Ứng viên bộ trưởng quốc phòng Mỹ ủng hộ cấp vũ khí cho Ukraine
Cựu Thứ trưởng quốc phòng Ashton Carter, người được Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử làm Bộ trưởng quốc phòng thay thế ông Chuck Hagel, ngày 4/2 cho hay ông “rất nghiêng” về đề xuất cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại lực lượng ly khai thân Nga.
Cựu Thứ trưởng quốc phòng Ashton Carter (Ảnh: AP)
Ông Carter đưa ra các bình luận trên trong cuộc điều trần trước một ủy ban của thượng viện Mỹ hôm qua trước khi thượng viện bỏ phiếu về việc đề cử ông làm bộ trưởng quốc phòng.
“Tôi nghiêng nhiều về phương án đó, vì tôi nghĩ chúng ta cần ủng hộ người dân Ukraine để bảo vệ chính họ”, ông Carter trả lời khi Thượng nghị sĩ John McCain đặt câu hỏi rằng ông có ủng hộ việc cung cấp vũ khí phòng vệ cho Ukraine hay không.
“Về các loại vũ khí thì tôi không thể nói lúc này”, cựu Thứ trưởng quốc phòng Mỹ nói.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnes sau đó nhấn mạnh rằng Tổng thống Obama – chứ không phải ông Carter – sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Video đang HOT
Nhưng ông Earnes nói thêm: “Tổng thống chắc chắn quan tâm tới quan điểm, ý kiến và sự hiểu biết của đội ngũ an ninh quốc gia, trong đó có ứng viên sắp được phê chuẩn làm bộ trưởng quốc phòng và Tổng thống chắc chắn sẽ xem xét đề xuất đó”.
Cho tới nay Mỹ chỉ cung cấp viện trợ “không sát thương” cho Ukraine, như các kính bảo hộ nhìn ban đêm và radio.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama được cho là đang cân nhắc lại lập trường của ông, cáo buộc Nga leo thang cuộc xung đột tại Ukraine.
Nga phủ nhận các cáo buộc của Ukraine và phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho phe ly khai và điều động các binh sĩ qua biên giới.
Chiến sự đã leo thang trong những tuần gần đây tại các khu vực Donetsk và Luhansk ở đông Ukraine, vi phạm lệnh ngừng bắn được nhất trí hồi tháng 9 năm ngoái.
Ngày 4/2, ba người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương khi đạn pháo rơi trúng một bệnh viện tại khu vực Donetsk do phe ly khai kiểm soát.
Giao tranh cũng tiếp diễn quanh thị trấn quan trọng Deblatseve hiện do phía chính phủ kiểm soát ở đông bắc Donetsk.
Theo dantri/BBC
Mỹ sẽ đóng cửa 15 căn cứ quân sự tại châu Âu
Mỹ sẽ đóng cửa 15 căn cứ quân sự trên khắp châu Âu để tiết kiệm cho Lầu Năm Góc 500 triệu USD mỗi năm, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết.
Các máy bay tại căn cứ RAF Mildenhall ở Anh. (Ảnh: newmarketjournal)
Phần lớn các căn cứ bị đóng cửa là những căn cứ nhỏ vốn là di sản của Chiến tranh Lạnh.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ tìm cách chuyển hướng trọng tâm sang châu Á.
Mỹ hiện có hơn 60.000 binh sĩ đồn trú tại châu Âu, chủ yếu tại Đức, Ý và Anh.
Con số trên cơ bản sẽ vẫn giữ nguyên, khi Mỹ tăng cường các cuộc luân chuyển tại châu Âu nhằm phục vụ các chương trình huấn luyện.
Nhưng giới chức Mỹ cũng đã công bố các kế hoạch nhằm cắt giảm 500 quân nhân từ căn cứ quân sự Lajes tại quần đảo Azores thuộc Bồ Đào Nha.
Những thay đổi cũng đồng nghĩa với việc khoảng 2.000 quân nhân Mỹ tại Anh sẽ bị cắt giảm trong vài năm tới.
Tại Anh, không quân Mỹ sẽ rời căn cứ RAF Mildenhall tại Suffolk, RAF Alconbury và RAF Molesworth tại Cambridgeshire.
Bộ trưởng quốc phòng sắp từ nhiệm của Mỹ, ông Chuck Hagel, nói rằng ông hiểu sự thay đổi trên sẽ khiến nhiều người tại một số quốc gia bị mất việc và cảm ơn sự hỗ trợ lớn lao của họ đối với không quân Mỹ.
Các quốc gia khác sẽ có những căn cứ bị đóng cửa gồm Đức, Bỉ, Hà Lan và Ý.
An Bình
Theo Dantri/AP
Máy bay trượt đường băng trên đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia Một máy bay chở khách đã trượt khỏi đường băng khi hạ cánh xuống hòn đảo du lịch nổi tiếng Lombok ở miền trung Indonesia, vài tuần sau vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không AirAsia. Máy bay của hãng hàng không Garuda trượt khỏi đường băng (Ảnh: Twitter) Chiếc máy bay ATR 72-600 của hãng hàng không Garuda của Indonesia...