Ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển: Không thể chần chừ
Thời gian này khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là mùa mưa, cộng với triều cường khiến nhiều địa phương trong vùng liên tiếp xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng; tuyến đê biển Tây, Đông cũng trong tình trạng báo động tình trạng sạt lở.
Chưa lúc nào ĐBSCL-vựa lúa, vựa tôm, vựa cá, vựa trái cây của đất nước lại mong manh đến thế…
Sạt lở bờ sông ở Cần Thơ.
Ngày càng nhiều điểm sạt lở
Hiện toàn vùng ĐBSCL có 526 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800 km. Trong đó có 57 điểm đặc biệt nguy hiểm. Sạt lở diễn ra với tần suất ngày càng cao, và gần như trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả mùa khô. Mỗi năm, sạt lở làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm
Những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu kết hợp triều cường, nước biển dâng đã kéo hàng ngàn ha rừng phòng hộ xuống biển. Ở các cửa sông lớn đổ ra biển dòng chảy mạnh hơn làm xói lở đất, nhất là ở nơi giao nhau các tuyến sông.
Tỉnh Tiền Giang từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra 81 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 4.100 m. Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, mới đây địa phương này cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đề ra các biện pháp ứng phó.
Ở Sóc Trăng, từ đầu năm 2019 đến nay, cũng đã xảy ra trên 30 vụ sạt lở đất bờ sông. UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành các quyết định công bố tình huống khẩn cấp tại một số khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển.
Cà Mau cũng đã phải ban bố tình hình khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông, Tây và bờ sông tại 8 vị trí xung yếu, cấp bách với trên 25km cửa biển, bờ biển và hơn 1,2km bờ sông. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, cho biết đây là những vị trí có tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng, với tốc độ sạt lở bình quân mỗi tháng khoét sâu vào bên trong từ 20 – 50m, có nơi từ 80 – 100m/tháng. Đáng chú ý, tại những nơi chưa có hệ thống đê mới, đai rừng phòng hộ đang bị phá hủy nghiêm trọng, sóng biển đã tiến sát vào vùng sản xuất của người dân.
Không chỉ Cà mau, nhiều đoạn đê biển Tây tỉnh Kiên Giang cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Theo báo cáo của Sở NNPTNT Kiên Giang, trong 200 km đê biển Tây thuộc địa phận tỉnh này đã có tới 80km đang bị sạt lở nặng.
Chậm ngày nào, mất rừng, mất đất ngày đó
Video đang HOT
Mới đây, sau khi dẫn đầu Đoàn công tác khảo sát tình hình sạt lở một số tỉnh khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Các cơ chế, thủ tục để ứng phó với tình hình sạt lở, biến đổi khí hậu cần được xử lý theo hướng khẩn cấp, vì sạt lở đang đến hồi nguy cấp, không thể chờ. Chậm ngày nào thì chúng ta tiếp tục mất rừng, mất đất, mà việc khôi phục lại cần có thời gian và tốn kém về nguồn lực.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu đối với dân cư, công trình ở ven sông, ven biển cần thiết phải chủ động di dời, tái định cư cho người dân mới mong giải quyết căn bản, bởi nguy cơ sạt lở luôn tiềm ẩn. Riêng với Cà Mau, khu vực bờ biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với 28 tỉnh, thành ven biển cả nước trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các nguồn vốn cho đầu tư, hỗ trợ Cà Mau cũng như các tỉnh ĐBSCL còn chậm, chưa đạt yêu cầu…
Vụ sạt lở đê biển xảy ra cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Ten ở xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau vẫn nhớ như in: “Nước biển ở đâu dâng lên rất nhanh, đê phòng hộ rất cao, nhưng gió mạnh, mưa nhiều khiến sóng đánh vượt qua đê tràn vào ruộng lúa bên trong. Trước đây nhà tôi cách bờ biển xa lắm, dần dần đất cứ mất dần, biển lấn dần vào khu vực nhà dân rất gần”- bà Ten nói.
Vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng ở An Giang, tháng 8/2019.
Đảm bảo nguồn vốn cần thiết để xử lý sạt lở ở ĐBSCL
Sau Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, khảo sát về tình hình sạt lở một số điểm nóng ở ĐBSCL, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có chuyến đi thực tế tại một số địa phương sạt lở nghiêm trọng của tỉnh Tiền Giang và làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, để bàn những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất hệ lụy do sạt lở gây ra.
Tại đây người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Cần đánh giá tổng thể, căn cơ trên cơ sở quy hoạch vùng ĐBSCL. Từ đó chúng ta áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong xử lý vấn đề sạt lở vùng đồng bằng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, đừng để tình trạng làm trước hỏng sau. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương “Đoạn nào phải rời dân cấp bách, đoạn nào làm đê mềm để làm sao trồng rừng, chỗ nào kè cứng, làm sao giảm thiểu khai thác cát các dòng sông, đặc biệt quy hoạch lại dân cư chủ động rồi làm sao tăng cường các biện pháp dự báo”.
