Uống thuốc vào thời điểm nào để tăng hiệu quả điều trị?
Uống thuốc vào đúng thời điểm trong ngày có thể tạo ra sự khác biệt lớn về hiệu quả điều trị.
DS. Huỳnh Phương Thảo – Khoa Dược Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) chia sẻ về thời điểm dùng thuốc cho một vài loại thuốc người bệnh hay sử dụng:
1. Các thuốc thường dùng trước bữa ăn sáng:
Thuốc bổ sung sắt: Uống thuốc bổ sung chất sắt với một ly nước cam hoặc khi bụng đói sẽ tạo điều kiện hấp thu tốt sắt. Môi trường acid giúp hấp thu sắt tốt hơn, nhưng khi bụng đói mà bổ sung sắt có thể gây cảm giác buồn nôn, nên dùng kèm với một ít thức ăn. Sắt cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác, cản trở sự hấp thu các canxi, thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp, vitamin tổng hợp và kháng sinh. Do đó, nếu bạn dùng nhiều thuốc ngoài việc bổ sung sắt, cần trao đổi với dược sĩ về tất cả thuốc đang dùng.
Thuốc điều trị tăng huyết áp: Huyết áp thường cao hơn vào buổi sáng. Thuốc huyết áp thường được kê uống vào buổi sáng để ổn định huyết áp cho người bệnh.
Thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp: Thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp hoạt động tốt nhất khi uống lúc bụng đói. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc khác – ngay cả các sản phẩm không kê đơn như vitamin tổng hợp – nên tham khảo ý kiến dược sĩ để được tư vấn phù hợp.
Các thuốc chống trào ngược acid và ợ nóng: Để đạt hiệu quả điều trị trào ngược acid và ợ nóng, nên dùng thuốc trước khi ăn.
Thuốc điều trị loãng xương: Phần lớn các loại thuốc trị loãng xương được sử dụng liều đầu tiên vào buổi sáng khi bụng đói, có thể là liều hàng tuần hoặc hàng tháng. Có một số loại thuốc điều trị loãng xương được sử dụng hàng ngày trước khi đi ngủ, nhưng không được kê đơn thường xuyên như thuốc uống buổi sáng, hàng tuần hoặc hàng tháng.
Video đang HOT
Uống thuốc vào đúng thời điểm trong ngày có thể tăng hiệu quả điều trị
2. Các thuốc thường dùng sau khi ăn sáng
Vitamin tổng hợp: Ăn sáng xong, đã đến lúc uống vitamin tổng hợp hàng ngày của bạn. Hàm lượng chất béo trong bữa ăn sẽ giúp các vitamin tan trong chất béo (A, D, E và K) của thuốc được hấp thụ. Vitamin tổng hợp cũng có thể cung cấp năng lượng, vì vậy hãy dùng nó để khởi đầu ngày mới. Nếu bạn đang sử dụng cùng lúc các chất bổ sung sắt, canxi, thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp hoặc kháng sinh, có thể có một cuộc chiến hấp thu trong hệ thống tiêu hóa của bạn. Dược sĩ có thể đề nghị chuyển vitamin tổng hợp sang sau bữa ăn trưa và tách biệt thuốc buổi sáng để giúp cơ thể bạn chuyển hóa từng loại thuốc.
Thuốc thông mũi và thuốc chống dị ứng: Nghẹt và các triệu chứng dị ứng phổ biến như ngứa mắt thường tồi tệ hơn vào buổi sáng. Uống những viên thuốc này sau khi ăn sáng sẽ giúp làm sạch xoang, vì vậy bạn sẽ cảm thấy bớt tắc nghẽn trong ngày. Nên tránh dùng các loại thuốc này vào buổi chiều hoặc tối, nó làm bạn tỉnh táo, khiến bạn trằn trọc và khó ngủ.
Probiotic: Luôn uống men vi sinh sau khi ăn. Thức ăn trong dạ dày của bạn sẽ giúp men tiêu hóa phát huy tác dụng. Nếu bạn uống men vi sinh khi bụng đói, môi trường acid có thể đe dọa sự sống của men vi sinh.
Thuốc điều trị viêm khớp: Dùng thuốc điều trị viêm khớp trước hoặc sau khi ăn sáng sẽ giúp kiểm soát triệu chứng trong ngày. Nhiều đơn thuốc điều trị viêm khớp có liều thứ hai có thể uống sau bữa ăn tối để đảm bảo rằng người bệnh thức dậy giảm cứng khớp và tăng khả năng vận động.
Thuốc lợi tiểu: Uống thuốc lợi tiểu vào buổi sáng cho phép cơ thể bạn loại bỏ lượng nước dư thừa vào ban ngày, nên dùng thuốc lợi tiểu vào buổi sáng để tránh giấc ngủ bị gián đoạn ban đêm do tác dụng phụ của thuốc.
3. Thuốc nên dùng sau bữa ăn tối
Thuốc điều trị tăng cholesterol máu: Gan chuyển hóa phần lớn cholesterol trong khi ngủ vào ban đêm; uống thuốc sau bữa tối sẽ giúp duy trì mức cholesterol ổn định trong máu.
