Ước gì Hiệu trưởng được quyền tuyển dụng, trả lương giáo viên theo hiệu quả
Có những giáo viên sẵn sàng cống hiến, nhưng cũng có người chỉ chừng mực để còn dành thời gian đi dạy thêm. Người thì bận việc gia đình, người lại muốn nghỉ ngơi.
“Yên Hòa là trường công lập nên việc phân công giáo viên đều dựa trên văn bản quy định, thực tế để làm việc 8 giờ đồng hồ ở trường trong 1 ngày sau đó về nhà không làm việc thì theo tôi nghĩ các trường công lập chưa làm được điều đó.
Nguyên tắc hiện nay là dạy 17 tiết 1 tuần và giáo viên có trách nhiệm làm tròn công việc, còn lại những việc khác ngoài giờ lên lớp thì họ làm ở trường hay ở đâu thì rất khó để có thể quản lý chính xác.
Tuy nhiên theo tôi nghĩ việc này làm được khi có một cơ chế về đãi ngộ và chính sách. Tôi đã có dịp sang Úc tìm hiểu và thấy họ làm rất tốt việc này, đặc biệt là ở các trường công lập.
Họ quản lý giáo viên như thế, bao nhiêu thời gian phải làm ở trường và làm việc gì, ngoài việc chính là dạy học, rồi chăm lo cho học sinh ra sao, đi kiểm tra cái gì, giúp đỡ đồng nghiệp thế nào…? Tất cả đều có quy định rõ ràng và đặc biệt là mức thù lao sẽ là bao nhiêu.
Giáo viên coi đó là nội quy, quy định của trường và rất tuân thủ thực hiện. Ngoài ra hết công việc họ có thể tự nghiên cứu tại thư viện của trường để tối về nhà không còn phải làm việc.
Tôi đã được nghe họ chia sẻ rất chân thành như vậy rằng: Tại sao tôi phải làm việc ở nhà? Tôi nghĩ việc này chúng ta cũng nên học và áp dụng nhưng rất cần theo một cơ chế rõ ràng”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã chia sẻ.
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp: “Ở Trường trung học phổ thông Yên Hòa tôi cũng đã rất cố gắng, tuy nhiên vẫn chưa thực sự xứng đáng với công sức của các giáo viên, sự thật là như vậy”. Ảnh: T.D.
Theo cô Nhiếp: “Tôi nghĩ không riêng ở Yên Hòa mà rất nhiều trường hiện nay đang rơi vào tình trạng giáo viên càng có năng lực lại càng phải làm nhiều việc.
Bởi họ dạy tốt mà thường những người đã dạy tốt lại làm được nhiều việc, ban giám hiệu rất yên tâm tin tưởng khi giao việc cho những giáo viên đó. Những người như vậy hiện nay đang bị áp lực rất lớn.
Có những giáo viên họ sẵn sàng cống hiến, nhưng trong số đó cũng có người chỉ chừng mực thôi để còn dành thời gian đi dạy thêm. Có những người không dạy thêm nhưng còn bận việc gia đình, chăm sóc con, họ muốn nghỉ ngơi.
Cơ chế hiện nay chưa phát huy được năng lực của giáo viên, nhất là những người giỏi. Chế độ đãi ngộ tiền lương chưa bù đắp xứng đáng, vậy nên lúc nào tôi cũng cảm thấy băn khoăn về điều đó, mình chưa có gì để tạo động lực cho anh em.
Ở Trường trung học phổ thông Yên Hòa tôi cũng đã rất cố gắng, tuy nhiên vẫn chưa thực sự xứng đáng với công sức của các giáo viên, sự thật là như vậy.
Từng là giáo viên và giờ đây làm quản lý nhưng nhìn thấy giáo viên như vậy đáng lẽ họ phải được hơn nhưng hiện nay cũng chỉ là những lời động viên và động viên.
