Ứng phó với bão Noru: Phòng ngừa từ sớm, từ xa
Sau khi đổ bộ vào đất liền, rạng sáng 28/9, bão số 4 ( bão Noru) đã suy giảm dần và không gây thiệt hại quá lớn về người, tài sản trên địa bàn các tỉnh miền Trung – Tây nguyên.
Một phần vì bão đã giảm cấp độ khi cập bờ, một phần nhờ sự chủ động của các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong việc ứng phó, ngăn ngừa, giảm thiểu tác động thiên tai.
Lãnh đạo quận Hải Châu thăm hỏi động viên người dân đang tránh trú bão tại điểm trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu). Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân
Tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 25/9, công tác phòng, chống bão số 4 đã được triển khai đồng bộ từ cấp thành phố đến tận khu dân cư, tổ dân phố. Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố liên tục kiểm tra thực tế các vị trí xung yếu, các khu vực có nguy cơ mất an toàn và các nơi tránh trú bão để lên kịch bản ứng phó với diễn biến của bão. Các cấp chính quyền quận, huyện, xã, phường, cùng lực lượng công an, quân đội, biên phòng cũng đồng loạt ra quân triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, thành phố.
Theo Trung tá Cao Lê Duy Hùng, Trưởng Công an phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) cách đây 3 ngày, sau khi nhận chỉ đạo của cấp trên, 100% lực lượng Công an phường đã trực 24/24 giờ, bố trí các cán bộ, chiến sĩ lập 4 điểm trực trên địa bàn phường, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bão số 4. Trước bão, nhiều người dân trên địa bàn phường đã chủ động liên hệ với các điểm trực gần nhất để được trợ giúp chằng chống, đảm bảo an toàn nhà ở. Ngay cả khi bão sắp đổ bộ, vào 19 giờ tối 27/9, nhận được tin báo về 2 nhà dân có nguy cơ mất an toàn, Công an phường đã tổ chức sơ tán kịp thời 2 gia đình về nơi tránh trú bão tập trung của phường.
Video đang HOT
Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc cho biết, quận đã tổ chức triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của thành phố trước, trong và sau bão. Ngay trong thời điểm bão đổ bộ, lực lượng chức năng đã kịp thời tiếp cận, hỗ trợ một hộ dân sơ tán khẩn cấp. Cụ thể, khoảng 0 giờ 20 phút ngày 28/9, lực lượng chức năng nhận được thông tin cầu cứu của hộ bà Trần Thị Sinh (đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam), gia đình có 2 người lớn và 1 trẻ nhỏ đang ở trong nhà, nhưng gió giật mạnh làm phần mái nhà hư hỏng. Lực lượng chức năng tại cơ sở đã cứu hộ khẩn cấp trong đêm mưa bão, đưa cả 3 người về tránh trú bão an toàn tại trường Đại học Sư Phạm (Đại học Đà Nẵng).
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng, qua công tác phòng, chống bão số 4, thành phố đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý. Thứ nhất là chính quyền các cấp phải quyết liệt sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến nơi tránh trú bão an toàn trước khi bão đổ bộ. Đây là việc khó khăn, do nhiều người dân có tâm lý muốn ở nhà để bảo vệ tài sản.
Vì vậy, các cấp chính quyền cần kiên trì thuyết phục, giải thích sự nguy hiểm của thiên tai để người dân hiểu, khi sơ tán cần cam kết đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Bên cạnh đó, thành phố đã nghiêm túc, kịp thời triển khai các chỉ đạo từ Trung ương, tích cực tuyên truyền để nhân dân hiểu tác hại của thiên tai, đồng thuận với các chủ trương của Trung ương, của thành phố. Thứ ba, cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản để chủ động kích hoạt từ sớm, linh hoạt vận dụng tương ứng với diễn biến thực tế của thiên tai.
Quyết liệt, chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa
Từ ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban. Trong đêm 27, rạng sáng 28/9, khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trực xuyên đêm và tổ chức 3 cuộc họp khẩn giữa Ban Chỉ đạo tiền phương với các tỉnh, thành phố để nghe báo cáo và có chỉ đạo kịp thời.
