Ung thư tử cung bị chẩn đoán nhầm là mãn kinh
riệu chứng ung thư tử cung giai đoạn sớm thực sự trùng khớp với triệu chứng của mãn kinh nên dễ bị chẩn đoán nhầm.
Khi Sharon Rae North bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt chỉ với chỉ vài vệt máu xuất hiện, cô cho rằng đó là do hiện tượng mãn kinh. Bác sĩ của Sharon cũng đồng ý như vậy. Nhưng khi các triệu chứng tiếp diễn, cô không thể phớt lờ cảm giác có gì đó không ổn cứ âm ỉ trong lòng. Và đây là câu chuyện của Sharon.
Năm tôi 52 tuổi, chu kỳ của tôi trở nên khá thất thường. Tôi ra một chút máu và không thể biết đó là ‘kỳ kinh mới bình thường’ của tôi hay chỉ là do ngẫu nhiên. Rất nhiều bạn tôi cũng gặp vấn đề tương tự nên tôi thực sự không nghĩ nhiều về nó. Có vẻ như tất cả bọn tôi đều đang bước vào giai đoạn mãn kinh cùng lúc.
Tôi cũng đã lưu ý bác sĩ phụ khoa về hiện tượng trên khi đi khám sức khỏe vài tháng sau đó và bác sĩ xác nhận rằng đó là hệ quả của mãn kinh. Ra máu một chút không chỉ là một trong các dấu hiệu chính của mãn kinh mà việc bác sĩ cho xét nghiệm máu và thấy hàm lượng hoóc-môn tăng thêm một lần nữa xác nhận rằng tôi đang bước vào giai đoạn mãn kinh. Mấy tuần sau khi việc ra máu chấm dứt, tôi đã nghĩ mọi chuyện thế là ổn. Nhưng nó xuất hiện trở lại khoảng 4 tháng sau. Lượng máu ra vẫn như vậy, rất ít nhưng lần này kèm theo chảy dịch như nước, không màu và không mùi. Tôi lại đi khám bác sĩ nhưng do ông đang trong kỳ nghỉ nên đồng nghiệp của ông khám cho tôi và kết luận không thấy gì bất thường. Một lần nữa, tôi lại tự trấn an mình rằng tất cả đều là do mãn kinh.
Sharon được bác sĩ chẩn đoán nhầm ung thư tử cung là hiện tượng mãn kinh.
Vài tháng tiếp theo, việc ra máu và dịch nước vẫn cứ đến rồi đi, không hề thay đổi về số lượng, độ đậm đặc hay màu sắc. Tôi phát ngán vì cứ phải dùng băng vệ sinh mỗi ngày và vì triệu chứng không hề thuyên giảm, tôi lo lắng nghĩ tới thứ gì đó tồi tệ hơn. Tôi bèn xem xét lại lịch sử gia đình và nhận ra, mẹ tôi từng bị ung thư ruột kết, bà ngoại và cụ của tôi cũng vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh này. Phần lớn trong số 13 anh chị em của mẹ tôi từng mắc căn bệnh ung thư này hoặc chết vì nó. Một số anh chị em họ hàng với tôi cũng mắc bệnh. Một người mới đây thậm chí đã mất đi con gái 15 tuổi vì ung thư não. Mấy người dì của tôi bị chẩn đoán mắc ung thư tử cung.
Tôi quyết định trở lại phòng khám.
Lúc này, bác sĩ phụ khoa của tôi đã nghỉ hưu. Tôi chọn một bác sĩ khác và trong vòng 1 tháng, tôi được chỉ định thực hiện vô số xét nghiệm chẩn đoán: siêu âm, siêu âm bơm nước buồng tử cung, nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D&C)/thủ thuật cắt bỏ polyp với chụp rơngen tử cung.
Với D&C, một mẫu thành tử cung của tôi được tách ra để làm xét nghiệm kiểm tra có dấu hiệu ung thư hay không. Trong lúc tôi hồi phục, bác sĩ nói với mẹ và em gái tôi rằng ông không nghĩ sẽ có điều gì bất ổn với tôi và hẹn sẽ gặp tôi sau 3 tuần nữa để khám lại.
Video đang HOT
Nhưng chỉ 4 ngày sau, y tá gọi điện cho tôi và nói kết quả xét nghiệm của tôi đã hoàn tất và bác sĩ muốn gặp tôi vào hôm sau. Tôi để ý thấy vẻ mặt thiểu não của bác sĩ và ông nói rằng, tôi bị ung thư tử cung.
