“Ước mơ cho con” mang ấm áp cho trẻ mắc ung thư tại 7 bệnh viện
Tại Hà Nội, chương trình “Ước mơ cho con” với tổng giá trị tài trợ 550 triệu đồng đã chính thức được khởi động.
Chương trình sẽ thực hiện một loạt các hoạt động tại các khoa điều trị ung thư nhi của 7 bệnh viện trên khắp cả nước cùng 2 đợt khám sức khỏe miễn phí cho 3.000 trẻ em tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Ông Ivo Sieber – Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam đã tham gia hoạt động tình nguyện đầu tiên của chương trình tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương
Ông Ivo Sieber – Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam tặng quà cho bệnh nhi đang điều trị Tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương
Chương trình “Ước mơ cho con” nhằm hỗ trợ các bệnh nhi mắc bệnh ung thư và các bệnh hiếm với các hoạt động thiết thực như: Trang bị vật tư, trang thiết bị và trang trí cho Phòng bệnh Nhi – Khoa Ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương; Cung cấp cơ sở vật chất mới cho Lớp học Hy vọng và Phòng vui chơi tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện Nhi Trung ương.
Xây dựng và lắp đặt đầy đủ 1 Lớp học Ước mơ tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh với trang thiết bị phòng học hiện đại (bàn học, bảng lật, kệ sách, bảng kính, sách từ lớp 1 đến lớp 9, văn phòng phẩm, đồ chơi…). Đây sẽ không chỉ là một phòng học mà còn là không gian cho các hoạt động vui chơi của tất cả các bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện.
Đồng thời tổ chức tiệc sinh nhật tháng 12 cho tất cả các bệnh nhi nội trú của Khoa Huyết học Lâm sàng- Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện nhà đồng hành tặng quà, trò chuyện với bệnh nhi đang điều trị tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương
Tặng 1000 phần quà Giáng sinh gồm trái cây tươi hoặc chăn ấm và khăn bông cho bệnh nhi ung thư tại 07 bệnh viện gồm Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (220 phần), Bệnh viện K (100 phần), Bệnh viện Nhi Trung ương (150 phần), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh (70 phần), Bệnh viện Nhi đồng II – Thành phố Hồ Chí Minh (180 phần), Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (180 phần), và Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh (100 phần).
Ngoài ra, vào tháng 1/2021, chương trình “Ước mơ cho con” còn tổ chức khám sức khỏe cho 3.000 trẻ em ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nơi vừa xảy ra sạt lở đất và mưa bão với hậu quả tàn phá nặng nề đặt sức khỏe và an toàn của người dân địa phương, đặc biệt là trẻ em, vào tình trạng vô cùng nguy hiểm.
Ngoài việc mất nhà cửa, nhiều trẻ em và gia đình bị thương, chịu sang chấn, nhiễm trùng, phơi nhiễm và sống chung với bệnh tật, trong khi có rất ít dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Video đang HOT
Niềm vui của các bệnh nhi tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương khi tham gia chương trình “Ước mơ cho con”
Theo đó sẽ có hai đợt khám sức khỏe sẽ kiểm tra về nhi khoa, tim mạch, tiêu hóa, hô hấp và sang chấn cho trẻ em tại 10 xã của huyện Nam Trà My trong đó có Trà Cang, Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Linh, Trà Mai, Trà Nam, Trà Tập, Trà Vân và Trà Vinh. Những em nhỏ phát hiện có bệnh sẽ được nhận miễn phí các loại thuốc thiết yếu điều trị bệnh.
Các thiết bị, quà tặng và những buổi khám sức khỏe mà chương trình “Ước mơ cho con” mang lại sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn và chất lượng sống cho các trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Chuyện cổ tích về những "chiến binh nhí" khiến ung thư phải cúi đầu
Câu chuyện vượt lên số phận của các bệnh nhi ung thư đã chứng minh một điều rằng, ung thư không phải là chấm hết.
"Chiến binh nhí", đó là cách chúng tôi gọi các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, sau khi được tận mắt chứng kiến cách các cô bé, cậu bé này đang chống lại căn bệnh, mà ngay người lớn chúng ta cũng phải cảm thấy rùng mình khi nhắc đến.
Câu chuyện vượt lên số phận của chính các em đã chứng minh một điều rằng, ung thư không phải là chấm hết và cuộc sống của các bệnh nhân ung thư không chỉ mang gam màu đen-trắng như đại đa số chúng ta vẫn nghĩ.
