Ưu tiên một số lao động ngành thực phẩm tươi sống được phép lưu thông sau 18h
Ưu tiên một số lao động ngành thực phẩm tươi sống được phép lưu thông sau 18h là một trong những kiến nghị của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND về giãn cách xã hội toàn thành phố để phòng, chống dịch COVID-19, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) duy trì 383 chốt kiểm soát phòng, chống dịch nhằm kiểm soát người, phương tiện lưu thông trên địa bàn. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, để đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, một số địa phương khu vực phía Nam yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau nếu không có việc cần thiết.
Đây là yêu cầu hợp lý và cấp thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song theo phản ánh của một số đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp vận chuyển mặt hàng tươi sống, yêu cầu này phần nào gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa tươi sống đến với người tiêu dùng.
Tại buổi làm việc trực tuyến giữa Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương với một số doanh nghiệp phân phối lớn, đại diện các đơn vị Saigon Co.op, Central Retail, Aeon Việt Nam, MM Mega Market đã ghi nhận sự đồng hành, hỗ trợ kịp của Bộ Công Thương với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nêu một số khó khăn hiện tại và đề xuất kiến nghị.
Theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, các vấn đề được các doanh nghiệp phân phối đề xuất như: tiêm vaccine cho lao động, thiếu nhân lực làm việc, khó khăn trong lưu thông hàng hóa, hướng dẫn mở lại chợ… đều được Bộ Công Thương có văn bản đề xuất kiến nghị lên các bộ ngành, Chính phủ để kịp thời xử lý.
Tổ công tác cũng đề nghị Hiệp hội Bán lẻ thường xuyên cập nhật và phổ biến các văn bản liên quan cho các thành viên Hiệp hội để nắm được thông tin.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần bám sát Sở Công Thương, UBND địa phương để thông tin kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn phát sinh cục bộ trên địa bàn cũng như đẩy mạnh truyền thông hơn nữa các phương thức bán hàng online, mô hình bán hàng theo combo… để người dân biết và sử dụng, hạn chế ra đường. Các doanh nghiệp cần tổ chức hệ thống theo hướng giảm bớt tiếp xúc, tăng cường biện pháp bảo vệ nhân viên trong khâu giao nhận hàng hóa.
Video đang HOT
UBND quận Hoàn Kiếm lập các điểm tiếp nhận hàng hoá tiếp tế từ bên ngoài vào theo khung thời gian quy định và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Hàng hoá giao tới các chốt được khử khuẩn và trung chuyển đến tận nhà dân. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Đối với danh mục mặt hàng thiết yếu, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Theo đó, bộ đề nghị Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành thống nhất danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg; trong đó, có các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.
Vì vậy, doanh nghiệp có thể liên hệ với Sở Công Thương địa phương, nơi doanh nghiệp có chuỗi cung ứng để đề xuất danh mục hàng thiết yếu cho phù hợp.
Ngoài ra, đại diện Tổ công tác đã tham gia Đoàn kiểm tra phòng, chống dịch tại Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan); Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON) và Công ty TNHH TikiNow Smart Logistics, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Vissan cho biết, trong 1 – 2 ngày tới, công ty đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ 100% nguồn thực phẩm thiết yếu cho các mạng lưới phân phối.
Còn với Công ty VIFON, so với thời gian trước, năng lực sản xuất của doanh nghiệp có sụt giảm do nguồn cung ứng nguyên liệu thiếu, lao động sản xuất giảm.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Tikinow Smart Logistics chia sẻ bất cập trong việc giao hàng liên quận, tại các “vùng đỏ”; bất cập về kho để hàng tại một số quận có diện tích hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu người dân…
Ghi nhận và để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Tổ công tác kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến chính thức gửi lên Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố đang áp dụng giờ giới nghiêm. Qua đó, xem xét xây dựng phương án ưu tiên cho một số lao động trong ngành thực phẩm tươi sống (sơ chế, chế biến, vận chuyển) được phép lưu thông trên đường sau 18h hàng ngày để kịp thời cung ứng các mặt hàng tươi sống cho người dân vào sáng hôm sau.
