Ưu tiên phát triển của VPBank sau đại dịch Covid-19
Tăng trưởng tín dụng của VPBank có thể giảm trong năm 2020 và ngân hàng cũng sẽ không quá tập trung vào tối ưu hóa NIM.
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết VPBank có thể trở lại với các mục tiêu tham vọng hơn vào năm 2021, còn trước mắt, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo tình hình thu hồi nợ, quản lý nợ xấu tốt và tối ưu chi phí.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 khả quan với tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng đạt 9.906 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.911 tỷ đồng, tăng 63,3%.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất giảm từ 2,95% còn 2,59% tại cuối quý 1/2020. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống 2,15%. Ngân hàng cũng thể hiện chính sách trích lập dự phòng thận trọng với 3.712 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Riêng ngân hàng mẹ, chi phí dự phòng cho vay khách hàng tăng gần 50% trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Thận trọng và đảm bảo an toàn cũng là thông điệp mà ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, nhấn mạnh trong cuộc họp với nhà đầu tư. Để ứng phó với Covid-19, VPBank đã xây dựng kịch bản phát triển A, B và C, tương ứng với từng mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thôi áp dụng giãn cách xã hội, tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng rất khả quan khi đã gần 1 tháng không có ca nhiễm mới. Tuy nhiên, ban lãnh đạo VPBank cho biết vẫn đang tập trung vào các kế hoạch đảm bảo an toàn cho ngân hàng, thanh khoản cho hệ thống.
“Chúng tôi hy vọng điều tốt nhất sẽ xảy ra, nhưng cũng chuẩn bị sẵn sàng cho điều xấu nhất. Trước khi nói tới tăng trưởng, để ngân hàng trụ vững vượt qua giai đoạn này vẫn là ưu tiên hàng đầu”, ông Vinh chia sẻ.
Video đang HOT
Ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của VPBank, cho biết ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu, ngân hàng đã lập ra các phương án đảm bảo hoạt động liên tục bất kể điều gì xảy ra.
Để làm được như vậy, tất cả các đơn vị trọng yếu như thanh toán, công nghệ thông tin cần duy trì hoạt động liên tục cho hơn 200 chi nhánh của ngân hàng, kể cả trong kịch bản có nhân viên ngân hàng bị nhiễm bệnh hay hội sở bị phong tỏa.
Song song với đó, ngân hàng đảm bảo duy trì thời gian dự trữ thanh khoản tốt. Kể cả khi diễn biến xấu nhất xảy ra, 60% khách hàng không trả nợ đồng thời có một số lượng lớn khách hàng rút tiền gửi, thời gian này vẫn có thể kéo dài hai tuần.
Với hoạt động quản trị rủi ro tín dụng, VPBank giữ vị trí thận trọng. Đối với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, VPBank ngừng một phần cho vay khách hàng mới, tập trung bán chéo và phục vụ khách hàng hiện hữu có rủi ro thấp. Đối với khối doanh nghiệp lớn, VPBank tăng cường kiểm soát tăng trưởng tín dụng với những khách hàng bị ảnh hưởng, qua đó giúp tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp.
Một ưu tiên khác của ngân hàng bên cạnh tăng trưởng đó là hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Dưới sự hướng dẫn của NHNN, VPBank đã tiến hành cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng. Trong đó, nhóm khách hàng được tái cấu trúc chủ yếu là cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng giúp VPBank bước đầu vượt qua giai đoạn khó khăn trong quý 1. Tuy nhiên, ông Vinh nhận định, Covid-19 sẽ còn tác động sâu rộng tới nền kinh tế Việt Nam trong thời gian dài tới, kể cả sau khi đại dịch này kết thúc.
“Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ quay trở lại nhịp sống như trước trong quý 2. Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là tất cả phân khúc đều sẽ tăng trưởng. Rõ ràng, một số mảng kinh doanh như doanh nghiệp siêu nhỏ, tài chính tiêu dùng, khách hàng tiểu thương sẽ khó có thể tăng trưởng mạnh như kế hoạch ban đầu”, ông Vinh nhấn mạnh.
