USD biến động từng ngày: Việt Nam khác gì Trung Quốc?
Lần đầu tiên chính sách điều hành tỷ giá được thực hiện theo ngày. Đây là một thay đổi lớn, mang tính bước ngoặt. Tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra sẽ không còn một chiều lên như trước đây mà có lên, có xuống. Vậy có điều gì khác với chính sách Trung Quốc đã áp dụng từ 11/8/2015.
Thay đổi bước ngoặt
“Thay vì cố định trong một thời gian dài như trước đó. Chính sách điều hành tỷ giá mới sẽ công bố tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày theo cả hai chiều lên và xuống, dựa trên quan hệ cung cầu, quan hệ với các đối tác lớn…”, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ – NHNN chia sẻ .
Từ 4/1/2016, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với đô-la Mỹ, tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác. Tỷ giá trung tâm áp dụng lần đầu tiên cho ngày 4/1 là 21.896 đồng/USD, tăng 6 đồng so với tỷ giá mà NHNN áp dụng trong gần 5 tháng trước đó.
Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách điều hành tỷ giá mới.
Tỷ giá trung tâm cho các ngày tiếp theo sẽ được tính toán theo công thức, dựa trên nhiều yếu tố như: tỷ giá bình quân có gia quyền trên thị trường ngân hàng trong nước, tỷ giá với các đối tác thương mại lớn trên thế giới và cân đối vĩ mô.
“Phương thức tính có quy trình và đã được Thống đốc NHNN phê duyệt. Tỷ giá bình quân gia quyền tính sau giờ đóng cửa phiên trước, dựa trên biến động giá và khối lượng trong cả phiên. Cung cầu quốc tế dựa vào tỷ giá lấy vào lúc 7h sáng ngày áp dụng tỷ giá, dựa trên 5 phiên giao dịch gần nhất”, ông Dũng chia sẻ.
Tỷ giá 21.896 đồng/USD áp dụng cho ngày 4/1 cũng được tính trên cơ sở như vậy.
Video đang HOT
Theo đánh giá của ông Dũng, trong thời gian tới, tỷ giá trong nước tăng cao, quốc tế giảm thì tỷ giá trung tâm vẫn có thể giảm và ngược lại. Công thức tính có trọng số và đã chạy thử mô hình hồi cuối năm 2015 cho kết quả tốt.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN khẳng định, với chính sách mới, việc điều hành tỷ giá sẽ rất linh hoạt, cập nhật hơn. Tỷ giá sẽ phản ứng ngay lập tức với diễn biến trong nước và quốc tế.
Cũng theo bà Hồng, chế độ tỷ giá được xác định dựa trên Pháp lệnh ngoại hối… thả nổi có quản lý để đảm bảo phù hợp cân đối vĩ mô tiền tệ. Điều hành chính sách tiền tệ phải ổn định được thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế đồng VN.
Ông Bùi Quốc Dũng đánh giá, cơ chế tỷ giá mới sẽ giúp cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn, mức biến động tỷ giá sẽ bớt thay đổi mạnh, đột ngột, tránh được những cú sốc. Các DN theo đó sẽ tránh thua lỗ lớn.
Những điểm khác biệt
Ông Dũng cho biết, trên thế giới, việc xác định tỷ giá tăng giảm theo ngày có thể chia ra theo 2 nhóm nước. Chính sách của Trung Quốc dựa vào giá đóng cửa phiên liền trước. Tuy nhiên, cách tính dựa vào giá cuối ngày có thể bị ảnh hưởng bởi các TCTD lớn, và có thể dẫn tới biến động mạnh.
Tỷ giá mới sẽ theo sát nhịp đập quốc tế hơn.
Một nhóm nước khác trong đó có Kuwait dựa vào biến động trên thị trường quốc tế, phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế. Cách thức này không phản ánh được biến động tỷ giá ở thị trường trong nước.
Chính sách mới của Việt Nam dựa trên cả diễn biến trong nước và quốc tế và cân đối với các yếu tố vĩ mô. Đặc biệt, biến động trong nước có tính đến bình quân gia quyền, dựa trên biến động giá trong cả phiên và khối lượng giao dịch thành công.
Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam luôn nhất quán: điều hành chính sách tiền tệ hướng tới ổn định được thị trường ngoại hối và nâng cao vị thế đồng VND.
“NHNN với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, sẽ thực hiện biện pháp có yếu tố quản lý để đảm bảo góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Yếu tố quản lý được cân nhắc, xem xét cẩn thẩn, để tỷ giá biến động quá mức, quá lớn”, bà Hồng khẳng định.
Một điểm khác biệt nữa cũng được NHNN nhắc tới là: thay vì tuyên bố tỷ giá sẽ tăng bao nhiêu trong một khoảng thời gian thì NHNN sẽ thay bằng phương pháp điều chỉnh mềm. Trước đây, NHNN giao dịch ngoại tệ với NHTM bằng các hợp đồng giao ngay (spot), thì giờ đây dùng công cụ phái sinh. NHNN bán USD giao cuối tháng 3/2016 cho các NHTM với mức giá cao hơn 1% so với cuối 2015.
NHNN cũng cho phép NHTM hủy ngang giữa chừng các hợp đồng phái sinh với mức phí tượng trưng để các TCTD linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh dòng vốn ngoại tệ. Như vậy, trong những lúc thị trường vào thời kỳ cao điểm, căng thẳng về nguồn cung ngoại tệ sẽ được giảm bớt.
Thông thường bắt đầu từ cuối tháng 12, nhu cầu ngoại tệ trên thị trường thường tăng mạnh, các NHTM có thể trạng thái bán để tạo ra nguồn cung trên thị trường. Sau Tết Âm lịch, nếu nguồn cung tốt, các NHTM có thể chủ động mua trên thị trường để “cover” lại trạng thái. Nếu thị trường không tốt như kỳ vọng thì NHNN sẽ đóng vai trò điều phối.
Cũng theo NHNN, chính sách mới đã được nghiên cứu từ lâu. Tuy nhiên, giờ đây, vĩ mô ổn định hơn: tăng trưởng tốt, lạm phát thấp… là cơ sở để áp dụng chính sách mới. Hơn thế, biến động thế giới ngày càng có ảnh hưởng lớn tới thị trường trong nước. Trong năm 2016, Fed có thể tăng lãi suất 4 lần, NDT đã được đưa vào rỏ tiền của IMF, VN hội nhập sâu hơn vào thế giới với hàng loạt các FTAs đã và đang ký kết. Do đó, theo NHNN, tỷ giá cần được điều hòa hơn.
Theo_VietNamNet
Ngân hàng Nhà nước bắt đầu công bố tỷ giá trung tâm
Bắt đầu từ ngày 4/1, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ đã được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày. Đây được xem là cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của đồng Việt Nam với đô la Mỹ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ, tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác.
Theo Quyết định này, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày là cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của đồng Việt Nam với đô la Mỹ.
Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ đã được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày
Cùng với đó, tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước, việc công bố tỷ giá trung tâm là bước đi tiếp theo trong các biện pháp đồng bộ được Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Yến Nhi
Theo_VnMedia
Ngân hàng NN công bố cách điều hành tỷ giá trung tâm Theo thông báo mới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định mới về việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ. Theo thông báo mới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định mới về việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la...