Tổ chức sản xuất, phân phối để bình ổn giá hàng hóa thiết yếu
Ghi nhận tại thị trường TP Hồ Chí Minh, hiện giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã tăng đáng kể so với thời điểm cuối tháng 5/2021.
Trước diễn biến thị trường, ngành công thương TP Hồ Chí Minh và nhà bán lẻ, doanh nghiệp bình ổn thị trường của thành phố đã và đang không ngừng nỗ lực điều tiết cung - cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để bình ổn giá.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống liên tục được bổ sung lên quầy, kệ tại siêu thị tại TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến ngày 4/8, trên địa bàn thành phố có 33/237 chợ đang duy trì hoạt động kinh doanh. Các chợ này, chủ yếu kinh doanh nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm; rau củ, quả; thực phẩm khô...
Trong số đó, có một số chợ vừa được tái hoạt động kinh doanh trở lại từ đầu tháng 8/2021, gồm: Nguyễn Tri Phương, Hòa Hưng, Bình Thới, Hiệp Thành, Thới An, Phước Thạnh... Trước đó, trong tháng 7/2021 có các chợ như Đa Kao, Tân Thông Hội, Thạnh Xuân...
Kết quả này đạt được, là nhờ vào việc chính quyền thành phố Thủ Đức, quận, huyện đã khẩn trương rà soát, đánh giá và đảm bảo triển khai biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để tổ chức lại hoạt động kinh doanh tại mạng lưới chợ truyền thống. Tuy trước mắt các chợ ưu tiên tập trung kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày cho người dân tại khu dân cư.
Liên quan đến lĩnh vực bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân cho biết, thời điểm đầu tháng 6/2021, các doanh nghiệp bình ổn giá đề xuất tăng giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh do chi phí đầu vào sản xuất tăng cao đột biến. Đồng thời, giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường tăng hơn 10%.
Tuy nhiên đến giữa tháng 7/2021, doanh nghiệp mới được sở, ngành TP Hồ Chí Minh cho tăng giá mặt hàng trứng gia cầm lên bình quân 2.000 đồng/chục, nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn mức giá tăng đột biến trên thị trường. Đến ngày 19/7, sở, ngành TP Hồ Chí Minh thông báo doanh nghiệp có thể tăng giá mặt hàng này thêm 2.000 đồng/chục, nhưng doanh nghiệp tự nguyện không điều chỉnh và giữ giá ổn định đến nay.
Các doanh nghiệp cho rằng, tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh phải có chiến lược bám sát thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, trong bối cảnh "dập dịch" doanh nghiệp cần đồng hành cùng chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cung cấp hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường và hỗ trợ người dân đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Còn theo bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vifon, nhóm sản phẩm là từ bột mì, bột gạo như mì gói, hủ tiếu, phở, mì trứng, nui... đã nhận đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm cần thực hiện đúng tiến độ. Tuy vậy, Vifon đã chủ động đàm phán với đối tác, khách hàng ở thị trường xuất khẩu để tạo nguồn cung phục vụ thị trường trong nước khi dịch COVID-19 bùng phát. Đồng thời, Vifon cũng tính đến những phương án linh hoạt sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng sản phẩm ra thị trường trong nước ở giai đoạn này.
Đồng quan điểm, một số doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, với đặc thù của ngành, muốn tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh ngoài những nguyên liệu chính thì doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều nhà cung cấp với các loại nguyên phụ liệu khác nhau. Nhưng trong tình hiện nay, khả năng nhà cung cấp này có thể sẽ dừng hoạt động bất cứ lúc nào và nếu không nhập được một loại nguyên liệu nào đó thì khả năng doanh nghiệp sản xuất cũng phải ngừng hoạt động.
Chính vì vậy, đối với các loại nguyên liệu phụ như gia vị, hương liệu, phụ gia... thì sở, ngành TP Hồ Chí Minh có thể linh hoạt cho phép doanh nghiệp tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm như trước đây. Đơn cử, đối với nhóm mì ăn liền, các nguyên liệu phụ như hành lá khô, tiêu... đều được đặt hàng gia công từ nhà cung cấp về gia vị, nếu sản lượng doanh nghiệp nhập về không đủ thì có thể chủ động gia giảm phù hợp.