Một tiếng trống dội lên trong đầu tôi, nhấn chìm mọi thứ bác sĩ nói sau đó. Mẹ cũng có mặt trong phòng với tôi và tôi thấy ánh mắt căng thẳng của mẹ hướng thẳng vào bức tường phía sau tôi. Tôi nhìn miệng bác sĩ chuyển động nhưng không hề có tiếng nào phát ra, ít nhất là tôi không hề nghe thấy gì. Cuối cùng, tôi nghe bác sĩ hỏi: ‘Cô có câu hỏi nào nữa không?’. Mẹ tôi đáp thay tôi: ‘Bác sĩ có phải cắt bỏ tử cung con gái tôi không?’. Bác sĩ trả lời rằng ‘có’ và nói họ sẽ phải cắt bỏ ‘mọi thứ’. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, tử cung, cổ tử cung, ống dẫn trứng.
Quan sát và ghi chép tỉ mỉ về chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ giúp bạn phòng chống ung thư tử cung. (Ảnh: Internet)
Phải thú nhận rằng, ban đầu, tôi cảm thấy rất giận bác sĩ phụ khoa trước đây của tôi. Tôi nghĩ, ông ấy đã phạm sai lầm lớn. Nhưng sau khi tự tìm hiểu, tôi nhận ra, triệu chứng ung thư tử cung giai đoạn sớm thực sự trùng khớp với triệu chứng của mãn kinh. Giá mà tôi trẻ hơn bây giờ, có thể bác sĩ phụ khoa của tôi đã xem xét các triệu chứng của tôi cẩn trọng hơn. Xét nghiệm Pap test (thử phết mỏng để kiểm tra nhanh xem có sự thay đổi bất thường nào ở tế bào cổ tử cung hay không) của tôi lần nào cũng âm tính. Tôi cũng chẳng thấy đau đớn gì. Vì vậy, tôi hiểu rằng tại sao bác sĩ lại đi theo hướng mãn kinh vì triệu chứng rõ ràng như vậy. Dù vậy, tôi vẫn băn khoăn, không biết nếu lần thăm khám thứ hai của tôi, ông ấy chưa nghỉ hưu, thì ông ấy có tích cực chỉ định thực hiện xét nghiệm như bác sĩ hiện tại hy không?
Thật may cho tôi vì đã sớm phát hiện ung thư khi mới vào giai đoạn 1. Điều đó có nghĩa là tôi không cần xạ trị hay hóa trị. Tuy nhiên, tôi vẫn phải đi khám bác sĩ chuyên khoa ung thư định kỳ 3 tháng/lần, trong vòng 2 năm và sau đó là 6 tháng/lần trong vòng 3 năm kế tiếp. Sau đó là thời điểm tôi sẽ chạm mốc 5 năm không nhiễm ung thư – đây là lúc một người được coi là khỏi bệnh ung thư.
Phẫu thuật cắt bỏ tử cung là phẫu thuật chính yếu với tôi lúc này. Tôi biết rằng có rất nhiều phụ nữ cho biết, cảm giác của họ trở nên khác lạ sau khi làm phẫu thuật, nhưng đó lại không phải là trải nghiệm của tôi. Tôi không thấy có gì thay đổi cả về tinh thần và cảm xúc. Ngay cả thay đổi về mặt sinh lý cũng chỉ biểu hiện ở vài cơn thoáng đỏ mặt nhẹ, kéo dài khoảng 60 giây. Tôi cũng bị khô âm đạo nhưng không nghiêm trọng tới mức phải dùng tới chất bôi trơn.
Khoảng hơn 1 tháng sau phẫu thuật, cháu gái tôi, một bác sĩ phẫu thuật, nhắc tới Hội chứng Lynch – là khả năng mắc ung thư trực kết tràng do di truyền. Vài năm trước, cháu đã nhắc tới hội chứng này nhưng lúc đó, tôi không thực sự để ý. 3% số người bị ung thư ruột kết mắc Hội chứng Lynch và 50% thành viên trong gia đình họ cũng bị.
Sau khi mất đi con gái, người họ hàng của tôi quyết định đi xét nghiệm Hội chứng Lynch và kết quả là dương tính. Tôi cũng kể cho bác sĩ chuyên khoa ung thư về tiền sử gia đình tôi và được khuyên đi xét nghiệm. Kết quả cũng là dương tính.
Biết được những điều mà giờ đây tôi đã thấu hiểu, tôi đang có lợi thế hơn để tiến hành các biện pháp phòng ngừa các loại bệnh ung thư mà tôi có thể mắc phải. Tất nhiên, tôi sẽ không bao giờ bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư cổ tử cung nữa. Bác sĩ của tôi cũng cho rằng, việc ung thư tử cung tái phát có rất ít khả năng xảy ra. Nhưng tôi vẫn còn nhiều bộ phận cơ thể khác là mục tiêu của Hội chứng Lynch. Hiện tại, năm nào tôi cũng đi soi ruột, so với lịch trình trước đây là 2-3 năm/lần. Tri thức là sức mạnh. Và tôi thì giờ đây đã được trang bị sức mạnh đó.
