Ưu ái cho doanh nghiệp “thân hữu”
Với tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá có sự ưu ái doanh nghiệp “thân hữu”, “ sân sau” chưa bao giờ dưới 70%, cho thấy đây là vấn đề nghiêm trọng phải quan tâm giải quyết
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, vấn đề ưu ái cho doanh nghiệp (DN) “thân hữu” cần được quan tâm và xử lý mạnh mẽ hơn nhằm tạo chuyển biến rõ rệt cho môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch cho DN tư nhân ở Việt Nam.
Doanh nghiệp tư nhân bị phân biệt đối xử
Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 đưa ra nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, không được phân biệt đối xử với các DN dựa trên thành phần kinh tế, đặc biệt là trong việc tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh.
Khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) có hỏi các DN dân doanh trong nước về cảm nhận của họ về việc chính quyền địa phương ưu ái các DN nhà nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DN “thân hữu”, DN lớn không? Theo VCCI, đây là những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ bảo đảm cạnh tranh bình đẳng khi thực hiện Nghị quyết 35.
Kết quả cho thấy có sự chuyển biến nhẹ về ưu đãi, với tỉ lệ ưu đãi DN “thân hữu” từ 77% năm 2015 giảm xuống còn 70% trong năm 2018.
Dù vậy, theo VCCI, nếu so sánh giữa các sự phân biệt đối xử thì tình trạng ưu ái DN nhà nước, ưu ái DN FDI không nghiêm trọng bằng việc ưu ái các DN “thân hữu”. Trong 4 năm khảo sát, cao nhất cũng chỉ có 41% DN cho rằng có sự ưu ái DN nhà nước hay cao nhất chỉ có 49% DN nói có sự ưu ái DN FDI nhưng riêng tỉ lệ DN đánh giá có sự ưu ái DN “sân sau”, DN “thân hữu” chưa bao giờ dưới 70%.
“Đây là vấn đề khá nghiêm trọng và cần có nghiên cứu căn cơ hơn, bởi lẽ việc nhận biết và ngăn chặn những đặc quyền dành cho DN “thân hữu” khó khăn hơn rất nhiều” – báo cáo của VCCI nêu rõ.
Video đang HOT
Trên thực tế, không ít lĩnh vực đang xảy ra tình trạng DN “thân hữu”, “sân sau” cạnh tranh chưa sòng phẳng với các DN khác. Như trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng (NH), nhờ có quan hệ thân thiết với NH nên không ít DN nhận được ưu đãi về tín dụng. Một DN không thân thiết thường được các NH thương mại định giá tài sản khoảng 70% giá trị thị trường rồi cho vay 70% của giá trị tài sản mà NH định giá. Tính ra DN chỉ vay được 50% giá trị tài sản (tính theo giá trị thị trường) và lãi suất cho vay cao. Nhưng nếu DN đó là một cổ đông lớn của NH sẽ được định giá tài sản rất cao và cho vay lên tới 80%-90% giá trị tài sản, nhanh chóng phê duyệt khoản vay, đồng thời áp dụng lãi vay thấp.
Làm xấu môi trường kinh doanh
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nhận xét tình trạng phân biệt đối xử với DN dân doanh, ưu ái DN “thân hữu”, “sân sau” đang tạo lực cản cho sự phát triển của nền kinh tế. Ở lĩnh vực bất động sản, sự ưu ái này càng thể hiện rõ nét hơn nhìn từ những dự án, trong đó không ít dự án qua thanh tra, kiểm tra phát hiện có dấu hiệu của nhóm lợi ích. Theo ông Châu, nhà nước cần phải triệt hạ những nhóm lợi ích xấu, kể cả những DN “thân hữu”, “sân sau”. Muốn vậy, nhà nước phải kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, từ đó mới có công bằng, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng để các DN phát triển bền vững.