4. Thuốc nên dùng trước khi đi ngủ
Thuốc ngủ: Để ngăn ngừa ngủ trưa quá giấc và đạt hiệu quả tốt nhất nên uống thuốc ngủ ngay trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, DS. Huỳnh Phương Thảo khuyến cáo, trước khi bắt đầu dùng kháng sinh theo toa, bệnh nhân hãy trao đổi kỹ với dược sĩ để tránh tác dụng phụ khó chịu hoặc nguy cơ giảm hiệu quả nếu dùng sai cách. Mỗi loại kháng sinh có hướng dẫn riêng về liều lượng, tương tác với thực phẩm và các loại thuốc khác. Và khi dùng thuốc, không nên tự ý dùng bưởi hoặc nước ép bưởi mà không nói chuyện với dược sĩ trước. Trái cây có thể làm tăng tác dụng của một số loại thuốc bao gồm cả thuốc tim mạch.
Theo petrotimes
Bác sĩ ơi: Phát hiện sớm và tầm soát ung thư thận như thế nào?
Gia đình tôi có người bị suy thận mạn, phải chạy thận nhân tạo. Tôi rất lo lắng, liệu suy thận có dẫn đến ung thư thận không? Gia đình có tiền sử suy thận vậy những người thân có nguy cơ bị ung thư thận không?
Để tầm soát bệnh thì siêu âm ổ bụng khi khám sức khỏe định kỳ là một phương pháp ít chi phí và có thể phát hiện được ung thư thận - Ảnh: Shutterstock
Xin bác sĩ tư vấn cách tầm soát và dấu hiệu nhận biết ung thư thận. (Ngô Thái Minh Tuấn, 45 tuổi, ngụ Vĩnh Long)
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM): Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, năm 2018, Việt Nam có khoảng 2.400 ca mắc mới ung thư thận, trong đó có hơn 1.300 ca tử vong, chiếm trên 55%. Ung thư thận hiện xếp vị trí thứ 17 trong các loại ung thư ở Việt Nam, với tần suất mắc bệnh khoảng 1,5/100.000 dân.
Ung thư thận không có mối liên quan với suy thận mạn. Suy thận mạn là bệnh nội khoa mạn tính về thận nên không có khả năng dẫn đến ung thư thận. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị ung thư thận thì có khả năng gây ra suy thận mạn do sự phá hủy các tế bào ung thư thận.
Hiện nay, y học vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra ung thư thận, chỉ khuyến cáo các yếu tố nguy cơ cao có khả năng dẫn đến bệnh, bao gồm: hút thuốc lá nhiều, tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất có chứa benzyl acetate, người bị béo phì và một số trường hợp được ghi nhận có tính di truyền.
Có những dấu hiệu nghi ngờ ung thư thận như: suy kiệt, sụt cân, đổ mồ hôi về đêm, thiếu máu, sốt, đau nhức cơ bắp,... là những triệu chứng khởi đầu hay là hội chứng cận ung thư.
Ngoài ra, còn có các triệu chứng: tiểu ra máu, đau vùng hông lưng, sờ vùng hông lưng có thể cảm giác bập bềnh hay sờ chạm đến cục bướu. Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ thể hiện trên khoảng 10% bệnh nhân, có 25% bệnh nhân đến khám khi bệnh đã có những dấu hiệu của hạch di căn xa và các triệu chứng thể hiện ở các cơ quan do di căn tới phổi, trung thất,...
Để tầm soát bệnh thì siêu âm ổ bụng khi khám sức khỏe định kỳ là một phương pháp ít chi phí và có thể phát hiện được ung thư thận. Nếu nghi ngờ có những bất thường ở thận khi siêu âm thì có thể thực hiện các biện pháp đi kèm như chụp MRI, CT,...
Độ tuổi trung bình của những bệnh nhân ung thư thận thường khoảng 55-60 tuổi, nhiều hơn ở độ tuổi trên 65. Chính vì vậy, những người trên 65 tuổi được khuyến cáo tầm soát ung thư thận.
Nếu siêu âm và không phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, thì từ 6 tháng đến 1 năm nên đi tầm soát lại cũng bằng phương pháp siêu âm ổ bụng.
Để phòng ngừa ung thư thận, ngoại trừ một số nguyên nhân di truyền không thể phòng ngừa, thì mọi người nên hạn chế hút thuốc lá (kể cả người hút thuốc lá chủ động hay thụ động), hạn chế tiếp xúc với các hóa chất thơm (như benzen, xăng dầu,...), tăng cường tập luyện thể dục, giảm lượng mỡ thừa,...
Theo Thanh niên
Chàng trai 25 tuổi nhồi máu cơ tim vì hút 20 điếu thuốc lá mỗi ngày Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) vừa cấp cứu cho nam bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp khi chỉ mới 25 tuổi. Nhồi máu cơ tim (NMCT) là một biến cố cấp tính, nguy hiểm. Bệnh lý này thường gặp trên các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, tiền căn...