Đối với chị em phụ nữ, tôi thành thực khuyên mọi người nên:
- Hiểu rõ về tiền sử bệnh của gia đình. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào của ung thư ruột kết trong nhà, hãy đi kiểm tra ADN để xác định xem liệu bạn có bị Hội chứng Lynch hay không.
- Nếu thực sự bị Hội chứng Lynch, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ đó là gì và nó không phải một dạng cụ thể của ung thư ruột kết.
- Ung thư giai đoạn sớm có thể không tạo cảm giác đau đớn, khó chịu. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn chú ý kỹ tới mọi dấu hiệu mà cơ thể muốn nói với bạn.
- Quan sát và ghi chép tỉ mỉ về chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Rõ ràng, ở một số độ tuổi nhất định, chu kỳ kinh có thể trở nên thất thường nhưng hãy để ý cẩn thận tới lượng máu ra hay bất cứ điều gì khác với thông thường.
Cơ thể luôn có cách cho chúng ta thấy dấu hiệu của việc gì đó bất thường. Tôi lắng nghe cơ thể mình và luôn kiên trì tìm kiếm câu trả lời. Và nhờ thế, tôi được cứu sống.
Theo Huyền Nguyễn/Vnexpress.net
'Điểm mặt' nguyên nhân gây chảy máu âm đạo bất thường
Thuốc tránh thai, bệnh tình dục, u nang, u xơ tử cung, mãn kinh... gây chảy mấu âm đạo bất thường ở phụ nữ.
Hầu hết phụ nữ phải đối mặt với các vấn đề âm đạo như đau, nhiễm nấm men, viêm nhiễm, u cục, nhiễm nấm, nhiễm trùng đường tiết niệu... Song vấn đề phụ nữ rất quan tâm là chảy máu âm đạo. Nhiều người cảm thấy bất ngờ, không biết nguyên nhân cũng như cách xử trí khi gặp phải tình trạng này.
Chảy máu âm đạo là dấu hiệu vô cùng nguy hiểm, chị em cần phải chú ý để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất.
Cần phải chú ý để tìm ra nguyên nhân chảy máu âm đạo và cách điều trị tốt nhất. (Ảnh minh họa: Internet)
Dưới đây là những nguyên nhân khiến chị em bị chảy máu vùng kín, theo Boldsky:
Thuốc tránh thai: Đây có thể là lý do gây ra chảy máu âm đạo rất nặng giữa chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân là các hoóc-môn được sản xuất bởi buồng trứng, tuyến yên, tuyến giáp và tuyến thượng thận.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Đôi khi chảy máu kèm theo ngứa rát trong âm đạo là dấu hiệu cảnh báo bệnh tình dục. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến tử cung, ống dẫn trứng, cổ tử cung, và buồng trứng.
Sảy thai: Tình trạng này cũng dẫn đến chảy máu âm đạo. Sảy thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ, khi người phụ nữ không hề biết mình đang mang thai có thể dẫn đến xuất huyết nặng từ âm đạo. Phụ nữ bị suy giáp cũng có thể đối mặt với vấn đề này.
Chảy máu âm đạo có thể là do u nang, khối u, vết sẹo, u xơ tử cung, cùng với các mô bất thường trong tử cung hoặc cổ tử cung. U nang có thể ác tính hay lành tính. Chị em cần phải làm các xét nghiệm để được điều trị phù hợp, đôi khi cần phải phẫu thuật.
Nội mạc tử cung: Chảy máu nặng và bất thường từ âm đạo có thể là kết quả của nội mạc tử cung. Đây là tình trạng mà lớp lót của tử cung phát triển bên ngoài tử cung, thường ở xương chậu hoặc khoang bụng dưới.
Tiền mãn kinh: Phụ nữ trong thời gian này bắt đầu đối mặt với các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh kèm theo chảy máu từ âm đạo.
Theo Vnexpress.net
Lời khuyên hữu ích giúp giảm triệu chứng mãn kinh Chế độ ăn nhiều rau xanh, bổ sung thêm đậu nành và các bài tập nhẹ nhàng như yoga, tập thở có thể giảm nhẹ triệu chứng mãn kinh. Mãn kinh là gì? Mãn kinh là sự chấm dứt thời kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Mãn kinh thường xảy ra từ từ. Nếu bạn đã bắt đầu đi qua thời kỳ...