Ứng phó bão Noru: Sẽ tạm đóng cửa một số sân bay trong vùng đổ bộ của bão
Cục Hàng không Việt Nam ( Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đang theo dõi sát diễn biến, đường đi của bão Noru ( bão số 4) và trong ngày 26/9 sẽ có quyết định tạm đóng cửa một số sân bay trong vùng bão đổ bộ để đảm bảo an toàn hàng không, trước ảnh hưởng của cơn bão được đánh giá mạnh nhất 20 năm trở lại đây.
Máy bay của Vietnam Airlines. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN
Trong khi đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết cũng vừa có công điện khẩn về việc tập trung triển khai phòng, chống bão Noru bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Cục Quản lý đường bộ II, III, IV; Các Sở Giao thông Vận tải: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý kỹ thuật công trình đường bộ; các Ban Quản lý dự án: 4, 5, 8 về việc chủ động ứng phó với bão Noru.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên theo dõi chặt chế diễn biến của bão Noru; chủ động triển khai phương án bảo đảm giao thông và có biện pháp bảo vệ các công trình đường, cầu, cống, kho tàng, phương tiện, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do bão Noru gây ra;
Chuẩn bị dầm cầu, máy móc, thiết bị, phao cứu sinh, phương tiện, nhân lực sẵn sàng bảo đảm giao thông khi sự cố xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.
Đồng thời, thực hiện phân luồng giao thông ngay khi ách tắc giao thông, chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông đường bộ chủ động phối hợp với cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương khi phân luồng.
Video đang HOT
Phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương tổ chức lực lượng ứng cứu bảo đảm giao thông 24/24h; phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, diễn biến của bão Noru; đồng thời yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h; báo cáo thường xuyên tình hình diễn biến ảnh hưởng của bão Noru về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐT 024.38571447; 0916.608085, 0989.131718, Fax 024.37955193,) và (gửi File điện tử theo hộp thư điện tử atgt @drvn.gov.vn).
Trước đó, để ứng phó với bão Noru, Bộ Giao thông Vận tải đã có công điện gửi các cơ quan chuyên môn của bộ thuộc lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố phía Bắc và dọc bờ biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về ứng phó bão Noru.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác an toàn bay, không cho phép máy bay, cất/hạ cánh khi có tình huống xấu của thời tiết trong khu vực bị ảnh hưởng của bão.
Cục Hàng hải được yêu cầu nắm chắc số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại cảng, vùng nước và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn; không cấp phép cho tàu rời cảng có hướng hành trình đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão; triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cảng, bến, con người hoạt động trong phạm vi quản lý; sẵn sàng các phương án về lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan quản lý tuyến đường bộ trong khu vực ảnh hưởng bão bố trí nhân lực, phương tiện để chống ngập lụt, khắc phục kịp thời hậu quả do mưa bão…, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.
Cục Đường thủy nội địa, Cục Đường sắt, Sở Giao thông Vận tải cũng được yêu cầu sẵn sàng phương án về nhân lực, phương tiện để ứng phó bão và khắc phục nhanh nhất thiệt hại do bão gây ra đảm bảo giao thông thông suốt.
Ứng phó bão Noru: Tích cực thu hoạch sớm diện tích lúa, rau màu
Theo các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để chủ động ứng phó với bão số 4 (bão Noru), các đơn vị đã liên hệ với các địa phương để hướng dẫn nông dân thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng"; đồng thời, hướng dẫn, kêu gọi tàu cá vào nơi neo đậu an toàn cũng như gia cố bè nuôi cẩn thận, tránh thiệt hại.
Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Cục Trồng trọt cho biết, tổng diện tích lúa đã gieo cấy vụ Mùa các tỉnh từ Thanh Hóa - Bình Thuận là 232.000 ha, đã thu hoạch 120.000 ha; còn lại 112.000 ha chưa thu hoạch; trong đó 25.000 ha đến thời kỳ thu hoạch, Cục Trồng trọt đã liên hệ với các địa phương đề nghị thu hoạch xong trong trong hai ngày 26 và 27/9. Với diện tích khoảng 80.000 ha còn lại thì phải cần 10 ngày nữa mới thu hoạch được.
Diện tích rau màu trong khu vực bị ảnh hưởng của bão có khoảng 70.000 ha; trong đó có 10.000 ha cây ngắn ngày sẽ thu hoạch xong sớm.
Diện tích sắn của Bắc Trung Bộ khoảng 50.000 ha, duyên hải Nam Trung Bộ khoảng 100.000 ha. Diện tích này đã đến thời vụ thu hoạch nên Cục Trồng trọt đã làm việc với các địa phương đề nghị với diện tích có thể thu hoạch thì triển khai ngay để đảm bảo sản lượng, chất lượng cho nông dân.
Diện tích ngô khoảng 15.000 ha ở Bắc Trung Bộ cũng đã đến thời kỳ thu hoạch thì các địa phương cần tổ chức thu hoạch ngay. Diện tích nào thu hoạch được thì các địa phương cần thu hoạch ngay, Cục Trồng trọt khuyến cáo.
Về tàu cá, các đơn vị, địa phương đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 840 tàu. Theo Tổng cục Thủy sản, qua giám sát, trong 48 giờ tới, có 116 tàu cá của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của đường đi của bão số 4. Ngành cũng lưu ý 4 tỉnh thành này tiếp tục thông tin về tàu đang ở trong vùng nguy hiểm, nhanh chóng thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Về tình hình nuôi trồng thủy sản, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão độ bộ từ Đà Nẵng đến Bình Định có 13.886 ha và 2.480 lồng, bè nuôi trồng thủy sản của Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Các tỉnh đang tổ chức gia cố, di dời để tránh bão.
Về tình hình hồ chứa thủy lợi, khu vực Bắc Trung Bộ có 323 hồ, dung tích trung bình từ 39 - 96% dung tích thiết kế; 2 hồ đang xả tràn; trong đó có 311 hồ hư hỏng xuống cấp; 74 hồ chứa đang thi công.
Khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ, dung tích trung bình đạt 34 - 85% dung tích thiết kế; trong đó có 68 hồ hư hỏng xuống cấp; 39 hồ hồ chứa đang thi công. Các địa phương đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du.
Tổng cục Thủy lợi cho biết, có 3 hồ lớn quan trọng trong vùng ảnh hưởng của bão là Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch. Hiện các hồ Ngàn Trươi, Tả Trạch đang có mực nước thấp có thể đảm bảo cắt lũ. Riêng hồ Cửa Đạt hiện vẫn dưới mực nước dâng bình thường.
Về hỗ trợ tiêu úng, Tổng cục đã ban hành công điện đề nghị các địa phương lên phương án chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ tiêu úng cho các vùng, đặc biệt lúa, hoa màu... Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với Cục Trồng trọt để tiêu úng cho các vùng sản xuất kịp thời.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội.
Đồng thời, sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cảnh báo, từ chiều 27/9 đến ngày 28/9 ở khu vực từ Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to, đến rất to, dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150 - 300 mm, có nơi trên 350 mm. Từ ngày 28-30/9, mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ.
Bão Noru: Philippines báo động cấp thảm họa, Việt Nam căng mình ứng phó Nhận định Noru là cơn bão rất mạnh, di chuyển rất nhanh nên các tỉnh miền Trung khẩn trương triển khai ứng phó từ ngay khi bão chưa vào Biển Đông. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ chiều nay (25/9), bão Noru đang ở cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió...