Uống ‘chất lỏng bí ẩn’ để truy tìm phù thủy, 50 người chết ở Angola
Khoảng 50 người ở Angola đã tử vong sau khi bị ép uống một loại nước thảo dược để chứng minh họ không phải là phù thủy, theo giới chức địa phương.
Bà Luzia Filemone, một ủy viên hội đồng địa phương, ngày 14.3 cho biết sự việc xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 gần thị trấn Camacupa ở miền trung Angola. Cảnh sát xác nhận 50 người đã chết, theo CBS News.
Trên Đài phát thanh Quốc gia Angola (ANR), bà Filemone cáo buộc các thầy lang đã cho nạn nhân uống dung dịch gây chết người này.
“Hơn 50 nạn nhân bị ép uống chất lỏng bí ẩn này. Theo các thầy lang, thứ chất lỏng này chứng minh một người có thực hành phép thuật phù thủy hay không”, bà nói.
50 người chết sau khi uống một loại “chất lỏng bí ẩn” để chứng minh không phải phù thủy ở Angola. Ảnh CHỤP MÀN HÌNH RT
Niềm tin vào phép thuật phù thủy vẫn còn phổ biến ở một số cộng đồng nông thôn Angola bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ giáo hội ở Angola, nơi người dân đa số theo Công giáo.
“Việc bắt mọi người uống thứ được cho là chất độc này vì tin vào phép thuật phù thủy là một hành vi phổ biến”, người phát ngôn cảnh sát tỉnh Antonio Hossi nói với ANR, đồng thời cảnh báo rằng số lượng người phải uống loại nước thảo dược này đang gia tăng.
Angola không có luật chống lại phép thuật phù thủy, khiến cộng đồng phải tự giải quyết vấn đề này nếu họ thấy phù hợp.
Các cáo buộc về ma thuật thường được giải quyết bởi các thầy lang, tức “marabout”, bằng cách cho người bị cáo buộc uống một nước thảo dược độc hại gọi là “Mbulungo”. Nhiều người tin rằng cái chết sẽ chứng minh tội lỗi.
Năm ngoái, giám mục Firmino David của giáo phận Sumbe ở Angola cho hay những thách thức kinh tế xã hội ở nước này đang buộc một số người “phải chọn cách thực hành phép thuật phù thủy vì họ tin rằng với phép thuật phù thủy, họ có thể đạt được những gì họ muốn, do đó có thể tự thoát khỏi nghèo đói và có được mọi thứ họ cần để tồn tại”.
Giám mục Firmino kêu gọi người dân “giúp giải cứu những người cố gắng kiếm sống bằng những hành vi có hại cho xã hội, bao gồm cả phép thuật phù thủy và ma túy”.
Trong chuyến đi tới Angola năm 2009, giáo hoàng Benedict kêu gọi người Công giáo tránh xa phép thuật phù thủy cũng như ma thuật.
Phù thùy thời 4.0 cũng biết yểm bùa yêu qua Internet
Thủ lĩnh giáo phái nhịn ăn Kenya đối mặt với cáo buộc giết người
Một thẩm phán Kenya hôm 17-1 đã yêu cầu thủ lĩnh giáo phái Paul Mackenzie và 30 cộng sự phải trải qua đánh giá sức khỏe tâm thần trước khi bị buộc tội sát hại 191 trẻ em trong vụ bê bối phát hiện vào tháng 4 năm ngoái.
Thủ lĩnh giáo phải nhịn ăn Paul Mackenzie tại tòa hôm 17-1
Trong phiên tòa diễn ra hôm 17-1 ở thị trấn ven biển Malindi, thẩm phán đã đưa ra yêu cầu tiến hành đánh giá sức khỏe tâm thần của 31 bị cáo trước khi họ chính thức quay lại tòa vào ngày 6-2. Theo điều tra, Mackenzie, người đứng đầu Nhà thờ Tin lành Quốc tế, đã ra lệnh cho tín đồ ở miền Đông Nam Kenya bỏ đói bản thân và con cái họ đến chết để có thể lên thiên đàng trước khi thế giới rơi vào ngày tận thế. Cả nhóm đối tượng được cho là thực hiện nhiệm vụ mà nhà truyền giáo Paul Mackenzie đưa ra là đảm bảo không ai được bỏ nhịn ăn hoặc sống sót để rời khỏi khu rừng Shakahola.
