Ứng phó bão số 5: Các địa phương hối hả thu hoạch lúa
Để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão số 5, các địa phương đang hối hả thu hoạch lúa.
Nhiều nơi đã huy động các lực lượng khẩn trương giúp dân thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; trong đó đặc biệt ưu tiên những khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg và 16/CT-TTg nông dân không thể ra đồng thu hoạch.
Dân quân, giáo viên và Công an huyện Như Thanh (Thanh Hóa) xuống đồng gặt, vận chuyển lúa về nhà cho nông dân. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN
Thôn Khe Sinh và thôn Phú Sơn thuộc xã Phú Nhuận, huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg vì có các ca F0 trong cộng đồng.
Trong các thôn này có nhiều hộ dân đang cách ly tại nhà nên không thể đi gặt lúa đã chín trên cánh đồng. Vì vậy, để ứng phó với bão số 5, Huyện ủy và UBND huyện Như Thanh đã huy động lãnh đạo, công chức, công an, quân đội ra đồng giúp dân thu hoạch lúa; trong đó, ưu tiên giúp những xã đang thực hiện giãn cách như Phú Nhuận, Yên Thọ, thị trấn Bến Sung… để hạn chế thiệt hại mưa bão, góp phần đảm bảo lương thực, ổn định đời sống nhân dân.
Bà Trần Thị Hải, trú tại thôn Khe Sinh, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, cho biết: “Nhà tôi trồng được 6 sào lúa, mấy hôm nay có hơn 3 sào đã chín, cả nhà rất lo vì thôn đang thực hiện giãn cách nên không thể nhờ anh em họ hàng hay thuê người gặt được. Nhờ có lực lượng công an, kiểm lâm và chính quyền địa phương giúp gia đình gặt lúa, không thì không biết xoay xở thế nào”.
Chỉ sau 2 ngày huy động tổng lực, những cách đồng lúa chín đã được hơn 2.000 cán bộ, viên chức, giáo viên, các lực lượng vũ trang… hỗ trợ nhân dân gặt, vò lúa, đóng bao, vận chuyển về nhà dân. Đây vốn là những cánh đồng sâu trũng, máy gặp lúa không thể xuống đồng, lực lượng và người dân phải gặt tay và vận chuyển lên bờ.
Người dân huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) xuống đồng gặt lúa, tránh thiệt hại do mưa bão gây ra. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN
Thiếu Tá Lê Văn Hà, Phó Trưởng Công an Thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh cho biết: Hôm nay lực lượng Công an Thị trấn Bến Sung huy động hơn 50 cán bộ, chiến sỹ thu hoạch nốt các mảnh ruộng lúa đã chín thuộc 2 khu phố Xuân Thành, Xuân Lai cho bà con. Tiến độ công việc đã đạt 80%. Thời tiết 2 hôm nay mưa nắng thất thường nhưng không khí lao động rất rộn ràng, phấn khởi nên ai cũng vui vẻ, khắc phục khó khăn để giúp bà con. Vì các ruộng ở nơi sâu, trũng, máy gặt không thể vào được nên anh em dùng liềm để cắt và vác lúa lên bờ để các máy vò kịp vò lúa cho bà con.
Video đang HOT
Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh khẳng định: “Chỉ trong 2 ngày 10-11/9, huyện Như Thanh tổ chức phong trào viên chức, công chức giúp nhân dân gặt lúa. Chúng tôi ưu tiên lực lượng giúp đỡ các địa phương đang thực hiện giãn cách, các vùng cách ly. Các vùng có diện tích diện trũng thấp tổ chức gặt trước, vùng cao ít có nguy cơ ngập úng sẽ tổ chức gặt sau… Vụ mùa này, huyện Như Thanh gieo trồng 2.890 ha lúa, diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên là 820 ha. Trong hôm nay 11/9, huyện sẽ phấn đấu gặt hết diện tích lúa đã chín, diện tích còn lại sẽ thu hoạch xong trước ngày 23/9″.
Lực lượng công an, dân quân giúp nông dân huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) thu hoạch, vận chuyển lúa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN
Còn tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, địa phương đang đồng thời thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg và 16/CT-TTg, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 song việc thu hoạch lúa trên địa bàn vẫn bảo đảm đúng khung thời vụ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, huyện Nông Cống đã yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp, trưởng các thôn liên hệ các chủ máy gặt đập liên hợp hiện có tại địa phương và các địa phương lân cận để thu hoạch lúa giúp dân.
Ông Lương Minh Hùng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Nông Cống thông tin, ngay từ đầu tháng 9, huyện đã xây dựng hướng dẫn, chỉ đạo thu hoạch lúa trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với các trường hợp đang bị cách ly, UBND huyện Nông Cống yêu cầu UBND các xã, thị trấn bố trí lực lượng xung kích, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên hỗ trợ thu hoạch giúp nhưng vẫn phải bảo đảm phòng, chống dịch và giãn cách xã hội. Đến sáng 11/9, toàn huyện đã có 23 xã đã tiến hành thu hoạch lúa với diện tích thu hoạch ước đạt hơn 1.000 ha trên tổng diện tích 9.620 ha, năng suất bình quân dự kiến 56 tạ/ha.