Chỉ mới 16 tuổi nhưng đã 7 năm ròng chiến đấu với ung thư
Đang điều trị tại phòng 603 là một trong những bệnh nhi ung thư lớn tuổi nhất ở khoa Bệnh máu trẻ em, cậu bé người dân tộc Tày H.V.Đoàn.
Năm 2013, Đoàn được chẩn đoán mắc ung thư máu sau khi bị sốt li bì suốt 1 tháng trời không khỏi. Thời điểm đó, được bác sĩ thông báo về tình trạng của con trai, bố mẹ Đoàn thậm chí còn chưa mường tượng ra được căn bệnh này là như thế nào, bởi "ung thư" vẫn là thứ gì đó quá mới mẻ ở bản nhỏ vùng cao Yên Bái, nơi mà gia đình này sinh sống.
Bệnh nhi H.V.Đoàn và mẹ
Đến người lớn còn lạ lẫm thì một cậu bé vừa học lớp 4 như Đoàn lại càng mơ hồ hơn với căn bệnh mà mình mang trong người. Trong suy nghĩ ngây thơ của Đoàn khi ấy ung thư chỉ như cảm, sốt và "nằm viện vài ngày sẽ khỏi".
Phải đến khi cùng mẹ đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và bước vào liệu trình hóa trị đầu tiên ròng rã suốt 40 ngày trời, cậu bé người Tày này mới dần hiểu ra được "Ung thư là gì?".
"Hiều được căn bệnh của mình cũng là lúc con buồn nhất. Con nhớ, đợt đó suốt gần 10 ngày, con buồn bã, chẳng còn muốn nói chuyện với ai, chỉ nằm dài trên giường bệnh" - Đoàn chia sẻ.
Quãng thời gian đầu này có lẽ cũng là giai đoạn khó khăn nhất của Đoàn, khi mà bên cạnh nỗi buồn, thứ mà em phải đối mặt còn là những cơn đau. Đoàn tâm sự với chúng tôi rằng, sau mỗi lần truyền hóa chất em mệt lả cả người, buồn nôn. Mẹ thương mua cơm toàn món ngon nhưng em cũng chẳng buồn ăn.
Mẹ Đoàn cho biết, sau đợt hóa trị đầu tiên, em về nhà cũng chỉ nằm trong phòng, không muốn đi đâu hay gặp ai
Thậm chí, theo lời kể của mẹ em, trở về nhà sau hơn 1 tháng điều trị, Đoàn vẫn chỉ suốt ngày nằm trong nhà, không đi đâu chơi, ngại gặp mặt bạn bè.
Hình ảnh về cậu bé Đoàn năm lớp 4 qua lời kể, quả thật khiến chúng tôi cảm thấy lạ lẫm, bởi H.V.Đoàn ngay lúc này lại như một con người hoàn toàn khác.
Ở tuổi 16, Đoàn trông chững chạc hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa, em hay cười, cởi mở, và theo quan sát Đoàn còn được các bé nhỏ tuổi đang điều trị phong làm "thủ lĩnh" trong các trò chơi tập thể.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, mẹ của em nhiều lần bật khóc, mỗi lần như vậy nước mắt Đoàn cũng ứa ra, nhưng có lẽ em khóc vì thương mẹ vất vả hơn là vì căn bệnh hiểm nghèo của mình.
Suốt thời gian qua, cứ vài tháng Đoàn vẫn phải theo mẹ vào Viện để hóa trị. Thứ chờ đợi em sau mỗi lần truyền hóa chất vẫn là cảm giác khó chịu đến ám ảnh. Những cơn đau nhức nằm sâu trong cơ thể cũng không hề nhẹ đi. Thứ duy nhất thay đổi chính là sự kiên cường của cậu bé này.
7 năm ròng chiến đấu với bệnh tật, Đoàn đã rèn luyện cho mình sự bản lĩnh và tinh thần lạc quan khiến người lớn phải nể phục. Đoàn chia sẻ rằng, một trong những cách giúp em vượt qua cơn đau chính là nghĩ đến thời khắc được về với gia đình, bạn bè và thầy cô ở bản.
"Mỗi lần truyền hóa chất, con lại tự động viên mình phải thật cố gắng, để có thể nhanh về nhà gặp bố, chơi với em, và sau đó là đến trường để đi học, gặp thầy cô, cùng các bạn ra sân bóng hay cánh đồng để chơi đùa, đó là những điều khiến con vui nhất" - Đoàn vừa nói, vừa cười rất tươi nhưng lại khiến những người xung quanh cay khóe mắt.
