng, cũng giống cơn bão thời tiết, trước khi nổi lên một trận “giông tố tình”, bầu trời thường quang đãng, mây khoe ngũ sắc rất đẹp; thì người yêu mình trước khi chia tay cũng không có biểu hiện “sấm sét” gì. Nhưng khi “giông tố” tình xảy ra thì tránh không kịp, “tổn thất” rất chi nặng nề. Cho nên, nói cho cùng con người ta có thể dự báo chính xác một cơn bão nhiệt đới; nhưng mấy ai lường trước được một trận bão tình?
Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em/ Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã/ Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng em đã xa xôi/ Và cơn bão lòng ta thổi mãi.
Đó là bài thơ Bão của Tế Hanh sáng tác năm 1957. Đã là một khoảng thời gian thật xa xôi, nhưng mỗi khi đọc lại bài thơ này, tôi vẫn thấy lòng mình bồi hồi xúc động. Trong chúng ta, có biết bao người cùng nhau đi qua giông bão cuộc đời, nhưng khi bão tạnh rồi, khi tưởng chừng có thể sống bên nhau bình an, thì bất chợt xa xôi. Và, lúc ấy, “cơn bão lòng ta thổi mãi”.
Sự xa xôi ấy, cũng có thể là cố tình, cũng có thể là vô ý. Sự xa xôi, cũng có thể là định mệnh. Một nhà văn nói với tôi rằng: “Phụ nữ cũng chính là cơn bão. Cơn bão phụ nữ khởi đầu lộng lẫy ấn tượng, vô vòng rồi thì… quật tơi bời khói lửa và ra đi thì… cuốn theo mọi thứ”. Biết thế. Nhưng có tránh được không? Và cũng không trách ai được. Chỉ biết rằng khi trống vắng tình yêu thì chúng ta cũng như một căn nhà bỏ trống để gió bão ùa tràn, thổi mãi không ngưng.
Cảm ơn cơn bão thời tiết đã cho chúng ta có dịp quay trở về ngôi nhà của mình một cách có trách nhiệm nhất. Khi cùng nhau làm mọi việc để chống đỡ thiên tai, ta thêm một dịp thương yêu người vợ bé nhỏ tảo tần, ta thêm một lần dặn dò con cái những việc cần thiết của một người đàn ông trụ cột gia đình. Khi cùng ngồi bên mâm cơm trong không gian bập bùng ngọn nến vì cúp điện, ta sẽ cảm nhận dòng thời gian luân chuyển như quành từ xa xưa chảy lại, để ta kể cho con cháu nghe câu chuyện làng quê một thời.
Thời gian sống của một đời người không biết sẽ trải qua bao nhiêu cơn bão thời tiết và bao nhiêu cơn bão tinh thần. Nhưng dù bao nhiêu cơn bão thì nơi trú ẩn chắc chắn nhất vẫn là mái ấm gia đình.
Theo phunuonline.com.vn
Gia đình khốn đốn vì những ông chồng bài bạc
Bài bạc đã biến anh rể tôi từ người đẹp trai, lanh lợi, trở nên bạc nhược, mê muội. Hễ có tiền là anh đi sáng đêm, rồi trở về với gương mặt hốc hác vì thiếu ăn, mất ngủ.
Vì làm ăn thất bại, anh rể tôi lao vào trò đỏ đen để mong kiếm chút tiền xoay sở mỗi ngày. Thế nhưng càng lao vào, anh càng lậm, chẳng thể dứt ra nỗi. Càng muốn gỡ, anh càng thua đậm. Anh mụ mị tin rằng: ngày hôm nay "đen", ngày mai sẽ "đỏ".
Anh không ngại vay nóng với lãi suất ngất ngưỡng, đến khi không còn khả năng trả nợ thì giang hồ tới nhà đe dọa. Giấy tờ nhà đã cầm, hai chiếc xe tay ga cũng bán. Trong nhà chẳng còn gì giá trị để anh "ngắm" nữa, anh bắt đầu trở về than thở với chị tôi.
Vì làm ăn thất bại, anh rể tôi lao vào trò đỏ đen để mong kiếm chút tiền xoay sở mỗi ngày. (Ảnh minh họa)
Bài bạc đã làm anh quẫn trí. Chị tôi van xin anh, nói bao lời tự đáy tim để mong anh lo làm ăn, nhưng anh có vẻ chán nản. Chị tôi kể, trong đám bạn bè, bà con, ai anh cũng đã mượn tiền. Người ở gần thì anh tìm đến mượn, người ở xa thì anh nhờ chuyển khoản.
