Ung thư khoang miệng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị
Ở giai đoạn đầu, ung thư khoang miệng không có biểu hiện rõ ràng. Người bệnh thường phát hiện ra ung thư khoang miệng khi đã có khối u xâm lấn hoặc ở giai đoạn muộn.
Ung thư khoang miệng là một trong những loại ung thư phổ biến vùng đầu cổ. Đây là một khái niệm chung để chỉ các tổn thương ác tính xuất hiện ở vùng khoang miệng bao gồm: lưỡi, niêm mạc má, sàn miệng, lợi hàm trên và dưới, khẩu cái, môi. Trong đó ung thư lưỡi là thường gặp nhất.
1. Nguyên nhân ung thư khoang miệng
Cũng giống như các loại ung thư khác, nguyên nhân gây ra ung thư khoang miệng chưa được xác định. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng bao gồm:
Người hút thuốc lá
Người uống rượu, đặc biệt rượu có nồng độ cao dễ gây bỏng niêm mạc miệng và thực quản
Người có thói quen ăn uống các thực phẩm dễ kích thích như đồ ăn cay nóng, ăn nhiều muối…
Tổn thương niêm mạc do nhiễm trùng
Người mắc các bệnh liên quan đến virus như viêm gan, HIV…
Thói quen vệ sinh răng miệng kém hoặc người mắc bệnh nướu răng cũng có khả năng phát triển khối u ác tính ở miệng cao
Tuổi càng cao, nguy cơ mắc ung thư khoang miệng càng tăng
Tiền sử gia đình có người mắc ung thư khoang miệng
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus Herpes, HPV (Human Papilloma Virus), hội chứng Xeroderma pigmentosum, thiếu máu Fanconi… cũng được cho là có liên quan đến ung thư khoang miệng.
Trong các yếu tố nguy cơ kể trên, người hút thuốc lá và uống rượu được xem là có nguy cơ cao mắc ung thư khoang miệng. Bởi trong thuốc lá và rượu có những chất kích thích độc hại là yếu tố chính gây ra ung thư khoang miệng.
Bệnh nhân ung thư lưỡi điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị.
2. Dấu hiệu ung thư khoang miệng
Cũng như các căn bệnh ung thư khác, ở giai đoạn đầu ung thư khoang miệng không có biểu hiện rõ ràng. Người bệnh thường phát hiện ra ung thư khoang miệng khi đã có khối u xâm lấn hoặc ở giai đoạn muộn.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể cảm thấy một số dấu hiệu mơ hồ như:
Có cảm giác vướng trong miệng
Tăng tiết nước bọt, có thể có máu trong nước bọt
Xuất hiện hạt cơm màu trắng hoặc chấm trắng trên lợi hàm, niêm mạc má… với bề mặt gồ ghề, bờ viền không đều và không đau
Có vết loét, nốt sùi trong khoang miệng
Video đang HOT
Vết thương dễ chảy máu thậm chí là những vết thương nhỏ
Tổn thương không lành sau khi nhổ răng, vết thương dễ chảy máu khi chạm vào, có thể sưng đỏ
Tổn thương ở niêm mạc khoang miệng khó lành, đỏ và đau rát
Đau ở khoang miệng không rõ nguyên nhân.
Ở giai đoạn muộn, ung thư khoang miệng có thể có các dấu hiệu như:
Trong khoang miệng đau nhức, có thể gặp cơn đau dữ dội và lan lên cả tai.
Gặp khó khăn khi nói và có cảm giác đau khi nói
Khạc ra đờm lẫn máu, có thể có mùi hôi
Khi các khối u đã di căn có thể có hạch ở cổ.
Các bác sĩ sau khi khám lâm sàng nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ ung thư khoang miệng, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm với hai mục đích: chẩn đoán xác định bằng sinh thiết và chẩn đoán giai đoạn (mức độ xâm lấn, đánh giá giai đoạn) bằng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, CT, MRI…).
Một trường hợp bệnh nhân ung thư vòm thuộc ung thư khoang miệng.
3. Ung thư khoang miệng có lây không?
Ung thư khoang miệng không phải là bệnh truyền nhiễm nên không thể lây.
4. Phòng ngừa ung thư khoang miệng
Hiện chưa có những bằng chứng chính xác về nguyên nhân gây ung thư khoang miệng, do vậy chỉ có thể phòng ngừa bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ như:
Nếu gia đình có người mắc ung thư nói chung và ung thư khoang miệng nói riêng, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bạn cần thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tầm soát ung thư dựa trên tư vấn của bác sĩ.
