Ung thư cổ tử cung: Hãy xét nghiệm ngay nếu có biểu hiện lạ
Nếu thấy có biểu hiện chảy máu âm đạo bất thường thì bạn cần sớm thực hiện những xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Nếu thấy có biểu hiện chảy máu âm đạo bất thường, dù là trong hay ngoài kỳ kinh nguyệt thì bạn cần sớm thực hiện những xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Chảy máu nhiều trong ngày ‘đèn đỏ’ và thường xuyên bị chuột rút có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung
Amy Heatman, sống tại Liverpool, đã mất 3 tuần để đi lại bệnh viện thăm khám sau khi liên tục bị chuột rút trong dạ dày và chảy máu âm đạo đến mức không thể chịu nổi. Nhưng vì cô mới 17 tuổi nên các bác sĩ thấy đó không phải là những triệu chứng quan trọng lắm. Chỉ tới khi mẹ của Amy, bà Jillian, yêu cầu thì cô mới được thăm khám đầy đủ hơn.
Sau khi siêu âm, bác sĩ phát hiện một khối u lớn trong tử cung và Amy nhanh chóng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Cô được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung và sau đó điều trị bằng hóa trị, xạ trị.
Cho đến nay, sau 4 năm, Amy đã hoàn toàn bình phục nhưng không thể có con. Cô chia sẻ câu chuyện của mình để giúp mọi người, đặc biệt là những chị em dưới 25 tuổi, nâng cao nhận thức về căn bệnh ung thư cổ tử cung quái ác này.
Amy Heatman biết mình bị ung thư sau những cơn đau do chuột rút và chảy máu quá nhiều trong kỳ kinh nguyệt.
Chia sẻ về bệnh của mình, Amy cho biết: Tôi đã rất sốc khi được thông báo mình không thể có con, tôi luôn muốn có một gia đình của mình mà. Ở tuổi 17, tôi không hề biết nó nghiêm trọng như thế nào.
Theo một cách nào đó, tôi cũng đã gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với căn bệnh ung thư. Tôi rất biết ơn các bác sĩ và y tá đã cứu tôi. Mặc dù phải chịu thiệt thòi nhưng phải thừa nhận là tôi đã may mắn sống sót.
Từ tháng 7/2011, kinh nguyệt hàng tháng đã trở thành vấn đề khủng khiếp với Amy. Cô bị chảy máu rất nhiều trong đêm và phải đặt một chiếc khăn giữa 2 chân. ‘3 tuần trước khi được chẩn đoán là khoảng thời gian như ở địa ngục’, Amy cho biết.
Sau khi được siêu âm, Amy bắt đầu trải qua những cơn đau đớn tột độ trong khi ở bệnh viện. Cô gần như không thể đi được và vô cùng tuyệt vọng trong nhà vệ sinh đến mức mẹ cô phải gọi cho tất cả y tá.
Sau đó cô nhanh chóng được đưa xuống phẫu thuật khẩn cấp. Một khối u to bằng quả cam được lấy ra từ cổ tử cung.
Tiếp theo, Amy nhận được một tin rất sốc rằng khối u đó là ung thư và cô cần phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung vào ngày hôm sau.
Do trải qua quá trình điều trị mệt mỏi như vậy, Amy đã bị mãn kinh sớm. Nhưng không phải vì thế mà cô suy sụp.
‘Tôi có một gia đình và những bạn bè tuyệt vời. Họ đã ở bên tôi trong suốt hành trình và đang chờ tôi khỏe lại. Tôi hy vọng mọi người đọc câu chuyện của tôi sẽ cảnh giác hơn với những triệu chứng trong kỳ kinh nguyệt. Nếu cần thiết thì hãy đề nghị được làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung – nhờ nó mà tôi được cứu sống’, Amy chia sẻ.
Video đang HOT
Chảy máu giữa kỳ kinh nguyệt và khi quan hệ tình dục cũng có thể do ung thư cổ tử cung gây ra
Ung thư cổ tử cung là bệnh ngày càng phổ biến với số phụ nữ mắc bệnh gia tăng. Đây lại là bệnh có tính di truyền nên những người mắc bệnh ngoài lo lắng cho bản thân mình ra còn lo lắng cho con gái họ sau này liệu ung thư cổ cung không.
Ngoài yếu tố di truyền, nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung vẫn là vi-rút HPV. Đây là loại vi-rút phát triển trong cơ thể người phụ nữ sau khi quan hệ và nếu không được tiến hành điều trị dứt điểm loại vi-rút này, một thời gian sau vi-rút này sẽ tạo nên các tế bào ung thư ác tính có trên bề mặt cổ tử cung.
