Ứng phó rủi ro tỷ giá năm 2020
Tỷ giá năm 2020 sẽ đối mặt với không ít sức ép khi mà xuất khẩu được dự báo sẽ khó khăn hơn và cán cân thương mại có thể đảo chiều sang thâm hụt, trong khi USD tiếp tục mạnh lên.
Trước viễn cảnh này, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần áp dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong năm 2020.
Ổn định năm 2019
Suốt từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường tài chính toàn cầu liên tục biến động mạnh theo sự nóng- lạnh của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Đồng USD cũng không nắm ngoài vòng xoáy này khi bật tăng mạnh lên mức cao nhất 2 năm vào ngày 30/9 vừa qua, để rồi sau đó lại quay đầu giảm trong những tháng cuối năm nay. Tính chung trong năm 2019, USD tăng giá gần 1%.
Nhiều chuyên gia và tổ chức tài chính lớn vừa đưa dự báo tỷ giá USD/VND trong năm 2020 sẽ tăng khoảng 1- 2%. Tuy nhiên, những yếu tố gây sức ép đối với tỷ giá trong năm tới vẫn còn rất lớn.
USD mạnh lên đã đẩy nhiều đồng tiền chủ chốt khác giảm giá mạnh, đặc biệt là Nhân dân tệ (CNY). CNY có thời điểm đã xuyên thủng ngưỡng 7 CNY/USD. Diễn biến trái chiều của USD và CNY đã tạo sức ép lớn đến tỷ giá trong nước do Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Thế nhưng, trái với sự biến động của thị trường thế giới, tỷ giá trong nước vẫn rất ổn định. Tính đến nay, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng khoảng 1,5%, trong khi tỷ giá USD/VND giao dịch tại các ngân hàng thương mại thậm chí còn giảm nhẹ so với cuối năm 2018. Hiện giá mua vào USD của các nhà băng đang xoay quanh 23.100 đồng, trong khi giá bán ra từ 23.220 – 23.230 đồng/USD.
“VND là một trong số ít các đồng tiền trong khu vực duy trì sự ổn định bất chấp những bất ổn của thị trường toàn cầu”, ông Ngô Đăng Khoa – Giám đốc toàn quốc khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của ngân hàng HSBC Việt Nam ghi nhận.
Có được thành công này còn nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế dồi dào. Theo đó, cán cân thương mại ước thặng dư tới 11 tỷ USD, trong khi vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cũng đạt tới 30,8 tỷ USD; kiều hối cũng ước đạt 16,7 tỷ USD…
Sức ép trong năm 2020
Tuy nhiên theo các chuyên gia, tỷ giá năm 2020 sẽ không ổn định như năm 2019. “Bước sang năm 2020, sức ép tỷ giá sẽ lớn hơn do cuộc chiến tranh Mỹ – Trung chưa có hồi kết, căng thẳng có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, tình hình xuất khẩu của Việt Nam được dự báo khó khăn hơn…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng dự báo.
Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Reuters với các chuyên gia ngoại hối cho thấy, USD sẽ tiếp tục tăng giá trong ít nhất là 6 tháng tới. “Các yếu tố đang giữ USD mạnh lên trong 8 tháng qua có thể sẽ tồn tại trong một thời gian và sức mạnh của USD sẽ vẫn được duy trì”, ông Jane Foley, Chuyên gia cao cấp của Rabobank ở London cho biết.
Video đang HOT
Trong khi đó, xuất khẩu trong nước được dự báo sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc. Thậm chí, Chính phủ còn dự kiến sẽ nhập siêu khoảng 3% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020, đảo chiều mạnh so với con số xuất siêu gần 11 tỷ USD của năm 2019. Vốn FDI cũng đang có xu hướng giảm, kiều hối cũng khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu ảm đạm. Chưa hết, áp lực lạm phát cao hơn trong năm tới cũng tạo sức ép lớn đến tỷ giá. Ngoài ra, việc Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ cũng là một tín hiệu đáng lo ngại.
“Xu hướng tỷ giá tiếp tục là biến số khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp… Chưa kể, kinh tế thế giới năm 2020 có khả năng sẽ đứng trước nhiều khó khăn hơn, khiến hướng đi của tỷ giá cũng gặp nhiều thách thức”, ông Ngô Đăng Khoa nhận định.