Hút thuốc và uống rượu bia thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc ưng thư khoang miệng. Do vậy cần hạn chế tối đa việc hút thuốc, uống rượu bia.
Giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách. Điều trị sớm các tổn thương viêm nhiễm vùng khoang miệng và các bất thường về răng tránh tạo các tổn thương tái đi tái lại do răng sai vị trí gây ra.
Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều.
Duy trì lối sống khoa học hoặc bằng cách có chế độ ăn lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây vào thực đơn hàng ngày. Đặc biệt là các loại rau củ quả có chứa chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng.
Người bệnh mắc ung thư khoang miệng thường sẽ có các tổn thương tại miệng và gây ảnh hưởng đến quá trình ăn uống.
5. Điều trị ung thư khoang miệng
Dựa vào tình trạng sức khỏe, vị trí u, tuýp mô bệnh học và giai đoạn bệnh của từng người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị ung thư khoang miệng gồm có:
Phẫu thuật: Đây là lựa chọn được ưu tiên nếu người bệnh được phát hiện sớm. Các bác sĩ sẽ phẫu thuật và tái tạo lại khu vực u nguyên phát.
Xạ trị: Xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp với hóa chất, có thể xạ trước hoặc sau phẫu thuật. Đây là phương pháp điều trị khi tổn thương lan rộng nhưng còn khu trú tại vùng.
Điều trị hóa chất: Có thể dùng điều trị bổ trợ trước mổ tạo thuận lợi cho phẫu thuật, hoặc kết hợp với tia xạ để tăng hiệu quả điều trị, ngoài ra có thể điều trị hỗ trợ sau mổ. Bên cạnh đó hóa trị là biện pháp điều trị chính khi bệnh ở giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc tia xạ.
Thuốc điều trị đích
Thuốc điều trị miễn dịch
Điều trị chăm sóc giảm nhẹ.
Hiện nay, trong điều trị ung thư khoang miệng nói riêng và ung thư nói chung chủ yếu là kết hợp nhiều phương pháp để đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh. Sau khi điều trị, bệnh nhân cần thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối việc dùng thuốc nếu có.
Các phương pháp điều trị ung thư khoang miệng
Ung thư khoang miệng là tình trạng xuất hiện các tổn thương ác tính xuất hiện ở vùng khoang miệng bao gồm lưỡi, niêm mạc má, sàn miệng, lợi hàm trên và dưới, khẩu cái, môi...
1. Phương pháp điều trị ung thư khoang miệng
Dựa vào tình trạng sức khỏe, vị trí u, tuýp mô bệnh học và giai đoạn bệnh của từng người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị ung thư khoang miệng gồm có:
1.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là lựa chọn được ưu tiên nếu ung thư khoang miệng được phát hiện ở giai đoạn sớm. Các bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ và tái tạo lại khu vực u nguyên phát.
Tùy theo tiến triển của khối u mà áp dụng các mức độ điều trị phẫu thuật khác nhau như cắt bỏ khối u đơn thuần; cắt u và nạo vét hạch cổ; cắt u, nạo vét hạch cổ kèm phẫu thuật tái tạo như tạo hình môi, tạo hình lưỡi... để đảm bảo khả năng nhai, nuốt, cảm giác khu vực môi, tạo hình phân cách đường miệng và mũi...
1.2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp với hóa trị (được gọi là hóa xạ trị), có thể xạ trước hoặc sau phẫu thuật.
Xạ trị cũng có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng như đau, chảy máu, khó nuốt hoặc các vấn đề khác xảy ra nếu ung thư đã phát triển rất lớn hoặc đã di căn sang các khu vực khác.
Có 2 cách xạ trị chính có thể được sử dụng:
Xạ ngoài: Nhằm đưa các tia năng lượng cao vào khối ung thư từ một máy bên ngoài cơ thể. Đây là loại bức xạ phổ biến nhất được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư này.
Xạ áp sát: Bác sĩ sử dụng một ống nội soi (một ống dài, linh hoạt) để đưa các hạt phóng xạ nhỏ vào rất gần khối ung thư.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xạ trị là:
Da thay đổi khi chiếu xạ
Cảm thấy rất mệt mỏi
Khàn giọng
Thay đổi vị giác
Loét miệng và họng
Khô miệng
Khó nuốt hoặc khó ăn uống...
Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân ung thư khoang miệng sẽ có cơ hội điều trị thành công cao.