Vụ Mùa 2021, tỉnh Thanh Hóa gieo cấy 116.587 ha lúa, dự kiến năng suất cao hơn so với cùng kỳ. Đến ngày 11/9, diện tích lúa Mùa đã chín từ 80% trở lên đạt khoảng 25.000 ha, tập trung tại các huyện Nông Cống, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Như Thanh… Tranh thủ cơn bão số 5 chưa đổ bộ vào đất liền, ngành nông nghiệp Thanh Hóa và các địa phương đang huy động tối đa nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch lúa.
Tại Hà Tĩnh, tranh thủ hai ngày trời hửng nắng sau một tuần thời tiết mưa liên tiếp, bà con nông dân các huyện Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, Hương Sơn… đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu trước giờ bão số 5 đổ bộ.
Trên cánh đồng thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, máy móc, phương tiện và nhân lực được huy động để kịp thời thu hoạch lúa. Xã Hồng Lộc đã huy động 8 máy gặt với giá gặt bình ổn từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng/sào.
Ông Nguyễn Trọng Thế, thôn Yến Giang cho biết: “Tranh thủ trời nắng ráo, gia đình tôi đã thu hoạch được 5 sào lúa. Dù lúa chưa thực sự chín nhưng cũng phải thu hoạch sớm, còn hơn là mất trắng”.
Đồng hành gặt lúa chạy bão cùng bà con xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, từ mờ sáng ngày 10/9 đến ngày 11/9, hơn 30 cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lộc Hà đã có mặt tại cánh đồng ngập nước thôn Yến Giang. Trung tá Nguyễn Thành Nam, Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lộc Hà, cho biết: “Ngoài tiêu chí ưu tiên hỗ trợ các gia đình neo đơn, chính sách thu hoạch lúa thì những cánh đồng nằm ở vùng trũng, nơi lúa bị ngập nước hoặc đổ ngã không thể gặt được bằng máy, chúng tôi sẽ huy động tối đa nguồn nhân lực đến giúp bà con”.
Cùng với huyện Lộc Hà, trên khắp cánh đồng ở Can Lộc, Hương Sơn, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh… hàng trăm cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ và đoàn viên thanh niên đã đồng loạt xuống đồng giúp dân gặt lúa chạy bão.
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường cho biết: “Đến thời điểm này, địa phương đã thu hoạch được hơn 90% diện tích lúa. Vụ Hè Thu này, nhờ chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ thích hợp và kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để thu mua lúa tươi tại chân ruộng nên đã giải quyết được vấn đề tiêu thụ và áp lực phơi sấy cho bà con”.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Hà Tĩnh, tính đến hết ngày 10/9, toàn tỉnh thu hoạch được gần 40.500 ha, đạt gần 90% kế hoạch. Kết quả này giúp Hà Tĩnh hoàn thành tỷ lệ thu hoạch lúa Hè Thu theo kế hoạch thời vụ. Trong đó, ngoài Cẩm Xuyên, toàn tỉnh có thêm 5 địa phương sắp hoàn thành kế hoạch đạt từ 94% trở lên gồm: huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh, Vũ Quang; Hương Khê. Hiện tại, có 5 địa phương có tỷ lệ hoàn thành từ 70 – 90%; 2 địa phương có tỷ lệ thu hoạch thấp nhất là: Thị xã Hồng Lĩnh đạt gần 60% và Lộc Hà gần 31%.
Dự kiến, toàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có khoảng 5 – 10% diện tích thu hoạch sau 15/9. Cùng với việc tiếp tục tranh thủ thời tiết để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch những diện tích lúa chín, các địa phương cũng chủ động phương án tiêu thoát lũ kịp thời cho những diện tích lúa chưa thể thu hoạch, tránh ngập úng gây tổn thất đến năng suất, chất lượng; đồng thời sẵn sàng phương án sấy lúa cho bà con.
Tiền Giang hỗ trợ nông dân thu hoạch an toàn lúa Hè Thu trong đại dịch
Vụ Hè Thu 2021, nông dân Tiền Giang xuống giống 74.700 ha; trong đó có 24.700 ha trà lúa Hè Thu sớm và khoảng 50.000 ha lúa Hè Thu chính vụ.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 46.500 ha, sản lượng đạt trên 215.000 tấn lúa hàng hóa.
