Ứng dụng Yahoo Messenger lần đầu được cách tân
Ngoài giao diện hiện đại, một trong những tính năng ấn tượng của ứng dụng Yahoo Messenger mới là gửi hình ảnh độ phân giải đầy đủ ở tốc độ cao.
Sau khi trở thành CEO Yahoo, nhiệm vụ đầu tiên của Marissa Mayer là hiện đại hoá các ứng dụng di động từ công ty này. Yahoo thu nạp hàng trăm kỹ sư vào bộ phận di động, sau đó tái thiết kế các ứng dụng có lượng người dùng lớn nhất.
Weather, Flickr, Mail và ứng dụng Yahoo đều được cải tiến mạnh mẽ. Cùng với việc thâu tóm Tumblr, Yahoo cho biết họ sở hữu 1 tỷ người dùng di động tương tác mỗi tháng. Tuy nhiên, một trong những sản phẩm quan trọng của hãng chưa bao giờ được quan tâm là Messenger. Thậm chí hồi đầu năm, ứng dụng này còn bị gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng.
Mới đây, Yahoo Messenger đã quay trở lại. Ứng dụng này có mặt trên Android, iOS và cả nền web. Người dùng cũng có thể tìm thấy Messenger bên trong Yahoo Mail dưới dạng pop-up giống như cửa sổ chat trên Gmail. Khi đăng nhập bằng tài khoản Yahoo, người dùng sẽ trải nghiệm một ứng dụng nhắn tin sạch sẽ, hiện đại, với nhiều cải tiến.
Theo phía Yahoo, người dùng có thể nhận ảnh đầy đủ độ phân giải trên ứng dụng Messenger giống hệt iMessage, nhưng với tốc độ nhanh hơn nhiều lần. Ảnh này sẽ tự động backup trên Flickr.
“Chưa quá muộn khi bắt đầu một thứ gì đó lớn lao”, Austin Shoemaker – Giám đốc sản phẩm của Yahoo chia sẻ trên The Verge. Theo ông Jeff Bonforte – Phó chủ tịch phụ trách các sản phẩm mang tính kết nối của Yahoo, ứng dụng Messenger mới ra đời là tổng hợp thành quả của 10 công ty công nghệ khác nhau được Yahoo thâu tóm trong vài năm qua.
Tuy nhiên, không dễ để Yahoo Messenger tạo cơn sốt ở thị trường nhắn tin di động, vốn đã rất chật chội. Facebook Messenger có khoảng 700 triệu người dùng hàng tháng. WhatsApp, cũng thuộc sở hữu của Facebook, có 900 triệu người dùng.
Trước khi tái khởi động dự án Yahoo Messenger, Yahoo đã thất bại với một loạt sản phẩm khác, chẳng hạn LiveText – ứng dụng vừa nhắn tin và chat video, Instant – ứng dụng thất bại từ khi chưa công bố ra ngoài, hay MessageMe.
Video đang HOT
Yahoo cho biết, công nghệ bên trong Messenger cho phép nó đóng vai trò như công cụ kết nối tất cả mọi sản phẩm bên trong Yahoo. Trong tương lai, Messenger có thể được dùng để stream các ứng dụng khác về điện thoại của người dùng, hoặc gửi trực tiếp tin tức từ Yahoo News đến bạn bè. Công ty này cũng tự tin rằng tính năng chia sẻ hình ảnh tốc độ cao của Yahoo Messenger sẽ gây ấn tượng mạnh với người dùng nhóm hoặc các gia đình.
Tuy nhiên, đây là cuộc chiến khó khăn. Trong quá khứ, người dùng có xu hướng chọn một ứng dụng nhắn tin vì nó sở hữu tính năng mới (chẳng hạn tin nhắn tự huỷ của Snapchat) hoặc đơn giản là bạn bè, gia đình đều dùng nó (Facebook Messenger). Yahoo Messenger từng sở hữu yếu tố thứ 2, nhưng họ đánh mất quá nhiều người dùng trong những năm qua.
Bonforte cho biết, họ không thể đợi thêm để tái gia nhập cuộc chiến nhắn tin. Ông kỳ vọng Yahoo sẽ “cắt đuôi các đối thủ” trong 2 năm tới.
Đức Nam
Theo Zing
7 sai lầm dẫn đến thất bại của Yahoo
Ngủ quên trên chiến thắng, quá xem nhẹ đối thủ là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của gã khổng lồ công nghệ một thời.
Yahoo đang cân nhắc bán toàn bộ dịch vụ Internet trụ cột của họ, bao gồm Flickr, Tumblr và cả Yahoo.com, theo The Wall Street Journal. Điều này không làm nhiều người bất ngờ. Yahoo đã thoi thóp từ lâu, và đây có thể là hơi thở hắt cuối cùng trước cái chết của gã khổng lồ công nghệ.
Thế nhưng, cái chết chậm rãi này cũng đầy đau đớn, khi đã có thời họ nắm giữ gần như toàn bộ thế giới Internet, tạo nên một đế chế lớn mạnh từ công cụ tìm kiếm, lưu trữ ảnh và mạng xã hội mà ai cũng phải dùng hàng ngày. Sự sụp đổ của Yahoo xoay quanh hai vấn đề cốt lõi: thiếu tầm nhìn và không mạnh tay thâu tóm các đối thủ tiềm năng.
Dưới đây là những sai lầm cơ bản của Yahoo.
Hai lần từ chối Google và xem nhẹ mảng tìm kiếm
Năm 1997, Yahoo từ chối mua lại Google với giá chỉ 1 triệu USD. Theo The Google Story của David A.Vise, Yahoo không muốn người dùng chia nhỏ mối quan tâm của họ.
