USD áp trần, NHNN có “phá giá” cam kết của Thống đốc Bình?
Tỷ giá USD/VND liên tiếp leo cao và đang áp sát trần quy định 21.673 đồng của NHNN, liệu rằng cơ quan này có đưa ra quyết định điều chỉnh, thậm chí là “phá giá” “một nửa cam kết còn lại” của Thống đốc Bình?
Ảnh minh họa.
Tỷ giá áp trần và cam kết 2% của Thống đốc
Cách đây đúng một tuần, cụ thể là chiều muộn ngày 25/3/2015, trước tình trạng tỷ giá USD/VND liên tiếp leo cao (chỉ trong một thời gian ngắn chưa tới 10 ngày, giá USD hai chiều mua vào – bán ra ở các ngân hàng thương mại cũng như thị trường chợ đen đã đồng loạt vọt tăng 130 đồng, thậm chí là 150 đồng), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cuối cùng cũng phải tổ chức một cuộc họp báo với chủ đề (duy nhất): tỷ giá.
“Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm” – Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, người chủ trì phiên họp báo đó đã kết luận như vậy.
Lời khẳng định chắc nịch này đã ngay lập tức phát huy hiệu quả; bằng chứng, giá đô la Mỹ được các tổ chức tín dụng (TCTD) niêm yết ngày 26/3/2015 “rủ nhau hạ nhiệt” nhanh, có nơi giảm tới 30 đồng.
“Yếu tố tâm lý” đã được trấn an nhanh chóng chỉ sau một phiên họp báo già tiếng đồng hồ?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cam kết “tỷ giá 2015 sẽ không tăng quá 2%”
Mọi chuyện dường như không đơn giản là thế; bởi, tính từ đó đến nay, 26/3 lại chính là phiên giật lùi tỷ giá hiếm hoi và duy nhất; còn sau đó: 27/3 tăng 40 đồng, 28/3 tăng 15 đồng, 29/3 (ngày nghỉ), 30/3 tăng 20 đồng, 31/3 tăng 20 đồng, 01/4 tăng 20 đồng (chọn theo biên độ lớn nhất).
Video đang HOT
Chốt phiên giao dịch ngày 01/4, Vietcombank – nhà băng vốn vẫn được đánh giá là nơi yết Đô la cạnh tranh nhất thị trường đang chào giá chiều bán ở mức 21.610 đồng đổi 1 USD, tức là chỉ còn cách trần 21.673 đồng mà NHNN đề ra 53 đồng nữa và cũng là cao nhất từ trước đến nay.
Nếu gia tốc tăng vẫn được duy trì như những ngày qua, chưa hết tuần này, tỷ giá USD/VND sẽ chính thức “kịch trần”. “Kịch trần” có nghĩa rằng không gian đã trở nên bí bách và rồi có thể sẽ xuất hiện những yếu tố “lách trần”, “chọc trần”, thị trường ngoại hối cũng có thể phát sinh xung chấn…
Nếu hiện tượng này kéo dài không loại trừ khả năng NHNN sẽ phải dùng nốt “một nửa lời hứa còn lại” trong cam kết “không tăng tỷ giá quá 2%” mà Thống đốc Bình đã đề ra cho 2015, trước đó, ngày 7/1, cơ quan này đã quyết định điều chỉnh tỷ giá thêm 1% từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD.
Trong khi đó, năm tài chính 2015 mới đi được chặng đường. Xét bối cảnh thế giới hiện nay, trước làn sóng nới lỏng định lượng của nhiều nền kinh tế lớn cũng như áp lực nới lỏng chính sách tiền tệ từ hàng chục NHTW khắp thế giới, lời hứa đầu năm của Thống đốc Bình nhiều khả năng sẽ phải đối diện nguy cơ “phá giá”.
Đâu là nguyên nhân?
Xét về nguyên căn, có không ít yếu tố hỗ trợ cho đồng Đô la xuôi thế để thuận dòng tăng giá.
Trước tiên, nhìn nhận diễn biến của USD trên thị trường thế giới, chỉ số ICE đo sức mạnh của USD với rổ các đồng tiền chủ chốt khác đã liên tục tăng cao trong thời gian qua. Điều này xuất phát từ sức hồi sinh mạnh của kinh tế Mỹ, quyết định tung gói kích thích kinh tế khổng lồ mà NHTW Châu Âu ECB đã đưa ra hay phần nào tự chính bản thân diễn biến cũng đầy tính tâm lý của đồng USD do những đồn đoán về bước đi tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Trao đổi với phóng viên ANTT.VN, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Hàm Phó TGĐ, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Ngân hàng BIDV nhận định, hiện tượng leo dốc của tỷ giá USD/VND những ngày qua tiếp tục chịu sự chi phối lớn từ yếu tố tâm lý và kỳ vọng phá giá VND của một bộ phận thị trường trước làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ, ghìm giá nội tệ mà hàng loạt NHTW khác đã và đang tiến hành thực hiện. Cộng hưởng vào đó là doãng chênh lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới.
TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Hàm Phó TGĐ, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Ngân hàng BIDV.
“Hiện tượng này cũng đồng thời phản ánh cung cầu ngoại tệ trên thị trường”, TS. Lực chia sẻ.
Theo đó, với mức nhập siêu thêm 500 triệu USD trong tháng 3, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong quý 1 đã tăng lên 1,8 tỷ USD.
Chi tiết hơn, báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch nhập khẩu của cả quý 1 ước đạt 37,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, ở phía ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của cả quý 1 lại chỉ khoảng 35,7 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014. Hoạt động xuất khẩu gặp khó do việc co hẹp của các thị trường (do USD tăng giá) cũng như việc giảm giá của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu thô, dệt may….