Trong bối cảnh đó, ông Ngô Đăng Khoa cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng giao dịch ngoại tệ kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất, … để đảm bảo chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.
Hà Anh
Theo Enternews.vn
Năm 2020, có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, bước sang năm 2020, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, NHNN có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung-cầu thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất.
Xin cho biết, nhận định của ông về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2019?
Việt Nam đã có một năm 2019 tương đối thành công về mặt kinh tế khi duy trì được tăng trưởng bền vững trong bối cảnh suy giảm thương mại toàn cầu và các rủi ro vĩ mô nảy sinh và gia tăng trong suốt năm.
Không như nhiều nền kinh tế châu Á khác vốn đang gặp nhiều thách thức để duy trì tăng trưởng và vượt qua rủi ro, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng 7% trong quý III/2019, quan trọng hơn, tăng trưởng được duy trì chủ yếu do khu vực sản xuất và bán lẻ.
Ngành sản xuất tăng trưởng mạnh là đầu tàu kéo thương mại phát triển. Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2019 chứng kiến mức thặng dư thương mại kỷ lục với mức xuất siêu lên đến 9,1 tỷ USD, đặc biệt là đóng góp từ lĩnh vực điện thoại và linh kiện.
Xuất khẩu của Việt Nam mặc dù giảm nhẹ so với năm trước, nhưng vẫn đạt khoảng 8% so với cùng kỳ, tính tới thời điểm tháng 11 năm nay, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang tạo ra những bất ổn trong kinh tế thế giới. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng so với các nước khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, bán lẻ được kỳ vọng vượt qua mức của năm 2018, tăng 12,6% so với cùng kỳ tính tới tháng 11. Cụ thể, vận tải, đồ uống và thực phẩm, quần áo đều đang phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ được duy trì một cách bền vững trong điều kiện vốn FDI đang và sẽ tiếp tục đổ vào nền kinh tế.
Về FDI, chúng ta đã thấy dòng vốn chuyển hướng qua Việt Nam, củng cố vị thế ngành sản xuất. Trong 3 quý đầu năm, dòng vốn đăng ký mới đã đổ vào ngành sản xuất, cụ thể là điện tử. Trong khi đó, vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với chính sách tiền tệ 2019 được cho là có một năm thành công của cơ quan điều hành. Nhận định về chính sách tiền tệ năm 2019?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một năm thành công khi sử dụng những chính sách hợp lý, linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Trong năm, cơ quan điều hành đã chủ động sử dụng một loạt các công cụ thị trường tiền tệ như hạ lãi suất điều hành, hạ lãi suất thông qua kênh tín phiếu/thị trường mở, hạ tỷ giá mua vào song song với việc điều chỉnh tăng dần tỷ giá trung tâm phù hợp với diễn biến thị trường.
Tiền Đồng tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền ổn định nhất khu vực bất chấp những bất ổn địa chính trị và các sự kiện kinh tế trong và ngoài nước.
Cặp tỷ giá USD/VNĐ gần như duy trì đà ổn định xuyên suốt trong hầu hết các tháng của 2019 và thậm chí VNĐ tăng giá so với đồng bạc xanh khi NHNN chủ động hạ giá mua vào ngày cuối tháng 11.
Cụ thể, tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường liên ngân hàng trong năm chỉ dao động trong biên độ tương đối hẹp và dao động quanh tỷ giá mua vào của NHNN ở mức 23.200 và sau đó là 23.175 khi NHNN hạ giá mua USD. Từ đó NHNN cũng mua được lượng lớn ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu chứng kiến nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có nhiều diễn biến khó lường khiến đồng Nhân Dân Tệ (CNY) của Trung Quốc mất giá, xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, tiền Đồng vẫn giữ được xu hướng ổn định. Xu hướng này càng rõ nét hơn khi Trung Quốc là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Áp lực lạm phát có tác động lên lãi suất, thưa ông?
Áp lực về lạm phát được kiểm soát với mức trung bình 2,6% tính tới thời điểm tháng 11/2019, hạ từ mức 3,5% năm 2018 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu "dưới 4%" mà NHNN đã đề ra từ đầu năm.
