Uống rượu khi ăn tiết canh có diệt được sán lợn?
Nhiều người cho rằng khi ăn tiết canh hay các thực phẩm tái như nem chua, rau sống… chỉ cần uống rượu sẽ diệt hết ấu trùng sán lợn hay các vi khuẩn.
Một trong những nguyên nhân nhiễm sán được xác định từ thói quen ăn tiết canh lợn
Nhiều đấng mày râu thường truyền tai nhau rằng, khi ăn tiết canh hay các thực phẩm tái như nem chua, rau sống… chỉ cần uống rượu sẽ diệt hết ấu trùng sán lợn hay các vi khuẩn có thể có trong đó. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng Xuân Đại, thông tin trên là hoàn toàn sai, thực tế cho thấy trứng giun sán không thể tiêu diệt bằng rượu bia.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi ở 100 độ C trong vòng 2 phút. Trong khi đó rượu có độ cồn cao nhất cũng chỉ lên tới 40 – 45 độ cồn thì không thể diệt được các ấu trùng, trứng sán nếu như nó có trong những thực phẩm.
“Việc uống rượu để diệt sán lợn hay các loại vi khuẩn là không có cơ sở. Tốt nhất là người dân cần ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần” – bác sĩ Hoàng Xuân Đại khẳng định.
Bên cạnh đó, bác sĩ Đại cũng lưu ý hiện nay có rất nhiều người sử dùng thịt, cá đông lạnh không đúng cách trong bữa ăn cũng rất nguy hiểm. Cụ thể, trước bữa ăn các bà nội trợ thường rã đông qua loa rồi đem thịt cá còn lạnh bỏ vào nồi nấu. Tuy nhiên điều này lại khiến thực phẩm chín rất kỹ ở bên ngoài, nhưng bên trong nhiệt độ vẫn còn thấp, không đủ làm chết các nang ký sinh trùng.
Sán dây lợn là một dạng ký sinh trùng trên cơ thể lợn. Sán xâm nhập vào cơ thể người có thể do ăn phải loại thực phẩm từ thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán hoặc trứng sán; ăn rau sống không được rửa sạch…
Trứng và ấu trùng sán dây lợn trong thịt lợn thường giống như hạt gạo. Sán khu trú ở trong các bắp thịt lợn (thịt nạc vai nhiều nhất), óc, đặc biệt các hạt gạo tập trung chủ yếu phần nhiều gân và mỡ của lợn. Những phần trên cũng thường được dùng để chế biến tiết canh.
Sán lợn sang người sẽ di chuyển khắp nơi trong cơ thể, nhưng “vùng đất” lý tưởng nhất của nó là não và vùng dưới da. Sán lợn lên não sẽ chèn ép não, gây nên những tổn thương vùng não dẫn đến hiện tượng giảm trí nhớ, mất trí nhớ, đau đầu và động kinh co giật.
Video đang HOT
Bệnh ấu trùng sán lợn có thể được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ăn thịt lợn gạo chưa được nấu chín là một trong những nguyên nhân nhiễm sán dây/sán lợn
Phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
- Thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, mổ thịt, vận chuyển buôn bán lợn (heo) theo quy định.
Hiện nay, ngành y tế vẫn đang theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng, đặc biệt tập trung vào các biện pháp tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các ban ngành chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường để phòng tránh các trường hợp nhiễm bệnh.
Diệp Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Ba bệnh ký sinh trùng đáng sợ gia tăng trở lại ở Việt Nam
Thói quen ăn các món không được nấu chín như gỏi, nem chua, tiết canh của người Việt luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ký sinh trùng.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Điều trị chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương - Hà Nội) cho hay gần đây, khoa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân mắc bệnh ký sinh trùng. Đây được coi là căn bệnh đã bị lãng quên nhưng gần đây tăng trở lại do các phương tiện chẩn đoán tiên tiến hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ . Ảnh: HQ.
Giun đũa chó mèo
Theo thạc sĩ Thọ, bệnh nhân đến khám và được phát hiện bệnh nhiều nhất tại khoa Điều trị chuyên ngành hiện nay là mắc giun đũa chó mèo. Bệnh nhân gặp triệu chứng ngứa, nổi ban, mề đay và đã từng đi khám ở các chuyên khoa da liễu, dị ứng nhưng không hiệu quả.
Giun đũa chó, mèo ký sinh ở động vật, người là vật chủ bị ký sinh nhầm. Ấu trùng này sẽ theo đường máu di chuyển tới các bộ phận trong cơ thể và khi ký sinh ở bộ phận nào, chúng sẽ gây tổn thương cho bộ phận đó.
Điều trị giun đũa chó mèo phụ thuộc vào khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân sau một đợt dùng thuốc đã có hiệu quả nhưng cũng có những bệnh nhân phải điều trị từ 3-4 đợt.
Sán lá gan lớn
Đây là căn bệnh phổ biến thứ hai sau giun đũa chó mèo. Người bệnh có những tổn thương, khối u ở gan.
"Những trường hợp nhiễm sán lá gan lớn chủ yếu là bệnh nhân đã khám ở những bệnh viện tuyến trung ương chụp CT có những tổn thương gan đã loại trừ ung thư", bác sĩ Thọ nói.
Bệnh nhân sẽ được thực hiện những xét nghiệm ký sinh trùng một lần nữa, nếu kết quả dương tính sẽ được điều trị tẩy sán. Nhiều bệnh nhân nhờ điều trị sán lá gan lớn có hiệu quả nên tránh được can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật).
Ấu trùng sán lợn
Ấu trùng sán lợn là ấu trùng của sán dây lợn Taenia solium. Sán trưởng thành ký sinh ở ruột người, sán dài từ 4-12 mm gồm 900 đốt, chia làm 3 phần.
Ấu trùng này có vật chủ trung gian là lợn và thường trú ngụ ở cơ và não của lợn hay còn gọi lợn gạo. Ấu trùng sán lợn ký sinh ở não gây động kinh, co giật, liệt, nói ngọng làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.
Theo bác sĩ Thọ, các bệnh ký sinh trùng khác nhau gây ra những khó chịu trong sinh hoạt và cuộc sống khác nhau. Bệnh nhân bị ngứa cả ngày, liên tục phải mang theo thuốc. Bệnh nhân sán lá gan sẽ có những tổn thương ở gan ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí nhiều người bị nhầm tưởng mắc ung thư gan.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo người dân cần phòng bệnh ký sinh trùng bằng cách không ăn đồ ăn sống (rau sống, thịt sống, tiết canh, nem chạo, rau thủy sinh dưới nước). Thực hiện ăn chín - uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là cách phòng bệnh ký sinh trùng tốt nhất.
Theo Zing
Những món ăn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán Thịt sống, tiết canh, nem chua, thịt bò tái, rau sống là những món ăn có nguy cơ cao nhiễm sán. Bệnh sán dây, ấu trùng sán dây lợn còn gọi là bệnh sán dải lợn, phân bố ở tất cả vùng miền. Người bệnh có thể mắc ấu trùng sán lợn hoặc sán trưởng thành ở ruột nếu ăn, nuốt phải trứng,...