Trong khi có những giáo viên dạy yếu, vào lớp nào học sinh cũng kêu nên bắt buộc phải phân thầy cô đó dạy ít đi, những tiết còn lại giáo viên hợp đồng có năng lực sẽ đảm nhận.
Việc này để đảm bảo chất lượng và rất thương học sinh, nếu nghĩ chỉ một em thôi đã buồn rồi, đây lại cả lớp 40 em phải nghe một người dạy không hay thì cực lắm, cũng từng là học sinh nên tôi rất đồng cảm với các con. Nếu không thay giáo viên là nhà trường đang tạo áp lực cho các con không muốn học.
Đây thực sự là bài toán khó, văn bản cũng đã có nhưng để giải quyết cho một giáo viên năng lực yếu nghỉ dạy không phải là chuyện đơn giản. Quy định là 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, vậy thế nào là không hoàn thành? Quá chung chung.
Video đang HOT
Nhà trường chỉ được loại chứ không được tuyển giáo viên và đây là khâu cực kỳ khó đối với những nhà quản lý trường học. Nên chăng để các trường tự chịu trách nhiệm về việc này, cho trường quyền như vậy sẽ thúc đẩy được những người giỏi, đội ngũ giáo viên mới có chất lượng.
Nếu có được cơ chế hiệu trưởng chi trả tiền lương theo năng lực của giáo viên, theo hiệu quả công việc thì tốt quá, tôi nghĩ đó sẽ là động lực tuyệt vời nhất để những giáo viên giỏi, có năng lực tự khẳng định mình.
Thực tế giáo viên hiện nay họ rất giỏi nhưng vì chưa đủ cơ chế để khơi gợi hết năng lực của họ, càng làm tôi càng thấy họ cực kỳ giỏi, rất tâm huyết”.
Theo cô Nhiếp: “Tôi mong muốn có được một cơ chế tốt về lương và chắc chắn là tâm tư giáo viên nào cũng mong như vậy, hiện nay là cào bằng khiến cho những người giỏi nản chí”. Ảnh T.D.
Nếu “cào bằng” thì những giáo viên giỏi sẽ nản?
Cô Nhiếp chia sẻ: “Theo quy định hiện hành thì hiệu trưởng phải quản lý, nắm bắt được giáo viên của trường mình ngoài giờ có dạy thêm ở đâu, tham gia giảng dạy ở trung tâm nào, có dạy thêm học sinh trong trường hay không?
Tuy nhiên để làm được việc đó là rất khó. Tôi vẫn tuyên truyền, yêu cầu những thầy cô nào dạy thêm ở đâu phải được sự đồng ý của ban giám hiệu, rồi trung tâm đó có được cấp phép hay không? Có người trung thực họ sẽ thông báo với nhà trường, còn nếu không thì không thể nắm bắt được.
Đôi khi việc dạy thêm chưa hẳn là giáo viên mong muốn mà có thể phụ huynh tự mở lớp bồi dưỡng con em họ rồi mời giáo viên đến dạy, tôi cũng đã từng vướng vào những chuyện như thế.
Học sinh không phải đi học thêm, các em hoàn toàn đảm bảo có đủ kiến thức sau những buổi học chính ở trường nếu như đội ngũ giáo viên chuẩn, dạy giỏi, chất lượng.
Ngay như số lượng tiết dạy trong 1 tuần cũng hơi căng, nên chăng giảm tải bớt một chút cũng sẽ có lợi hơn, đảm bảo các con sẽ không phải học thêm.
Sức lao động của con người ai cũng có giới hạn, khi tôi còn ở Trường Phan Huy Chú và đấy là môi trường trả lương theo năng lực, hiệu quả công việc. Ở đây giáo viên đã dạy ở trưởng cả ngày, đã dốc kiệt sức rồi nên họ không có nhu cầu dạy thêm nữa.
Họ rất sợ việc dạy thêm vì đã đảm bảo truyền đạt đủ kiến thức cho học sinh ở trên lớp, đi kèm với đó là mức lương của họ đủ trang trải cuộc sống nên thời gian rảnh họ muốn nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.