Nhờ sự quyết liệt, sát sao đó, mức độ thiệt hại do bão số 4 gây ra đã được giảm tối thiểu. Tính đến 17 giờ ngày 28/9, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão có tổng cộng 16 người bị thương (Quảng Trị 8 người, Thừa Thiên-Huế 8 người), không có người tử vong. Toàn bộ 8 tỉnh, thành phố có tổng cộng 76 căn nhà bị sập; 2.601 nhà bị hư hại, tốc mái; 36 điểm trường bị hư hại. Về nông nghiệp, có tổng cộng 66 ha lúa, 558 ha hoa màu, 6 ha hoa màu bị ngập; hơn 4.800 cây xanh gãy đổ. Về tàu thuyền, có 1 ghe (Quảng Nam) và 4 tàu nhỏ (Đà Nẵng) bị hư hại, chìm tại khu neo đậu. Về giao thông, có 37 vị trí sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49B, một số tuyến đường giao thông địa phương và 4 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tiền phương Lê Minh Hoan nhận định, chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng của bão đã luôn chủ động, sát sao và chuyên nghiệp trong chỉ đạo cả hệ thống chính trị, khiến phương châm “4 tại chỗ” thực sự phát huy hiệu quả. Thiên tai là điều không thể tránh khỏi, nhưng để giảm thiểu tác động thiên tai phải làm tốt cả 3 giai đoạn:
Thích ứng, chống chịu và phục hồi. Để đạt được điều này, cần nâng cao năng lực, kỹ năng cộng đồng tự quản cho từng khu dân cư, tổ dân phố; cần lựa chọn những người tiêu biểu, có kinh nghiệm trong cộng đồng để tổ chức kích hoạt các biện pháp ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Điều này sẽ giúp các cấp chính quyền có thời gian tập trung cho các công tác, nhiệm vụ khác. Mô hình cộng đồng quản lý khai thác thủy sản ven phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế) là một điển hình. Đây là cộng đồng sinh kế nhưng trong bão lũ đã trở thành một cộng đồng ứng phó kịp thời.
Rút ra những bài học kinh nghiệm sau bão số 4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo tiền phương cho rằng, quan trọng nhất là cần sự chỉ đạo từ sớm, từ xa để phòng, chống bão. Từ trước bão 4 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã họp chỉ đạo về phòng, chống bão và có Công điện gửi tới các địa phương. Các ngày tiếp theo, Thủ tướng liên tục tổ chức các cuộc họp trực tuyến tới Ban Chỉ đạo tiền phương và các địa phương để nắm tình hình, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống bão quyết liệt từ trên xuống dưới.
Phải khẳng định, toàn hệ thống chính trị, các bộ, ngành Trung ương tới địa phương đã vào cuộc chống bão với tinh thần trách nhiệm rất cao. Thực tế đi kiểm tra tại các địa phương, Phó Thủ tướng nhận định các lãnh đạo tỉnh, thành phố đều đã xây dựng kế hoạch, phương án rất tỉ mỉ. Không chỉ cấp tỉnh, thành phố, mà tới cấp huyện, cấp xã đều chủ động triển khai, vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, lực lượng quân đội, công an rất chủ động trong việc huy động nhân lực, thiết bị để chuẩn bị trước khi cơn bão đổ bộ vào.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (giữa), Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, phát biểu tại cuộc họp sáng 28/9 tại Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN
Qua thực tiễn, Phó Thủ tướng cũng khẳng định một nguyên nhân khiến cho công tác ứng phó với bão đạt kết quả tốt, đó là nhân dân rất tin tưởng và chấp hành tốt sự chỉ đạo của các cấp chính quyền. Trước khi bão đổ bộ, từ 5 giờ chiều 27/9 đường xá đã vắng vẻ, người dân không ra ngoài, tự giác trong việc sơ tán, tránh trú bão. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và công tác thông tin tuyên truyền tốt nên nhân dân rất tin tưởng và chấp hành nghiêm túc, qua đó giảm thiểu thiệt hại về người và của do cơn bão số 4 vừa qua.
Tìm thấy thi thể ngư dân mất tích khi di chuyển tàu vào khu tránh trú bão
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết, khoảng 20 giờ 15 phút ngày 27/9, tại khu vực bờ biển xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới, thi thể ngư dân N.Đ.N (sinh năm 1972, trú xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) đã được tìm thấy.
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bão số 4. Ảnh: TTXVN phát
Trước đó, sáng 26/9, Đồn Biên phòng Nhật Lệ, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tiếp nhận tin báo của ông Hồ Văn Hờn (sinh năm 1982, trú xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) là chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QB 92005. Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 26/9, tàu xuất phát tại lạch cửa Nhật Lệ (thành phố Đồng Hới) di chuyển về Cảng Gianh (huyện Bố Trạch) để neo đậu tránh trú bão, trên tàu có 6 ngư dân. Đến khoảng 9 giờ 40 phút cùng ngày, khi tàu cách cửa Nhật Lệ khoảng 2 hải lý, thuyền viên N.Đ.N không may bị rơi xuống biển, mất tích.
Nhận được tin báo, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã bố trí lực lượng, phối hợp với gia đình nạn nhân và chính quyền cùng các đơn vị liên quan triển khai việc tìm kiếm cứu nạn. Đến 16 giờ 20 phút ngày 26/9, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, sóng to, lực lượng liên ngành kết thúc việc tìm kiếm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với địa phương tổ chức tuần tra dọc bờ biển để hỗ trợ tìm kiếm.
Sau khi tìm thấy thi thể ngư dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị Đồn Biên phòng liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định, bàn giao thi thể cho gia đình đưa về quê an táng theo phong tục địa phương.
Bão số 4 khiến 16 người bị thương Tính đến 17h ngày 28/9, bão số 4 khiến 16 người bị thương, 76 nhà sập, 2.601 nhà bị hư hại, tốc mái, 36 điểm trường bị ảnh hưởng... Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai đã...