Anh còn nhờ chị tôi mượn tiền người thân bên ngoại, nhưng với chị đó là điều cấm kỵ. Mượn tiền để đánh bài thì chị thề không bao giờ tiếp tay cho anh. Anh giận bảo lúc khó khăn, gia đình vợ không ai giúp đỡ.
Mặc kệ anh nói gì. Chị xác định lúc này chị phải trở thành trụ cột gia đình. Hai con tuổi ăn tuổi học, thu nhập của chị thuộc loại trung bình, nên phải hết sức chắt chiu.
Mấy năm qua chồng không phụ tài chính, một mình chị xoay sở muốn điên cả đầu. Biết thế nên chị em tôi thỉnh thoảng dấm dúi chị ít tiền. Thương nhất là biết ngày chị lãnh lương, anh cứ hỏi mượn "mai trả". Bao lần chị cho mượn, anh đều nướng vào trò đỏ đen, khiến hàng tháng chị thâm hụt.
Chị tôi cũng không phải người vợ tệ đến nỗi không biết an ủi, động viên những lúc chồng gặp khó khăn. (Ảnh minh họa)
Bài bạc đã biến anh rể tôi từ một con người đẹp trai, thông minh, lanh lợi, trở nên bạc nhược, mê muội, gầy gò. Hễ có tiền là anh đi sáng đêm, rồi trở về với gương mặt hốc hác vì thiếu ăn, mất ngủ. Còn hết tiền thì anh ôm ti vi, nằm sõng soài, thở dài đến phát chán.
Anh rể tôi không biết vượt khó, trở tính đến không ngờ. Ngày anh là trụ cột gia đình, anh không để chị tôi và các con thiếu thứ gì, thậm chí còn bảo chị nghỉ việc cho khỏe, còn có thời gian chăm sóc con cái (may mà chị cương quyết đi làm).
Mà chị tôi cũng không phải người vợ tệ đến nỗi không biết an ủi, động viên những lúc chồng gặp khó khăn. Chị từng động viên anh "thay vì số tiền nướng vào đỏ đen, tại sao anh không đầu tư làm ăn trở lại?" thì anh bảo "lỡ rồi, anh đâu nghĩ kết cục như hôm nay".
Bài bạc làm anh rể tôi trở nên lười nhác. Anh không chịu đi làm vì cho mình lớn tuổi, không còn cơ hội. Khi mất phương hướng, anh lại tin vào bói toán. Anh đổ thừa năm ngoái là "năm tuổi", năm nay là "sao" xấu.
Bàn thờ thần tài, thổ địa cũng lúc nào cũng hoa quả hoành tránh. Mỗi khi về nhà thấy chị không thắp nhang, anh đổ thừa vì thế nên xui xẻo. Mỗi tháng anh còn cúng sao giải hạn. Anh đồng bóng đến không ngờ...
Kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ vì anh bài bạc. Chị chán nản và sống trong mặc cảm, nhục nhã và cả hận anh. (Ảnh minh họa)
Kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ vì anh bài bạc. Chị chán nản và sống trong mặc cảm, nhục nhã và cả hận anh. Từ đá banh đến các loại bài bạc, rồi bầu cua, hay số đề anh đều mê đắm. Anh chị đang đứng trước nguy cơ bán nhà.
Chị tôi vốn ít nói, nhưng nghe mấy lời của chị, chúng tôi biết sự việc đã đi quá xa. Chị bảo "thôi thì trụ được ngày nào, hay chừng đó. Nếu chồng vẫn đam mê cờ bạc, phương án ly hôn là khó tránh khỏi". Hiện tại, lúc nào chị tôi cũng lận lưng xâu chìa khóa, dù anh chưa một lần tự động mở tủ tiền, nhưng với chị, anh đã mất hết lòng tin rồi.
Theo phunuonline.com.vn
Nếu không bỏ ngay 4 thói xấu này, vợ đừng trách vì sao chồng ra ngoài bồ bịch Chỉ vì ngoan cố không bỏ 4 thói xấu này rất nhiều người vợ đã hai tay dâng chồng cho đàn bà khác mà không hề hay biết, chị em hãy đọc ngay để tránh. Dưới đây là những nét tính cách của chị em dễ khiến chồng vì chán ngán, mệt mỏi mà tìm đến niềm vui mới. Trước mặt bạn anh...