Thêm vào đó, chốt quý, nhu cầu quyết toán một số khoản nợ ngoại tệ cũng góp phần làm gia tăng cầu USD.
Những yếu tố này lại tiếp tục thêm phần dấy lên những đồn đoán về việc NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, qua đó làm đậm đặc hơn “yếu tố tâm lý”.
Tuy nhiên, theo TS. Lực, việc duy trì tỷ giá ổn định như hiện nay có gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu hay không cũng cần phải được tính toán cụ thể và kiểm chứng theo một mô hình hợp lý.
NHNN cần phải làm gì?
“Mặc dù tỷ giá USD/VND bán ra ở một số ngân hàng đâu đó đang tiến sát đến sát trần thì tôi vẫn cho rằng diễn biến thị trường ngoại hối vẫn là tương đối ổn định.”, ông đánh giá, “Dự trữ ngoại hối vẫn được duy trì và củng cố ở mức cao, từ đầu năm, NHNN vẫn chưa phải bán can thiệp ngoại tệ, giải ngân FDI và nguồn thu ngoại tệ từ du lịch… đâu đó cũng khá tốt, do vậy, cung ngoại tệ về cơ bản vẫn chưa gặp quá nhiều vấn đề”.
Trước việc leo giá của USD trên thị trường, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị NHNN nên thực hiện rà soát, tổng hợp số liệu, phối hợp với các đơn vị liên quan, tính đoán, đánh giá thấu đáo tác động cụ thể của từng quyết định điều chỉnh tỷ giá để lựa chọn thời điểm và mức độ tối ưu nhất.
“Ngoài ra, NHNN cũng cần phải chú trọng tới công tác truyền thông để dư luận hiểu đúng về công tác điều hành tỷ của mình, giảm thiểu “yếu tố tâm lý” bất lợi, thiếu tích cực”, chuyên gia kinh tế của BIDV kết luận.
Theo An Ninh Tiền Tệ
Vụ kinh doanh ngoại hối khủng gần 30.000 tỷ đồng ở Lào Cai
Hàng chục đối tượng có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, kiều hối ở TP.Lào Cao (tỉnh Lào Cai), với tổng số tiền giao dịch "khủng" lên tới gần 30.000 tỷ đồng.
Theo một số nguồn tin từ cơ sở phản ánh, trên địa bàn TP.Lào Cai, thời gian qua đã "nở rộ" hoạt động kinh doanh ngoại hối, kiều hối, phục vụ đổi tiền cho khách hàng từ Việt Nam đồng sang Nhân dân tệ và ngược lại. Đi sâu vào điều tra, thẩm tra, xác minh, cơ quan chức năng nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rất lớn.
Cụ thể, tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, từ tháng 8/2012 đến tháng 4/2014 đã xuất hiện việc một số cá nhân mở tài khoản giao dịch kinh doanh dịch vụ đổi tiền, chuyển tiền phục vụ cho cá nhân, tổ chức chuyên xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, những hàng hóa mà các đối tượng này thực hiện chuyển giao dịch thanh toán đều rơi vào hàng xuất nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa gian lận thương mại hoặc các hoạt động vi phạm pháp luật khác không thể thanh toán được theo quy định của pháp luật.
Phối hợp cùng Công an tỉnh Lào Cai, cơ quan Quản lý thị trường đã đi sâu xác minh, mời các đối tượng đến làm việc. Hiện đã xác định rõ danh tính, địa chỉ thường trú, số chứng minh nhân dân, số tài khoản cá nhân và số tiền của 24 cá nhân đã giao dịch trong khoảng thời gian từ tháng 8/2012 đến tháng 4/2014.
Phân tích kết quả xác minh của cơ quan quản lý cho thấy: có tới 20 đối tượng kinh doanh ngoại hối, kiều hối mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định; 9 đối tượng kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề được cấp.
Theo cơ quan chức năng, trong nhiều năm liền, các đối tượng trên đã đổi tiền, chuyển tiền trái với quy định của Nhà nước, vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho các vi phạm pháp luật, làm dịch vụ thanh toán tiền cho hàng hóa buôn lậu, hàng giả, làm giả hồ sơ để hoàn thuế, hàng cấm và các loại tội phạm khác mà Nhà nước chưa kiểm soát được, gây thiệt hại lớn về kinh tế và an ninh quốc gia.
Với doanh số chuyển tiền giao dịch từ tháng 8/2012 đến tháng 4/2014 của 24 đối tượng lên đến hơn 29.300 tỷ đồng, theo tìm hiểu của cơ quan chức năng, có dấu hiệu một phần không nhỏ trong số tiền đó đã đi đường vòng phi pháp dẫn đến việc tiếp tay cho nhiều khoản thu lách và trốn thuế, đồng thời trốn được vòng kiểm soát trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ.
Vụ việc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành quản lý từ Trung ương đến địa phương; đối tượng vi phạm hoạt động theo phương thức, thủ đoạn mới khiến dư luận không khỏi giật mình. Được biết, bước đầu đã có những kiến nghị về trách nhiệm xử lý, truy tìm cụ thể số tiền thuế thất thoát từ những chiêu lách luật để kinh doanh này.
Câu hỏi nữa khiến dư luận không khỏi nghi ngại đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu, những "lỗ hổng" chết người nào trong kinh doanh ngoại hối và hoạt động ngân hàng cần được làm rõ? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và phản ánh vụ việc với bạn đọc ngay khi có thông tin.
Theo Pháp Luật