Mức thù lao rất quan trọng, về cơ bản mọi người đi làm đều vì cuộc sống, vì gia đình trăm nghìn thứ phải lo toan. Nếu có mức lương tốt thì giáo viên càng phải cố gắng, khẳng định và cống hiến hết mình để giữ vị trí công việc.
Tôi mong muốn có được một cơ chế tốt về lương và chắc chắn là tâm tư giáo viên nào cũng mong như vậy, hiện nay là cào bằng khiến cho những người giỏi nản chí”.
Cô Nhiếp cho biết: “Về lương, thưởng thì nhìn chung việc này được xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ, nhưng đây cũng là áp lực đối với bản thân tôi.
Luôn phải lo đến những ngày như 20/11, ngày Tết…mình sẽ có gì cho giáo viên và mỗi người được bao nhiêu? Giáo viên gần như không cần biết nhà trường khó khăn ra sao và chỉ là: Sao năm nay được ít hơn năm ngoái?
Nói có thể có nhiều giáo viên hiểu nhưng không phải là tất cả. Là người quản lý thì chỗ này mình phải tính toán làm sao, suy nghĩ lắm anh ạ.
Nó là truyền thống, ngày Tết ai cũng muốn có đồng ra đồng vào nên bản thân tôi cũng “co kéo” để muốn có được cái gì đó cho anh em, không được nhiều thì cũng phải có.
Giáo viên họ cũng tự hào lắm chứ, trường tôi công tác Tết này cũng có được cái này cái kia. Không riêng gì Tết mà ngày 20/11 và các ngày lễ khác trong năm bao giờ tôi cũng cố có một chút phúc lợi cho đội ngũ giáo viên của trường. Trong các mảng quản lý thì mảng tài chính khiến tôi luôn lo nhất.
Nhìn chung thì giáo viên Yên Hòa mọi người cũng hiểu và luôn chia sẻ với tôi, họ biết là tôi cũng đã cố gắng lắm rồi, tôi sống và làm việc thế nào anh em đều hiểu, mọi chuyện đều minh bạch công khai”.
Cô Nhiếp chia sẻ thêm: “Tôi nghe thấy nhiều ý kiến sắp tới giáo viên sẽ được trả lương theo năng lực và hiệu quả công việc, nếu như vậy thì quá tốt. Được thế mình sẽ được nhiều thứ, khuyến khích giáo viên giỏi cống hiến và họ được hưởng mức thù lao xứng đáng.
Học sinh cũng bớt áp lực hơn khi không phải đi học thêm, tâm lý thầy cô vui vẻ vì đã bớt được “gánh nặng” trong tâm tưởng, họ sẽ dành nhiều thơi gian hơn cho học sinh, cho những giờ lên lớp.
Giáo viên thấy cuộc sống quanh năm đủ rồi thì áp lực để lo một vài ngày Tết kia cũng sẽ nhẹ đi rất nhiều, không còn là gánh nặng nữa. Vì không có nên vẫn còn tâm lý mong chờ ngày Tết có gì đấy”.
Ngân sách rót 160 triệu đồng/năm, hiệu trưởng lấy đâu ra thưởng Tết giáo viên?
Thực hiện chế độ tiền lương mới, mỗi dịp Tết đến giáo viên ở khắp mọi miền đất nước sẽ có thêm niềm vui đi mua sắm Tết mà không phải giật gấu vá vai như hiện nay.
Gần đến cuối năm, câu chuyện thưởng Tết cho giáo viên lại được nhắc đến với bao cung bậc cảm xúc trái ngược nhau. Nơi giáo viên vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc vì được nhận tiền thưởng lên đến vài ba chục triệu, thậm chí dăm sáu chục triệu đồng.