Chuyên gia kinh tế – TS Lê Đạt Chí, đưa ra các dẫn chứng thực tế trong quá trình triển khai dự án về hạ tầng giao thông, hàng không, giảm ngập nước, kẹt xe…, nếu giao cho nhà nước làm chủ đầu tư, lập tức sẽ xuất hiện DN “sân sau” thực hiện các khâu, công đoạn liên quan đến quá trình triển khai dự án. Từ đó, ông Chí nói rằng tình trạng ưu ái cho DN “thân hữu” là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, nhất là hiện nay, Đảng và nhà nước chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. “Thúc đẩy, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, DN tư nhân thì điều kiện đầu tiên phải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng. Các FTA Việt Nam tham gia cũng đều có những nội dung liên quan thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, tạo môi trường cho DN cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch” – ông Chí nói.
Nói về quan hệ thân hữu, TS-luật sư Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM) nhìn nhận đây là vấn đề nhức nhối của xã hội. Bởi lẽ, từ quan hệ này, có khi DN lại được các cơ quan có thẩm quyền chỉ định triển khai dự án hàng chục ngàn tỉ đồng, nhất là các dự án hạ tầng giao thông do nhà nước làm chủ đầu tư, trong khi năng lực tài chính lại không mạnh. Thực tế là ở nhiều dự án BT giao thông, DN vay vốn tín dụng nhưng chủ đầu tư (nhà nước) phải đứng ra trả lãi cho khoản vay đó. Theo ông Tín, thay vì chỉ định DN thực hiện dự án, nếu nhà nước tổ chức đấu thầu rộng rãi sẽ chọn ra những DN có đủ tiềm lực tài chính, dự án triển khai cũng hiệu quả hơn…
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, Việt Nam đang quyết tâm giảm tình trạng sở hữu chéo, lợi ích nhóm. Dù vậy, những mối quan hệ phức tạp của DN “thân hữu” không dễ xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn. “Nhà nước cần đẩy mạnh quá trình giảm tình trạng sở hữu chéo ở các DN, kiểm soát mô hình công ty mẹ – công ty con, đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, thoái vốn DN nhà nước và nâng cao hoạt động quản trị DN. Các DN niêm yết lên sàn chứng khoán cũng là một giải pháp cần được khuyến khích đẩy mạnh để công khai, minh bạch hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh…” – ông Lực góp ý.
Quan hệ thân thiết với chủ ngân hàng
Tại một số phiên tòa xét xử các vụ án kinh tế, phóng viên Báo Người Lao Động từng ghi nhận không ít bị cáo là các ông chủ NH, chủ DN có quan hệ “sân sau”, “thân hữu”. Do mối quan hệ này khá sâu sắc nên đã từng có ông chủ NH nhờ DN đứng tên để rút hàng trăm tỉ đồng ra khỏi NH. Cụ thể là chủ NH bắt tay với DN ký hợp đồng thuê khống mặt bằng làm trụ sở NH với giá trên 60 tỉ đồng/năm, thời hạn thuê 20 năm và thanh toán trước 3 năm với số tiền hơn 200 tỉ đồng. Vụ làm ăn này được cơ quan chức năng kết luận là chủ NH và DN đã rút tiền của NH rồi đưa cho DN.
Hay từ mối quan hệ “ruột thịt ” với chủ NH, một tập đoàn ở TP HCM từng sử dụng 12 công ty con và 2 công ty khác để lập 16 hồ sơ vay NH 5.000 tỉ đồng với phương án kinh doanh, trả nợ khống, lập hợp đồng mua bán bất động sản, nguyên vật liệu xây dựng khống, khiến cho NH đó có nguy cơ mất trắng 2.000 tỉ đồng…
THÁI PHƯƠNG – THY THƠ
Theo Nld.com.vn
Bài toán khó của doanh nghiệp tư nhân: Niêm yết hay không?