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung không phải luôn luôn rõ ràng, thậm chí nó có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng và dễ nhầm lẫn với những bệnh phụ khoa khác. Đây là lý do tại sao bạn cần tiến hành kiểm tra cổ tử cung theo đúng lịch hẹn.
Heather Keating chia sẻ câu chuyện của mình để mọi người cảnh giác với các dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung như chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt và khi có quan hệ tình dục.
Một số bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung có thể gặp các triệu chứng ban đầu trong kỳ kinh nguyệt, ví dụ như chảy máu kinh nhiều hơn, bị chuột rút giống như Amy Heatman.
Một số khác lại có biểu hiện chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi có quan hệ tình dục giống như Heather Keating, sống tại Tipperary, Ireland.
Cô gái 25 tuổi này đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung một năm trước khi cô đủ tuổi để xét nghiệm tế bào cổ tử cung theo Chương trình kiểm tra cổ tử cung của quốc gia Ireland. Và bây giờ cô nhận thấy mình rất may mắn khi cảnh giác với các triệu chứng bất thường.
Lần đầu tiên Heather đi khám phụ khoa là khi thấy chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt và sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, bác sĩ lại hẹn cô quay lại xét nghiệm tế bào cổ tử cung khi đủ 25 tuổi.
Thế nhưng, trong 3 tháng sau đó, các triệu chứng này tiếp tục xuất hiện và dẫn đến thiếu máu, Heather đã chuyển sang khám ở một chuyên gia ung thư phụ khoa và tại đây cô được chẩn đoán là bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1.
Bốn tuần sau đó, sau khi được phẫu thuật, các tế bào ung thư đã được loại bỏ hết. Heather cũng muốn qua câu chuyện của mình có thể giúp mọi người nhận ra những triệu chứng mà cô đã gặp để đi kiểm tra kịp thời hoặc trước khi nó bắt đầu.
Ung thư cổ tử cung là bệnh không thể coi thường. Mặc dù có diễn biến chậm, ở giai đoạn đầu có thể không có dấu hiệu rõ ràng nhưng nó cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Những dấu hiệu ung thư cổ tử cung chỉ xuất hiện rõ ràng khi các tế bào ác tính phát triển nhanh và xâm lấn. Các triệu chứng nhận biết ở giai đoạn này thường là:
- Chảy máu âm đạo bất thường: Chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu khi đã mãn kinh, chảy máu ngoài kỳ kinh, chảy máu nhiều hơn trong những ngày có kinh nguyệt…
- Tiết dịch âm đạo bất thường: Dịch có thể lẫn máu, có màu vàng, xuất hiện giữa kỳ kinh hoặc sau mãn kinh.
- Đau khi giao hợp, chảy máu khi giao hợp.
- Đau vùng chậu.
- Đau hoặc phù chân.
Trong các dấu hiệu nhận biết ung thư thì chảy máu ở âm đạo là dấu hiệu rõ và xuất hiện sớm nhất.
Vậy nên, nếu thấy có biểu hiện chảy máu âm đạo bất thường, dù là trong hay ngoài kỳ kinh nguyệt thì bạn đều cần lưu ý và sớm thực hiện những xét nghiệm, kiểm tra cần thiết. Xét nghiệm pap smear là một trong những biện pháp giúp chẩn đoán sớm nguy cơ ung thư mà chị em nào cũng nên làm.
Theo N. Thúy/Trí thức trẻ (Ttvn.vn)
Tầm soát ung thư cổ tử cung: Càng sớm càng tốt
Ung thư cổ tử cung phát hiện sớm có thể chữa khỏi, song nếu tiến triển thành chồi, sùi ở giai đoạn muộn thì khả năng tử vong cao.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, vi-rút HPV là nguyên nhân dẫn đến 99% số ca mắc ung thư cổ tử cung. Việc phát hiện vi-rút HPV khá dễ dàng, mang lại hiệu quả chữa bệnh cao.
- Tại sao phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung, thưa bác sĩ?
- Ung thư cổ tử cung gây tử vong hàng thứ hai sau ung thư vú, song có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Nếu đợi đến khi tiến triển thành chồi, sùi ở giai đoạn 2-3 thì khó chữa.
- Những phương pháp tầm soát nào hiệu quả?
- Từ nhiều năm trước, xét nghiệm tế bào học (PAP) là phương pháp tầm soát phổ biến tại các cơ sở y tế. Mục đích là tìm ra sự biến đổi tế bào để xem bệnh nhân có nguy cơ ung thư cổ tử cung hay không.