Bên cạnh đó, chúng ta phải nhìn nhận nguy cơ giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực cũng như các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam như Trung Quốc lục địa, Mỹ và EU.
Các thị trường này chiếm tới một nửa tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam, do đó xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu có sự suy giảm về cầu, từ đó tác động tới tăng trưởng chung của cả nước.
Với lạm phát, mặc dù ở môi trường triển vọng về giá dầu giảm, lạm phát có thể được kiểm soát, tuy nhiên trong những tháng cuối năm, chỉ số CPI có dấu hiệu tăng nhanh do giá thực phẩm tăng chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đây cũng là tín hiệu đáng quan sát cho năm sau.
Những kỳ vọng trong năm 2020 và nhận định của ông về mặt bằng lãi suất, tỷ giá sẽ thế nào?
Bước sang năm 2020, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, NHNN có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung-cầu thị trường.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như những bất ổn khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, cuộc chiến thương mại và Brexit đều chưa đến hồi kết, 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ...
Trong khi đó, việc Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tỷ giá của Mỹ cũng là một tín hiệu đáng lo ngại. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong năm tới cũng có thể bị ảnh hưởng do tác động từ việc sụt giảm nhu cầu toàn cầu, do đó nguồn thu từ xuất khẩu có thể sẽ không còn được tích cực như trong năm nay.
Xu hướng tỷ giá tiếp tục là biến số khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới liên tục vận động. NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan điều hành chính sách điều hành thị trường theo hướng linh hoạt, chủ động để tránh tạo ra những cú sốc về tỷ giá, lãi suất. Kinh tế năm sau nhiều khả năng sẽ đứng trước nhiều khó khăn hơn, dẫn đến vấn đề định hướng hướng đi cho tỷ giá cũng đứng trước nhiều thách thức.
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, đứng trước những biến động khó lường của tỷ giá, doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất..., để đảm bảo chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.
Tiêu dùng cá nhân của Việt Nam chiếm tới 75% trong tăng trưởng GDP năm năm gần đây nhất, chỉ đứng thứ hai sau Philippines về tỷ trọng trong GDP. Nền kinh tế cũng được hưởng lợi từ việc chuyển đổi lao động từ nông nghiệp qua các ngành đòi hỏi kỹ năng cao.
Nền kinh tế của Việt Nam đang dần chuyển sang nền kinh tế tập trung vào tiêu dùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng thuộc hàng cao nhất trên thế giới do triển vọng tích cực về nghề nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Tầng lớp trung lưu cũng đang gia tăng. Những điều này đang đem lại vị thế tích cực cho Việt Nam để có thể tận dụng các lợi thế cạnh tranh của mình.
Vậy thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam là gì, thưa ông?
Một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là chi phí trả nợ vay khi Việt Nam không còn nằm trong số các nước được hưởng các khoản vay ưu đãi.
Trong lúc đó, chúng ta vẫn cần cân đối giữa quản lý để giảm nợ và nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế.
Một yếu tố cần lưu ý nữa là Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và bất cứ một sự suy giảm về cầu cũng có tác động tới tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải xét tới thực tế là các nền kinh tế đối tác thương mại của Việt Nam sẽ giảm nhẹ tăng trưởng trong năm 2020.
Để có thể duy trì tăng trưởng trong năm sau, Việt Nam sẽ cần nhiều cải cách hơn nữa, đồng thời phát triển thị trường vốn nợ nội địa.
Hiện tại, thị trường vốn của Việt Nam còn đi sau các nước trong khu vực khá xa, thị trường trái phiếu chính phủ có quy mô nhỏ nhất Đông Nam Á, vẫn còn dư địa để phát triển nếu chúng ta có và thực hiện đúng những kế hoạch cho trung và dài hạn.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Dự trữ ngoại hối tăng ở mức kỷ lục: Tấm đệm lớn để ổn định tỷ giá Năm 2019, nhiều đồng tiền trên thế giới đã giảm giá đáng kể so với USD trong khi tỷ giá USD/VND vẫn ổn định. Đây được coi là một trong những thành công của công tác điều hành chính sách tiền tệ. Về diễn biến tỷ giá năm 2020, nhiều ý kiến dự báo sẽ tiếp tục ổn định dù còn một số...