(Ảnh minh họa: VOV)
Nhưng cũng có nơi, giáo viên buồn rầu vì không nhận được một đồng tiền thưởng. Nơi an ủi thì biếu thầy cô chai nước mắm, chai dầu ăn, túi bột ngọt hay nửa ký cá khô cho đỡ tủi. Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cô phân trần, cũng là giáo viên công lập sao mỗi nơi lại có sự đãi ngộ nhà giáo mỗi khác? Thế rồi, không ít lời ca thán, bàn tán thốt ra.
Người bảo hiệu trưởng công tâm, công khai tài chính thì giáo viên được nhờ. Người cho rằng, hiệu trưởng chi tiêu quá tay, ít quan tâm đến đời sống nhà giáo thì giáo viên mất tết. Đi tìm nguyên nhân, nơi giáo viên được thưởng Tết nhiều nơi lại chẳng có gì, chúng tôi đã có nhiều chứng cứ "minh oan" cho một số hiệu trưởng.
Thưởng Tết nhiều hay ít phụ thuộc vào ngân sách cấp của từng địa phương
Thầy giáo Hùng dạy ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: "Tết năm nay, giáo viên trường mình được thưởng Tết 20 triệu đồng/người. So với nhiều trường bạn thì mức thưởng của trường thấp hơn. Có trường thưởng mỗi thầy cô giáo 25 triệu đồng, trường thưởng 30 triệu đồng".
Nói rồi thầy Hùng cho biết, đầu năm địa phương cấp kinh phí hoạt động cho nhà trường dựa vào số lượng giáo viên mỗi trường. Trường càng nhiều giáo viên thì kinh phí cấp cho hoạt động càng nhiều và ngược lại.
Với số tiền được cấp khoảng 38 triệu đồng/giáo viên/năm học, nếu trong năm nhà trường chi các hoạt động không hết thì cuối năm, giáo viên sẽ được chi tiền Tết. Số tiền Tết giáo viên được nhận nhiều hay ít phụ thuộc vào số tiền nhà trường đã chi còn nhiều hay ít.
Chúng tôi được biết có địa phương như 1 tỉnh Nam Trung Bộ, ngân sách cấp trên cấp về (tiền chi cho hoạt động) cho mỗi trường học đều đồng loạt ở mức 160.000.000 đồng/trường. Cấp kinh phí hoạt động cào bằng kiểu này thì trường nhiều học sinh, nhiều giáo số tiền được nhận cũng bằng trường ít giáo viên, ít học sinh.
Thế nên, trường nhiều học sinh, nhiều giáo viên thì hoạt động nhiều đương nhiên tiền phải chi cũng hết nhiều. Trường ít giáo viên, ít học sinh sẽ hoạt động ít nên tiền chi ra cũng ít.
Thế là, trường chi ít còn dư, cuối năm giáo viên sẽ được chi tiền Tết nhiều. Trường nhiều giáo viên nên chi hết tiền hoạt động, cuối năm giáo viên sẽ không có tiền thưởng Tết.
Với kinh phí cấp cho hoạt động một trường là 160 triệu đồng/năm học như một số địa phương, dù có tằn tiện chi tiêu thì cuối năm giáo viên được thưởng khoảng 500 ngàn đã là nhiều.
Nhưng kinh phí cấp mỗi trường cả tỷ đồng (như tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thì cuối năm giáo viên được thưởng Tết vài ba chục triệu đồng là điều dễ hiểu.
Trường có tiền xã hội hóa cao, giáo viên cũng sẽ được thưởng Tết nhiều
Trường học không thu tiền hội phụ huynh, không kêu gọi đóng góp ủng hộ từ phụ huynh học sinh thì mọi khoản chi hoạt động phải lấy từ quỹ hoạt động của nhà trường.
Trường thu tiền hội phí cao, kêu gọi được nhiều sự ủng hộ của phụ huynh thì mọi hoạt động của trường sẽ lấy nguồn quỹ phụ huynh ủng hộ để chi nên đương nhiên tiền hoạt động của nhà trường sẽ ít bỏ ra nên dư nhiều.