Tuy nhiên, PAP phụ thuộc vào nhiều yếu tố dễ sai lệch kết quả. Người lấy mẫu, cách bảo quản mẫu, kỹ năng đọc kết quả... khiến kết quả xét nghiệm PAP chỉ đạt độ chính xác 50-70%. Tầm soát 10 ca thì có khoảng 3-5 ca bị sót.
Để cải thiện tình trạng trên, kỹ thuật PAP nhúng dịch được ứng dụng. Kỹ thuật này tiến bộ hơn song vẫn chỉ phát hiện bệnh ở mức 70%.
Khi HPV được xác định là nguyên nhân gây 99% số ca ung thư cổ tử cung, các nhà khoa học mới bắt đầu nghiên cứu và tìm ra được giải pháp mới sàng lọc bệnh.
Đó chính là kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vi-rút HPV DNA, giúp phát hiện bệnh trên 90%, được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận năm 2014.
Tháng 7/2016, Bộ Y tế Việt Nam cũng phê duyệt xét nghiệm Cobas HPV là xét nghiệm chính ban đầu trong sàng lọc nguy cơ ung thư cổ tử cung, giúp hơn 90% phụ nữ phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.
- Ai cần tầm soát ung thư cổ tử cung?
- Nhiều người cho rằng độ tuổi 18-45 nên tầm soát. Tuy nhiên, suy nghĩ này không đúng và có thể bỏ sót ca bệnh. Mọi phụ nữ từng quan hệ tình dục đều cần tầm soát ung thư cổ tử cung.
Phát hiện sớm vi-rút HPV giúp phòng ngừa và điều trị ung thư cổ tử cung hiệu quả.
- Bao lâu thì tầm soát một lần?
- Nhiều người chủ quan không tầm soát, đến khi thấy ra huyết âm đạo mới đi khám thì đã ung thư giai đoạn muộn. Vì vậy, phụ nữ được khuyến cáo thăm khám phụ khoa 6 tháng một lần, kết hợp làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung. Kỹ thuật PAP yêu cầu tầm soát mỗi năm. Kỹ thuật tầm soát vi-rút HPV thì tái xét nghiệm mỗi 3 năm.
Vắc-xin hiện nay chỉ ngừa được một số chủng HPV trong số 14 chủng nguy cơ cao. Vì vậy, người tiêm phòng rồi vẫn phải tầm soát định kỳ.
- Khi nào nên nghi ngờ kết quả xét nghiệm?
- Nhiều trường hợp quan sát và xét nghiệm PAP không thấy bất thường nhưng thực tế ung thư đã ở giai đoạn tiền xâm lấn (âm tính giả). Vi-rút HPV có hơn 100 chủng khác nhau, trong đó có 14 chủng nguy cơ cao, đáng lo nhất là HPV 16 và 18 gây nên 70% số ca ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 25% phụ nữ nhiễm HPV có thể dẫn đến ung thư, số còn lại cơ thể tự đào thải. Nếu kết quả dương tính với HPV (mắc bệnh), sau đó âm tính (không mắc bệnh) thì vẫn có thể dương tính trở lại.
Vì thế, khi kết quả lần khám trước âm tính thì vẫn cần tầm soát lại ở lần sau.
- Tầm soát như thế nào, thưa bác sĩ?
- Việc tầm soát hoàn toàn đơn giản. Người đến tầm soát giống như khám phụ khoa bình thường, được lấy mẫu đi xét nghiệm, kết quả có sau khoảng 2 tuần. Điều kiện phù hợp để thực hiện xét nghiệm là không bị viêm nhiễm âm đạo, không ra huyết âm đạo và không quan hệ tình dục trước đó 48 giờ.
- Xét nghiệm HPV từ xa thì sao?
- Bệnh viện Hùng Vương đang lên kế hoạch thực hiện xét nghiệm HPV cho các tỉnh xa thiếu thốn máy móc. Chương trình triển khai ở tất cả các địa phương liên kết, cho lấy mẫu tại chỗ và gửi về bệnh viện xét nghiệm rồi trả kết quả sau. Việc lấy mẫu và vận chuyển mẫu đúng quy cách sẽ giúp kết quả chuẩn xác.
Theo An San/Vnexpress.net
Thụt rửa âm đạo: Khả năng nhiễm vi-rút HPV gấp 2 lần Daily Star vừa dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy phái nữ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung gấp đôi khi thụt rửa âm đạo. Theo những nhà nghiên cứu làm việc tại Đại học Texas (bang Texas, Hoa Kỳ), khi các cô gái thụt rửa bộ phận sinh dục của mình vì muốn loại bỏ...