USD bất ngờ tăng mạnh trở lại
Sau một tuần giảm dữ dội, đồng USD đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại cả trên thị trường ngân hàng và tự do.
Tính tới 10h sáng 13/10, các ngân hàng đã tăng giá USD từ 60 đến 140 đồng ở cả 2 chiều mua và bán so với sáng qua. Mức giá mua vào cao nhất đã lên tới 22.380 đồng/USD, so với mức mua vào thấp nhất cuối tuần qua là: 22.050 đồng/USD.
Giá bán ra cao nhất hiện đã lên tới 22.455 đồng/USD, so với mức phổ biến 22.250 đồng/USD cuối tuần trước.
Cụ thể, tính tới 10h sáng 13/10, Vietcombank niêm yết giá ở mức 22.370 đồng (mua) và 22.450 đồng (bán), tăng thêm 50-70 đồng so với đầu giờ sáng.
Vietinbank cũng tăng giá mua vào và bán ra USD thêm 65-75 đồng lên mức 22.380 đồng (mua) và 22.455 đồng (bán).
BIDV niêm yết giá ở mức: 22.370 đồng (mua) và 22.450 đông (bán); ACB 22.360 đồng (mua) và 22.450 đồng (bán)…
Hầu hết các ngân hàng đã tăng giá thêm 50-80 đồng/USD chỉ trong vài giờ đầu buổi sáng. Nếu so với sáng qua, giá USD đã tăng thêm 80-140 đồng. Trong phiên đầu tuần 12/10, giá USD cũng đã được các NHTM điều chỉnh tăng 70 – 90 đồng/USD.
Như vậy, sau khi giảm khoảng 1,5% trong tuần trước, chỉ trong 2 phiên đầu tuần mới, giá USD đã quay đầu tăng giá và lấy lại phần lớn những gì đã mất trong tuần trước. Giá đã trở về mức phổ biến trước đó, khoảng: 22.380-22.450 đồng/USD.
Video đang HOT
Trên thị trường tự do, USD cũng tăng khá nhanh, tính tới 10h20 sáng 13/10 là 22.370 đồng (mua) và 22.430 (bán).
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn ở mức 21.890 đồng/USD. Tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 22.547 đồng/USD, tỷ giá sàn là 21.233 đồng/USD. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá mua – bán USD ở mức 21.800 – 22.475 đồng/USD.
Tuần trước, USD giảm theo sự suy yếu của USD trên thị trường thế giới và các chính sách hạn chế sử dụng đồng USD của NHNN. Tuy nhiên, nhu cầu USD trong những tháng cuối năm vẫn được dự báo ở mức cao. Đồng USD trên thế giới, trong khi đó, vẫn nằm trong xu hướng tăng dài hạn.
Giá vàng trong nước giảm nhẹ theo thế giới xuống dưới ngưỡng 34 triệu đồng/lượng. Giá dầu trong khi đó tăng mạnh theo dự báo lượng cung sẽ suy giảm trong năm 2016.
M. Hà
Theo_VietNamNet
Lòng tin về ổn định kinh tế vẫn còn khá mờ nhạt
Dù bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm có nhiều khả quan, nhưng chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi vẫn không khỏi lo lắng bởi vẫn còn "những khoảng trống giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế".
Thưa ông, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của nền kinh tế đạt 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Nhiều ý kiến đánh giá đây là tín hiệu rất tích cực của nền kinh tế, vượt qua cả sự mong đợi của các cơ quan dự báo trong nước, thậm chí cả của hầu hết các tổ chức quốc tế. Ông đánh giá thế nào về một thành tích này?
Sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty TNHH TS Việt Nam (Thái Lan) (KCN Nội Bài, Hà Nội). Ảnh: Đ.D
- Đúng là mức tăng GDP của 9 tháng đầu năm nay không chỉ là một tín hiệu tích cực mà còn là một trải nghiệm đáng quan tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội. Hẳn nhiên mức tăng trưởng này thể hiện một sự khả quan của một quá trình phát triển, nhưng thiết nghĩ không nên vội vã cho rằng đây là một thành tích cao nhờ vào nội lực chúng ta. Tại sao? Tại vì doanh thu xuất khẩu từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã lên đến 70% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, nghiền ngẫm con số 70% này để nhanh chóng giải quyết cái bẫy thu nhập trung bình đã và đang chắn ngang ở đâu đó mà chúng ta cần phải sớm vượt qua.
Như vậy, tình hình kinh tế có thật sự "khả quan","khởi sắc" hay không còn có độ vênh lớn trong các nhận định. Theo ý kiến đánh giá của ông, liệu có điểm gì còn "vênh" giữa những số liệu"đẹp" ngược với thực tế hay không?