Đại diện VPBank cho biết, tăng trưởng tín dụng của VPBank có thể giảm trong năm 2020 và ngân hàng cũng sẽ không quá tập trung vào tối ưu hóa NIM. VPBank có thể trở lại với các mục tiêu tham vọng hơn vào năm 2021, còn trước mắt, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo tình hình thu hồi nợ, quản lý nợ xấu tốt và tối ưu chi phí.
Ngày từ quý 1 vừa qua, VPBank cho thấy động thái cắt giảm chi phí quyết liệt. Tính đến cuối quý 1, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của VPBank chỉ ở mức 33,1%, giảm từ mức 33,9% thời điểm cuối năm 2019. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục tinh giản các hoạt động để CIR giảm thêm 1% nữa trong năm nay. Nhờ tiết giảm chi phí, ngân hàng vẫn duy trì được mức lợi nhuận cao trong nhóm đầu ngành.
“Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng mẹ trong năm nay được có thể vẫn tăng ở mức 30% – 40% nhờ chiến lược ngân hàng giao dịch. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ cũng sẽ tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng so với năm trước. Với FE Credit, hoạt động cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều hơn nên chỉ tiêu kỳ vọng cho FE cũng thận trọng hơn,” ông Vinh chia sẻ.
Mỗi ngày VPBank giải quyết hàng nghìn hồ sơ giảm, giãn nợ cho người vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19
VPBank mới đây vừa công bố số liệu thống kê giai đoạn 1 (tính đến ngày 04/05/2020) về việc giảm, giãn và gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo đó, đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, tổng dư nợ của các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ là gần 12 nghìn tỷ đồng tương ứng với hơn 14 nghìn trường hợp, và tổng số dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất là gần 33 nghìn tỷ đồng, tương ứng với hơn 22 nghìn hồ sơ đã xử lý, với mức lãi suất đã giảm từ 0,5% đến 3% mỗi trường hợp.
Tại VPBank, ngay ở giai đoạn đầu dịch bệnh, ban lãnh đạo đã đưa ra phương án ứng phó toàn diện, bao gồm lên kịch bản đối phó ứng với các cấp độ khác nhau của diễn biến dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kinh doanh liên tục (BCP) để đảm bảo hoạt động của ngân hàng không bị gián đoạn hay ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đưa ra các lộ trình cụ thể hỗ trợ khách hàng.
Ngân hàng nhận định, gánh nặng trên vai mỗi khách hàng có khoản vay lúc này là rất lớn, vì vậy, toàn hệ thống VPBank đang nỗ lực từng giờ để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Bên cạnh việc đưa ra quy định nội bộ về giảm, giãn nợ để thực hiện thống nhất trên toàn hệ thống, VPBank đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống phân loại, xử lý hỗ trợ tự động để có thể giải quyết được kịp thời lượng hồ sơ khổng lồ và tăng "phi mã" mỗi ngày.
Nếu như trong tháng 3, thời gian trung bình để giải quyết một bộ hồ sơ hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể mất tới 4 ngày làm việc kể từ thời điểm hồ sơ đảm bảo đủ yêu cầu theo quy định, thì nay VPBank đã rút ngắn xuống còn 1 ngày làm việc. Thậm chí, đối với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, quan hệ tín dụng lâu năm với VPBank thì chỉ sau 4 tiếng là hai bên đã thống nhất và hoàn thiện phương án hỗ trợ chi tiết bao gồm cả việc giãn nợ và giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu, giải ngân nhanh chóng với lãi suất thấp cho khoản vay mới để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt hơn nữa, đối với các khách hàng cá nhân có những khoản vay dưới 100 triệu đồng thì hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống đề nghị hỗ trợ trực tuyến của VPBank. Đây là hệ thống phê duyệt tự động, chỉ mất 1 giờ đồng hồ để được phê duyệt hỗ trợ, tính từ thời điểm khách hàng hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ và toàn bộ các hồ sơ đều có thể gửi trực tuyến mà không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ ngân hàng hoặc phải đến tận nơi.