1.3. Hóa trị liệu
Hóa trị liệu hay còn gọi là điều trị hóa chất có thể được chỉ định điều trị bổ trợ trước mổ nhằm tạo thuận lợi cho phẫu thuật, hoặc kết hợp với tia xạ để tăng hiệu quả điều trị. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể áp dụng để điều trị hỗ trợ sau mổ.
Thuốc hóa chất có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc uống dưới dạng thuốc viên. Hóa trị được dùng theo chu kỳ, thường kết hợp 2 hoặc nhiều loại thuốc. Sau mỗi đợt điều trị là một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Điều này giúp cơ thể có thời gian phục hồi. Việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng. Đối với ung thư khoang miệng, hóa trị thường được thực hiện cùng với xạ trị, được gọi là hóa xạ trị.
Hóa trị là biện pháp điều trị chính khi bệnh ở giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc tia xạ. Việc điều trị có thể gây ra những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, rụng tóc.
1.4. Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư là việc sử dụng các loại thuốc hoặc hóa chất nhằm ngăn chặn các tế bào ung thư tự sao chép, chăn chặn tế bào ung thư phân chia tạo tế bào ung thư mới. Khác với hóa trị hoặc xạ trị, thuốc điều trị đích khi vào cơ thể chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư mà không làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh.
Với bệnh ung thư khoang miệng, liệu pháp trúng đích có thể được chỉ định làm phương pháp điều trị ban đầu, kết hợp với các phương pháp điều trị khác nhằm tối ưu hiệu quả điều trị bệnh ung thư. Người bệnh có thể gặp tác dụng phụ khi điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích. Tuy nhiên, chúng có sự khác nhau với từng loại thuốc, từng ca bệnh cụ thể. Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện gồm tiêu chảy, khô da, tăng huyết áp, mất màu tóc, thay đổi móng tay, rối loạn đông máu...
Bên cạnh những ưu điểm hỗ trợ cho quá trình điều trị ung thư, liệu pháp nhắm trúng đích cũng có những nhược điểm như:
Liệu pháp nhắm trúng đích được đánh giá không hiệu quả nếu khối u không có sự thay đổi gen hoặc protein cụ thể mà thuốc nhắm đến.
Khối u có thể không đáp ứng thuốc.
Tế bào ung thư kháng thuốc sau một thời gian điều trị (tế bào ung thư không đáp ứng thuốc hoặc tìm cách phát triển mới).
Không phải tất cả bệnh nhân ung thư đều có thể điều trị liệu pháp nhắm trúng đích.
1.5. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương thức điều trị nhằm thúc đẩy hệ thống miễn dịch của chủ thể hoặc sử dụng các cấu trúc nhân tạo của hệ thống miễn dịch để tấn công các tế bào ung thư khoang miệng. Liệu pháp miễn dịch có thể sử dụng bằng đường tĩnh mạch.
Việc điều trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Những thuốc này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau bụng hoặc phát ban...
2. Một số lưu ý trong quá trình điều trị ung thư khoang miệng
Hiện nay, trong điều trị ung thư khoang miệng nói riêng và ung thư nói chung chủ yếu là kết hợp nhiều phương pháp để đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh. Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân ung thư khoang miệng sẽ có cơ hội điều trị thành công cao, giúp người bệnh quay lại cuộc sống sinh hoạt bình thường và kéo dài thời gian sống. Trong trường hợp muộn ở giai đoạn di căn, việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn và tiên lượng sống của bệnh nhân cũng thấp hơn so với giai đoạn đầu.
Ngoài ra, khi mắc ung thư, nhiều người bệnh và gia đình thường nghe mách bảo các phương pháp điều trị hoặc chế độ ăn kiêng đặc biệt. Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp này chưa được kiểm nghiệm, một số thậm chí còn gây hại, phản khoa học. Vì vậy, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp nào.
Sau khi điều trị, bệnh nhân cần thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối việc dùng thuốc nếu có. Bệnh ung thư có hai đặc tính quan trọng là tái phát và di căn, do đó việc khám định kì theo dõi sau điều trị theo lịch của bác sĩ chuyên khoa ung thư rất quan trọng. Khám theo dõi định kỳ giúp phát hiện sớm tổn thương tái phát hay di căn giúp cho việc điều trị có hiệu quả tốt hơn.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư khoang miệng Ung thư khoang miệng là một tổn thương ác tính xuất hiện tại vùng khoang miệng bao gồm: lưỡi, lợi hàm dưới, niêm mạc má, sàn miệng, lợi hàm trên, khẩu cái và môi. Khi được phát hiện sớm, ung thư khoang miệng có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật. Dấu hiệu cảnh báo ung thư khoang miệng Khoang miệng...