-Những cái khả quan và khởi sắc thật sự có hay không thì không quá khó để thấy là có. Đặc biệt là trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Nhưng đối với đa số các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất, tôi chưa thấy rõ nét khởi sắc trong kế hoạch đầu tư và chuyển đổi công nghệ. Với sự đồng thuận tương đối khá cao từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, cùng với các tờ báo kinh tế tài chính uy tín như Bloomberg và Wall Street Journal thì tôi mong là những con số vênh - đẹp mà nhiều người đang băn khoăn, nếu có thì cũng chỉ là một sai số nhỏ.
Cũng theo Tổng cục Thống kê nhận định thì sản xuất phục hồi, tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu cũng được cải thiện đáng kể nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô do lạm phát ở mức thấp. Nếu đánh giá một cách cụ thể hơn thì những tác động tích cực được thể hiện ra sao trên bức tranh chung của đời sống xã hội?
-Để đánh giá cụ thể những tác động tích cực trên bức tranh chung của đời sống xã hội, quả thật là rất khó. Tuy vậy, trong những lần quan sát và tiếp cận với một số doanh nghiệp và người tiêu dùng ở một số địa phương, tôi thấy và cảm nhận lòng tin của cả hai giới về ổn định kinh tế vẫn còn mờ nhạt. Nói một cách khác, phần tích cực là họ vẫn tiếp tục kinh doanh, lao động nhưng phần lớn họ vẫn còn nghi ngờ và băn khoăn về những quy định, quy chế còn nhiều bất cập của cấp chính quyền.
Ngoài ra, cơ cấu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay lệ thuộc khá nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; kế tiếp là các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng. Vấn đề chính là các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay và trong những năm phía trước có đem lại hiệu quả cho nền kinh tế và nâng cao đời sống cho đại đa số người dân trong xã hội hay không thì phải làm rõ?
Liên quan đến hai yếu tố tăng trưởng và lạm phát câu hỏi về việc vì sao lạm phát thấp mà tăng trưởng kinh tế vẫn khá cao đã được không ít chuyên gia kinh tế đặt ra. Ông có thể đưa ra một số lý giải của cá nhân ông?
-Đây cũng là vấn đề mà các nhà kinh tế và người làm chính sách thường có quan điểm khác nhau và tranh luận. Thoạt nhìn thì hệ số giảm phát giữa CPI và GDP được đo lường với những yếu tố gần giống nhau nhưng thật ra có những điểm rất khác nhau.
Chẳng hạn như hệ số giảm phát của GDP thường chỉ bao gồm các hàng hóa nội địa mà không bao gồm tất cả hàng hóa nhập khẩu; đồng thời đo lường các giá cả của tất cả các hàng hóa và dịch vụ nhưng CPI chỉ đo lường các hàng hóa được người tiêu dùng mua. Bên cạnh đó, không hẳn luôn có tỷ lệ thuận hoặc tỷ lệ nghịch giữa CPI và GDP để nhất thiết cho rằng chỉ số tiêu dùng thấp thì tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng phải thấp.
Hơn nữa, yếu tố cộng hưởng đầu tư và xuất khẩu của lĩnh vực FDI trong 9 tháng qua đã góp phần rất lớn trong chỉ số phát triển sản xuất và cũng lý giải được một phần của sự tăng trưởng này.
Kinh tế thế giới còn đang nhiều bất ổn, chắc chắn sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, theo ông là những thách thức, khó khăn gì trong thời gian từ nay đến hết 2015 và những tháng đầu năm 2016?
-Những yếu tố bất ổn trong kinh tế, cũng như chính trị và tùy mức độ, lúc nào và nơi nào cũng có và luôn là thách thức cho giới làm chính sách và điều hành.
Với Việt Nam, tôi cho rằng, trước tiên là chính sách về điều hành tiền tệ và kế tiếp là chính sách tài khóa vẫn sẽ là hai thách thức lớn và quan trọng trong những tháng còn lại của 2015 và suốt năm 2016.
Tại sao? Đang khi chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng vẫn còn đang tìm những giải pháp khả dĩ để hạ lãi suất hòng thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng; Bộ Tài chính đã vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng và tuyên bố sẽ hoàn trả lại vào cuối năm nay 2015. Điều này cho thấy vẫn có những khoảng trống giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong việc thúc đẩy mức tăng trưởng nền kinh tế. Đây là vấn đề thật đáng quan ngại.
Xin cảm ơn ông!
Ông Lê Trọng Nhi là một chuyên gia về tài chính và kinh doanh cao cấp trong lĩnh vực ngân hàng. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, ông đã cố vấn và làm việc cho nhiều tổ chức tài chính lớn, bao gồm Ngân hàng Mỹ tại San Francisco, Credit Lyonnais Securities Asia, Deutsche Morgan Grenfell tại Vietnam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Credit Agricole, Ngân hàng Pháp và Hà Lan.
Theo NTD
Giải bài toán hài hòa các lợi ích Thực tế quản lý phí và lệ phí (P&LP) thời gian qua cho thấy còn nhiều bất cập trong cả quy định, cách hiểu và cách triển khai Pháp lệnh P&LP. Nổi bật là: Chưa minh bạch nội hàm và cơ chế quản lý P chưa khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ công,...