Theo Thủ tướng, cần tiến hành đánh giá tổng thể căn cơ trên cơ sở quy hoạch lại khu vực ĐBSCL, từ đó, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để xử lý tình trạng sạt lở chặt chẽ, hiệu quả hơn; tránh tình trạng “làm trước, hỏng sau”, không phát triển bền vững. Đi liền với đó là giảm thiểu khai thác cát ở các dòng sông; chủ động phân bổ quy hoạch dân cư và làm tốt công tác dự báo. Đặc biệt, cần chú trọng ứng dụng nhiều biện pháp khoa học và công nghệ mới để giảm sóng, gây bồi trong xử lý sạt lở bờ biển.
“Trước tính mạng và tài sản của nhân dân, chúng ta phải quyết tâm hỗ trợ bằng được, bảo đảm nguồn vốn cần thiết cho ĐBSCL. Đây là quyết sách trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ĐBSCL một lần nữa mặc dù trước đó đã cung ứng một lượng vốn rất lớn cho khu vực này nhưng tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Các đồng chí nói với tôi tại hội nghị rằng nếu đủ số tiền này thì cơ bản sạt lở bờ biển, bờ sông ở ĐBSCL được giải quyết cơ bản, Thủ tướng đồng ý nguồn này để giải quyết dứt điểm”- Thủ tướng cho biết.
Quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ và đồng hành với khu vực ĐBSCL để giữ vững vị trí quan trọng của vùng. Tuy nhiên phía các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân loại bỏ các thói quen sản xuất, sinh hoạt và khai thác các tài nguyên là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển thời gian qua…
Quốc Trung
Theo ĐĐK
Bờ sông miền Tây: "Chỉ chống đỡ chứ không thể làm ngừng sạt lở"
Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã được Báo NTNN phản ánh trong số báo 183 ra ngày 1/8, phóng viên NTNN đã có phỏng vấn với thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện.
Tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra trên diện rộng ở ĐBSCL, theo ông đây có phải là hiện tượng bình thường không?
- ĐBSCL là do phù sa, cát sông Mekong tải về và bồi đắp trong 6.000 năm qua. Trong quá trình bồi đắp đó, đúng là có lở có bồi nhưng bồi luôn nhiều hơn lở, theo đó ĐBSCL được bồi đắp lấn ra hướng biển Đông trung bình 16m/năm và mở rộng theo hướng Cà Mau trung bình 26m/năm. Tuy nhiên, khoảng 25 năm nay (từ 1992 trở về đây), sạt lở ngày càng gia tăng, tức là cũng có nơi lở nơi bồi nhưng sạt lở thắng thế hơn nhiều. Đặc biệt, kể từ 2005, đường bờ biển ĐBSCL đã chuyển từ tình trạng bồi lấn sang tình trạng sạt lở, thụt lùi. Hiện nay, khoảng 66%, tức hơn một nửa chiều dài bờ biển đang sạt lở, có nơi mỗi năm thụt lùi đến 50m, bờ sông thì sạt lở khắp nơi kể cả sông lớn, sông nhỏ, diễn ra trên diện rộng và không còn bình thường nữa.
Vụ sạt lở đang diễn ra ở Quốc lộ 91 (đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: H.X
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở ĐBSCL ngày nay là gì?
- Nguyên nhân chính là sự thiếu cát, phù sa do các đập thủy điện chặn lại và do khai thác cát trên sông Mekong ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia, đến Việt Nam, trong đó nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam. Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong quốc tế so sánh giữa 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mekong đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm.
Đối với bờ sông, khi bị thiếu phù sa dòng nước sẽ bị nhẹ hơn, dẫn đến chảy mạnh hơn (còn được gọi là "nước đói"). Nước đói phù sa có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Khai thác cát sẽ làm cho đáy sông sâu hơn thì bờ sông sẽ sụp đổ. Nếu chúng ta quan sát các vụ sạt lở bờ sông ở ĐBSCL sẽ thấy các vụ sạt lở có một đặc điểm chung là trước khi sạt lở từ 1-2 ngày, thường có một vết nứt cách bờ sông khoảng 5m, chạy dài 80-100m. Sau đó toàn bộ đoạn bờ sông bị nứt bị trượt đổ ụp xuống sông. Điều này chứng tỏ sạt lở là do đất bị mất chân bên dưới do đáy sông bị sâu hơn trước đây và khối đất ở trên trượt theo một cung trượt xuống.
Còn những nguyên nhân khác dẫn đến sạt lở ở ĐBSCL không, thưa ông?