Đứng trước bài toán niêm yết trên sàn chứng khoán, không ít doanh nghiệp tư nhân băn khoăn và và đặt câu hỏi: Đâu sẽ là định hướng chiến lược hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp mình? Niêm yết hay không niêm yết và doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì để niêm yết thành công?
Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.
Niêm yết - Những lợi thế rõ ràng
Ưu điểm đầu tiên của việc niêm yết là trao cho doanh nghiệp kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả, giúp tăng trưởng vốn nhanh chóng và mở rộng quy mô hoạt động. Không ít doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả và gia tăng quy mô nhanh chóng nhờ tận dụng thị trường chứng khoán để huy động vốn và quảng bá thương hiệu;. Trong số này, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng trở thành doanh nghiệp đầu ngành với mức vốn hóa tỷ đô trên sàn chứng khoán. Cùng với đó, chủ sở hữu của các công ty niêm yết cũng được gia tăng giá trị tài sản trở thành các triệu phú, tỷ phú đô-la ngay tại Việt Nam.
Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đồng thời cho phép doanh nghiệp tiếp cận với nhà đầu tư quốc tế thông qua các hoạt động giao dịch, công bố thông tin, tiếp xúc nhà đầu tư; qua đó gián tiếp quảng bá thương hiệu và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở thị trường trong và ngoài nước.
Mặt khác, mô hình quản trị của công ty niêm yết phân tách giữa sở hữu và điều hành, đưa ra cơ chế giám sát và quản lý rõ ràng, giúp cải thiện hoạt động kinh doanh và thu hút các nhân sự quản lý có chất lượng. Theo số liệu thống kê về 50 công ty niêm yết tốt nhất, nhóm các công ty có điểm quản trị công ty càng cao thì kết quả hoạt động kinh doanh càng tốt hơn, sinh lời cao hơn và ngược lại. Quản trị công ty tốt giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, chi phí vốn thấp, ưu đãi từ phía các nhà đầu tư, đem lại vị thế của doanh nghiệp tốt hơn, giá trị cổ phiếu và giá trị doanh nghiệp tăng, quy trình ra quyết định hiệu quả, quản lý tốt hơn rủi ro suy thoái và khủng hoảng kinh tế.
Bên cạnh lợi ích cho bản thân doanh nghiệp, thông qua niêm yết, chủ doanh nghiệp cũng có thể hiện thực hóa một phần lợi nhuận bằng việc chuyển nhượng cổ phần cho các cổ đông, đối tác chiến lược bên ngoài. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sở hữu trong công ty thông qua hoạt động niêm yết cũng có ý nghĩa lớn trong bối cảnh việc chuyển giao thế hệ của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang được bàn luận đến nhiều. Khi mà thế hệ kế cận, vì nhiều nguyên nhân, không tham gia quản lý và kế nghiệp doanh nghiệp gia đình, niêm yết cổ phiếu và đại chúng hóa hoạt động quản lý kinh doanh chính là một lựa chọn đáng để người chủ cân nhắc để bảo tồn tài sản và chuyển giao thế hệ một cách thuận lợi.
Có phải lúc nào cũng dễ dàng?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã không còn là một thị trường sơ khai, mà đang nhắm tới mục tiêu trở thành thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu như 10 năm trước, số lượng doanh nghiệp trên sàn chỉ vài trăm thì nay đã lên tới con số hàng ngàn. Quy mô niêm yết cũng thay đổi, từ chỉ vài chục đến vài trăm tỷ đồng thì hiện nay đã đạt tới quy mô tỷ USD. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp niêm yết cũng cao hơn rất nhiều để thu hút các nhà đầu tư cũng như nguồn vốn, và lợi thế vẫn luôn thuộc về các doanh nghiệp quy mô lớn, có kinh nghiệm. Các doanh nghiệp mới niêm yết sẽ không dễ dàng thu hút nhà đầu tư nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng và có những lợi thế kinh doanh riêng biệt.