Không chỉ tập trung xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, VPBank còn tích cực hỗ trợ xử lý đối với các khách hàng đề nghị vay vốn mới, đơn giản hóa tối đa quy trình thủ tục, nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng, để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Tính đến ngày 04/05/2020, đã có tổng cộng hơn 13 nghìn hồ sơ giải ngân mới tương đương 18 nghìn tỷ đồng, với lãi suất cho vay trung bình giảm đến 3% so với trước thời gian dịch bệnh để hỗ trợ các khách hàng hiện hữu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
VPBank nhận thấy trong giai đoạn này, không chỉ các doanh nghiệp cần hỗ trợ mà các khách hàng cá nhân vay vốn ngân hàng cũng có nguy cơ rơi vào nợ xấu, vì thu nhập của người dân sút giảm hoặc mất việc do dịch bệnh.
Chính vì lẽ đó, thời gian vừa qua VPBank cũng song song giải quyết các nhu cầu được giảm, giãn nợ của các khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh tiểu thương. Tính đến ngày 04/05/2020, với các phân khúc này, VPBank đã có gần 13 nghìn hồ sơ được xử lý với tổng dư nợ lên tới gần 4.000 tỷ đồng, chiếm hơn 91% tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ do dịch bệnh. Lượng hồ sơ chờ xử lý cũng tăng theo cấp số nhân mỗi ngày và được hệ thống giải quyết theo quy trình được cải tiến, đảm bảo hỗ trợ đến được với khách hàng sớm nhất.
Các khách hàng đã được giải quyết giảm, giãn nợ trong thời gian qua tại VPBank được xem xét dựa trên các yếu tố như khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch bệnh, thời gian đánh giá được tính từ cuối tháng 1 đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch bệnh. Bên cạnh việc giảm, giãn nợ, VPBank cũng thực hiện giữ nguyên nhóm nợ, không áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn với nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1 trong thời gian cơ cấu lại đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo quy định.
Bên cạnh các giải pháp tài chính hỗ trợ cụ thể cho từng phân khúc khách hàng, VPBank còn triển khai rất nhiều những hỗ trợ phi tài chính khác trong giai đoạn dịch bệnh này, điển hình như khóa đào tạo kinh doanh online hoàn toàn miễn phí dành cho các tiểu thương vốn chỉ quen với việc kinh doanh theo mô hình chợ truyền thống. Việc này nhắm giúp họ thích ứng được với yêu cầu giãn cách xã hội và vẫn có doanh thu cầm cự trong giai đoạn này, xa hơn nữa là để họ có thêm một kênh tạo doanh thu lâu dài và tiệm cận với xu hướng tất yếu của xã hội.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khách hàng của VPBank cũng liên tục được tham gia các buổi tọa đàm trực tuyến, các buổi giao lưu, chia sẻ của các chuyên gia uy tín và những doanh nhân thành công để làm giàu thêm kinh nghiệm ứng phó với những biến cố không lường trước được của thị trường. Các tư vấn viên hỗ trợ khách hàng của VPBank thường xuyên liên hệ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của khách hàng, từ đó đưa ra được những hỗ trợ phù hợp để khách hàng rà soát, cân nhắc các phương án sản xuất, kinh doanh, cân đối tài chính, dòng tiền trong thời gian trong và sau dịch bệnh.
"Nhận định tình hình dịch bệnh dù có kết quả bước đầu khả quan nhưng diễn biến thời gian tới còn phức tạp, VPBank đã có phương án cân đối nguồn lực trong thời gian ít nhất 6 tháng tới, đảm bảo tình hình kinh doanh của ngân hàng được an toàn, hiệu quả nhưng cũng có thể kịp thời hỗ trợ các khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này, cùng chung tay góp phần giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và giảm thiểu các yếu tố tiêu cực có thể tác động tới tình hình chung trong thời gian tới", đại diện VPBank chia sẻ.
Mỗi ngày VPBank giải quyết hàng nghìn hồ sơ giảm, giãn nợ Đối với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, quan hệ tín dụng lâu năm với VPBank thì chỉ sau 4 tiếng là hai bên đã thống nhất và hoàn thiện phương án hỗ trợ chi tiết. Giao dịch tại VPBank. (Ảnh: CTV/Vietnam ) Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố số liệu thống...