Thế giới thu nhỏ đầy màu sắc của các "chiến binh nhí"
Đang điều trị ngay bên cạnh phòng của Đoàn là bé N.H.Yến. Cũng như hầu hết các trường hợp bệnh nhi ung thư khác, gia đình chỉ phát hiện bệnh tình của Yến sau khi em có những biểu hiện bất thường về sức khỏe.
Bệnh nhi N.H.Yến và bố
Bố của Yến chia sẻ: "Năm 2018, lúc đó con tôi học lớp 5, đang chơi đùa với bạn bè trên lớp thì bị vấp ngã dẫn đến chảy máu, nhưng điều bất thường là máu chảy mãi mà không cầm. Đưa cháu đi khám thì bác sĩ kết luận bị ung thư máu. Thời điểm nghe được tin này, tôi và vợ suy sụp hoàn toàn".
Căn bệnh quái ác làm thay đổi 180 độ cuộc sống của Yến. Đang đi học, em lại phải bỏ dở để theo những đợt điều trị có khi kéo dài đến 3 tháng trời. Và ở cái tuổi mà bé gái nào cũng muốn cài nơ xinh, mặc váy đẹp để trở thành công chúa, thì mái tóc của Yến lại gần như không còn vì tác dụng phụ của những liều hóa chất.
Tuy nhiên, tất cả những điều trên lại không khiến Yến mất đi sự hồn nhiên, vui tươi đúng nghĩa của một bé gái 13 tuổi.
Qua cuộc trò chuyện với bé N.H.Yến, chúng tôi dần hiểu được rằng, căn bệnh ung thư có thể khiến các em xa phải rời trường lớp, gia đình, nhưng ngay chính trong không gian chật hẹp của khu điều trị, các "chiến binh nhí" lại có một thế giới thu nhỏ của riêng mình, nơi đó các em vẫn có bạn bè, vẫn được vui chơi và thậm chí là đến lớp học.
"Ở đây con có nhiều bạn lắm. Mỗi sáng thức đậy, ăn sáng xong chúng con lại cùng nghĩ xem hôm nay cùng nhau chơi trò gì hay đọc sách gì. Đến tối chơi mệt rồi thì lại nằm cùng nhau xem phim hoạt hình. Cuối tuần chúng con được vào thư viện để vừa chơi, vừa học cùng các cô chú. Còn mỗi tháng lại có một bữa tiệc sinh nhật chung cho các bạn sinh trong tháng đó" - Yến hào hứng chia sẻ thời gian biểu "bận rộn" của mình với chúng tôi.
Theo lời kể của cô bé này, mỗi đợt đến Viện điều trị thì rất ít có cơ hội gặp lại bạn bè cũ, nhưng cũng không hề gì bởi em có thể làm quen rất nhanh với những người bạn mới gặp.
Tình bạn của những đứa trẻ tại nơi đây cũng thật đặc biệt, khi các em không chỉ chơi cùng nhau, mà còn biết động viên, vỗ về nhau vượt qua bệnh tật.
Yến tâm sự: "Khi một bạn bị mệt vì truyền hóa chất, các bạn còn lại trong phòng sẽ quây quanh giường để động viên. Nhiều khi mẹ dỗ dành bạn ấy không chịu ăn nhưng có chúng con là bạn lại gắng ăn hết cả bát cơm đầy".
Trong cuộc gặp gỡ kéo dài gần 30 phút, Yến say sưa kể những câu chuyện về cuộc sống muôn màu của mình ở Viện. Sự vui vẻ của em dễ khiến người đối diện quên mất rằng, Yến cũng là một bệnh nhân ung thư. Thậm chí, theo lời kể của bố em, chỉ tối hôm trước, cô bé này gần như thức trắng đêm vì bị những cơn đau trong các khớp, xương sườn hành hạ.
Cách phòng tiêu chảy cho bệnh nhi ung thư Hạn chế ăn đồ ngọt, uống đủ nước, dùng thực phẩm chứa chất xơ hòa tan... là những cách đề phòng tiêu chảy cho bệnh nhi ung thư. Trẻ em mắc bệnh ung thư thường yếu và nhạy cảm hơn bình thường. Quá trình trị liệu cũng như sử dụng thuốc chữa ung thư có thể làm trẻ bị tiêu chảy liên tục...