Trong khu rừng Shakahola, nhà chức trách đã tiến hành khai quật nhiều tháng, từ đó phát hiện hơn 400 thi thể. Sự việc trở thành một trong những thảm kịch liên quan đến giáo phái tồi tệ nhất thế giới trong lịch sử gần đây. Một số tín đồ của Mackenzie đã được giải cứu trong tình trạng hốc hác, suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Nhân chứng cho hay, Mackenzie đã lên kế hoạch về nhịn đói hàng loạt theo 3 giai đoạn: đầu tiên là trẻ em, sau đó là phụ nữ và nam thanh niên, và cuối cùng là những người đàn ông.
Năm 2002, tại khoảnh sân đối diện trường học Công giáo ở Malindi, từ một lái xe taxi, Mackenzie bỗng trở thành thủ lĩnh giáo phái với kênh truyền hình riêng. Thủ lĩnh đã cấm các thành viên giáo phái đưa con đến trường học và đến bệnh viện khi chúng bị ốm. Năm 2019, ông này đột ngột thông báo đóng cửa nhà thờ, rút lui vào rừng Shakahola. Ông ta mời tín đồ mua những mảnh đất nhỏ trên khu đất mà ông ta nói sẽ là một "Thánh địa mới". Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 ở Kenya vào năm 2020 đã khiến khu vực này thêm sức hấp dẫn bởi nó chứng minh cho thông điệp "thế giới sắp kết thúc".
Một báo cáo của Ủy ban Thượng viện Kenya cho biết, Mackenzie đã khuyến khích các thành viên nhà thờ chuyển đến rừng Shakahola để chuẩn bị cho ngày tận thế. Ông chọn khu vực rừng Shakahola vì nó nằm ở vị trí xa xôi, hẻo lánh. Báo cáo cho biết: "Khi đã vào trong những ngôi làng do Mackenzie thành lập, tín đồ không được phép rời khỏi khu vực cũng như không được tương tác với nhau. Họ còn được yêu cầu tiêu hủy các tài liệu quan trọng, trong đó có căn cước, giấy khai sinh, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, giấy chứng nhận học tập và giấy đăng ký kết hôn".
Các công tố viên cho rằng, cho tới nay, việc xét xử vụ án bị chậm trễ là do khó khăn về xác định vị trí, khai quật và khám nghiệm tử thi. Hiện thi thể của 180 trong số 191 trẻ em thiệt mạng vẫn chưa được xác định danh tính. Phía cơ quan công tố đã đề nghị tòa án ở Kilifi gia hạn lệnh tạm giam các đối tượng thêm 60 ngày nhưng tuần trước, Thẩm phán Yousuf Shikanda đã từ chối đề nghị, nói rằng các công tố viên đã có đủ thời gian để hoàn tất cuộc điều tra.
Theo cơ quan công tố, họ sẽ buộc tội tổng cộng 95 người về tội giết người, ngộ sát, khủng bố và tra tấn. Một luật sư của Mackenzie, người đã bị giam giữ kể từ khi cảnh sát bắt đầu khai quật thi thể trong rừng, cho biết vị mục sư tự phong hợp tác với cơ quan điều tra. Trong phiên điều trần hôm 17-1, Mackenzie mặc chiếc áo sơ mi polo sọc trắng xanh, hầu như không biểu lộ cảm xúc gì bên cạnh các bị cáo trong phòng xử án.
Vào tháng 12-2023, ông ta bị kết án 12 tháng tù trong một vụ án riêng khác với tội danh sản xuất và phân phối phim trái phép. Thủ lĩnh giáo phái trước đó đã bị bắt vào năm 2019, cũng liên quan đến cái chết của trẻ em, nhưng được tại ngoại.
Các thành viên OPEC khẳng định duy trì cam kết sau sự 'rời đi' của Angola Các nước bao gồm Iraq, Nigeria và Cộng hòa Congo đã tái khẳng định duy trì cam kết với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bất kể sự rời đi của Angola vào tuần trước. Tàu chở dầu hoạt động ngoài khơi bờ biển Angola trên Đại Tây Dương. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Trong một tuyên bố ngày 23/12, Bộ...