"Các doanh nghiệp đứng trước bài toán phải phát triển mở rộng cần cân nhắc kỹ càng rủi ro và thách thức để đưa ra lựa chọn chiến lược tối ưu, phù hợp với tầm nhìn dài hạn và văn hóa của doanh nghiệp mình".
Điểm đầu tiên cần lưu ý là việc quyền riêng tư của doanh nghiệp sẽ không còn là đặc quyền. Các doanh nghiệp sẽ phải nâng cao tính minh bạch và tuân thủ việc công bố thông tin theo yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, cổ phần và giao dịch đáng kể trong cổ phiếu phải được công khai và một số sự kiện quan trọng phải được công bố ra thị trường không chậm trễ.
Thứ hai là, dưới áp lực của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với quy luật "cá bơi nhanh nuốt cá bơi chậm", thay vì "cá lớn nuốt cá bé", cơ cấu quản trị của công ty niêm yết khiến cho quyền lực của cổ đông chính chịu nhiều giới hạn đặc biệt là quá trình đưa ra quyết định chiến lược. Ở công ty niêm yết, muốn đưa ra các quyết định quan trọng cần phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Tuy nhiên, việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông lại thường kéo dài từ khâu thông báo đến khâu tổ chức, không phù hợp với những quyết định mang tính quyết đoán, nhanh chóng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Bên cạnh đó, khi có các vấn đề xảy ra, các cổ đông là tổ chức luôn mong muốn đối thoại với Ban Giám đốc điều hành và có thể sẽ làm phân tâm trong việc điều hành doanh nghiệp.
Ngoài ra, vốn hóa của doanh nghiệp trên thị trường cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan trong nước và thế giới. Tại nhiều thời điểm, giá trị cổ phiếu trên thị trường hiện không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp, vô hình chung ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu doanh nghiệp và gây bất lợi trong việc huy động thêm vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu và quan hệ đối tác kinh doanh trong khi công ty đang có nhu cầu tăng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Niêm yết hay không niêm yết - Đâu là lựa chọn tối ưu?
Rõ ràng, niêm yết là một bước tiến chiến lược đối với doanh nghiệp, giúp gia tăng uy tín, vốn dài hạn và tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng văn hóa "gia đình trị" có thể gặp nhiều khó khăn khi niêm yết, khi họ phải chấp nhận thay đổi sang văn hóa quản trị đa dạng hướng tới sự minh bạch khi có sự tham gia của các cổ đông bên ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân sở hữu bởi một số ít cổ đông hay của gia đình, ít bị áp lực giám sát, yêu cầu minh bạch theo quản trị (ví dụ chế độ báo cáo, sổ sách kế toán tài chính), loại được khả năng bị thâu tóm, và tăng tốc độ của việc đưa quyết định.
Do đó, các doanh nghiệp đứng trước bài toán phải phát triển mở rộng, cần phải cân nhắc kỹ càng những rủi ro và thách thức để đưa ra lựa chọn chiến lược tối ưu và phù hợp với tầm nhìn phát triển dài hạn và văn hóa của doanh nghiệp mình. Và dù theo hướng nào, niêm yết hay không niêm yết, thì tư duy chiến lược và quản trị minh bạch vẫn là chìa khóa đối với doanh nghiệp để phát triển bền vững, đặc biệt trong thời đại CMCN 4.0.
Bùi Tuấn Minh (Phó tổng giám đốc phụ trách Thị trường doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp gia đình, Deloitte Việt Nam)
Theo baodautu.vn
Chợ mạng ngập hàng giả Hàng giả, nhái bùng nổ trên mạng phần nào xuất phát từ tâm lý sính mua hàng rẻ hay hàng độc giá mềm của người tiêu dùng Đã hơn nửa năm kể từ ngày Bộ Công Thương cùng 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Việt Nam là Lazada, Sendo, Shopee, Tiki và Adayroi ký cam kết "Nói không với hàng...