- Tất cả các nguyên nhân khác đều là phụ. Chẳng hạn như nền đất yếu dễ bị sạt lở chứ không phải là nguyên nhân gây ra sạt lở. Nền đất ĐBSCL bản chất là yếu trong suốt quá trình hình thành mấy ngàn năm nay, gần đây không có gì làm cho nền đất đồng bằng yếu đột biến, do vậy sạt lở phải do biến động khác. Còn sóng tàu thuyền cũng có gây sạt lở nhưng chỉ cục bộ một vài nơi chứ không phải là nguyên nhân của hiện tượng sạt lở tràn lan như ngày nay. Ngoại trừ những công trình lớn ven sông làm gia tăng tải trọng, nhà cửa của người dân ven sông dễ bị tổn thất khi bị sạt lở chứ không phải là nguyên nhân gây sạt lở. Vì thực tế, nhiều nơi không có nhà cửa cũng xảy ra sạt lở.
Một số địa phương ở ĐBSCL sẽ tiến hành lấp các hố sâu sau vụ sạt lở xảy ra, việc làm này có nên không?
Không có biện pháp nào ở nội tại ĐBSCL có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở bờ sông là do thiếu phù sa và thiếu cát. Do đó, dù là công trình hay phi công trình cũng chỉ là chống đỡ chứ không thể làm ngừng sạt lở được".
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện
- Các hố sâu này là một phần tự nhiên của hệ thống sông Mekong. Trên toàn hệ thống sông này có 584 hố, hố sâu nhất đến 90.5m, hố dài nhất 18km, hố nhỏ nhất có thể tích 29.000m3, hố lớn nhất có thể tích 1.46 triệu m3, các hố này đã hình thành từ lâu rồi. Các hố này là nơi trú ẩn của các loài cá lớn như cá tra dầu 300kg, cá hô vài trăm kg và 200 loài cá khác trong mùa nước kiệt. Ở ĐBSCL có 22 hố đã được Ủy hội Mekong quốc tế khảo sát lập bản đồ từ 2008. Các hố này khác với các hố nhân tạo do khai thác cát tạo nên và không phải là nguyên nhân gây sạt lở.
Nguyên tắc của các hố sâu tự nhiên là vào tháng 7, tháng 8 khi mùa lũ vừa bắt đầu, nước thượng nguồn đổ về nhưng chưa mạnh lắm thì dòng nước mang cát vào lấp khoảng 1/3 thể tích hố. Sau đó, tới tháng 9, tháng 10 thì nước lũ chảy mạnh, nước sẽ nạo vét hố sâu và mang cát đi tiếp xuống dưới. Vậy hố sâu là chỗ tạm trữ cát vào đầu mùa để chuyển tiếp vào giữa mùa lũ và như vậy hố sâu này được duy trì năm này qua năm khác một cách tự nhiên. Việc lấp các hố này là không thể và không nên vì việc làm này sẽ gây mất cân bằng động lực dòng chảy, gây sạt lở chỗ khác.
Để hạn chế sạt lở cũng như những thiệt hại do nó gây ra, ngành chức năng ở ĐBSCL cần làm gì?
- Không có biện pháp nào ở nội tại ĐBSCL có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở bờ sông là do thiếu phù sa và thiếu cát. Do đó, dù là công trình hay phi công trình cũng chỉ là chống đỡ chứ không thể làm ngừng sạt lở được. Những việc trước mắt cần làm để hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng người dân gồm 3 nhóm giải pháp: Chỉ xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi xung yếu như thành phố, những nơi tập trung dân cư cần phải tuyệt đối bảo vệ; đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư thì cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao; quản lý, quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông ở phía dưới và toàn bộ bờ biển.
Đối với việc xây dựng công trình phải hết sức cân nhắc bởi rất đắt đỏ, chi phí 1km bờ kè có thể lên đến 100 tỷ đồng. Nhà nước sẽ không bao giờ có đủ kinh phí làm bờ kè chạy theo kịp tình hình sạt lở được vì khi làm bờ kè chống sạt lở nơi này thì sẽ làm gia tăng sạt lở nơi khác, cần chi phí duy tu bảo dưỡng. Chưa dừng lại ở đó, công trình có thể tạo cảm giác an toàn giả, người dân thấy an tâm xây dựng ra sát bờ kè, khi bờ kè sụp đổ sẽ thiệt hại lớn hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Mưa, lũ, sạt lở gây thiệt hại tại nhiều địa phương Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, mực nước sông Cửu Long sẽ lên theo triều và đạt đỉnh lũ của năm vào ngày 1 và 2-10, sau đó xuống. ỉnh lũ trên sông Tiền tại trạm Tân Châu ở mức 3,7 m, vượt báo động 1 là 0,2 m; trên sông Hậu tại trạm Châu ốc ở...