Thu hoạch lúa ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Trong tháng 9, Tiền Giang khẩn trương thu hoạch nhanh gọn toàn bộ diện tích lúa Hè Thu còn lại, tập trung ở các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh. Vụ Hè Thu năm nay, Tiền Giang sản xuất và thu hoạch trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp và trùng với mùa mưa lũ Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm nên phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, địa phương đã có nhiều giải pháp giúp nông dân thu hoạch nhanh gọn, an toàn, chắc chắn trà lúa Hè Thu trong bối cảnh phải thực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/Ttg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa bàn phải phong tỏa để phòng chống dịch nên việc đi lại, giao thương hàng hóa hạn chế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Các huyện, thị trong tỉnh đều tạo điều kiện thuận lợi như cấp giấy đi đường cho nông dân, người điều khiển các phương tiện cơ giới và nhân công, thương lái qua chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 để ra đồng phục vụ thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ lúa hàng hóa, không để ảnh hưởng hoặc ùn ứ nông sản nhưng vẫn đảm bảo quy định chống dịch như tuân thủ thông điệp 5K, test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2...
Nằm ở đầu nguồn sông Tiền, huyện Cái Bè có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Đây là một trong những vựa lúa lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Vụ Hè Thu 2021, toàn huyện xuống giống gần 8.900 ha. Hiện trà lúa đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Dự kiến, cuối tháng 9 sẽ thu hoạch dứt điểm với năng suất bình quân ước đạt 58 đến 60 tạ/ha, sản lượng cả vụ gần 52.000 tấn lúa hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Lê Văn Ý cho biết, địa phương đã có những biện pháp thiết thực hỗ trợ bà con tháo gỡ khó khăn như: chủ động thống kê phương tiện gặt đập, thu hoạch, vận chuyển và lực lượng lao động tham gia sản xuất. Lực lượng này được ưu tiên hỗ trợ test nhanh tầm soát virus SARS-CoV-2 miễn phí; được tuyên truyền thực hiện nghiêm mọi biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế khi làm việc trên đồng cũng như thuận lợi khi qua lại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch.
Chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện cho thương lái thu mua lúa Hè Thu trực tiếp tại ruộng và đưa phương tiện vận chuyển, tập kết về nơi sấy, sơ chế, xay xát, tiêu thụ. Nhờ vậy, các nút thắt trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ được tháo gỡ, không để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp. Hiện nông dân an tâm ổn định sản xuất và đời sống.
Ông Đặng Hải Trân, Bí thư Đảng ủy xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cho biết, xã có trên 1.800 ha lúa Hè Thu. Địa phương đã rà soát phương tiện, lực lượng lao động, thương lái. Những đối tượng này được xét nghiệm tầm soát vi rút SARS-CoV-2 miễn phí; đồng thời, khi xuống đồng phải tuân thủ 5K cũng như áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo. Xã Hậu Mỹ Trinh thống kê được 14 phương tiện gặt đập liên hợp với nhân công gần 100 người đảm bảo thu hoạch an toàn, dứt điểm trà lúa Hè Thu trước khi nước lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long tràn về.
Ông Lê Văn Bước, ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh chia sẻ, gia đình ông canh tác trên 1 ha giống chất lượng cao OM18, năng suất 70 tạ/ha. Trà lúa được thương lái thu mua giá bình quân 6.000 đồng/kg. Theo ông Bước, mặc dù cả tỉnh đang phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng nhờ sự hỗ trợ của các cấp ngành, vụ lúa thu hoạch an toàn nên người dân rất phấn khởi.
Huyện Cái Bè có gần 100 phương tiện gặt đập liên hợp tham gia thu hoạch trong vụ Hè Thu, gần 60 thương lái trực tiếp thu mua tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân cũng như mạng lưới 35 lò sấy lúa hoạt động phục vụ sấy lúa bảo đảm phẩm chất hạt lúa hàng hóa trong vụ này.
Trong khu vực nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông của tỉnh, cùng với định hình các vùng trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, các địa phương như Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với tổ chức kinh tế hợp tác và nông dân bao tiêu nông sản hàng hóa, ổn định đầu ra, giúp người dân an tâm đẩy mạnh sản xuất.
Các doanh nghiệp như Công ty TNHH Vinh Hiển (Gò Công Tây), Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK (thành phố Mỹ Tho), doanh nghiệp tư nhân Tân Tạo (Long An), Công ty TNHH Xuân Hương Tthành phố Hồ Chí Minh)... liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương bao tiêu trên diện tích khoảng 1.100 ha lúa Hè Thu, giá thu mua ổn định hoặc cao hơn thị trường.
Đến nay, toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa Hè Thu với năng suất từ 58 tạ/ha trở lên. Những nông dân thâm canh giỏi đạt năng suất từ 65-75 tạ/ha.
Hà Tĩnh kêu gọi tàu, thuyền vào tránh trú bão Tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương vùng ven biển chủ động thông tin, liên lạc các chủ tàu, thuyền hoạt động trên biển đưa phương tiện, lao động vào nơi tránh, trú bão số 5 an toàn; đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tin bão trên Biển Đông (Cơn bão...