Nhờ đó, cuối năm giáo viên cũng sẽ có thêm nhiều khoản tiền Tết.
Nếu như tại một số thành phố lớn, phụ huynh vừa phải đóng tiền hội phí dăm trăm ngàn đồng/năm, đóng tiền quỹ lớp vài trăm ngàn đồng (có nơi thu 2 học kỳ chỉ tiền quỹ lớp đã 400 ngàn đồng), thu thêm tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh...
Nhưng tại nhiều trường học thuộc tỉnh Bình Thuận, phụ huynh đóng tiền quỹ hội chỉ bằng tinh thần tự nguyện, người đóng 50 ngàn đồng, người 100 ngàn đồng, người 200 ngàn đồng, có người không đóng đồng nào. Nhà trường không thu tiền điện, tiền nước của học sinh. Do đó, 160 triệu tiền hoạt động được cấp, nhà trường cũng phải gói ghém rất kỹ mới đủ để chi cho các hoạt động trong nhà trường suốt cả năm học.
Vì thế, cuối năm giáo viên ở nhiều trường học trong tỉnh không có tiền thưởng Tết cũng là điều dễ hiểu.
Nhà nước cần có chính sách thống nhất thưởng Tết cho giáo viên
Người lao động nào mà chẳng mong muốn, làm cả năm, cuối năm có một chút tiền thưởng Tết để mua cho con cái manh áo mới, sắm cho gia đình ít hoa trái, quà bánh để chưng Tết, có chút tiền biếu cha mẹ, ông bà.
Ngành nghề nào cũng có thưởng Tết, có ngành vừa thưởng Tết vừa có lương tháng 13 nhưng giáo viên lương đã thấp lại không có thêm một khoản tiền nào cả thì thật là vất vả.
Tiền thưởng Tết mà cứ phải trông chờ kiểu hên xui, trông vào sự thắt lưng buộc bụng chi thường xuyên hay cái tâm, cái tài của hiệu trưởng, kế toán hay hỗ trợ của địa phương thì...
Địa phương giàu, quan tâm đến giáo dục còn đỡ, những địa phương nghèo ngân sách cấp về các trường còn eo hẹp thì giáo viên chẳng bao giờ có nổi một đồng tiền thưởng gọi là an ủi cho đỡ tủi thân.
Nhìn đồng nghiệp có thưởng, mừng cho đồng nghiệp nhưng không khỏi chạnh lòng. Thế nên, mong ước có được chút tiền thưởng Tết theo quy định luôn là nổi khát khao chính đáng của nhiều nhà giáo.
Theo ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết, theo Nghị quyết số 27/NQ-TW, sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Theo đó, khu vực công sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: "Mức lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương), tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp".
Với quỹ tiền thưởng này, các cơ sở giáo dục sẽ chi thưởng cho công chức, viên chức và người lao động. Đồng thời có điều kiện hơn để chăm lo đến đời sống của giáo viên cũng như việc thưởng cho giáo viên để động viên, khích lệ tinh thần đối với các nhà giáo.
Hy vọng, với việc thực hiện chế độ tiền lương mới như thế, mỗi dịp Tết đến xuân về giáo viên ở khắp mọi miền đất nước sẽ có thêm chút niềm vui đi mua sắm Tết mà không phải ngậm ngùi "giật gấu vá vai" như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
https://laodong.vn/giao-duc/nhung-chinh-sach-moi-ve-tien-luong-thuong-tet-cua-giao-vien-773775.ldo
Hiệu trưởng trường cấp 1 Phú Thọ nói gì về thông tin bữa ăn bị cắt xén Hiệu trưởng trường tiểu học Phú Thọ, quận 11 lên tiếng khi có ý kiến cho rằng, bữa ăn bán trú của học sinh nhà trường đang bị cắt xén. Ngày 16/11/2021, một phụ huynh của trường tiểu học Phú Thọ, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh chuyển ý kiến phản ánh tới Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam cho...