Yahoo kiên quyết giữ người dùng với các sản phẩm do họ tạo ra. Công cụ Google Search được thiết kế để dẫn đến kết quả nhanh nhất dựa vào các trang web có liên quan đến từ khóa. Trong khi đó, Yahoo Search vừa đưa ra kết quả vừa tìm cách giữ người dùng trên các trang liên quan đến họ, bắt họ xem quảng cáo, mua sắm, kiểm tra email, nói chung khiến người dùng tốn thời gian và tiền bạc hơn.
Năm năm sau, Yahoo từ chối Google một lần nữa. Lần này, họ đã phải dùng công nghệ của Google để nâng cao sức mạnh của Yahoo Search. CEO Tery Semel cố gắng mua Google với giá 3 tỷ USD, dù thị trường đánh giá Google lúc đó đã đạt mức 5 tỷ. Theo một bài báo năm 2007 từ Wired, Semel tuyên bố ông không biết Google trị giá bao nhiêu, nhưng không bao giờ ông mua họ. Đây là quyết định đã khiến ông hối hận về sau.
Lơ là với Facebook
Bản thân Facebook là một chiến binh ngoan cường, khi từ chối 11 lời đề nghị mua lại từ những tên tuổi như Google, Viacom và tất nhiên, Yahoo. Năm 2006, Yahoo gần như thuyết phục được các cổ đông của Facebook bán lại cổ phần, nhưng lại khiến giá cổ phiếu của Facebook tăng lên 1 tỷ từ 857 triệu USD, giúp Mark Zuckerberg thoát khỏi cuộc bán mình.
Từ chối Microsoft vào năm 2008
Năm 2008, CEO Steve Ballmer của Microsoft cố gắng mua lại Yahoo, lúc này đang là công cụ tìm kiếm đứng thứ hai. Vào tháng 2, Yahoo cho rằng 44 tỷ USD mà Microsoft đưa đến là "quá thấp". Theo New York Times, Yahoo "quên rằng họ đang xuống dốc". Yahoo sau đó chỉ thỏa thuận thay trang chủ tìm kiếm với công cụ Bing từ Microsoft.
Không nuôi sống nổi Flickr
Flickr từng độc chiếm mảng chia sẻ hình ảnh trước khi Facebook xuất hiện. Thế nhưng, Yahoo lại không xem Flickr là một mạng xã hội độc lập, như Mat Honan trả lời Gizmodo: "Chúng tôi không mua Flickr vì cộng đồng, giả thiết ở đây không phải để tăng kết nối, mà để thương mại hóa các hình ảnh tải lên. Không có gì liên quan đến người dùng hay cộng đồng của họ cả".
Đó chính là vấn đề, khi các trang web ngày càng tăng tính tương tác, Flickr trở thành viên đá cản đường. Tất cả chỉ có các nhóm, comment, phân loại người dùng với tư cách liên lạc, bạn bè hay gia đình. Yahoo coi Flickr là một kho dữ liệu, và đó là sai lầm lớn.
Không tự xem mình là công ty công nghệ
Yahoo luôn bối rối trong việc xác định họ là công ty truyền thông hay tập đoàn công nghệ. Nhà nghiên cứu Paul Graham cho rằng điều này đến từ thực tế Yahoo kiếm tiền dựa vào quảng cáo hơn là phần mềm như Google hay Microsoft, vì thế họ giống công ty truyền thông hơn dù cách hoạt động lại tương tự các tập đoàn công nghệ. Những năm đầu tiên, Yahoo luôn sợ sệt sẽ bị đánh bại bởi Microsoft nếu đi theo hướng công ty công nghệ vì họ không xây dựng được văn hóa khởi nghiệp tương tự đối thủ.
Tumblr và câu chuyện sát nhập
Tumblr đi theo vết xe đổ của người tiền nhiệm Flickr. Dù CEO Marissa Mayer nhận ra vài sai lầm và mua hẳn mạng xã hội riêng của Tumblr vào năm 2013, Yahoo ngay lập tức chạy quảng cáo trên nền tảng này. Vào tháng 4, Yahoo cố làm mới Tumblr nhưng những thay đổi về thiết kế khiến người dùng nổi giận. Nếu con đường này tiếp tục, GeoCities, Flickr, cùng nhiều cái tên khác sẽ tiếp nối "lời nguyền Yahoo" và thất bại.
Khi đầu tàu lệch hướng
Marissa Mayer chẳng mang lại được thay đổi gì cho Yahoo. Và tất cả mang đến kết quả ngày hôm nay, khi họ chẳng có định hướng gì và đang rao bán chính mình. Chuyện một người vực dậy cả công ty không phải hiếm (cứ nhìn vào Satya Nadella của Microsoft), nhưng có vẻ con đường của Mayer chông gai hơn và tương lai của Yahoo hiện tại vẫn bất định.
Lối đi nào cho Yahoo?
Nếu Yahoo chọn bán từng phần của công ty, đây có lẽ chính là án tử hình lớn nhất kể từ ngày Internet xuất hiện. Còn nếu họ tiếp tục sống lay lắt, chờ đợi một phép màu, có lẽ chúng ta cũng chẳng thể mong chờ gì từ gã khổng lồ này nữa.
Lê Phát
Theo Zing
Yahoo dự định rao bán các dịch vụ Internet Từng là hãng Internet số một thế giới, Yahoo lại đang có ý định gây sốc là bán đi mảng kinh doanh dịch vụ trực tuyến của mình. Theo Wall Street Journal, ban lãnh đạo Yahoo đã tiến hành một loạt cuộc họp trong tuần này để cân nhắc việc có nên bán đi mảng kinh doanh cốt lõi của họ hay không...