Hiện nay, đối với việc bình ổn thị trường, ngành công thương TP Hồ Chí Minh đánh giá bảo vệ phòng tuyến kênh phân phối hiện đại với khoảng 100 siêu thị và gần 2.860 cửa hàng tiện lợi đang duy trì hoạt động kinh doanh, cung cấp hàng hóa thiết yếu đến người dân thành phố là một trong những giải pháp quan trọng. Cùng với đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh linh hoạt hỗ trợ nhà bán lẻ, doanh nghiệp bán hàng online, đồng giá, combo và mua chung, nhằm vừa đảm bảo biện pháp chống dịch COVID-19, vừa cung cấp hàng hóa thiết yếu đến người dân trên địa bàn với giá bình ổn.
Thống kê của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), lượng hàng hóa nhập về cho hơn 250 các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife, HTVCo.op tại khu vực TP Hồ Chí Minh tương đối đầy đủ với giá cả bình ổn. Bên cạnh đó, việc vận chuyển, tập kết hàng hóa từ các tỉnh thành về TP Hồ Chí Minh đã từng bước được khai thông thuận lợi hơn so với khi mới bắt đầu thực hiện giãn cách nên lượng về các điểm bán cũng đang ổn định và bắt đầu có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại, thương mại điện tử... vẫn gặp khó ở khâu phân phối hàng hóa đến người dân trên một số địa bàn dân cư tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, ngoài hình thức cung ứng hàng hóa đang thực hiện như mua sắm trực tiếp tại siêu thị, trang web, ứng dụng công nghệ... nhiều nhà bán lẻ cũng đề xuất thêm phương án phối hợp thực hiện đặt mua chung để khơi thông khâu cung ứng hàng hóa thiết yếu đến địa bàn khu vực dân cư, phong tỏa, cách ly...
Trước thực trạng này, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với một số đơn vị tổ chức chương trình "Siêu thị mini 0 đồng" với những tấm phiếu nghĩa tình có giá trị 200.000 đồng/phiếu. Với tổng kinh phí lên đến 16 tỷ đồng, chương trình này đang phát huy vai trò cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến người dân, sinh viên khó khăn đang lưu trú tại 20 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Tương tự, Dự án "Chợ nghĩa tình" của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai đến 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, nhằm đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dự án đã tiếp nhận và xử lý 7.110 đơn hàng của 5.797 hộ dân tại khu cách ly, khu phong tỏa với tổng giá trị hơn 1,9 tỷ đồng.
Ở góc độ người tiêu dùng, anh Văn Duyên, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong duy trì hoạt động thương mại, nhất là cung cấp lương thực, thực phẩm vào địa bàn khu dân cư và chăm lo an sinh xã hội cho những người gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn thành phố vẫn mua sắm được nhiều mặt hàng thiết yếu với nguồn cung ổn định và giá bình ổn thị trường.
Còn nhiều người dân khác cư ngụ tại TP Hồ Chí Minh mong muốn mạng lưới chợ truyền thống sớm được tái hoạt động trở lại để người dân thuận tiện mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Hơn thế nữa, người dân kỳ vọng chính quyền TP Hồ Chí Minh và ngành công thương sớm giải quyết khó khăn trong khâu giao nhận đơn hàng online để người dân được tạo điều kiện thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Nhiều siêu thị Hà Nội tạm đóng cửa, Bộ Công thương nói 'hàng vẫn đảm bảo' Theo Bộ Công thương, năng lực cung ứng hàng hóa tại các chợ vẫn duy trì tốt, người dân dễ dàng tiếp cận nguồn hàng với mức giá cơ bản ổn định, ngoại trừ một số loại thực phẩm tươi sống có tăng giá nhẹ. Điểm bán của VinMart trên đường Thanh Bình được phong tỏa, tạm dừng hoạt động dù không có...